Bài viết tặng Ngân nhưng Cúc xem kỹ để lên giây cót ông xã của Cúc nhe 😀
Hài hước chuyện trai nuôi vợ đẻ
Mấy đồng nghiệp tán chuyện… đẻ. Một em trêu “mì chính cánh” là tôi: “Phòng này anh sướng nhất, chả bao giờ phải lên bàn đẻ”. Ôi trời. Các em hơi bị chủ quan đấy. Gì chứ lên bàn đẻ thì anh đây cũng từng. Hồi đưa vợ đi sinh nhóc Hương, đêm đầu ở bệnh viện, tôi đã phải tót lên nằm trên cái …băng ca có cả pê-đan, cả bánh xe để ở góc phòng, trùm chăn kín mít để trốn mấy tay bảo vệ đi lùng sục đuổi người nhà ra ngoài. Cái băng ca đó hôi rình, còn mấy mụ bà đẻ thì cứ khúc khích cười.
Phòng có 5 bà thì mỗi vợ tôi là có chồng ở lại chăm nom, còn mấy ông kia không thấy đâu. Sáng dậy, tôi phải xách 5 cái cặp lồng xuống căng tin mua đồ ăn sáng cho cả 5 bà, vừa đi vừa lẩm nhẩm: “Này là cháo thịt, này là cháo đường, này là sữa đậu nành…”. Thế mà cuối cùng vẫn nhầm. Đem về, có mụ lại còn dỗi không ăn nữa chứ. Cứ nghĩ: “Má ơi, ông nào có năm bà vợ thì chắc chết sớm!”.
Hôm sau, vợ tôi chuyển lên nằm phòng dịch vụ. Phòng này cả bốn bà đều sinh mổ và có đủ bốn ông chồng chăm sóc, cưng chiều. Mấy nhóc toàn phải nằm lồng kính, dây nhợ lằng nhằng như phi hành gia. Thế là kế hoạch tắm bia cho con trắng trẻo hoàn toàn bị phá sản. Mấy ông chồng rủ nhau gom bia ra bờ hè ngồi uống, cười ngất ngư.
Còn nhớ, hôm chờ vợ đẻ, tôi đang tranh thủ ăn nốt cà mèn phở để lấy sức thì nghe loa khẹc khẹc gọi: “Người nhà TTTX vào lấy tư trang…”. Hết hồn, vì thoáng nghĩ: “Bị sao thế? Đi rồi à?”. Chạy vào trong thì thấy vợ mặt méo xệch, vẫy chồng lại gần, tháo chiếc nhẫn trên tay, run run lồng vào ngón út cho. Tôi cười hề hề: “Hôm cưới thì không trao, chờ đến lúc đi đẻ mới trao nhẫn à?”. Mấy em hộ lý nín cười. Một em giúi vào tay tôi bọc quần áo, vừa lườm vừa gắt: “Ra kia chờ! Sốt ruột!”.
Ngồi chờ ngoài hành lang phòng mổ, tôi hồi hộp quá chừng. Lúc nãy nghe mấy em thực tâp nói loáng thoáng: “Sao lại sờ thấy hai cái đầu tròn tròn, chắc là sinh đôi!”. Sau này mới biết, lúc đấy nhóc Hương nằm ngang, và các em ấy sờ phải mông của nó. Nó bị kẹt không ra được mới phải mổ. Mà buồn cười là nó chỉ nặng có hai ký mốt, nhỉnh hơn chai bia Vạn Lực của Trung Quốc bây giờ một chút…
Không biết lúc mổ để bắt con ra, người ta có bỏ hết bộ lòng của sản phụ ra ngoài không mà mới nằm chưa ấm chỗ, mấy bà y tá đã giục: “Dìu mấy cô ấy đi đi lại lại, chứ không là rối ruột đấy”. Thế là từng đôi dìu nhau chầm chậm như nhảy đầm điệu slow. Chốc chốc y tá lại hỏi: “Đánh hơi được chưa? Đánh hơi chưa?… Mệt quá!”.
Hôm sau, một bà y tá vào phát cho bốn ông bốn cái ly nhựa, bảo: “Bây giờ phải lấy sữa non cho các em bé trên lồng kính uống”. Bà ấy giảng về tác dụng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, rồi dặn dò: “Mấy anh vắt sữa đi nhá! Của ai nấy vắt”. Tôi hỏi: “Vắt bằng máy hả chị?”. “Làm gì có máy! Thủ công thôi… Là mấy anh dùng tay mà bóp! Mạnh vào không là về nhà mất sữa đấy”. Ôi trời! Thế là bốn cặp ngồi vắt. Của ai nấy vắt! Các nàng ngượng, mặt đỏ bừng. Nhìn cái cảnh ấy, tôi buột miệng nói một câu tai hại vô cùng: “Này, bọn mình trông cứ như ở trong… công viên Lê Văn Tám ấy nhỉ!”. Thế là mấy nàng ôm bụng cười, sữa văng tung tóe. “Thôi, thôi… Anh đừng nói giỡn nữa. Em cười bung chỉ bây giờ”. Hú hồn, nghe nói có người từng bị bục vết mổ chỉ vì vài cơn ho nhẹ thôi đấy.
Còn về chuyện “nuôi sữa” cho bà xã, tôi còn nhớ và hãi đến tận bây giờ. Cứ nhìn món chân giò lợn hầm với đu đủ là thấy nhói ở hai bên ngực rồi. Chả là bà ngoại ngày nào cũng hai cặp lồng ứ ự như thế với tham vọng con gái có nhiều sữa cho cháu bú. Nhưng lần nào vợ tôi cũng chỉ húp lấy lệ rồi nhăn mặt buông thìa. Tôi bảo bà ngoại đem về thì bà gắt: “Thì mày ăn đi chứ đem về làm gì!” Tôi cười: “Ăn thế rồi con lại nhiều sữa thì sao?”. Bà ngoại vừa “sư mày” vừa quay ngoắt bỏ đi.
Sau mấy bữa chân giò lợn đu đủ ấy, cứ vào nhà tắm là tự dưng tôi lại đứng trước gương ngắm hai bầu ngực xem có biến đổi gì không. Sữa thì chả biết có hay không, nhưng chắc cũng bổ dọc bổ ngang, bổ lang thang đâu đó nên tôi trông… phởn phơ hẳn ra. Chuyện! Được ăn tốt, lại ngủ khỏe nữa mà.
Phải công nhận, giấc ngủ của mấy cha chăm vợ đẻ là “vô tiền khoáng hậu, nó mê mệt và sâu hun hút. Đến nỗi, có cha bị vợ ném vào người cả cái quạt, cả cuộn giấy vệ sinh mà chẳng thấy cựa, vẫn rít ro ro. Sáng dậy, sau một hồi hai vợ chồng cự cãi, cha này bỗng nảy ra sáng kiến: “Được rồi! Tối nay anh lấy cái tã cột vào chân, khi nào cần thì em giật giật anh dậy! Được chưa? Mệt, buồn ngủ thấy bà”. Sáng kiến này quá hay. Nhờ thế mà mấy đêm sau các ông chồng được ngủ thoải mái. Vợ cần dậy đi “cái kia” thì cứ giật giật tã là xong. Cha này còn có một chiêu lạ là cứ cô y tá nào mới xuất hiện lại nhìn chằm chằm vào… ngực, trông rất đáng ngờ. Sau cha ấy mới giải thích: Nhìn vào cái băng tên để khi cần thì gọi “Lan ơi!”, “Ngọc ơi!” cho nó tình cảm, nhờ vả nó dễ! Sau này tôi truyền lại những kinh nghiệm này cho mấy đứa em đi chăm vợ đẻ, đứa nào cũng khen hay, hay!
Vài hôm sau nữa, khi đã quen nhau hơn và chắc là vết mổ đã bắt đầu lên da non, các em cũng bắt đầu tán dóc, cũng tếu ra phết. Nằm thiu thiu trên ghế bố, tôi nghe các em bảo nhau: “Tụi mình sinh mổ cũng hay, vì không đụng tới cái kia, coi như vẫn còn zin, chồng nó đỡ chê, hê hê”. Tôi mới trở mình “e hèm”, một em giật mình thốt hỏi: “Anh có nghe thấy gì không? Hí hí”. “Có, anh có nghe rõ ạ. Tại anh còn zin mà, màng nhĩ ngon lành”.
Đến khi mấy nhóc được rời khỏi lồng kính trở về với vòng tay của mẹ thì tôi hầu như chẳng còn thời gian mà ngó ngàng chuyện bên ngoài nữa. Tôi chỉ thấy hơi ngượng khi ai đến thăm cũng cứ bảo: “Ôi! Con bé giống cha như lột!”. Mới có 7 – 8 ngày thì trông đứa nào chả giống đưa nào, mặt nhăn như… tổ tiên ấy mà.