Du lịch châu Âu

1. Thứ 6 ngày 26.5 11:30pm máy bay cất cánh từ Miami. Chuyến bay hãng Iberia đầu tiên đối với cả nhà. Máy bay phục vụ ăn 2 bữa. Đến đoạn cuối, bà nội Khôi bị mệt tim còn bố Khôi bị chóng mặt và xây xẩm. Nhưng rồi cũng qua.

2. Thứ 7 ngày 27.5 1:30 chiều tới Madrid, Tây Ban Nha (TBN ). Làm thủ tục hải quan và đi lấy xe mướn. Lúc ra lấy hành lý mới nhận ra Khôi để quên kính trên máy bay. Phải đứng chờ kết quả cả tiếng và cuối cùng là người ta hẹn ngày hôm sau quay lại. Bước ra khỏi khu vực lấy hành lý, đến chỗ thân nhân đứng đón, nhìn cảnh cả trăm ngưòi đứng chen chúc đợi thân nhân lại thấy sao giống Việt Nam quá. Không ai biết rằng đây mới chỉ là điểm giống Việt Nam đầu tiên. Đến đoạn ra thuê xe cũng nhiêu khê. Xe thuê trước người ta bảo không có và nếu có cũng chỉ có số tay. Đất khách quê người, ngôn ngữ lạ, người ta nói sao thì phải chịu vậy. Phải đi tìm thuê xe khác. Đứng xếp hàng cả tiếng và hỏi qua lại 2, 3 chỗ rồi cuối cùng có được 1 chiếc xe nhỏ 5 chỗ ngồi, số tự động và chạy bằng dầu (diesel), giá tổng cộng bao gồm cả bảo hiểm là $800 cho 15 ngày. Chạy xe ra khỏi phi trường và đi đến khách sạn. Lúc này mới nhận ra đường xá ở TBN không dễ chạy như bên Mỹ. Đường hẹp, rẽ đôi, chẽ ba và bảng báo không rõ ràng và đầy đủ nên chạy lòng vòng mất khá lâu mới đến đuọc khách sạn. Chưa phải đã xong. Bãi đậu xe nằm dưới lòng đất. Sau khi chạy xe xuống dốc cao và bẻ cua gấp thì gặp nhà hầm chứa xe cũng rất hẹp, điện sáng mù mờ. Đang loay hoay đi bộ tìm đường ra thì đèn tắt. Đây là những kinh nghiệm đầu tiên về tính tiết kiệm năng lượng nói riêng và mọi thứ nói chung (giấy chùi miệng, toilet, nướng uống công cộng,…) của người Châu Âu .

Chạy xe vào trung tâm Madrid cho biết và tìm hiểu ẩm thực đất nước đấu bò tót và ném cà chua này. Lại 1 phen phiêu lưu. Loanh quanh hoài không tìm đưọc bãi đậu xe nhưng vô tình thấy 1 bảng parking trước cửa 1 cái giống như căn hộ tư. Mẹ Khôi phải xuống xe dơ tay cản đường để bố Khôi de xe ngược lại tại 1 đoạn đường 1 chiều để có thể quẹo gắt 90 độ vào đây. Vào tới nơi thì thấy lo âu sợ không có lối ra vì đường chật chỉ đủ 1 xe chạy mà lại là đường 2 chiều. Các xe đậu sát nhau đến mức tài xế phải leo từ bên khách ngồi mới vào lọt. Rồi cũng xong. Đi dạo mấy con đường nhỏ và lát gạch ở Madrid. Ghé vào 1 quán ăn trong khu ăn uống tấp nập người qua lại. Không còn nhớ mọi người ăn gì nhưng hình như ai cũng hài lòng bữa đó. Trên đường về, bố Khôi thả mọi người xuống mua trái cây tại 1 tiệm tạp hoá ven đường. Thả xuống hết rồi mới giật mình lo âu! Tại sao? Vì không có ai ngồi bên cạnh cầm phone xem bản đồ và GPS trong khi đường xá ở đây cắt ngang cắt dọc và cong quẹo không định hướng được. Mà phone của bố Khôi lại sắp hết pin. Đậu xe 1 chỗ thì bị kẹt đường người ta vì đường chỉ đủ 1 xe chạy mà chỗ đậu xe tạm thì không có. Đường lại không dễ để chạy vòng tròn. Nếu chẳng may, trong khi chạy chầm chậm lòng vòng, mình có thể đi xa điểm hẹn lúc nào không biết. Nhưng rồi cuối cùng cũng đón đuọc tất cả sau khi mọi nguòi đứng chờ vài phút. Không ai biết đây sẽ chỉ là một trong vô vàn những cái may mắn nho nhỏ trong suốt chuyến đi.

Cuối cùng cũng đi đến được cung điện hoàng gia TBN, quảng trường Plaza Mayor. Quay trở lại khách sạn Maydrift ngủ khi đã 11 giờ tối, mặc dù đường xá vẫn còn đông nghẹt người.

3. Chủ Nhật ngày 28.5, khoảng 9 giờ sáng nhận đuọc tin nhắn của bác Thục cho biết mấy mẹ con bác đang ở ngoài phi trường. Mấy mẹ con bác đi vé standby từ Phoenix tối thứ sáu, cũng khoảng cùng giờ với nhà Khôi, nhưng phải ghé phi trường ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsyvinia đợi 12 tiếng. Bác Thục ngủ không được bao sau hai đêm lăn lộn vật vã ở phi trường và trên máy bay nên lúc này chỉ còn cái xác! Đám con nít gặp nhau ríu rít nô đùa vang cả 1 góc phi trường. Ở Mỹ không sao, nhưng ở châu Âu, vốn đã ít con nít mà nếu có thì con nít ở đây cũng ít ồn ào hơn, huống gì xứ sở này hình như người ta không thích trẻ em như bên Mỹ. Có lẽ vì vậy mà cứ nghe nói châu Âu cần có di dân đến vì dân số đang lão hoá… Ra thuê 1 chiếc xe cho nhà bác Thục vì 1 xe không đủ. Lại đứng xếp hàng chờ gần nửa tiếng. Ở xứ này ngưòi ta làm việc tàn tàn hơn bên Mỹ. Có xe xong lại phát hiện xe số tay nên phải quay vào đổi xe khác. Xong hết đâu đấy là đã 11 giờ trưa. Bác Thục chạy xe đi theo sau xe bố Khôi. Chạy đến Zaragoza cách Madrid khoảng 300km, gần 3 tiếng chạy xe. Đoạn đường này nhìn thấy một số nhà cửa bỏ hoang 2 bên đường. Trên đường đi, khi mẹ Khôi buồn ngủ và cũng đã quá trưa, mẹ Khôi, khi đó đang lái xe dùm bác Thục, tấp vào một quán ăn ven xa lộ. Quán nhỏ và khi bước vào cũng không thấy hương vị hay không gian bắt mắt nhưng mọi nguòi cũng bấm bụng ăn thử! Kết quả là có 1 bữa ăn tồi nhất trong toàn bộ chuyến đi châu Âu! Món đáng nhớ nhất là chim cút luộc trắng nhạt bỏ thì thương mà vương thì tội!
Mọi người đến Zaragoza và ghé thăm cung điện Aljafería Palace do người Hồi giáo Bắc Phi xây dựng từ thế kỷ 11 trong suốt 700 năm văn minh Moorish Hồi giáo chiếm đóng TBN. Chỉ có xe bác Thục đậu được đối diện cung điện còn bố Khôi phải đậu cách đó hơn nửa cây số. Cung điện mang kiến trúc Hồi giáo với những cổng vòng cung với đỉnh nhọn và nhiều trạm trổ hình học trên tường. Đi lên lầu thì gặp kiến trúc và những nghệ thuật Công giáo sau khi người Công giáo TBN chiếm lại bán đảo này. Có bức tranh vẽ hình huy hiệu hoàng gia với cảnh người Moors bị cắt đầu, thật rùng rợn. Một chút lịch sử đất nước này: năm 1500 khi người Công giáo TBN lấy lại toàn bộ bán đảo này mới có tên gọi nước Tây Ban Nha như bây giờ. Sau khi người Hồi giáo bị đuổi ra khỏi TBN thì nước này được thành lập từ sự sát nhập giữa 2 vương quốc: Castille và Aragon.

Thời giờ luôn theo đuổi sát gót, mọi người lên xe và chạy thẳng 1 mạch đến Barcelona. Tới Barcelona khoảng 10 giờ tối. Đến Barcelona thấy thành phố rộng rãi và hiện đại hơn Madrid. Nhưng lại không thấy đông như Madrid vào cùng giờ này. lòng vòng 1 hồi cũng tìm ra đuọc chỗ đáng để ghé chân. Đó là 1 điểm ăn uống ngay sát biển, nhìn ra là thấy các du thuyền neo đậu. Khu phố này có rất nhiều nhà hàng Trung đông và thấy người ta uống thuốc ống giống thuốc lào ở Việt Nam với mùi thuốc nồng nặc xông vào mũi. Mùi thuốc này nặng, quyện với mùi thuốc lá vốn vẫn còn rất phổ biến ở châu Âu (hơn nhiều bên Mỹ), khiến mọi người cứ phải tìm cách đi bộ tránh xa. Cuối cùng cũng tìm được 1 tiệm để ghé vào ăn, tìm 1 chút cảm giác địa phương. Nhà hàng ồn ào tiếng nhạc sống do một nhóm người chơi các loại nhạc cụ ngồi chung quanh riêng 1 bàn. Nhà hàng lịch sự và tuy rộng rãi vẫn kín hết chỗ khiến mọi người cảm giác hài lòng, trông đợi được thưởng thức hương vị của người Catalina. Kết quả là đồ ăn chỉ thuộc trung bình thấp. Ly chén vẫn có mùi và đồ biển còn chút vị tanh… Cũng có thể chỉ có bố Khôi khó tánh. Trong bữa ăn, bà nội và mẹ Khôi là 2 người vỗ tay to nhất tán thưởng tiếng nhạc của ban nhạc ngồi cách bàn nhà mình chỉ vài sải tay. Mọi nguòi ra xe chạy về khách sạn (thuê 2 phòng tại HLG City Park). Chỗ đậu xe ở đây cũng dưới hầm và cũng chứa nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh nhưng có phần đỡ bệ rạc hơn khách sạn ở Madrid. Đến khi nhắm mắt trên giường là đã 1 giờ hơn.

4. Thứ 2 ngày 29.5, sáng trả phòng và lái xe vào trung tâm Barcelona chơi 1 lần nữa. Buổi sáng thứ 2, Barcelona ồn ào đông đúc rất giống Việt Nam. Tiếng xe máy và những con đuòng nhỏ khiến cả nhà không ngớt bình luận so sánh với Việt Nam suốt đoạn đường. Tìm được chỗ đậu xe gần 1 tiệm điện tử. Mọi người ghé vào đây để mua ổ biến điện vì ổ điện bên châu Âu là ổ tròn chứ không phai ổ vuông hình chữ nhật như bên Mỹ. Suốt 2 ngày qua không thể nào sạc điện thoại được ngoại trừ 1 lần mượn ổ biến điện của khách sạn. Ngoài ra còn mua thêm 1 dây sạc điện USB loại sạc nhanh. Đi chơi xứ lạ mới nhận ra mình lệ thuộc vào phone như thế nào: xem đường, thuê khách sạn qua Internet, gửi tin nhắn hoặc khi cần thì gọi điện thoại (dù giá rất mắc: 20 xu 1 phút), và còn phải chụp hình nữa!. Trong khi đứng chờ, Ý Viên đòi đi đại tiện. Bác Thục phải mua một món ăn vặt trong một tiệm ăn nhỏ để có chỗ đi vệ sinh cho hai bác cháu vì ở đây không tìm ra được toilet công cộng. Nhà xí của họ phải đi nghiêng người mới lọt. Nước dội được đựng trong 1 thùng treo trên cao. Rồi cũng xong, YV chả cằn nhằn gì!

Đứng chụp hình tại quảng trường trước 1 nhà thờ cổ xong đâu đấy, bố Khôi kéo cả nhà vào ăn 1 tiệm phục vụ tapas truyền thống của TBN. Nhà hàng đông nghẹt người nhưng may mắn họ có tầng hầm nên vẫn có bàn cho nhóm 9 người nhà mình. Nhà hàng lịch sự, sạch sẽ, lại có không gian riêng vắng vẻ dưới hầm tha hồ cho bọn trẻ Mỹ con tự tung tự tác. Đồ ăn là những món nhỏ 2.50 Euro một phần, đa số là một món gì đó để trên miếng bánh mì. Có cả sushi, thịt bò, hot dog, tất cả chỉ 2.50 Euro 1 phần. Khá thích hợp với nhà mình vì khi đi ăn chỗ lạ không muốn bị gọi lầm!

Xong đâu đấy, mọi người mở GPS trong phone và đi bộ về chỗ đậu xe. Lên xe xong là tiếp tục mở bản đồ trên phone và tìm đuờng ra xa lộ chạy qua Pháp. Trong khi loay hoay tìm đường lên xa lộ, bố Khôi quyết định quay xe chạy 1 vòng lên núi Montjuic, nơi có 1 thành cổ và nhiều viện bảo tàng sừng sững nằm ngay giữa thành phố. Tuy không có thời giờ thấy những địa điểm đó nhưng chỉ 1 vòng chạy lên núi là đã thấy đáng thời gian eo hẹp đoàn du lịch nhà mình có được. Sừng sững ngay chân núi là toà nhà Quốc hội Catalina cao to đến nỗi chạy vòng lên cao núi vẫn còn thấy chỏm toà nhà. Không kềm được lòng tham, bố Khôi kêu dừng 2 xe ngay giữa đoạn đường vắng và ra đứng ven sườn núi chụp cảnh toàn thành phố nằm phía dưới với đủ mọi sắc màu đặc trưng kiến trúc sặc sỡ của đất nước TBN, mặc dù không được thấy rõ lắm trong hình.

Cuối cùng rồi cũng rời được Barcelona lúc 2 giờ trưa để lên đường đi Marseille, thuộc miền nam nước Pháp. Đoạn đường này tốt hơn đoạn từ Madrid đi Zaragoza. Giống nhiều nước khác ở Âu châu, miền bắc TBN có đời sống khá giả hơn miền nam. Dự định ban đầu là sẽ ghé Avignon thăm nơi các Giáo hoàng ngày xưa ở khi Giáo hội bị chia cắt hồi thế kỷ 14, nhưng vì nhẩm tính không đủ thời gian nên phải quyết định chạy thẳng tới Marseille. Trên đường đi nhận được tin nhắn từ Kim là Kim đã đến nơi và hẹn sẽ gặp Kim lúc 7 giờ tối. Kim cũng khá truân chuyên mới đến Marseille được. Kim khởi hành từ Washington DC và đi standby của hãng British Airways (BA) qua Luân Đôn nhưng tại đây hệ thống vé của BA bị lỗi suốt 2 ngày cuối tuần khiến Kim và vô số hành khách tại đây phải ngủ qua đêm tại phi trường trong khi chờ đợi. Cuối cùng Kim đi xe điện từ Luân Đôn qua Paris rồi đổi xe điện khác đi tiếp đến Marseille vì biết lịch trình của gia đình là sẽ ghé Marseille vào chiều tối thứ 2. Gặp Kim tại ga xe điện và sau khi dồn nhét thêm hành lý của Kim vào đều 2 xe, cả nhà chạy đi tìm căn hộ đã thuê trước. Lòng vòng đi tìm nơi ngủ qua đủ các đường phố khác nhau của thành phố cảng miền nam nước Pháp, nơi mà ông ngoại của bố Khôi và bao nhiêu thợ thuyền Việt khác đã từng ở đây trước và trong thế chiến thứ hai. Chạy xe qua 1 cây cầu cao và dài, qua hầm rồi đến đoạn đường núi quanh queo và chật hẹp. Trong những đoạn vòng vèo đó, có lúc chạy ngang qua 1 nhà thờ cổ và to như chưa từng thấy trong cái ánh sáng mờ nhạt khi mặt trời chỉ còn là 1 chút ánh hồng mãi tận chân trời. Nhìn nhà thờ sừng sững uy nghiêm mà huyền bí nhưng vì đang lo âu tìm đường nên không còn tâm trí thưởng ngoạn hay nhảy xuống chụp hình.

Cuối cùng rồi cũng đến con hẻm vào nhà. Con hẻm nhỏ như mấy hẻm ở Việt Nam với chỉ 1 chiếc xe rưỡi chạy lọt. Hai xe qua mặt nhau phải né nhau tại ngã ba vì có 1 chút không gian rộng hơn. Có 1 người đang đứng đợi. Đến chào và thế là biết đúng người rồi! Người ta dẫn đi xem 2 căn hộ và dặn dò tỉ mỉ: khoá cửa làm sao, mở nước làm sao, chăn gối để đâu,… “Bon nuit” và “au revoir” xong, người ta đi về còn gia đình mình thì bắt dầu dỡ hàng. Xong đâu đấy, mọi người quyết định đi ăn 1 tiệm Việt Nam mà mẹ Khôi tìm thấy gần chỗ ngủ.

Thật là một buổi tối không may mắn! Chỉ 1 cái rẽ bị bỏ lỡ và dù nhận ra chỉ 5 mét sau đó cũng phải bấm bụng chạy hết con đường đi lộn chờ tìm chỗ quay đầu lại. Nhưng “họa vô đơn chí”, lại thêm 1 cú rẽ sai nữa, rồi sai nữa. Cứ thế lòng vòng quanh thành phố Marseille đến nỗi tưởng như mình đã chạy hết nó. Bố mẹ Khôi đổi tay lái để bố Khôi xem bản đồ. Xe bên kia gửi tin nhắn hỏi đi đâu mà bố Khôi đâu có thời gian để trả lời vì mắt phải dán vào GPS trong phone. Bà nội Khôi lo lắng càu nhàu tại sao lại đi ăn xa như vậy! Có ai biết đâu! Mất hơn nửa tiếng lòng vòng Marseille vào ban đêm với những cú quay đầu xe giữa đường và cảm giác có lúc gần đến hoang mang và mất hết tự tin thì bắt đầu nhận ra được làn xe trên GPS ăn khớp với đường mình chạy xe. Cuối cùng chạy qua lại được đường hầm về phía bên chỗ ngủ, và phải bỏ ý định ăn tiệm Việt vì đã quá trễ. Đã mất công chạy lòng vòng như vậy mà về phòng rỗng bụng thì phí quá nên mọi người đi bộ loanh quanh khu ăn uống địa phưong gần đó. Đi hỏi loanh quanh mới biết người ta chỉ còn bán thức uống (chủ yếu là bia rượu) vào giờ đó (đã 12 giờ khuya). Thế là phải chấp nhận ghé vào McDonald cũng ngay đó. Gọi mấy món quen thuộc: french fries, salad, chicken nugget, sandwich,… McDonald ở châu Âu vào đêm vẫn nhộn nhịp. Nhà hàng ăn nhanh này hiện đại và khang trang hơn so với các tiệm khác bên Mỹ. Nhân dịp ăn bất đắc dĩ mới cảm nhận được cái văn hoá sau 11 giờ đêm, dân Pháp chỉ còn có McDonald để tìm thức ăn lót bụng.

Mọi người về đến khách sạn là đã quá 1 giờ sáng. Bà nội ngủ với nhà Khôi ở tầng duới, còn Kim ngủ với nhà bác Thục ở căn hộ trên vì nhà Khôi có 2 cái va ly to nhất.

5. Thứ 3 ngày 30.5, sáng bác Thục xuống gõ cửa nhà cậu Ngân khi nhà cậu còn đang ngủ say. Mọi người dậy, chuẩn bị đồ đạc và để lại chìa khoá nhà trên bàn trước khi kéo va ly ra xe. Mọi người chạy 2 xe ra một nhà thờ cổ gần đó và cũng là nơi có hàng quán ăn uống. Đi thăm nhà thờ và chụp vài tấm hình nhìn xuống thành phố vì nhà thờ nằm trên một phần đất cao. Mọi người tản bộ vòng quanh và vô tình ghé vào 1 tiệm bánh mì có người chủ có vợ là người Việt. Lại ghé vào 1 tiệm tạp hoá bán rau quả mua tí trái cây đem lên xe ăn. Ở đây nhớ nhất có bán dâu tươi, nhỏ nhắn nhìn rất xinh và ăn cũng ngon. Cảm giác như thấy dâu Tây trong hình ảnh khi còn ở Việt Nam. Mọi người ghé vào 1 tiệm cà phê Pháp vừa nhâm nhi cà phê vừa gọi vài món điểm tâm ăn cho “giống Tây”. Cũng mấy món quen thuộc của Pháp: bánh mì, trứng, bơ, pa tê. Đây là bữa ăn ngon và có không gian hợp ý với gia đình: quán nhỏ và bình dân, nhìn ra đường. Vừa cảm nhận được không khí sinh hoạt buổi sáng của người Pháp tại một khu phố nhỏ, vừa miên man nhớ không khí ở Việt Nam ngày nào với tiếng xe gắn máy, tiếng xe cảnh sát thỉnh thoảng thổi kèn chạy qua và người dân đi bộ qua lại trên lề đường.

Mọi ngươi bắt đầu lái xe rời Marseille đi Florence khoảng gần 11 giờ trưa. Để cho đoạn đường bớt dài, bố Khôi quyết định ghé thành phố Nice ăn trưa và để cho biết. Một quyết định may mắn. Thành phố Nice đẹp tuyệt vời với bãi biển hình trăng khuyết và được bao bọc bởi núi cao. Nhà cửa phố xá chen lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Không giống Madrid với nhiều cảnh nhà bỏ hoang và quần áo phơi ngoài lan can, Nice ngăn nắp nhưng vẫn nhộn nhịp. Người và xe như mắc cửi dọc theo bờ biển. Sau khi “chấm” điểm để đi dạo, xe nhà Khôi, vốn luôn chạy trước, quẹo vào đường nhỏ theo bảng chỉ dẫn đến chỗ đậu xe có chữ “P” và rẽ vào 1 bãi đậu xe nhỏ. 5 đứa con nít trên 2 xe lại có dịp ríu rít, nô đùa với nhau trong khi người lớn đi tìm chỗ ăn. Thỉnh thoảng mọi người lại dừng trước một khách sạn có trồng một loại hoa đẹp hay giống ở Việt Nam. Mọi người ghé vào 1 nhà hàng nhìn ra biển đối diện phía bên kia đường. Ở đây có 1 người đánh đàn piano khá hay nhưng đặc biệt là ông còn vui vẻ đánh theo yêu cầu của gia đình mình nữa. Bữa ăn hôm đó cũng hợp khẩu vị và không có gì phải phàn nàn. Ăn xong, mọi người đi dạo dọc theo bờ biển trên đường trở về bãi đậu xe.

Lên xe rời Nice và tiếp tục hành trình đến Florence. Đến chiều khoảng 6, 7 giờ mọi người lại ghé Genova ăn tối ở đây. Đoạn đường từ Nice, Pháp đến Genova, Ý là đoạn đường 1 hay 2 trăm km đẹp nhất trong tất cả những cung đường bố Khôi đã đi qua, và hình như của tất cả những ai trong đoàn: đẹp hơn đường đèo Hải Vân, đường số 1 chạy dọc biển ở Cali hay đưòng ở Grand Canyon, Arizona,… Thiên nhiên mỗi nơi mỗi vẻ nhưng đoạn đường từ Nice đến Genova có cả biển và núi cao. Những cây cầu cao chót vót bắc ngang qua hai đỉnh núi, đâm xuyên núi, vừa chui ra từ hầm này lại chui vào một hầm khác. Chung quanh núi và bên dưới chân núi cũng như ngay cả trên sườn núi là những làng mạc, nhà cửa nhìn thơ mộng giống trong truyện tranh. Hiếm có cảnh bỏ hoang mà luôn là những vườn trồng trọt ngay hàng thẳng lối, nhà cửa tịch mịch trên sườn núi giữa đại ngàn xanh rợp cây cỏ. Cũng có những ngọn núi không có nhà cửa, và cũng có những chân núi không có nhà dân mà chỉ có sóng biển đánh tung bọt miệt mài.

Đoạn đường chỉ khoảng 200km nhưng có đến gần cả trăm cái hầm. Cứ có núi, đồi, hay ụ đất cao quá đầu xe hàng là người ta làm hầm chui qua. So với bên Mỹ, hầm chui qua núi giữ được cảnh quan thiên nhiên hơn và giữ đưọc không gian văn hoá trên đầu hầm: nhà cửa, làng mạc không bị thay đổi, chia cắt khi có đường đi qua bên dưới. Nếu có thời gian, dừng lại ở một trong những ngôi làng chắc sẽ còn tuyệt vời hơn nữa

Genova cũng có núi quanh và nhìn ra biển, nhưng biển ở đây không có hình vòng cung như Nice và là vì thành phố cảng nên có nhiều tàu bè ngoài khơi. Chạy ngang qua đây không thể không thấy mấy chiếc du thuyền (Cruise) neo đậu ngay trước mặt thành phố. Genova không đẹp như Nice nhưng cổ kính hơn, tuy cũng có những cảnh nghèo nàn hơn với nhiều nơi người ta treo quần áo ngoài ban công và hình vẽ graffiti trên nhiều toà nhà. Mọi người chọn đại 1 nhà hàng có vị trí nhìn ra biển và tìm chỗ đậu xe rồi đi bộ đến đó. Nhà hàng này cũng đặc biệt: nó nằm trên 1 đồi nhỏ nhìn ra biển. Bên cạnh nhà hàng là 1 sân chơi đá banh mini có lưới bao bọc để tránh không cho banh rớt xuống biển. Mọi người lại có 1 bữa ăn hài lòng ở đây với mấy món đặc trưng của Ý: pizza, pasta, spaghetti. Cuối bữa ăn, Khôi bất ngờ được bồi bàn đem bánh kem ra mừng sinh nhật (do mẹ Khôi hỏi và đặt trong khi mọi người còn đang ngồi ăn). Chiếc tàu Cruise khi mọi nguòi mới đầu ăn bây giờ chỉ còn là 1 ánh đèn le lói ngoài khơi. Đó cũng là lúc mọi người đứng lên đi ra xe để tiếp tục hành trình còn lại.

Trời đã tối sầm và 2 xe lại chạy nối đuôi nhau trên xa lộ Ý hướng về Florence, 1 thành phố nằm giữa nước Ý, cách Genova, Milan, Venice và Rome gần như đều nhau đúng 2 tiếng rưỡi theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc.

Khi còn cách Florence 1 tiếng là lúc bố mẹ Khôi nhận ra khách sạn mình mướn ở Florence trước đó có thể không vào được nữa! Đọc kỹ hợp đồng trong email mới biết văn phòng họ đóng cửa lúc 10 giờ trong khi mình chỉ có thể đến Florence sau 12 giờ đêm.

Buổi tối lạc đường ở Marseille là buổi tối đầy lo âu nhưng còn chưa ảm đạm bằng cái đêm loanh quanh tìm khách sạn ở Florence. Tưởng chừng mọi người phải thức trắng đêm hôm đó! Trung tâm Florence nơi bị hụt khách sạn là thành phố cổ thời Phục Hưng với những con phố nhỏ hẹp cắt ngang dọc. Giữa 2, 3 giờ sáng mà vẫn còn người qua lại trò chuyện rầm rĩ trên nhiều con phố ở đây. Chạy vòng quanh tìm khách sạn cũ để hỏi cho ra chuyện mà không thành thì may mắn gặp 1 người Ý tốt bụng giúp chỉ đường đi tìm khách sạn khác. Bố Khôi tính sẽ ngủ trên xe vì trời đã gần sáng nhưng vì bà nội Khôi phản đối quyết liệt nên đành chấp nhận bỏ thêm hơn 200 đô thuê 2 căn phòng sơ sài chỉ với 4 cái giường đôi trơ trọi. Khách sạn lại không mở cầu thang máy nên phải khệ nệ khiêng va ly lên mãi lầu ba. Cũng may người quản lý khách sạn là 1 thanh niên dễ tính nên mọi người cứ tha hồ nhờ!

Trong khi người ta đi chỉ phòng cho mình, bố Khôi bấm bụng hỏi luôn 1 câu hơi tế nhị về cái bồn nhìn hơi lạ nằm ngay kế bên cạnh bồn cầu. Mấy hôm qua cả nhà đi ngủ ở đâu cũng thấy cái bồn này. Nó nửa giống bồn cầu vì cũng thấp như vậy, nhưng lại giống bồn rửa mặt vì có nút vặn nước lạnh và nóng. Cả nhà cứ đoán già đoán non: bồn tắm cho em bé, bồn tiểu tiện, bồn tiểu cho con nít,… Lần này bấm bụng hỏi cho ra lẽ. Anh chàng giới thiệu phòng cười nói: nó gọi là “bidet” tức là bồn rửa ráy hậu môn sau khi đi đại tiện! Sau này về lại Mỹ vào mạng gõ thử thì thấy có 1 cách giải thích tại sao bên Mỹ không có là vì ở Mỹ xài phí phạm giấy hơn bên châu Âu!

Bác Thục và bố Khôi đi đậu xe cách đó khoảng nửa cây số. Đến sáng ra bố mẹ Khôi đi lấy xe mới biết đậu sai vì ở đó chỉ dành cho ai có giấy phép. Đúng là điếc không sợ súng!

Suốt hai ba tiếng loanh quanh tìm phòng, có những lần 2 xe chạy vào 2, 3 con hẻm nối liền nhau giống trong phim Hollywood. Có lúc xe trước bị kẹt, xe bác Thục theo sau phải lùi lại. Lại có lúc bố Khôi phải xuống xe làm lơ chỉ đường cho cả 2 xe. Đang chạy như vậy mà có lúc bỗng dưng thấy 1 nhà thờ uy nghi cao ngất sừng sững thả bóng bao trùm 1 mảng sân xi măng rộng giữa 2 chiếc xe và nhà thờ mà giật mình, tưởng như có thần thánh đang trừng mắt nhìn mình đi đâu mà lạc vào sân của thần! Sáng ra mới bình tâm nhận biết đây là nhà thờ chính tòa, 1 trong những tiêu điểm du lịch của Florence.

6. Thứ 4 ngày 31.5, sáng dậy đi lấy xe và tìm bãi đậu hợp pháp dù phải tốn tiền. Mọi người mang hành lý ra để trong xe trước rồi đi tản bộ những con phố cổ của Florence. Mọi người muốn vào bên trong nhà thờ chính toà cổ 800 năm nằm ngay giữa quảng trường chính mà đêm hôm trước giật mình khi nhìn thấy, nhưng hàng quá dài nên đành phải thôi. Mọi người ghé ăn 1 nhà hàng nhìn ra bên hông nhà thờ. Cũng mấy món quen thuộc Ý. Xong đâu đấy mọi người chia làm 3 nhóm nhỏ đi chơi tự do và hẹn gặp nhau ngay trước cửa chính nhà thờ 1 tiếng sau. Thục Đan đi với dì Kim. Hai dì cháu có nhiều điểm hợp gu. Mẹ Khôi, Ý Viên và bà nội đi mua đồ lưu niệm và shopping! Phần còn lại lang thang tại quảng trường. Nhân thấy có dịch vụ đạp xe đi vòng quanh phố cổ giá phải chăng nên bố Khôi gọi cho cả nhóm còn lại leo lên. Thấm thoát 1 tiếng trôi qua và sau khi quay qua quay lại tìm nhau, tất cả 10 người có mặt đông đủ. Mọi người đi ra lấy xe và như thường lệ, xe nhà Khôi đi trước dẫn đường. Chẳng may, vừa mới vượt qua cây cầu rời khu phố cổ thì nhà Khôi nhận ra xe nhà bác Thục không có ở đằng sau nữa. Bất đắc dĩ phải gọi điện thoại trực tiếp cho nhau. Nhưng nói qua nói lại vẫn không có cách nào gặp nhau ở thành phố dày đặc khách du lịch mà đường phố thì như mắc cửi này, bố Khôi đành hẹn bác Thục cứ bấm vào GPS thẳng hướng Rome mà đi. Trên đường đi sẽ ghé vào một khu dịch vụ nghỉ trên xa lộ. Không ngờ kế hoạch thành công, xe nhà Khôi đến truớc khu dịch vụ đầu tiên và nhắn tin cho bác Thục và cuối cùng 2 xe lại có thể tiếp tục nối đuôi nhau hướng về Rome.

Đường đến Rome chỉ có đồi và các ngọn núi nhỏ ở xa. Thỉnh thoảng lại thấy xe điện tốc hành hình thù giống con rắn trườn qua các sườn đồi rồi mất hút. Cảnh miền quê ở Ý và Pháp đẹp đặc biệt ở những ngôi nhà và làng mạc khang trang mà vẫn còn giữ nét xưa. Có thể hình dung ở châu Âu, nhiều người vẫn thích sống nhiều ở miền quê chứ không có tình trạng bỏ quê lên tỉnh rầm rộ.

Mọi người đến Rome lúc chiều tà. Đầu tiên là đi tìm nhà thuê ở ngoại ô Rome. Sau khi chạy 2, 3 vòng quanh xóm, cuối cùng cũng tìm ra nhà và thấy người ta đang đứng đợi. Đó là 1 phụ nữ trung tuần (50?) và bà ở với 1 người em ngay trên lầu căn nhà cho thuê. Căn nhà cũ và đơn sơ nhưng có vườn cây trái nhỏ chung quanh. Trên đường vào cũng thấy vài cây ăn trái khác như táo, sung, đào. Mọi người lại thấy nhớ quê nhà nên tranh thủ chụp vài tấm.

Cất dọn đồ đạc xong, mọi người lên xe chạy vào trung tâm Rome, với mục tiêu là toà thánh Vatican. Bố Khôi nhẩm tính là đường vào Rome sẽ rất đông đúc nên đi đâu sẽ chỉ đi 1 lần. Tối nay đi Vatican và sáng mai sẽ đi xem di tích đế chế La Mã.

Xe chạy còn cách Vatican hơn cây số là đã thấy chóp nhà thờ thánh Phêrô ẩn hiện đằng sau các toà nhà chung cư. Ở Rome, ngoài Vatican và khu phế tích La Mã, còn lại là 1 thành phố hiện đại nhưng có phần xuống cấp: rác rưởi, nhiều toà nhà chung cư cũ kỹ và hình ảnh người ta phơi quần áo nhan nhản. Thêm vào đó là hình vẽ đường phố (graffiti) vẽ bừa trên bất cứ chỗ nào có xi măng.

Mọi người may mắn tìm được 2 chỗ đậu xe ngay bên hông quảng trường thánh Phêrô. Chỗ bác Thục là nhờ hỏi 1 linh mục đang đi bộ ngang qua và linh mục nói lẽ ra chỉ dành cho ngoại giao nhưng không ai kiểm tra cả! Cám ơn cha! Còn chỗ xe nhà Khôi đậu là trước 1 nhà hàng pizza nhỏ. Chỉ vì hỏi mà người quản lý ở đây mới nói đây là chỗ đậu xe của tiệm. Thôi thì phải nói đại là đi thăm Vatican xong sẽ ghé ăn!

Quảng trường Phêrô rộng giống như trong hình ảnh mình thường thấy trên tv và không có gì lạ. Lúc này trời đang chập choạng tối, nhưng vẫn còn thấy rõ kiến trúc tượng Chúa Giêsu và 12 tông đồ trên nóc nhà thờ thánh Phêrô. Uy nghi trước nhà thờ là 2 tượng thánh Phaolô và Phêrô cao cả chục thước.

Mọi người chụp hình chán chê rồi mới đi bộ ra lại xe và tìm chỗ ăn. Lúc này đổi ý không ăn ở tiệm Pizza kia nữa mà chạy vòng quanh tìm chỗ khác. Chạy được 5 phút thì thấy một bùng binh 5, 6 đường giao nhau với 5, 7 tiệm ăn gần đó. Lần này tìm chỗ đậu xe khá dễ và mọi người ghé vào 1 tiệm ăn nhỏ. Tiệm này cũng dễ thương và lịch sự. Cả nhà mình ngồi 1 bàn ở phía bên trong. Như thường lệ, cả nhà gọi 2 bình nước (tính tiền chứ không miễn phí như ở Mỹ nhưng được cái là nước đã lọc nên dễ uống hơn nhiều). Món ăn chính thì thường là 4, 5 phần và ăn chung. Chỉ có Kim và Thục Đan là thường gọi món ăn riêng.

Ăn uống no say rồi (mẹ Khôi thường hay gọi 1 ly rượu trong các bữa ăn), mọi người đi bộ 1 vòng gần đó. Thấy có 1 tiệm tạp hoá nên ghé vào mua ít trái cây và sữa. Sữa tươi bên châu Âu có đặc điểm là đóng gói bắt mắt và vị cũng khá ngon, nhỉnh hơn mấy loại sữa bên Mỹ. Tiệm này của người Bangladesh và họ cũng hỏi han vài câu là nhà mình ở đâu đến. Họ nói họ có dịch vụ đổi tiền nữa và tỉ lệ có lời cho khách hơn so với các quầy đổi tiền ở phi trường. Thế là nhà mình đổi 500 đô lấy tiền Euro vì khi đó đã cạn hết Euro. Xong đâu đấy, mọi người chạy xe về nhà thuê. Đây là nhà đầu tiên cả gia đình ở chung với nhau. Tuy nhiên chỉ có 1 nhà tắm và vệ sinh chung với nhau nên cũng hơi bất tiện.

Đêm đó hình như nhà mình ngủ lúc 1 giờ.

7. Thứ 5 ngày 1.6, sáng hôm đó bố Khôi gọi mọi người dậy và khẩn trương dọn dẹp đồ để đi vào Rome chơi như thường lệ. Thường thì cô Kim và Thục Đan, hai người hay ngủ chung 1 giường, dậy sau cùng. Bà nội Khôi dậy sớm nhất. Thục Quyên và Thục Lam, luôn ngủ chung với mẹ, cũng hay dậy trễ. Biết đường còn dài mà thời gian chỉ co mấy ngày nên cứ khoảng 8, 9 giờ sáng là mọi người phải khẩn trương dọn dẹp trả phòng trước khi lên đường. Thường là sẽ không quay lại phòng nữa. Đó là cách tận dụng thời gian tối đa: không có đường nào đi lại quá 1 lần và không có chỗ nào ghé thăm quá 1 lần!

Trên đường ra xe, mọi người cũng hái ăn thử vài trái cây trong hẻm. Chỉ có trái táo nhỏ bằng một phần ba nắm tay là ăn được.

2 xe nối đuôi nhau chạy vào trung tâm Rome, hướng về phía có các phế tích thời La Mã. Chạy đến nơi cũng còn hơi sớm, khoảng 9, 10 giờ, so với sinh hoạt bên châu Âu (thức khuya dậy trễ), nên đường còn chưa dày đặc xe lắm. Loanh quanh rồi cũng tìm được 1 chỗ cho xe nhà bác Thục (sau này bác Thục mới thú nhận là bị phạt vì đậu sai chỗ, hình như giá tiền phạt là 30 đô), sau đó tìm được thêm 1 chỗ khác cách hơi xa đó cho nhà Khôi. Như đã hẹn trước, hai gia đình đi bộ ra gặp nhau tại phía bên kia đường của hí trường La Mã. Hí trường đồ sộ giống như trong phim, hình ảnh và khách du lịch đi lại bên trong theo hàng lối tuỳ theo đoàn nhìn như những đàn kiến. Gia đình mình được tự do hơn vì không phải mặc đồng phục và không phải đi theo người cầm cờ nhưng cũng phải tuân thủ vài dặn dò: phải luôn đi chung và không dừng ở đâu lâu quá!

Lúc này là đã khoảng 11 giờ nên mọi người quyết định đi ăn trước: bữa sáng và trưa chung một thể! May mắn là có được vị trí tuyệt vời vì nhà hàng nhìn thẳng qua hí trường! Mọi người ghé vào gọi bàn. Xem qua thực đơn rồi gọi mấy món đặc trưng Ý như thường lệ. Một thông lệ khác nữa không ai quên là gọi mấy tách cà phê (dân châu Âu cũng phát âm là cà phê chứ không phải “cóp phi” như tiếng Anh) cho bà nội, mẹ và bố Khôi và bác Thục.

Ăn xong là chắc đã quá trưa. Mọi người bắt đầu đi bộ băng qua bên kia đường để tiếp cận đế chế La Mã!

Nếu không ai nói và nếu không có di tích nào thời La Mã còn để lại, không ai có thể biết là mình đang đứng trên mảnh đất từng là trung tâm văn minh thế giới suốt một thời gian dài! Làm sao có thể biết những con người đang sống ở thành phố Rome này (đúng tên gọi tiếng Ý là Roma) là con cháu của Caesar? Họ cũng như bất cứ người Ý nào khác. Thành phố họ ở cũng giống 1 đô thị khổng lồ hiện đại nào khác. Có cái khác là ở Rome rác nhiều, người ta vẽ bậy lên tường nhiều và cảnh phơi quần áo ngoài lan can cũng nhiều! Chả lẽ con cháu Caesar bây giờ chỉ có vậy?

Cũng có thể góc nhìn của mình chỉ mới có một chiều. Người Rome có thể không quan tâm đến chuyện họ là con cháu của Caesar. Với họ, cuộc sống vẫn tiếp diễn và có lẽ đã thay đổi hoàn toàn khác qua 2000 năm, trong khi nhiều khách du lịch như mình chỉ nghĩ đến lịch sử 2000 năm trước khi dừng chân đến nơi này!

Chỉ là những suy nghĩ vụn vặt khi đi loanh quanh ngắm hí trường La Mã và hầm hố người ta đang đào vì nghi là những đường hầm thời La Mã còn lại. Mọi ngưòi chỉ đi được một phần ba vòng quanh hí trường rồi thôi, nhưng thay vào đó là rẽ sang 1 con đường khác leo lên đỉnh đồi mà bảng chỉ dẫn nói là ngày xưa Hội đồng đại biểu La Mã họp trên đó khi La Mã còn theo thể chế cộng hoà (phải vào đầu Công nguyên La Mã mới trở thành đế chế và theo chế độ quân chủ với người đứng đầu là hoàng đế). Đi bộ lên cao mình có thể nhìn thấy 1 góc Rome ở phía dưới. Leo dốc được khoảng 1km thì đường bị bít và chỉ thấy 1 ngôi nhà thờ cổ (5, 6 trăm năm) cuối đường. Có nhiều đoàn du lịch đi những ngõ khác nhưng họ phải mua vé và xếp hàng. Đoàn nhà mình vừa thiếu tiền, vừa thiếu thời gian cho nên đi như vậy là vừa đủ lắm rồi. Mọi ngưòi lại quay đầu đi bộ xuống. Trên đường đi, bố Khôi phải nhắc nhở Ý Viên đi chậm kẻo té. Mới vừa nói xong là Ý Viên té ngay!

Mọi người ra đến xe là khoảng 2, 3 giờ chiều. Bố Khôi xem bản đồ cho mẹ Khôi lái đi trước dẫn đường. Điểm đến là thành phố biển Rimini nhìn ra biển Adriatic nằm giữa Ý và Nam Tư.

Đoạn đường này đi đường trong chủ yếu và phải luồn lách qua nhiều ngọn núi. Đường dài thậm thượt. Đám con nít thỉnh thoảng được cho đổi chỗ ngồi để chúng vui và không hỏi “tới chưa” mãi. Không rõ đoạn nào nhưng có 2 lần 2 xe bị mất nhau khiến mọi người ai cũng ú tim. Lúc đó cô Kim là người lái xe bác Thục. Lần thứ nhất xe nhà Khôi sang làn ngay lúc xe cộ dày đặc và xe bác Thục qua không kịp! Xe bác Thục chạy tiếp qua mặt xe nhà Khôi! Thôi thế là mất nhau rồi! Đoạn đường này đông và lạ lẫm không thể quay đầu lại 2 lần để tìm lại xe kia được. Trong tuyệt vọng, bỗng nhiên thấy xe bác Thục sau lưng! Sau này hỏi mới biết xe bác Thục sau đó có chạy chậm lại được và đổi làn đường ngay sau khi xe nhà Khôi chạy lên. Chưa hết, đến 1 đoạn rẽ phải xe nhà Khôi đổi làn khi chỉ còn vài mét là hết đoạn rẽ. Tưởng là mất nhau nữa, nhưng 5 phút sau đó nhận được tin nhắn báo là xe bác Thục đã quẹo được và đang đợi ở cây xăng phía trước! Mừng hú vía!

Chưa hết.

Lấy kinh nghiệp mỗi lần đi lộn đường là mất có khi đến nửa tiếng để quay lại, khi gặp sự cố kế tiếp, 2 xe phải làm chuyện bất đắc dĩ giữa 1 đoạn đường vắng trên xa lộ. Đó là khi rẽ ra Exit khỏi xa lộ, xe Khôi, luôn đi trước, lại thấy có 1 đoạn rẽ Exit nữa mà GPS thì không kịp báo rõ phải quẹo hay không. Chỉ khi chạy được khoảng 50 mét mới biết chắc là mình đáng lẽ phải quẹo ra Exit đó! Thế là 2 xe dừng bên lề đường và phải quyết định: đi lộn và quay lại hay lùi xe 50 mét để quẹo cho đúng! Sau khi giải thích cấp tốc, bố Khôi de xe trước. Bác Thục làm theo. Khi đến ngã 3, bố Khôi chờ xe vắng rồi ào cả 2 xe cùng lùi 1 lúc và vẫn giữ thứ tự xe Khôi trước, xe bác Thục sau. Rồi cũng qua!

Chạy đến một thị trấn nhỏ gần Remini, mọi người ghé vào ăn tối. Mẹ Khôi tìm đưọc 1 tiệm sushi trên bản đồ trong phone và sau khi xem lời bình tích cực của khách để lại, mọi người quyết định ghé vào. Những thị trấn nhỏ như thế này mà thấy gia đình mình với đám con nít nheo nhóc thì khó mà không có người dòm ngó. Nhà hàng lịch sự và dễ thương. Bà nội Khôi là người đầu tiên khám phá ra 1 điểm đáng nhớ ở nhà hàng này: có 1 cái giếng sâu ngay trong phòng vệ sinh. Cái nắp an toàn duy nhất là tấm kính để bên trên!

Đồ ăn khá nhưng không xuất sắc dù giá thì khá cao! Thôi thì cũng đúng, đi đến 1 thị trấn nhỏ của Ý mà lại thèm ăn sushi thì phải trả giá thôi. Bố Khôi đùa: có khác nào Tây nó đi Bảo Lộc mà lại tìm quán hamburger ăn thì có phải là dở hơi không?!

Ăn xong, 2 xe lại nối đuôi nhau chạy đến khách sạn, lúc đó đã khá gần. Trên đường đến khách sạn, mọi người biết là Rimini cũng là 1 thành phố du lịch biển không quá nhỏ nhưng mình tưởng. Hàng trăm người đi bộ dọc theo con mương chảy ra biển. Hai bên là hàng trăm ngàn quán. Không khí nhộn nhịp như vậy khiến mọi người có ý muốn mang đồ vào phòng xong là sẽ đi bộ ra chơi. Phải đến khi nhận phòng xong mới biết mình đã mệt nhoài!

Khách sạn này nhỏ và giống như 1 dinh thự cũ chia phòng ra rồi cho thuê! Người ta hướng dẫn mình đậu 2 xe vào sân sỏi phía sau “nhà” của họ, rồi mình mới kéo va ly của mình vào trong.

Đêm đó nhà mình ngủ chắc cũng không sớm hơn 1 giờ đêm.

8. Thứ 6 ngày 2.6, sáng 9 giờ mọi người lại dọn dẹp đồ đạc trả phòng và đi xuống lầu. Lần này không phải ra xe liền mà là ghé nhà ăn dùng bữa sáng! Đây là chỗ ở đầu tiên gia đình mình được đối đãi như “vua” một tí! Châu Âu có văn hoá ăn uống khác Mỹ. Họ trịnh trọng hơn nhiều. Dù nhiều nhà hàng có giá rẻ hơn nhà hàng ở Mỹ nhưng cung cách phục vụ chu đáo và cách bày trí lịch sự hơn nhiều. Phòng ăn khách sạn cũng thế: tuy giá ở không mắc, nhưng vẫn có bữa ăn sáng đi kèm; mà đã ăn là phải lịch sự: cũng ly tách, cũng khăn chùi miệng và cũng giấy lót dĩa! Đồ ăn không thịnh soạn gì mấy nhưng cũng phong phú hơn Best Western chẳng hạn: ngoài mấy món phổ biến như sữa, cà phê, bánh mì, trái cây, cereal, ham, còn có vài món Ý nữa.

Ăn uống không nhiều nhưng cũng đủ thấy nặng người xong là mọi người ra xe và hướng tới điểm kế tiếp: Venice!

Phải mở ngoặc ở đây để nói 1 tí về chuyện “hậu cung” đằng sau chuyến đi 14 ngày này. Đó là một câu chuyện tình tay ba éo le của cái duyên “không yêu người yêu mình mà yêu người không yêu mình”! Đúng vậy, trong suốt chuyến đi, Ý Viên luôn thích được ngồi hay nắm tay đi với chị Thục Quyên trong khi chị Thục Quyên thì hờ hững, vô tình. Trong khi đó, chị Thục Lam lại luôn kiên nhẫn đi theo Ý Viên để chờ một nụ cười, một cái nắm tay thì Ý Viên lại không chút động lòng… Ai bảo đời không ngang trái?

Đường đi Venice không xa, chỉ khoảng 2 tiếng. Biết có một chút thời gian, bố Khôi rẽ vào 1 trung tâm mua sắm ven đường thuộc ngoại ô Venice. Mục đích vẫn luôn là để mua sữa và ít trái cây mặc dù lần nào cũng đi ra xe với nhiều thứ trên tay hơn dự định! Nhiều trung tâm mua sắm bên châu Âu là hỗn hợp giữa shopping mall và siêu thị bên Mỹ. Cả 1 siêu thị bán rau quả nằm trong lòng khu mua sắm quần áo và các sản phẩm khác trong nhà là điều hiếm thấy bên Mỹ. Trung tâm này khang trang và sạch sẽ, 1 điều làm hài lòng đoàn du lịch nhà mình với nhiều kinh nghiệm đi vệ sinh ở nhiều nơi dọc đường đi là không tiện nghi như đã quen ở Mỹ. Chọn rau quả trong trung tâm tuy đẹp và khang trang nhưng lại có cửa điện tử chặn lối ra vào. Đi ra phải dơ hóa đơn cho cửa mở. Còn không có hoá đơn mua đồ thì phải nói người ta mở cửa cho! Đến đây, nếu ngồi nhớ và liên kết lại những gì mình thấy ở châu Âu, nhất là các nước phía nam “cứu thế giới” (theo cách gọi của Mỹ đối với châu Âu), mình có thể thấy phản ánh trong đó vài sự khác biệt trong hoàn cảnh lich sử, địa lý giữa hai lục địa: Mỹ là một hiệp chủng quốc chỉ mới có 3, 4 trăm năm, đất rộng (so với châu Âu) và tâm lý chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Châu Âu là đất hơn 2000 năm lịch sử, đất chật người đông, tính cộng đồng cao hơn, mật độ tài nguyên thiên nhiên trên đầu người không nhiều như Mỹ. Kết quả: đường phố chật hẹp, ồn ào, đời sống phải tiết kiệm hơn nhưng cũng quan tâm đến môi trường hơn; sống truyền thống hơn và cuộc sống diễn ra cũng chậm hơn; văn hoá châu Âu khép kín hơn so với Mỹ vì lịch sử hình thành các quốc gia ở đây không phải là di dân từ các nơi khác tới.

Thêm một ví dụ về văn hoá sống tiết kiệm ở châu Âu là 2 chiếc xe mướn của nhà mình. Mỗi lần dừng xe là xe tự động tắt máy. Nhưng chỉ cần nhấc chân ra khỏi bàn đạp thắng là máy tự động nổ lại! Bảo là Mỹ hoang phí, chính phủ không bắt các hãng xe phải cải tiến kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng chắc cũng không sai. Nhưng cũng có thể thấy chủ nghĩa cá nhân trong đó. Một văn hoá hình thành từ những ngày đầu người Anh đến lập nghiệp ở lục địa rộng mênh mông chạy từ Đại Tây Dương qua đến Thái Bình Dương. Họ phải tự lực và tự tin vào sức mình trước thiên nhiên bao la và phì nhiêu. Trong hoàn cảnh lịch sử, địa lý đó đã hình thành tâm lý mỗi người tự lo, tự phát triển cho chính mình mà không cần có sự “can thiệp” của chính quyền.

Mọi người rời siêu thị ra lại xe với một ít đồ ăn trên tay, ngoài trái cây. Bác Thục mua ít bánh kẹo và vài bịch khoai tây chiên giống mấy lần trước, còn mẹ Khôi cũng mua vài món Ý ở quầy bán đồ ăn. Ngoài ra, Khôi còn đuợc mua cho 1 đôi dép mới để mang ở khách sạn vì lúc đi quên mang theo.

2 xe tiếp tục lăn bánh tới Venice. Khoảng 1 giờ trưa thì tới. Đường ra trung tâm và khu du lịch chính của Venice là một cây cầu chạy từ trong đất liền ra, dài chỉ hơn 1km. Tìm chỗ đậu xe ở đây không khó nhưng phải chạy theo đường trôn ốc lên tới lầu 10 là tầng lộ thiên ở trên cùng. Cũng là điều tốt vì mọi người có được tầm nhìn không gian cổ thành phố trên nước biển từ trên cao.

Không biết đường đi ra trung tâm Venice xa bao nhiêu, nhưng thấy người ta bán vé đi tàu và giá khoảng 12 Euro cho 1 người lớn nên mọi người quyết định mua vé đi tàu. Đi Venice thì phải đi tàu mới được chứ! Tính là vậy nhưng khi đi rồi mới biết mình hớ. Chuyến đi ra có nhiều ghế trống nhưng vẫn phải đợi hơn 20 phút tàu mới tới. Đó là chưa kể tàu đi khá lâu vì phải ghé nhiều điểm dọc đường đón khách. Tính ra đi bộ cũng không lâu hơn. Thôi thì ngồi trên tàu đỡ mệt hơn và được nhìn nhà cửa từ giữa lòng sông (nước mặn). Nhìn những căn nhà cổ mấy trăm năm dọc hai bên bờ lấp xấp nước tới chân cửa, nếu không ai nói mình sẽ ngỡ thành phố bị lụt! Bình thường, người ta xây nhà quay “đít” ra sông nhưng ở đây, mặt nhìn ra sông là mặt tiền nên xây đẹp đẽ. Nhìn những con hẻm tràn đầy nước vừa cảm giác sợ, vừa thấy có cái gì đó thơ mộng và tự nhiên hình dung hình ảnh con nít ở đây ngày xưa phải chèo thuyền hoặc nhảy xuống nước bơi nếu muốn qua chơi với bạn hàng xóm…

Mọi người xuống điểm cuối có tên Macro Polo cũng thuộc thành phố đảo Venice. Mọi người đi bộ và mua đồ lưu niệm. Ở đây khách du lịch dày đặc, nhà mình lại đông người nên di chuyển rất chậm. Các nhà vệ sinh công cộng ở đây đều phải trả tiền. Mọi người ghé ăn 1 quán nhìn ra biển. Giá ở đây đắt đỏ nhưng chất lượng rất thường. Chỉ an ủi là đuợc đi vệ sinh không phải trả tiền!

Mọi người đi bộ ra điểm tàu đón khách để lên tàu đi về. Thấy chờ lâu, mọi người đã tính đi bộ về, nhưng do dự mãi cuối cùng lại tiếp tục chờ (không muốn bỏ phí vé là 1 lý do). Đây là 1 quyết định sai lầm nhưng cũng là kinh nghiệm xấu về thành phố du lịch Venice. Đúng như dự đoán, các tàu chở khách về đông nghẹt người vì lúc đó ai cũng đã mệt và chỉ muốn lên tàu ngồi. Đứng xếp hàng chờ tàu đã là một khó khăn vì phải đứng trên tấm xi măng nổi đung đưa theo sóng trong biển người lúc nhúc. Khi chiếc tàu thứ 2 đến, nhà mình chỉ có thể có vài người leo lên được nên lại quyết định ở lại hết. 15 phút sau, đến lược tàu khác ghé vào, cả nhà mình chen lấn bước lên được dù phải chia làm 2 nhóm (nhưng nhờ đã dặn nhau trước là ai về trước cứ về và phân bổ “con nhà ai nấy lo”). Có ai ngờ đi du lịch Venice mà sao giống dân tị nạn đến vậy!

Cuối cùng rồi cũng về đến bãi đậu xe. 2 xe lại nối đuôi nhau quay đầu chào tạm biệt Venice và hướng đến thành phố du lịch Desenzano nằm bên cạnh hồ del Garda nằm ngay giữa Milan và Venice. Thành phố Desenzano nhỏ và nếu không ở Ý, chắc hiếm ai đã nghe qua tên. Nhưng đến đây rồi mới biết mình may mắn ở đúng chỗ. Nó nằm ngay bên cạnh hồ khổng lồ Del Garda (to bằng 1, 2 huyện ở Việt Nam) và được bao quanh phía bắc bởi những ngọn núi cao vốn là một phần phía đuôi của dãy núi Alps cao nhất Âu châu. Cảnh ở đây đối với bố Khôi đẹp chỉ thua thành phố Nice là nơi có bãi biển hình trăng khuyết và cũng được bao bọc bởi phần đuôi dãy Alps phía bên Pháp. Đứng ở mấy quán ăn ngoài phố cách nhà thuê vài trăm mét nhìn lên phía bắc của hồ sẽ thấy mây và sương mù vây quanh các ngọn núi như những vị thần giám hộ.

Buổi tối hôm đó, mọi người không còn nhiều thời gian sau khi đến nhận nhà và được nghe hướng dẫn, dặn dò (như phải nhớ phân rác ra trước khi vứt đi: bình lọ, giấy, và thức ăn có thể phân huỷ được…) Nghe xong thấy nhức đầu vì chỉ cái chuyện vứt rác cũng phức tạp hơn bên Mỹ nhiều!

Khoảng 9 giờ, gia đình Khôi chạy xe qua thăm gia đình bác Tiến, số còn lại ở nhà. Khi về đến nhà mới nghe bác Thục kể là cả nhà có đi bộ ra ngoài hồ chơi và ăn kem tối ngoài đó. Riêng gia đình Khôi thì chạy xe đến nhà bác Tiến và sau khi chạy lòng vòng 1 hồi, cuối cùng có xe anh Giang, con bác, chạy ra và dẫn đường tới vì GPS trong phone không hiện lên được tên đường. Sau này mới biết đường bên Ý hay có chữ “Via” nghĩa là đường ở phía trước thay vì “street” ở phía sau tên đường như các địa chỉ bên Mỹ và điều đó đã khiến việc tìm đường bên Ý mấy ngày đầu khá vất vả!

Gia đình bác ở trong chung cư nhìn cũng khá tươm tất. Ở Ý đất chật người đông (so với Mỹ) nên sở hữu một căn nhà riêng không dễ vì giá có thể lên đến nửa triệu một căn bình thường. Nhà bác đang chuẩn bị cho đám cưới ngày thứ 7 hôm sau. Gia đình mình thuê nhà ở Desenzano chính vì nó ở gần nhà bác.

Nhà bác có nấu phở đãi vài người bạn ở xa đến nên gia đình Khôi cũng được mỗi người 1 tô. Phở bên Ý không đầy đủ như ở Mỹ vì thiếu mọi thứ rau. Chỉ có hành lá duy nhất. Ngũ vị hương cũng là do người quen bên Mỹ đem qua!

Gia đình Khôi về đến nhà thuê khoảng 1 giờ sáng. Mọi người ở nhà đều đã lên giường.

9. Thứ 7 ngày 3.6, sáng sớm 7 giờ hai mẹ con Ý Viên đi dự đám cưới con trai út của bác Tiến. Người nhà bác đến chở. Lúc này mọi người còn ngủ say, chỉ trừ bà nội Khôi luôn dậy sớm nhất. Nhà thuê này ở trên đồi nhìn ra hồ và có không gian rộng rãi, trong lành của vùng cao nguyên nên bà nội Khôi có thể đi bộ sáng như mỗi ngày ở nhà. Sáng hôm đó, bố Khôi chạy xe ra tìm tiệm tạp hoá mua vài thứ cần dùng trong nhà: giấy, xà bông tắm, xà bông giặt đồ,… Nhà thuê này có máy giặt mà không có máy sấy. Hình như ở châu Âu điều này khá phổ biến nên đi qua nhiều thành phố lớn, mọi người hay thấy cảnh treo đồ trước nhà. Đến đây, mọi người đã có quá nhiều đồ dơ hơn đồ sạch. Nhưng để giặt hết đồ dơ, cần phải giặt đến 6, 7 lượt vì máy chạy hơi chậm và khá nhỏ so với bên Mỹ, có lẽ to bằng máy giặt ở VN. Giặt xong phải đem ra phơi ở sân sau nhà và sau đó là đem vào ủi trước khi xếp và cất đi. Tất cả mọi công đoạn đó cộng với những lúc cả nhà đi chơi nên phải đến sáng ngày thứ hai khi trả nhà mới xong hết tất cả.

Đây là 2 ngày nghỉ mát đúng nghĩa dù chuyến đi chơi châu Âu lần này không phải là chuyến đi nghỉ mát. Hai ngày tương đối không phải hối hả. Đám con nít cũng có thời gian chơi với nhau trong nhà mà không phải ngồi trên xe cả ngày. Khôi chơi dưới bếp và giả bộ xếp ghế làm máy bay. TL và TQ có khi chơi phone, có khi chơi với Khôi. TL không có Ý Viên và không được mẹ cho chơi phone nên đành chơi chung với Khôi và TQ. Đến tối, đám nhỏ được xem hoạt hình trên TV.

Trưa hôm đó, mọi người đi ra một trung tâm mua sắm (shopping mall) chính của thành phố Desenzano. Hai mẹ con Ý Viên không đi theo vì đi đám cưới đến tối khuya mới về. Mall ở đây khang trang và đẹp hơn các mall bình thường ở Mỹ. Mọi người ăn trong mall. Giá cả ở đây hơi mắc nhưng có lẽ vì họ phải trả tiền thuê trong đây cao.

Mọi người về tới nhà chắc cũng đã xế chiều. Lại tiếp tục giặt đồ. Lúc đó chắc đã đến đợt thứ 3. Bố Khôi cũng tranh thủ chút thời gian dạy Khôi học toán và tiếng Việt. Rồi lại tranh thủ vào mạng (trong phone) đọc tin tức sau mấy ngày cảm giác như cách biệt với thế giới bên ngoài! Vẫn còn chút thời gian thì bố Khôi tranh thủ vào mạng tìm và thuê khách sạn ở những nơi đến sắp tới. Hôm đó, bố Khôi nói với mọi người biết dự tính đi Amsterdam, Hà Lan, thành phố của hoa tulip (ước mơ của bác Thục) không thực hiện được vì thời gian quá eo hẹp. Khi chạy đến Desenzano là bố Khôi có thể hình dung được rõ hơn nhiều tốc độ và thời gian có thể đi được của gia đình trong chặng đường còn lại. Cắt bỏ Hà Lan sẽ tiết kiệm thời gian được nửa ngày vì không phải chạy vòng lên phía bắc châu Âu.

Đến tối, mọi người đi bộ dạo ra hồ chơi và cũng đi tìm chỗ ăn tối. Hôm đó có trận đá banh giữa Real Madrid và Juventus. Người dân Ý ở đây kéo hơn cả trăm người ra giữa ngã ba đường khu ăn uống đứng xem truyền hình trực tiếp. Các nhà hàng đều mở TV chiếu trận đá banh quan trọng này. Hình như đó là trận tranh cúp vô địch châu Âu. Không biết có phải là cúp C1 không?

Mọi người đi lòng vòng tìm chỗ ăn nào hợp ý nhất. Chỗ thì đông quá, chỗ thì vắng quá; chỗ này ồn ào quá, chỗ khác lại nằm khuất quá; chỗ này tối qua bác Thục và đám con nít ăn tối qua rồi, chỗ kia bán ít món quá. Cứ do dự như vậy mãi, và cuối cùng là ghé vào chỗ sau này hối hận nhất! Đó là tiệm bán pizza và spaghetti (nui Ý) mà người phục vụ là người Tàu. Chắc nhà bếp cũng là Tàu vì cả đồ ăn và cung cách phục vụ đều thua xa mong đợi! Nếu so với toàn bộ các bữa ăn ở châu Âu, thì bữa đó chỉ hơn được bữa ăn trên đường đến Zaragoza, TBN, với bữa ăn “chim cút luộc trắng nhách”!

Rồi cũng xong bữa. Tối đó về nhà, bố Khôi ăn thêm 1 chút mì gói mà cô Kim và TD mua hôm nọ. Tưởng là ăn để “bù” bữa tối bị “mấy ông bà Tàu lấy mất”, ai nhè mì tô cũng chẳng ngon. Có lẽ đi châu Âu không nên ăn đồ Á châu, Việt hay Tàu! Vậy chứ mà ngày hôm sau cậu Ngân bị TD càu nhàu là ăn hết hộp mì tô mà cháu chờ đợi nhất. Cậu bào chữa là mì không ngon đâu nhưng vẫn không đủ thuyết phục!

Tối đó mọi người ngủ sớm hơn một chút, chắc khoảng 12 giờ đêm!

10. Chủ Nhật ngày 4.6, bố Khôi hối thúc mọi người dậy và chuẩn bị đi chơi Milan sớm để có nhiều thời gian. Mọi người rời khỏi nhà chắc khoảng 9 giờ. Chạy xe tới Milan mất gần 2 tiếng. Giống những lần trước, gia đình chạy xe thẳng vào trung tâm và tìm chỗ đậu xe. Khi vào trong thành phố, cả 2 xe cùng đổ xăng. Đổ xăng ở châu Âu mỗi nơi mỗi khác. Không biết có sự giống nhau nào giữa những cây xăng trong cùng 1 nước không, nhưng những ai lái và từng đổ xăng (bác Thục, bố và mẹ Khôi) chỉ nhớ là có nơi đổ xăng trước trả tiền sau, chỗ khác lại trả trước đổ sau; có vài chỗ trả tiền ở ngoài, rồi lại có chỗ máy tính tiền không hoạt động, hình như là sau khi tối, vào một giờ nào đó thì phải… Vì vậy mà có mấy lúc ghé vào cây xăng rồi mà không đổ được, hoặc có chỗ chỉ có xăng thường, chứ không có diesel! vì những lý do như vậy nên
cũng tốn khá nhiều thời gian cho phần đổ xăng.
Vào trong Milan mới thấy nó không lớn lắm. Có nhiều con đường giống bên Mỹ: đường rộng và có nhiều nhà cao tầng, tuy vẫn chưa phải là chọc trời hơn 40, 50 tầng. Tìm chỗ đậu xe ở Milan không khó lắm. Miền bắc Ý giàu có hơn miền nam (Napoli,…) và nhỉnh hơn miền trung (Rome,…) và mọi thứ cũng rộng rãi hơn.

Đậu xe xong, mọi người đi bộ ra hướng trung tâm. Trên đường đi, ghé 1 tiệm ăn có kê nhiều bàn ghế ngay trên đường đi bộ. Nhà mình cũng ngồi 1 bàn ngoài đây. Hình như cũng gọi mấy món Ý quen thuộc và đồ ăn tương đối ưng ý mọi người. Giống những lần khác, nhà gọi 2, 3 ly cà phê. Bà nội và bác Thục hay cười chuyện ở châu Âu người ta đưa cà phê cho mình trong 1 tách nhỏ xíu chỉ uống 3, 4 hớp là hết, thậm chí có ly chỉ nhấp uống được đúng một lần! Cà phê bên đây mạnh hơn bên Mỹ. Bánh ngọt nói chung ít ngọt như bên Mỹ. Chắc cũng 1 phần vì thức ăn rẻ tiền và đồ ngọt bên Mỹ quá phổ biến mà người Mỹ hơn 70% bị xếp vào loại mập. Ở Ý và Tây Ban Nha, đi ngoài đường cứ 10 người mới có khoảng 1 người mập. Pháp và Đức sẽ đến sau nhưng bật mí một tí là 2 nước này có phần giống Mỹ hơn 1 chút: người mập nhiều hơn Ý và TBN, dù tỉ lệ chắc cũng chỉ 2 trên 10. Càng lên phía bắc châu Âu, càng thấy giống Mỹ hơn, người ta hối hả hơn, nhưng đó cũng chỉ là tương đối vì các nước này vẫn giống nhau nhiều hơn giống Mỹ. Thôi để ngày mai đi Đức rồi mình sẽ biết thêm!

Ăn xong, mọi người đi bộ xuyên qua một shopping mall trong nhà trên đường đi vào trung tâm. Đây đó là mấy cửa hàng hiệu quen thuộc giống như tiếng tăm thành phố của đồ hiệu của Milan. Đi qua khỏi đây là tới quảng trường trung tâm. Giữa quảng trường là nhà thờ chánh toà Milan cổ kính cả 800 năm và hàng vạn họa tiết điêu khắc trạm trổ công phu. Bảng giới thiệu nói nhà thờ phải xây mấy trăm năm mới xong. Bắt đầu xây từ thế kỷ 12 nhưng đến thế kỷ 19 vẫn còn vài tượng đá tiếp tục được trạm trổ. Cũng nằm giữa nhưng ở phía bên kia là tượng Vittorio Emanuele II, vua đầu tiên của nước Ý thống nhất năm 1861.

Ngay dưới thềm đi lên sân rộng trước khi vào nhà thờ là một bầy chim bồ câu đang tụ họp ở đây. Có mấy người ở đâu thấy mình nhìn chim liền đưa đồ ăn cho chim và chỉ mình cách cho chim ăn để nó đậu lên người. Đoán là họ muốn mình chụp hình nhưng cũng làm lơ và làm theo họ. Tụi nhỏ cũng được vài tấm có chim đâu trên người. Cuối cùng họ không nói mình chụp hình lấy tiền mà thẳng thừng xin tiền. Thôi thì dúi cho họ 3, 4 Euro. Họ không hài lòng nhưng cũng không làm được gì mình.

Mọi người sau đó đi bộ ra phía sau nhà thờ để đến 1 nhà thờ nhỏ khác, nghe nói là có để nhiều sọ người trong đó. Đi lộn nhà thờ nhưng sau khi có người chỉ, mọi người cũng đến được. Nhà thờ đó nằm ngay bên cạnh nhà thờ đi lộn (nghe người ta nói là lúc đó đang chuẩn bị có Tổng Giám mục Milan đến nói chuyện về vấn đề di dân). Vào đúng nhà thờ rồi thì lại có 1 người làm việc ở đây bảo hôm nay không mở cửa hầm để sọ người!

Mọi người tản bộ trở lại quảng trường. Trên đường ghé vào 1 tiệm ăn nhẹ uống cà phê và ăn vài bánh ngọt, coi như là chỗ nghỉ chân. Khi đi ra, có ghé mua ít quà lưu niệm là mấy tượng hay ly chén có hình nhà thờ, quảng trường đặc trưng của Milan.

Mọi người ra xe chạy về nhà mướn chắc khoảng 4 giờ chiều.

Về nhà nghỉ ngơi vài phút và tranh thủ lấy đồ phơi vào xếp, lấy đồ giặt xong đem ra phơi và giặt túi đồ dơ cuối cùng. Mọi người bắt đầu chạy xe qua nhà bác Tiến khoảng 7 giờ tối. Cũng bị quên đường một chút nhưng sau khi ngừng xe tại bãi đậu xe McDonald và dò tìm lại GPS thì 2 xe chạy tới nhà bác chỉ vài phút sau đó.

Nhà bác sau đám cưới, khách đã về hết, chỉ còn lại 2 bác và 2 đứa cháu nội và dì Lan và dượng Kỉnh ở Việt Nam qua chơi. Bác mua pizza ở gần nhà về đãi đoàn 10 người nhà mình. Bác gọi loại pizza làm giống bên Mỹ nên ăn thấy rất tương tự, không ai nói sẽ không thể biết. Ngồi nói chuyện được nửa tiếng hơn thì bác dẫn mọi người ra ăn kem ở 1 tiệm gần nhà. Thị trấn này lúc mới đến, bố Khôi thắc mắc không biết ở đây muốn đi ăn nhà hàng, có được bao nhiêu lựa chọn? Còn những thứ giải trí chắc chỉ là xa xỉ. Nhưng bác dẫn đến tiệm kem xong mới biết cái bề ngoài dễ làm mình lầm tưởng. Tiệm bán kem rộng rãi và khang trang với nhiều loại kem khác nhau khá bắt mắt, chỉ khuất một chút sau những cây to dọc hai bên con đường nhỏ khiến khách vãng lai dễ bỏ sót! Bọn nhỏ được thả ga một bữa ăn kem hết cả ly. Người lớn vừa nhấm nháp kem vừa hỏi chuyện bên Tây bên Ta… Mọi người tản bộ về và chia tay nhau. Khi đó chắc cũng đã gần 12 giờ đêm.

11. Thứ 2 ngày 5.6, sáng 8 giờ dậy xếp mớ quần áo khô cuối cùng và dọn dẹp đồ đạc trước khi trả nhà, chia tay San Desenzano. Đây là nơi ở rộng rãi nhất của gia đình trong suốt chuyến đi. Nhà có 2 phòng ngủ (Khoi, YV và mẹ 1 phòng, bác Thục và TQ, TL và bà nội 1 phòng), 1 phòng lớn ở giữa nhà có kê 1 giường đôi,TD ngủ chung với cô Kim ở đây. Một nhà bếp và 1 phòng khách có giường xếp và là nơi bố Khôi ngủ. Hai phòng tắm và vệ sinh chung. Ngoài ra còn có thêm 1 phòng vệ sinh riêng biệt. Không có lúc nào có ai bị lâm vào cảnh đợi phòng trong 2 ngày rưỡi ở đây!

2 xe nối đuôi nhau chạy lên hướng bắc nước Ý, bỏ lại sau lưng Desenzano và hồ Garda. Cũng bị lộn đường 1 lần và phải chạy đường nhỏ gần cả tiếng mới nhập ra xa lộ lại được. Vì có người có nhu cầu đi vệ sinh và lại thấy McDonald trước lối rẽ vào xa lộ nên 2 cả nhà ghé vào. Tiệm ăn nhanh ở châu Âu mà chủ yếu chỉ là McDonald, thuộc dây chuyền nhà hàng của Mỹ, chính là nơi ngừng lý tưởng nhất cho nhu cầu vệ sinh vì không dễ có nơi nào mình có thể tự nhiên bước vào và không cần bỏ tiền ra mà có chỗ để giải quyết chuyện vệ sinh.

2 xe lại theo nhau chạy tiếp lên phía bắc nước Ý. Đường đi ngày càng lên cao và núi non hùng vĩ vây quanh. Đây chính là đoạn đi xuyên qua dãy núi Alps lớn nhất ở Tây Âu. Nó cao và dài hơn dãy núi Pyrenees chia cắt Pháp với Tây Ban Nha mà hôm trước khi gia đình chạy từ Barcelona đến Marseilles đã đi ngang qua (đoạn cuối). Xe chạy vào nước Áo mà không thấy biển báo nào nói cho biết. Ranh giới giữa các nước gia đình đi qua gần như chỉ nhớ có vài chỗ có ghi tên nước vừa đến, nhưng là bảng báo nhỏ. Có lẽ khối EU muốn tuyên truyền khuyến khích tinh thần hợp tác, cộng đồng thay vì tinh thần quốc gia cục bộ nên ngay cả biển báo vào một nước khác cũng không bằng được một phần mười các bảng báo chào bạn đến với tiểu bang nào đó ở Mỹ.

Thành phố duy nhất ở Áo mà gia đình đi ngang qua là một thành phố thung lũng nhỏ, nằm lọt thỏm giữa dãy Alps trùng điệp. Mọi người đi tìm tiệm ăn trưa ở đây khá công phu. Phải đảo xe qua lại mấy vòng mới tìm được một nút giao thông có vài tiệm và người đi bộ qua lại. Mọi người tìm chỗ đậu xe xong thì đi tản bộ tìm nhà hàng nào vừa ý. Cuối cùng chọn 1 nhà hàng có để bàn ghế ra ngoài đường, sát với đường đi bộ. Đồ ăn Áo giống với Đức, nặng về thịt và xúc xích. Tuy vậy, nó lại có phần giống bên Mỹ nhiều. Đời sống và đường xá cũng tương đối rộng rãi… Nhà hàng này có 1 điểm đáng nhớ là đường đi vào nhà vệ sinh khá dài và phải đi xuống hầm hơi tối.

Ăn xong là gia đình chạy tiếp đến Đức. Đoạn đường đầu là đường nhỏ và ngoằn nghoèo qua các quả núi Alps cuối cùng. Vào đến Đức thấy phong cảnh và kiến trúc giống bên Mỹ hơn nữa. Đúng hơn là giống một vài nơi bên Mỹ, hình như là một vài thành phố nào đó ở miền đông bắc Mỹ như Pennsylvania… Càng lên cao, càng thấy cuộc sống của người dân sung túc hơn. Mọi người vào đến thành phố Munich chắc khoảng 7 giờ tối. Khách sạn ở đây nằm ở ngoại ô, và kế bên 1 con suối. Tối hôm đó, cô Kim nói mới biết: chỉ mở cửa sổ phòng ngủ ra là giật mình nghe tiếng nước chảy siết như thác nước. Ngó đầu ra nhìn xuống càng giật mình hơn vì con suối nằm ngay bên dưới phòng, nước chạy mạnh đến mức không dám nghĩ nếu ai đó rớt xuống thì sẽ ra sao!

Tối đó mọi người quyết định đi ăn nhà hàng Việt gần đó, một phần vì bố khôi nghĩ ở Đức người Việt nhiều chỉ sau Pháp, nên muốn biết đồ ăn Việt ở châu Âu ra sao thì ngoài Pháp ra và sau khi đã ăn phở ở Ý, không nên bỏ qua Đức!

Lúc vào tiệm cũng hơi khó khăn vì mưa bắt đầu nặng hạt và đường tuy rộng nhưng xe người ta đã giành hết các chỗ đậu. Sau khi thả mọi người xuống trước và vòng vo 1 hồi, bác Thục và bố Khôi cũng tìm được 2 chỗ đậu gần nhau tuy mỗi chiếc nằm một bên đường. Nhà hàng vắng vẻ, chỉ có 1 bàn có người địa phương đang ngồi ăn. Nhà gọi mấy món quen thuộc Việt Nam: phở, chả giò, cơm tấm,… Đồ ăn cũng được, như cũng không bằng ở 1 thành phố có nhiều người Việt (không kể đến Cali, Virginia hay Texas). Điều đáng tiếc nhất là cung cách phục vụ ở đây. Cô chủ quán nói rặc tiếng Bắc, khi ra tính tiền, cười xuề xoà và nói là tuy giá trong thực đơn ghi như vậy, nhưng giá đúng sẽ cao hơn 1 chút và có ghi trong thực đơn… mà cô quên đưa ra ban đầu! Người phục vụ ở đây chỉ toàn là con cái nhà cô và không có 1 chút kỹ năng gì: mang đồ ăn ra cho khách mà như cầm cái xô nước… trên đôi bàn tay còn ướt nhem! Khi hỏi gì thì ấp úng không biết. Đến cô chủ ra trả lời cũng chỉ hấp tấp vài câu rồi vừa cười vừa rút lui với lý do bận quá nên sơ sót… Một câu trả lời cho mọi câu hỏi.

Rời nhà hàng Việt là khoảng 9 giờ tối và mọi người quyết định chạy xe ra trung tâm Munich chơi cho biết.

Munich không lớn lắm, ít nhất là trung tâm (downtown) của nó không có nhiều toà nhà cao hay xe cộ đông đúc như các thành phố lớn khác (madrid, Rome, Barcelona). Thành phố cũng không có nét cổ kính như Florence, Milan, Barcelona hay Marseille. Những toà nhà ở đây có kiến trúc cỏ vẻ như không quá 200 năm, so với Mỹ thì vẫn là 1 thành phố cổ. Có lẽ 2 cuộc đại chiến thế giới mà Đức là nước thua cuộc cả hai, đã phá huỷ những kiến trúc cổ ở đây? Gia đình chạy xe 1 vòng quanh trung tâm thành phố rồi hướng về khách sạn. Trên đường về, thấy có khu mua bán ban đêm nên ghé vào, dù có hơi do dự ban đầu vì lúc đó chắc đã hơn 10 giờ khuya. Vào đây mới biết đây là trạm xe điện của thành phố, nơi xuất phát của ngót nghét chục tuyến xe điện chạy đi khắp nơi từ Munich. Tuy đã khuya nhưng trong hơn nửa tiếng ở đây vẫn có 2 chuyến tàu điện đỗ bến. Chợ ban đêm ở đây là để phục vụ hành khách đi xe điện. Bà nội Khôi nhân dịp đi tìm nhà vệ sinh mới biết ở đây có đủ mọi loại dịch vụ phục vụ khách vãng lai: đi vệ sinh 1 Euro, đi tắm 2 Euro, gửi hành lý qua đêm… không nhớ bao nhiêu Euro. Mọi người ghé mua vài món ăn chơi vì lúc đó ai cũng đã no nhưng vẫn muốn thử đồ ăn ở đây. Còn nhớ mọi người mua 1 bịch khoai tây chiên (french fries) ở đây vì bị hấp dẫn bởi hình khoai tây đang chiên trong dầu ngay trên đầu tiệm, trông… y như thật! Ăn rồi mới nhớ đến 1 lần ăn khoai tây chiên chỗ khác ở châu Âu, đó là french fries ở đây không có ketchup như bên Mỹ. Thục Đan và Thục Lam cứ hay đùa mỗi khi cậu hỏi về sự khác biệt giữa 2 nơi: the Europeans are crazy (dân châu Âu thật điên rồ)! Chắc người châu Âu nghĩ về người Mỹ như thế thật!

Tối đó mọi người ngủ chắc khoảng 12 giờ đêm! Không còn cảnh ngủ lúc 1, 2 giờ sáng như trước nữa đã vài đêm rồi!

12. Thứ 3 ngày 6.6, sáng khoảng 9 giờ trả phòng xong, gia đình chạy xe đi thăm 1 trại tập trung lao động của Đức Quốc Xã ở ngoại ô Munich. Nhà tù này bây giờ chỉ còn là một viện bảo tàng. Lúc mới đến còn thấy ít người và thắc mắc không biết mình bỏ thời gian đi đến đây có đáng không, nhưng sau đó bắt đầu thấy nhiều đoàn khách đi cả xe buýt đến thì cảm giác rõ hơn là mình đã đến đúng chỗ. Nhà tù có tên Dachau, cùng tên thị trấn ngoại ô của Munich. Hitler đã dùng nhà tù này cùng hàng chục nhà tù khác thuộc hệ thống trại tập trung cải tạo để giam giữ và “lao cải” ban đầu là những đối lập chính trị, và cuối cùng là các tù binh trong thế chiến thứ 2. Có hàng trăm ngàn người đã từng làm tù binh với chế độ khắc nghiệt ở đây và hàng ngàn người chết ở đây tính đến ngày nhà tù đóng cửa, vào những ngày cuối của cuộc chiến tháng 5 năm 1945. Đến xem để cảm nhận thái độ của người Đức đối với thế chiến thứ 2 và vai trò của cha ông họ trong đó. Có phần khác với người Nhật, nguời Đức dứt khoát lên án vai trò của nước mình và xem đó là 1 bài học bi thảm không bao giờ có thể lập lại. Trên con đường phát triển nhanh chóng và kiến tạo lại xã hội từ sau thế chiến, họ vẫn ý thức rõ “bóng tối tội lỗi” trong chính mình.

Mọi người rời đây và đi đến Stuggart cách Munich không đầy 2 tiếng. Tuy Stuggart chỉ là điểm ghé chân trên đường đến 1 lâu đài thế kỷ 19, mọi người cũng ghé xe và đi dạo trung tâm chơi. Lúc đó là giữa trưa nên cũng muốn ăn gì đó ở đây trước khi rời bỏ thành phố một thời bố Khôi chỉ biết đến qua câu lạc bộ đá bóng Stuggart. Cũng phân vân chọn lựa giữa các nhà hàng, nhưng cuối cùng vì thời gian có hạn nên ghé vào 1 tiệm bán bánh mì kẹp thịt nhỏ ven phố đi bộ. Mua 4, 5 cái sandwich cắt đôi chia ra ăn cho nhanh rồi đi vội ra bãi đậu xe. Từ đây, 2 xe nối đuôi chạy ngược lại về phía nam để đến lâu đài có tên Hohenzollern, tên của dòng họ xây lâu đài và cũng là dòng họ của vua cuối cùng của Đức là Wilhem II năm 1918. Suốt buổi sáng hôm đó trời sấm chớp và mưa rải rác. Đúng ra là từ khi vào đến Đức là bắt đầu thấy mưa và mưa không ngớt! Đi theo mưa là trời trở lạnh. 2 xe chạy hơn 1 tiếng vì nhiều đoạn bị kẹt xe mới tới chân núi có toà lâu đài. Thêm một may mắn trong cái xui xẻo thời tiết là mưa bắt đầu tạnh. Từ dưới chân núi, 2 xe nối đuôi chạy theo đường vòng leo lên cao. Toà lâu đài nằm bệ vệ ngay giữa đỉnh đồi với diện tích trên đỉnh vừa đủ cho một toà lâu đài cho hàng bá tước, lãnh chúa. Lên đến gần nửa đồi là bãi đậu xe và phải mua vé vào tham quan. Từ đây có thể đi xe (loại chở gôn) hoặc đi bộ. Càng lên cao gió càng mạnh và càng lạnh hơn. Lúc này trong đoàn đã có Ý Viên khụt khịt. Mọi người lấy đại áo thun mặc chồng vào vì đã lạnh quá mức chịu đựng so với lớp quần áo mùa hè đang mặc trên người. Mọi người cũng mua vé đi xe lên thay vì đi bộ. Xe chở gia đình và vài khách du lịch khác theo đường ngoằn nghoèo lên tới đỉnh. Lâu đài mỗi lúc một hiện ra rõ hơn: thật uy nghi và cao vời! Đường vào lâu đài cũng có những hào, cổng sắt, then cửa sắt giống như các lâu đài mình thấy trong phim. Đứng tựa tường thành lâu đài nhìn xuống nhà cửa và ruộng vườn dưới chân núi xa tít tắp mênh mông trong một màu xanh bát ngát của núi rừng triền miên tứ bề và lại nhớ đến 1 đoạn trong thánh kinh khi kể chuyện Chúa Giêsu bị quỷ Satan dụ dỗ sẽ cho hết cái thế giới này nếu chịu nghe lời. Tưởng tượng người chủ nhân toà lâu đài này khi đứng trên đỉnh cao và nhìn xuống “thần dân” sống dưới chân mình không khỏi không có cảm giác mình đang sở hữu cả thế giới. Lúc đó đã hơn 5 giờ nên nhiều phần bên trong lâu đài không còn mở cửa nữa. Nhưng chỉ đứng trong sân chính lát đá của lâu đài, hay cúi đầu nhìn ra các lỗ châu mai của tường thành dầy mấy mét nhìn ra thế giới bên dưới trên đường dẫn vào toà nhà chính cũng có thể hình dung tâm tư của một lãnh chúa quyền quý thời phong kiến châu Âu ngày xưa. Mọi người tán dóc: sống như vầy sướng nhưng cô độc quá. Rồi không biết lái qua đời sống của các bà quý phi ở… Huế ngày xưa khi nào.

Mọi người lên xe chạy xuống núi chắc khoảng 6 giờ hơn. Lúc này trời lại hơi lất phất mưa. Cứ bị hớp hồn với cảnh đẹp quyền quý cua 1 toà lâu đài trên đỉnh đồi lớn (hay cũng có thể gọi là một núi nhỏ), nên trên đường chạy xuống, bố Khôi bất ngờ quặp xe vào bên vệ đường. Mọi người nhanh chóng ra xếp hàng chụp 1 tấm cuối lấy toàn cảnh quả núi (chắc cũng cỡ núi Chứa Chan ở Long Khánh) và toà lâu đài cao chót vót ở trên đỉnh. Ngay lúc đó, Khôi bước ra khỏi xe ngay chỗ dốc và té thế chụp ếch. Khi phát giác thì đã thấy Khôi ở tư thế nằm úp mặt xuống cỏ tranh. Khôi cuống quít đứng dậy với bộ mặt mếu máo. Đỡ Khôi vào xe và nhìn mặt Khôi nổi đỏ khắp mặt mỗi phút trôi qua mới hiểu tại sao Khôi kêu ngứa và gãi mặt liên tục, mẹ Khôi phải lấy hết mấy bình nứớc (để uống) rửa mặt cho Khôi mới đỡ. Kỷ niệm rời toà lâu đài đẹp như trong truyện thần tiên là bộ mặt tấy đỏ như mè đay của Khôi. Phải đến đêm hôm đó Khôi mới gần như hết ngứa hẳn.

Gia đình lại hướng lên phía bắc Đức với điểm đến kế tiếp là Frankfurt. Trên đường có ghé giữa đường chụp hình, với bối cảnh là vườn bắp mênh mông. Miền quê mấy nước châu Âu đã đi qua là những cánh đồng lãng mạng, với những vuờn hoa màu bao quanh chân đồi hay trả dài lưng chừng núi và đây đó là những mái nhà màu sắc. Đoạn đường này không còn núi cao mà chỉ là những quả đồi nối tiếp nhau chạy ngút tầm mắt. Gia đình đến Frankfurt chắc khoảng 9 giờ. Frankfurt là thành phố giống Mỹ nhất gia đình đã đi qua, đặc biệt là những toà nhà cao tầng ở trung tâm. Không có kiến trúc cổ ở đây và ít thấy người đi bộ ngoài đường vào bao đêm 11, 12 giờ như ở Ý và Tây Ban Nha. Khách sạn gia đình mướn không có gì đặc biệt, ngoài 1 cái: khách sạn có cầu thang máy nhưng phải đi lên một đoạn cầu thang lên tầng 1 (châu Âu gọi tầng trệt – giống Việt Nam – là 0, thay vì như bên Mỹ bắt đầu từ 1). Gia đình ở 2 lầu khác nhau: 4 và 5 thì phải, nhưng phòng nào cũng phải đi cầu thang máy vì có nhiều hành lý. Thế là người lớn ai cũng 2 tay 2 giỏ sách hay va li, còn đám con nít tự nắm tay nhau khi ùa vào cầu thang máy! Cất đồ đạc xong, mọi người lái xe chạy vào trung tâm Frankfurt khám phá ẩm thực ở thành phố tài chính của Đức này.

Mọi người dừng ở nơi có vài nhà hàng thấy còn đông người ngồi. Sau khi hỏi 1 người bồi bàn và được trả lời là họ vẫn còn mở cửa, mọi người đậu xe và đi bộ đến đây. Kết quả là gia đình có được một bữa ăn ngon và đáng giá ở đây. Nhà hàng lịch sự, không gian rộng rãi, bồi bàn vui vẻ thân thiện, đồ ăn vừa ý – gia đình gọi chủ yếu là các món thịt như burger, ribs, steak – và cuối cùng là giá cũng phải chăng – hình như tổng cộng khoảng 200 Mỹ kim. Tìm 1 nhà hàng tương đương bên Mỹ cho 1 bàn 10 người (6 lớn 4 con nít) khó có thể rẻ hơn được.

Đêm đó gia đình về đến khách sạn đi ngủ chắc khoảng 12 giờ đêm.

13. Thứ 4 ngày 7.6, sáng trả phòng khoảng 9 giờ và lên đuòng đi Paris. Thay vì chạy chẳng tới Paris, gia đình đi đường hơi vòng 1 chút, khoảng 1 tiếng lâu hơn, để có thể chạy qua Luxembourg và Bỉ. Từ Frankfurt chạy đến Luxembourg không đầy 2 tiếng. Vào đến Luxembourg, mưa vẫn còn lất phất. Luxembourg chỉ nhỏ như một thành phố. Nhìn đường xá, hàng quán ở đây có thể hình dung sự phồn thịnh của vương quốc nhỏ bé mà mình đã nghe qua. Gia đình tìm được 1 con đường nhỏ bên cạnh công viên rợp bóng mát và còn 1 chỗ đậu xe cho bác Thục. Còn xe bố Khôi chạy thêm 1 vòng thì cũng tìm được 1 chỗ cách đó chỉ 100 mét. Gia đình tản bộ vào phố đi bộ tìm chỗ ghé ăn trưa. Mưa nặng hạt hơn nên cả nhà ùa vào đại 1 quán trú mưa và rồi quyết định ăn ở đó luôn. Quán này nhìn giống bên Mỹ với nhiều hình ảnh thời 60, 70 ở cả 2 bên bờ Đại Tây Dương (Mỹ và Âu châu). Mỗi người một món nhưng burger được chọn nhiều nhất: loại gà tây, loại thịt bò,… Người phục vụ ở đây nói nhà bếp sắp đóng cửa nghỉ trưa nhưng nếu mình gọi nhanh họ sẽ tranh thủ. Bũa ăn giống bên Mỹ với các đĩa burger, khoai tây chiên và rau. Bố Khôi cũng gọi burger và là loại burger kiểu Pháp. Tưởng sẽ dễ ăn, ai nhè chỉ nhai được vài miếng là phải nhè ra hết! Không ngờ họ cho goat cheese (cheese làm từ dê) nhiều và mùi quá nặng. Vị gì khác có thể ráng được nhưng goat cheese thì cố gắng mấy vẫn không cho vô miệng được. Cái vị đọng lại trong miệng sau khi đã nhè ra vẫn lẩn quẩn trong miệng và làm hỏng cả bữa ăn hôm đó! Âu cũng là cái giá của thú khám phá ẩm thực mới!

Ăn uống xong thì trời cũng tạnh mưa. Nhưng khi tính tiền thì biết ở đây không nhận thẻ. Cũng may gần đó có máy ATM rút tiền. Mọi người rời nhà hàng và tản bộ vào một con hẻm kế bên. Trời lại bắt đầu đổ mưa. Mọi người đành đi vội nhanh ra xe và quyết định rời Luxembourg và lên đường chạy đến Bỉ.

Luxembourg nhỏ nên chỉ mất nửa tiếng là rời khỏi quốc gia này. Phong cảnh ở Bỉ cũng không khác mấy Luxembourg và Đức, chỉ khác kiến trúc một chút. Gia đình chạy qua vài thị trấn nhỏ ở đây và lại nhớ đến cảnh miền quê Việt Nam khi đi ngang qua Bỉ. Mọi người không ăn gì ở đây nhưng có ghé vào một siêu thị nhỏ ở đây để mua sô cô la, và mua thật nhiều. Chắc phải đến mấy chục bịch đủ loại chia cho bác Thục và mẹ Khôi.

Mọi người lại tiếp tục hành trình. Khi vào đến Pháp chỉ thấy 1 bảng nhỏ ghi “France” và lá cờ EU màu xanh dương với 1 vòng tròn các ngôi sao ở giữa. Trên đường đến Paris có ghé 1 nhà nghỉ ven xa lộ để đi vệ sinh và mua sữa và ít trái cây. Những thứ đó đã trở thành thông lệ. Chỗ nào mua được sữa là đem ra cho bọn nhỏ uống luôn tại xe. Trước khi rời chỗ nghỉ và lên đường đi tiếp đến Paris, mọi người ghé xem tượng một con heo rừng bằng sắt to bằng cả một căn nhà năm trên đỉnh đồi! Bọn nhỏ mỗi khi có dịp duỗi chân tay là tận dụng ngay, liền đua nhau chạy lên đồi vào sờ nắn chân heo coi nó cứng thế nào! Cũng chụp được vài tấm hình ở đây.

Lại lên xe và tiếp tục hành trình. Đến vành đai Paris là khoảng 5 giờ chiều. Paris rộng lớn và đường xá đông đúc nên từ vành đai chạy đến khách sạn mà gia đình sẽ ở 2 đêm ở Saint Dennis, 1 đô thị ngoại ô Paris, phải mất gần 2 tiếng! Đi ngang qua Saint Dennis và thấy giống những gì mình đã đọc và nghe: đây là khu vực có nhiều di dân ở, nhìn xuống cấp và xô bồ. Khách sạn ở đây thuộc hệ thống iBis hotel thấy nhan nhản khắp nơi bên châu Âu. iBis mà gia đình ở thuộc loại bình dân (dưới 70 Euro 1 đêm cho 3, 4 người 1 phòng). Phòng nhỏ chỉ vừa đủ chỗ nằm và để đổ chứ không có không gian đi qua lại, nhưng đồ đạc sạch sẽ và nhìn còn mới. Châu Âu có phần hiện đại hơn Mỹ: máy bán cà phê có rất nhiều nơi, McDonald nào cũng phải dùng máy để gọi món và trả tiền, và chưa hết, đến khách sạn iBis ở Paris bắt mình phải dùng máy để nhập thông tin đã đặt phòng trưóc khi nó mở cửa! Loay hoay không được, thì nhờ có người khác đi vào nên bố Khôi cũng “lẻn” vào luôn. Vào bên trong và đợi 1 hồi thì cũng có người ra tiếp. Sau này khi ra vào khách sạn, cứ dùng số mật mã vào phòng để mở cửa. Hiện đại như vậy nên không trách tỉ lệ thất nghiệp ở đây cao gấp đôi bên Mỹ! Đám con nít được dịp tranh nhau mở cửa bằng mật mã! Thục Lam là đứa nhớ được hết mật mã mở cửa cho cả 3 phòng!

Vào phòng dọn dẹp đồ xong, không kịp ngả lưng thì mọi người lại quyết định chạy đến khu Versailles chơi. Vì chỉ còn 1 ngày đi chơi Paris là ngày mai nên tối hôm đó bố Khôi nói sẽ ghé Versailles, nơi có cung điện hoàng gia Pháp ngày xưa, cho biết và ngày mai sẽ không ghé lại nữa. Toàn bộ chuyến đi châu Âu đều giống vậy: không có chỗ nào đến 2 lần, không có con đưòng nào chạy qua 2 lần! Tiết kiệm thời gian đến vậy rồi mà chuyến đi cũng vẫn còn giống như “cưỡi ngựa xem hoa”! Nhưng biết làm sao hơn được?

Bà nội Khôi nói mệt, muốn ở lại phòng! 3 tiếng đồng hồ chờ đợi sốt ruột ở khách sạn đến khi đoàn 9 người đi chơi về, lúc đó đã hơn 12 giờ đêm, bà nội nghe bố Khôi nói như đùa: ở lại như vậy mà lại hay! Đây là lý do tại sao:

Mọi người cũng đi 2 chiếc xe như bình thường. Chạy lòng vòng một hồi rồi ra xa lộ và cứ thế xuôi về Versailles, một đô thị vệ tinh phía tây nam Paris. Nhưng chạy được gần nửa đường thì bỗng nhiên có bảng báo đường đóng cửa! Thế là phải ra khỏi xa lộ tìm đường trong đi. Lòng vòng 1 hồi rồi cũng tìm được đúng hướng đến Versailles, tuy chậm hơn thời gian dự tính ban đầu. Có 1 đoạn đường bất ngờ thấy có 5, 6 trái banh to treo lủng lẳng giữa đường. Chạy vào trong thấy đường hầm rất thấp mới hiểu là họ báo trước đường thấp và chỉ một số loại xe mới được vào. Đường lúc đó rất vắng và cảm thấy rất dài. Chạy trong đường hầm có cái khó là GPS không hoạt động được. Và như vậy, mình có thể đi lố, mà chuyện quay trở lại điểm bị lộn không dễ vì nhiều đưòng 1 chiều, bị đóng vì sửa hay tai nạn hoặc mình lại bị lộn nữa nên kết quả có thể là mình sẽ đi xa và không còn quay trở lại điểm lộn ban đầu nữa!

Đến Versailles thì trời đã chập choạng tối, khi đó khoảng 10 giờ hơn. Bên Âu châu, trời tối rất trễ, phải hơn 10 giờ mới tối hẳn. Cũng thấy được lờ mờ hoàng cung Pháp. Chỉ bề rộng trước mặt chắc cũng nửa cây số. Nếu như hoàng thành Huế có nhiều cung điện trong phạm vi nửa cây số mỗi cạnh thì ở đây chỉ một cung điện mà đã rộng như vậy! So với cung điện Hoàng gia Tây Ban Nha chắc phải to hơn gấp đôi.

Mọi người tìm được 2 chỗ đậu xe trên 1 đường lớn ngay gần đó. Mọi người xuống xe và tản bộ đi tìm ẩm thực Pháp ban đêm. Không giống Tây Ban Nha, ở Pháp sau 10 giờ người ta chỉ còn bán thức uống. Hỏi 4, 5 tiệm đều vậy đành phải tiu nghỉu lên xe chạy về! Chưa đi được bao lâu thì thấy có McDonald và ghé vào. Dân Pháp vào McDonald giờ này đa số đều thấy có mùi bia rượu khi đứng gần. Lại nhớ đọc báo chí thấy nói nhiều người Pháp không thích McDonald vì nó huỷ hoại văn hoá truyền thống của Pháp. Nhưng nếu là khách du lịch thì McDonald có khi lại là vị cứu tinh bất đắc dĩ khi các hàng quán đều không còn phục vụ thức ăn nữa!

Ăn qua loa xong – vì không có nhiều người thực sự đói – mọi người ra xe chạy về, trong lòng đã cảm thấy hơi ngán con đường dài gần 1 tiếng để về đến khách sạn vì phải đi đường vòng vì có chỗ xa lộ đóng cửa. Về đến khách sạn thì thấy bà nội đang nóng lòng trông đợi.

Đêm đó mọi người ngủ trễ, chắc hơn 1 giờ sáng.

14. Thứ 5 ngày 8.6, sáng dậy cũng khoảng 8 giờ và rời phòng chắc 9 giờ. Trên đường vào trung tâm Paris, mọi người ghé nhà thờ chánh toà ở Saint Dennis lấy cùng tên. Dennis là tên thánh bổn mạng của các vua Pháp. Nhà thờ chánh toà này khá đặc biệt nhưng để được thấy, phải trả tiền, mỗi người gần 15 Euro. Đã đến đây rồi nên cũng phải vào cho biết! Đúng với danh hiệu thánh bổn mạng, nhà thờ là nơi yên nghỉ của đa số các vua Pháp mà người ta thu thập được các mộ rải rác sau cách mạng Pháp. Các mộ vua ở đây đều xây bằng đá và có tạc tượng ở bên trên. Có cả vua Charlemagne cách đây 1200 năm và vua Louis 16 bị chặt đầu năm 1793. Mộ các vua và hoàng hậu và các hoàng tử để ở phía cuối gần khu vực bàn thánh. Có nhiều cái ở trên lầu và có cả 1 khu mộ ở dưới hầm, nếu đi một mình chắc sẽ chùn chân!

Rời Saint Dennis, mọi người tiến vào Paris. Giống như nhiều lời kể lại, Paris có nhiều đường phố rác rưởi và bề bộn. Những khu vực này có nhiều người thiểu số, mà đa số có lẽ đến từ các thuộc địa cũ của Pháp ở Phi châu và một số không nhỏ là người Hồi giáo nhập cư gần đây. Gần những ngã tư trong khi chờ đèn đỏ và hàng dài xe đang xếp hàng chờ như mình, có vài lần thấy người vô gia cư cầm tờ giấy ghi dòng chữ cho biết mình đến từ Syria và trông đợi lòng thương xót của các xe qua lại. Lúc đó lại thấy một khía cạnh khác của Paris: họ rộng lòng đón nhận di dân nghèo khó ở nhiều nơi đến đây. Nếu so với Mỹ sẽ không thấy gì lạ vì Mỹ là quốc gia hình thành từ di dân, nhưng nếu đã đi qua Tây Ban Nha và Ý, sẽ thấy sự đa dạng chủng tộc ở Pháp, mà chủ yếu là Paris. Nếu Paris không mở cửa đón di dân mà chỉ có người Pháp trắng ở đây, có lẽ nó sẽ sạch đẹp giống Barcelona, Nice, Florence, Genova, Milan…

Không có xa lộ chạy vào trung tâm Paris nên phải chạy đường nhỏ với chằng chịt các nút giao thông mà mỗi nút giao thông là có đèn đường và xe cộ xếp hàng đông nghẹt. Đường ở đây không thẳng tắp như nhiều thành phố ở Mỹ đơn giản vì khi quy hoạch Paris cả mấy trăm năm trước, người ta khó có thể hình dung mật độ giao thông và sự phát triển đến ngày hôm nay ở đây. Vì vậy mà nhắm hướng đi ở đây không hoàn toàn đơn giản. Nhiều đoạn đường đi qua cảm giác như mình đang đi trên 1 con phố nào đó có nhiều nhà cửa, dinh thự thời Pháp còn để lại ở Sài Gòn. Nhích qua từng con phố ở Paris rồi cuối cùng cũng đến sông Sein. Hai xe bắt đầu chạy đi tìm chỗ đậu. Có lúc chạy vào cả những đường lót gạch đầy người đi bộ và chỉ có mỗi 2 xe nhà mình ung dung chạy chậm rãi chung với những người đi bộ chung quanh mà cũng không tìm ra được chỗ đậu xe. Có lần chạy vào đường tưởng thông ra đường lớn được nhưng lại bị cột chắn dựng giữa đường. Rõ ràng là người ta không muốn xe chạy ra đường lớn từ đây vì sợ tốc độ ngoài đường lớn bị chậm lại. Khi bố Khôi xuống xe quan sát và kêu 2 xe quay đầu lại, bà nội Khôi cứ tưởng bố Khôi sẽ gỡ cây cột ra. Thật ra bố Khôi cũng đã nghĩ đến khả năng chạy xe vượt qua khoảng trống giữa 2 cây cột luôn bất chấp cột có thể bị đẩy cong ra 2 bên. Sở dĩ phải tính đến đường đó là vì quay đầu xe chạy ngược lại môt đoạn không ngắn đầy ngập khách du lịch không phải là giải pháp thượng sách. Tâm lý những ngày đó có thể nói là: chuyện gì cũng có thể xảy ra!

Quay đầu xe lại là quyết định cuối cùng sau khi 2 xe hội ý nhau ở chỗ ngõ cụt đó. “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, quay ngược xe chỉ 1 đoạn ngắn lại tìm lối ra được dù có khoảng 50 mét 2 xe nhà mình phải chạy ngược chiều đoạn đường vắng! Lần này chỉ đảo qua 2, 3 con đường là may mắn tìm được nhà đậu xe. Gửi xe xong ở đây giống như trút được gánh nặng trên vai. Bây giờ là phút tự do đi bộ ung dung giữa kinh đô ánh sáng! Phút méo mặt khi trả tiền lấy xe với giá 40 Euro cho mỗi chiếc lúc đó chưa ai nghĩ đến!

Điểm dừng đầu tiên của gia đình là một nhà hàng bên dòng sông Sein. Bà nội đi vệ sinh trên lầu và nhờ ở vị trí cao mà thấy được rõ dòng sông Sein nên là người đầu tiên phát hiện dòng sông Sein nhìn đục chứ không đẹp như trong thi ca! Bữa ăn ở đây tương đối hài lòng. Trời nóng nên đây cũng là điểm nghỉ lý tưởng trước khi đội nắng đi điểm danh một số điểm du lịch nổi tiếng.

Băng qua sông Sein theo hướng từ phía bắc xuống nam, mọi người ghé thăm nhà thờ Đức Bà đầu tiên. Đồ sộ và khổng lồ giống như danh tiếng của nó, mọi người cũng may mắn vào được bên trong theo dòng khách du lịch. Duy leo cầu thang lên 2 cột tháp treo 2 quả chuông nhà thờ là bà nội tuy bày tỏ hứng thú nhưng không làm được vì hàng quá dài và phải mua vé khá đắt. Mọi người gọi xe “tút tút” chở qua tháp Eiffel cách đó khoảng 2km. Lúc đầu còn nghĩ đến đi bộ nhưng khi nhận ra trung tâm của Paris, nơi tập trung nhiều nhất các điểm du lịch, cũng rộng đến 6, 7 km vuông và với gia đình 4, 5 đứa con nít bát nháo như nhà mình, đi bộ là điều không tưởng! Đó là chưa kể trời nắng nóng hôm đó. Ngắm nhìn tháp Eiffel và những xe điện chở khách du lịch lên xuống đỉnh tháp cao chót vót, gia đình quyết định chỉ chụp hình chứ không làm gì hơn vì thiếu tiền, thì giờ và cả lòng can đảm!

Mọi người lại đi bộ băng qua sông Sein trở về lại mạn bắc con sông. Tại đây có vòng tròn quay ngựa cho con nít và có quán bán kem nên mọi người cũng nhân đó ngồi nghỉ luôn trong khi bọn nhỏ chạy loanh quanh. Nhả bớt được cái nắng gắt ban trưa của Paris dội xuống người, mọi người đi bộ lên đồi. Đi hơn 100 mét lên đến đỉnh đồi, quay lại nhìn xuống các kiến trúc kiên cố dọc theo sông mà có lẽ không có cái nào dưới 100 tuổi, tính luôn tháp Eiffel xây cuối thế kỷ 19, thấy đáng cái công đi săn vị trí lý tưởng thưởng ngoạn cảnh đẹp mà không phải trả tiền.

Mọi người đi tiếp qua phía bên kia đồi, băng qua đường và men theo đường đi bộ phía bên trái. Chừng 200 mét mọi người rẽ phải bước vào cổng nghĩa trang Passy nằm giữa lòng thành phố. Hỏi 1 người làm việc ở đây thì được chỉ là cứ đi thẳng vào và để ý bên phải. Có hàng trăm ngôi mộ tại đây, chắc phần lớn là những người tên tuổi và quyền thế. Mọi người vừa đi vừa để ý ngôi mộ có bia màu đèn giống các hình ảnh trên sách vở. Kia rồi, bố Khôi thấy và bước ngang qua một ngôi mộ khác để đến ngôi mộ màu đen kia. Đó là mộ của vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, một trong hai vua triều Nguyễn chết và chôn ở quê người. Tấm bia đá hoa cương màu đen khắc dòng chữ: “Hoàng đế Việt Nam Bảo Đại”. Lịch sử đã sang trang, công tội cũng lùi sâu dần vào quá khứ, không biết khi nào cựu hoàng mới trở về cố đô Huế, nằm bên cạnh các vua Nguyễn khác bên bờ sông Hương?

Mọi người rời đây và sau khi so sánh cách các di chuyển khác nhau, cuối cùng quyết định đi xe điện ngầm đến công viên “Les Invalides”, một phức hợp các kiến trúc cổ và công viên rộng lớn nằm phía nam sông Sein. Điều mọi người không tính đến là lúc đó đã là giờ tan tầm nên các xe điện đông kín người. Lần thứ nhất chỉ có Ý Viên và mẹ lao vào 1 toa được nhưng sau khi nghe có tiếng người nhà la lớn nên lại phải nhảy ra khỏi toa vừa kịp trước khi cửa đóng! Mọi người bàn tính và thống nhất ai đi được cứ đi và sẽ xuống trạm thứ 3. Cũng may khi xe điện kế đến, cả đoàn nhà mình leo vào được hết! Ý Viên và Khôi nắm chặt tay bố mẹ. Cả bọn nhỏ cũng cảm nhận được sự căng thẳng lúc đó!

Xuống xe điện, đi lên lầu, bước ra đường, mọi người phải dừng xem GPS mất vài phút để định hướng rồi mới đi tiếp. Càng đi gần đến công viên Les Invalides, ngôi mộ của Napoleon với mái vòm khổng lồ hiện ra càng rõ. Nó to lớn tựa như nhà thờ thánh Phêrô ở Rome! Và có lẽ là điều đáng tiếc nhất trong chuyến đi: bảo tàng mộ Napoleon vừa tới giờ đóng cửa! Khi đó là khoảng 6 giờ 15 chiều! Mọi người ngẩn ngơ tiếc nuối. Chỉ có thể đứng trước cổng vào bảo tàng nằm sâu bên trong cả mấy trăm mét để chụp hình kỷ niệm duyên không thành với vị hoàng đế chinh phục thế giới tài ba. Thật ra mọi người cũng bất ngờ khi thấy mộ Napoleon lớn như vậy. Nhưng thấy rồi thì có thể hình dung ông đã được người Pháp ngưỡng mộ như thế nào. Chắc cũng tương tự như Thành Cát Tư Hãn đối với người Mông Cổ và các dân tộc Trung Á cùng chung gốc Thổ hay như Caesar đối với người Ý,…

Mọi người ghé 1 quán cà phê gần đó nghỉ. Mẹ Khôi lúc đó vừa liên lạc được với 1 người bạn ở Paris và hẹn sẽ gặp tại 1 tiệm ăn Việt tìm thấy gần chỗ gia đình đậu xe nhờ bản đồ google. Mọi người lại lên xe điện. Đến trạm thứ 3 hay 4 là xuống. Từ đó đi bộ chỉ 200 mét là thấy người bạn xuất hiện cũng vừa mới đến và đang đứng chờ! Khi bước vào tiệm ăn mới biết đây là nhà hàng đồ ăn Việt Nam nhưng là của người Tàu, chắc là Tàu Việt. Bữa ăn không xuất sắc nhưng cũng không có gì thất vọng. Ăn xong là trời cũng vừa tối. Lúc đó chắc đã 10 giờ hơn. 2 xe nối đuôi nhau chạy về khách sạn ở Saint Dennis. Trời tối đường vắng hơn nhiều nên chỉ chạy xe mất chưa đến 1 tiếng là về đến nơi.

Trước khi về phòng, cô Kim đi chào mọi người vì sáng sớm hôm sau cô Kim sẽ đi taxi ra phi trường quốc tế Paris bay qua London và từ London sẽ bay về Mỹ.

15. Thứ 6 ngày 9.6, mọi người dậy và rời khách sạn khoảng 9 giờ sáng như mọi lần. Đi đông như vậy nhưng trong suốt 14 tối ngủ khách sạn, hình như gia đình không để quên gì cả. Người thường xuyên đi kiểm tra các phòng 1 lần cuối là bà nội hoặc bố Khôi, và có khi là cả hai. Những ngày cuối này, mọi người đã hình dung ngày về rõ hơn: chuẩn bị tiếp tục đi làm và không còn được ăn ở không như 2 tuần qua nữa; chuẩn bị chào tạm biệt và không biết khi nào lại có dịp quay trở lại đây; nếu có gì đó lưu luyến thì chỉ coi như là những kỷ niệm đẹp nơi này; thấp thoáng cảm giác trông đợi về nhà, về không gian và môi trường thân thuộc…

Hai xe lại nối đuôi nhau hướng trở lại miền nam nước Pháp với đích đến cho tối hôm đó là Toulouse. Lần này xe bác Thục chỉ còn 1 tài xế vì cô Kim lúc đó chắc đã đang ngồi trên máy bay bay qua London rồi. Đường từ Paris xuống Toulouse khá dài, có lẽ là đoạn dài nhất trong 1 ngày của toàn bộ chuyến đi. Đoạn đầu chạy ra khỏi Paris và các khu vực chung quanh xe đông nên không chạy nhanh được và mất gần 2 tiếng mới ra khỏi đây. Từ đó xuôi về Toulouse tốc độ nhanh, 130km/h, giống như ở Đức và so với Mỹ là cũng khá nhanh. Ở Mỹ hiếm có đoạn xa lộ nào cho chạy tới 80 dặm 1 giờ (tương đương 130km trên giờ) như ở Pháp và Đức. Đường nhanh nhưng cũng lắm trạm thu phí. Trung bình cứ 100km chạy ở đây phải đóng khoảng 10 Mỹ kim. Lúc đầu còn lọng cọng khi đến trạm thu phí vì không biết nên vào làn đường nào. Nhưng càng về sau càng suôn sẻ hơn: vào bất cứ làn nào ngắn và chấp nhận nhiều cách trả tiền: tiền mặt, thẻ, và nếu có người gác càng tốt; nhưng phải để ý không đi lộn vào làn nào dành riêng cho những xe đã đăng ký trả trước hay trừ thẳng vào tài khoản.

Trên đường có ghé nghỉ trưa ở một khu vực nghỉ ngơi bên cạnh xa lộ. Mọi người có mua chút đồ ăn cho qua bữa ở đây. Vật giá khá đắt: có lẽ gấp rưỡi giá trung bình bên Mỹ. Bọn con nít cũng được ra ngoài chơi ở khu chơi cho trẻ em. Bà nội kể: con cháu nhà mình ồn ào nhất ngoài đó, đến con Tây cũng phải nhường: không biết đó là sự khác biệt giữa Tây và Ta hay giữa Pháp và Mỹ nữa?

Lại lái xe tiếp. Có lúc bố Khôi qua lái xe phục bác Thục. Bọn con nít những ngày sau cũng ít đổi xe hơn ban đầu. Ai cũng cảm giác rõ ngày về đang tới gần nên không khí hứng khởi những ngày đầu cũng giảm đi.

Chiều khoảng 5 hay 6 giờ, xe tiến vào Toulouse và quẹo vào đường đến khách sạn. Rẽ ra exit rồi nhưng đi lộn nên phải vòng lại, một sự kiện gần như ngày nào cũng xảy ra ít nhất một lần. Rồi cũng đến khách sạn. Khách sạn nhìn bên ngoài đơn giản. Vào bên trong, phòng rất nhỏ nhưng sạch sẽ. Vì đã dự đoán trước nên đã thuê 3 phòng và để bà nội và Thục Đan ngủ chung 1 phòng. Không có cô Kim, TD thường bị/được ghép chung với bà nội.

Cất dọn đồ đạc xong, mọi người lên xe chạy vào trung tâm Toulouse chơi và tìm chỗ ăn tối. Không ai chờ đợi gì nhiều vì biết Toulouse không phải là thành phố lớn. Thành phố này cũng không có biển hay núi bao bọc nên lại càng không tạo mấy sự hào hứng chờ đợi. Chính trong tâm lý đó, khi chạy vào sâu trung tâm thành phố và thấy người dân ở đây tản bộ ngoài đường và nói chuyện rầm rĩ ở các nhà hàng dọc hai bên đường và dọc 2 bên con sông chính chảy giữa thành phố, cảm giác bất ngờ thú vị hiện ra. Thành phố tuy không cổ như Florence nhưng vẫn có nhiều toà nhà và đường lót gạch cỡ tuổi ít nhất cũng phải hơn trăm năm. Mọi người nhìn thấy trong bản đồ google 1 tiệm Việt ở đây và tuy đọc thấy nói giá không rẻ, mọi người vẫn muốn ghé thử. Lại một lần nữa phải đậu xe ở tầng cao nhất nhưng cũng nhờ đó mà gia đình có một tầm nhìn lý tưởng thành phố này từ trên cao.

Đường đi từ bãi đậu xe đến nhà hàng Việt Nam là những con đường lót đá nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ 1 chiếc xe chạy qua. Khu vực này không nằm sát sông nên vắng hàng quán hơn dù vẫn ồn ào tiếng cười nói ở rải rác các quán hai bên đường. Ngay chỗ đậu xe có con nít chơi đá banh trên lề đường, và gần đó là máy nướng kê ngay bên lề của 1 quán ăn nhỏ. Hao hao giống đang đi bộ trên đường Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn.

Nhà hàng Việt Nam là 1 nhà hàng Huế bé nhỏ nằm trên 1 đường vắng so với các đường khác ở đây. Các nhà hàng trên đường này đều nhỏ và không bày bàn ghế ra lề đường. Mọi người bước vào trong và không ngạc nhiên khi thấy không gian bên trong cũng nhỏ như bên ngoài. Chỉ có khoảng 6 bàn và mỗi bàn chỉ có thể ngồi 4, 5 người. Nhà hàng đông đúc nhưng may mắn là vẫn còn 2 bàn trống và họ kê lại gần nhau cho gia đình mình. Người tiếp khách là 1 cô gái Pháp mà sau đó hỏi chuyện mới biết có mẹ là Việt Nam. Người phục vụ bàn là em gái Việt Nam chắc chỉ khoảng 20 và không nói tiếng Việt nhiều. Không gian nhỏ nhưng sạch sẽ và lịch sự. Nhà vệ sinh ở dưới hầm giống nhiều quán khác vì không gian chật hẹp. Không ai thấy nhà bếp ở đâu và nhờ cách biệt nên không có mùi đồ ăn hay tiếng làm việc, nói chuyện ở dưới nhà bếp vang ra chỗ khách ngồi. Đồ ăn ở đây khá mắc, như một tô phở giá 15 Mỹ kim, và không đầy đủ các hương vị rau hành như bên Mỹ, nhưng nguyên liệu mới và chất lượng, chén bát sạch sẽ và các dĩa đồ ăn trình bày đẹp và có thể cảm nhận được sự trân trọng của nhà hàng đối với đồ ăn đem ra cho khách nên ai cũng thấy hài lòng! Ngay kế bàn ăn gia đình là kệ tủ sách mà toàn bộ là tiếng Pháp nhưng viết về Việt Nam. Bây giờ mình có thể hình dung phần nào cảm giác của người Tây khi qua Đông Dương: họ cũng thích thú khám phá văn hoá Việt qua ẩm thực, nhưng là ẩm thực ở mức cao và không quá bình dân, và bên cạnh đó là chất lượng, cung cách phục vụ giống ở mẫu quốc: kết quả là nhà hàng bán cho khách Tây không phải người bình dân Việt Nam nào cũng vào được.

Mọi nguời chào ra về chắc khoảng 10 giờ tối. Đi bộ ra lấy xe và chạy về đến khách sạn chắc đã hơn 11 giờ khuya.

16. Thứ 7 ngày 10.6, mọi người trả phòng và lên đường chắc khoảng 9 giờ sáng. Điểm đến đầu tiên là Lộ Đức, một thị trấn hẻo lánh ở dưới chân dãy núi Pyrenees miền cực nam nước Pháp, gần biên giới với Tây Ban Nha. Đường từ Toulouse đến đây không xa, chỉ gần 2 tiếng, và vùng này ít xe cộ nên 2 xe chạy theo nhau dễ dàng. Lộ Đức nổi tiếng sau khi có tin Đức Mẹ hiện ra ở đây năm 1858, và không biết đã trở thành điểm hành hương của giáo dân Công giáo trên khắp thế giới từ khi nào. Nhà thờ và các kiến trúc ở đây nhìn không cũ kỹ lắm, chắc chỉ khoảng 50 năm. Càng vào sát khu vực thánh địa, nơi có hang đá Đức Mẹ hiện ra, càng thấy nhiều khách vãng lai. Nhiều người đi thành đoàn bằng xe đò và nhiều nhóm có cả những người ngồi xe lăn và thường luôn có người đi bộ đẩy họ. Giới trẻ Pháp đến đây cũng không ít.

Khuôn viên chính của thánh địa khá rộng lớn, chắc gấp đôi đoạn đường Nguyễn Huệ chạy từ Uỷ ban Nhân dân Thành phố ra tới bến Bạch Đằng. Ngay chính giữa là 1 nhà thờ to lớn. Đi vào trong mới biết trong đó thật ra có tới 4 nhà thờ chồng lên nhau! Vì là vùng sát chân núi nên đất ở đây không bằng phẳng. Hang đá nơi Đức mẹ xuất hiện nằm ngay bên hông và dưới chân nhà thờ. Có thể hình dung ngày xưa đây là một đồi đất cao. Người ta xếp hàng vào hang đá khá đông nhưng hàng di chuyển cũng nhanh vì chỉ đến chạm tay cầu nguyện chứ không đứng lâu. Nước ở trên cao cứ róc rách chảy theo kẽ đá xuống nên có cảm giác mát rượi khi vào trong đây. Gần đó có nước từ vòi cho người ta uống hay rửa mặt và dù có biển báo cấm lấy nước mang về nhưng vẫn có người làm và họ dùng các can đựng nước mua ở mấy tiệm tạp hoá chung quanh!

Gia đình ăn trưa ở 1 tiệm ở khu vực buôn bán chung quanh thánh địa và ngay bên ngoài bãi đậu xe. Nhà hàng này có bảng vẽ hình đồ ăn khá bắt mắt và dễ gọi vì mọi thứ có thể thấy trong hình. Chỉ đến khi đồ ăn ra và cho vào miệng rồi mới cảm thấy mình bị “chém”. Giống như đi chơi Vũng Tàu và ghé đại 1 quán ven đường: họ biết mình đói và tâm lý đi theo đoàn thể là ăn uống qua loa nên họ chỉ nhắm bán cho được nhiều, nhanh. Kết quả là không có chất lượng mà tiền vẫn rất hao!

Trên đường ra khỏi bãi đậu xe mới biết bác Thục bị mất hoá đơn trả tiền xe, và đó là lần thứ hai. Lần này, người gác phải gọi cảnh sát đến và sau vài câu nói bồi vừa tiếng Anh vừa tiếng Pháp giữa họ với bố Khôi, người ta mở cây chắn cho bác chạy xe ra.

Gia đình rời Lộ Đức khoảng 2 giờ chiều và hướng đến San Sebastian, Tây Ban Nha, phía bên kia biên giới với Pháp. Đoạn đường hơi dài nhưng cảnh đẹp vì luôn chạy dọc theo dãy Pyrenees và khi gần đến biên giới với Tây Ban Nha, đường chạy gần sát với biển. Đáng nhớ nhất là cảnh mây mù của bầu trời âm u dày đặc và mạnh mẽ như sóng biển trào qua đỉnh núi và ôm lấy nó. Thành phố có cái tên đẹp này nằm phía tây bắc TBN, đoạn cuối của dãy Pyrenees, và nhìn ra biển Đại Tây Dương. Đây là thành phố du lịch của TBN ở bên bờ Đại Tây Dương. Gia đình ghé vào đây không quá 30 phút vì đường về Madrid còn xa ma trời đã về chiều. Gia đình dừng xe tại một đoạn đường chạy ven theo bán đảo nhỏ nhô ra biển. Không có thì giờ chạy lên đỉnh núi của bán đảo này mà chỉ có thể đứng ở đây nhìn ngược lại thành phố và bãi biển. San Sebastian không có cảnh quan thiên nhiên đặc biệt như Nice nhưng nhà cửa ở đây màu sắc hơn nên vẫn có nét kiều diễm riêng. Nhìn phố xá dày đặc người qua lại, nhộn nhịp ra tắm biển hay trò chuyên huyên náo ở hàng trăm quán xá dọc biển nên mọi người cũng quyến luyến muốn dừng chân lâu hơn. Nhưng phải giữ tầm nhìn về phía trước và không được phân tâm vì thời gian càng lúc càng eo hẹp!

Hai xe lại nối đuối nhau chạy vượt qua những ngọn núi thấp cuối cùng của dãy Pyrenees. Mặt trời xuống thấp dần. Đường dài thậm thượt. Khi chạy qua 1 thành phố nhỏ có tên Burgos, bố mẹ Khôi quyết định ghé vào vì nghĩ đây có thể là nơi gia đình có 1 bữa ăn cuối cùng ở châu Âu. Thành phố tuy nhỏ và chưa bao giờ nghe qua, nhưng vẫn có nét quyến rũ riêng của nó. Các nhà thờ và toà nhà hành chính cổ kính đủ là lý do để đến đây thăm quan. Nhưng cảnh nhộn nhịp ăn uống và sinh hoạt khi đã 10 giờ tối, giống nhiều nơi khác ở TBN, là một nét văn hoá sống động níu kéo chân khách du lịch.

Mọi người đậu xe và đi bộ lên cầu thang ra ngoài. Vừa bước ra khỏi hầm đậu xe là nhận ra mình đang đứng giữa quảng trường trung tâm thành phố! Nó không lớn nhưng khá nhộp nhịp và ồn ào tiếng cười nói. Mọi người chọn nhanh 1 nhà hàng khá đông khách vào ăn. Đi ngang qua bàn ăn nào cũng có người đưa mắt nhìn. Gia đình ngồi ăn ở đây không mau như dự tính, nhất là khi ngồi đợi người ta đưa đơn tính tiền sau khi ăn xong.

Rời khỏi đây là đã 10 giờ hơn. Mặt trời thấp dần và biến mất sau những quả đồi nối tiếp nhau chạy xa tít tầm mắt. Đoạn đường cuối cùng 2 tiếng về Madrid là đoạn đường dài nhất trong chuyến đi! Chỉ còn 3 tay lái mà trong đó không ai là khoẻ mạnh: bố Khôi cảm lạnh nặng hơn sau khi lây từ Ý Viên 2, 3 ngày trước đó; mẹ Khôi bị lây trước và tuy đã khoẻ hơn nhưng đã đuối sức nhiều; bác Thục chạy xe một mình chủ yếu nên mắt đã cay xè và đầu óc tê tái…

Hôm đó, anh Hậu từ Phoenix cũng vừa bay đến Madrid. Anh Hậu đi standby không phải trả tiền nên thấy cuối tuần rảnh rỗi cũng muốn bay qua đây chơi chung với gia đình, dù là 1 ngày! Nhưng cuối cùng 1 giờ cũng không có vì khi mọi người về đến Madrid là đã hơn 1 giờ sáng! Sau cái đêm ở Florence, tối ngày cuối cùng là đêm dài thứ 2 trong toàn bộ chuyến đi!
17. Chủ Nhật ngày 11.6, sáng sớm hôm đó gia đình bác Thục đi taxi ra phi trường trước và may mắn có được chuyến bay về lại Mỹ ngay buổi sáng hôm đó. Gia đình Khôi và bà nội ra phi trường sau đó. Mẹ Khôi chạy xe của bác Thục đi theo sau xe bố Khôi và mọi người. Mẹ Khôi không may bị rớt lại và phải mất gần tiếng sau đó mới tự tìm đường chạy vào đến phi trường chỗ trả xe. Và đó là cái “hú hồn” cuối cùng của chuyến đi!

Đến châu Âu với tâm lý: châu Âu nổi tiếng ai cũng biết, có gì lạ? Có đi và đi rồi mới biết điều đó đúng nhưng chỉ mới là 1 nửa câu chuyện. Đi châu Âu vì bị hấp dẫn bởi lịch sử, văn hoá lâu đời ở đó. Nhưng khi ra về lại thấy quyến luyến vì những sinh hoạt, đời sống mình đã chứng kiến. Mới đến thấy bất tiện vì những khác biệt với nơi mình quen thuộc, nhưng khi chào tạm biệt lại nhớ những dị biệt đó. Có lẽ bản chất của du lịch là thế: đi thật xa để tìm thấy mình trong đó.

 

Lộ trình chuyến đi bằng: google map

Leave a Reply