Tết xưa

Còn một tháng nữa là đến Tết truyền thống ở Việt Nam, ngày lễ lớn và vui nhất trong 365 ngày của một năm. Mình mong biết bao đến ngày mồng một, ngày được tiền lì xì, được nếm vị ngọt của những thứ bánh mứt mà chỉ ngày ấy mới mở gói, được nghe tiếng pháo, đốt pháo, được tha hồ chơi bài, đánh đáo mà không sợ người lớn la trách và chắc chắn không phải cuối cùng là không phải đi học! Đấy là 20 năm trước, bây giờ mình chỉ có thể mơ màng thả hồn bồng bềnh với biết bao kỷ niệm mà chính mình ngày ấy đã không cảm nhận được hết.

Sáng ngày mồng một là một trong những ngày hiếm hoi trong năm mà mình hăm hở thức dậy, bước ra khỏi giường khi bố mẹ đánh thức 3 anh em mình. Một ngày mới bắt đầu cho một năm mới. Mấy anh em đánh răng, rửa mặt xong là sửa soạn mặc quần áo đẹp để qua nhà ông bà nội chúc Tết. Mẹ vừa trang điểm vừa đôn đốc mấy anh em mặc quần áo, còn bố thì lựa trái cây để lên bàn thờ cúng. Ngày xưa mẹ lo cho mấy anh em từng chút nên mình gần gũi với mẹ hơn và bây giờ ngồi nhớ xem bố làm những gì ngày mồng một Tết mình chỉ nhớ được vỏn vẹn có thế. Bố không bao giờ bảo mấy anh em làm theo mà chỉ lẳng lặng một mình suy niệm trước bàn thờ cúng đơn sơ bố bày biện hôm 30 Tết và thắp một nén nhang lên đó.

Xong đâu đấy, bố mẹ bảo mấy anh em đến chúc Tết bố mẹ trước khi được bố mẹ lì xì. Thế là theo trật từ từ lớn đến nhỏ, ba anh em tuần tự líu nhíu chúc Tết bố mẹ. Mấy anh em ở với bố mẹ mỗi ngày nên chẳng biết phải chúc như thế nào nên mẹ luôn phải nhắc nhở cách chúc Tết. Có lẽ cũng nhờ thế mà sau đó khi qua nhà ông bà nội, mấy anh em cũng biết chút ít cách chúc Tết ông bà, chú bác.

Trong cái xóm lao động ngày ấy thì nhà mình thuộc loại hơi nghèo, nhưng đến ngày Tết thì anh em lại lên đồ bảnh bao hơn cả, đấy là nhờ quần áo cô chú và cậu mình bên Mỹ gửi về. Ấy thế nên trong xóm hay xì xào nhà mình có đồ Mỹ, có của chìm và có lẽ họ chẳng bao giờ xem nhà mình là nghèo cả. Thật là oan cho mình, bởi mình ngày ấy chẳng giống ai, mình không thích mặc đồ đẹp tí nào! Những lần có đồ Mỹ về, mình chỉ thích nho khô, kẹo cao su, và đồ chơi, còn quần áo và cả kẹo sô-cô-la mình lại rất hờ hững! Thế nên ngày Tết mình ghét nhất phải mặc quần áo mà mẹ và người lớn khen là đẹp và cả nước hoa mẹ xịt cho mấy anh em mà mình thấy như bị biến thành con gái!

Mình không còn nhớ rõ trước khi bố mẹ tậu được chiếc cúp 82 và cả nhà chỉ có 2 chiếc xe đạp thì sáng mồng một bố mẹ chở 3 anh em qua nhà ông bà nội như thế nào. Không biết có phải là bố chở mình và chị Thục còn mẹ chở anh Trường? Mình chỉ nhớ sau này khi có chiếc cúp 82 rồi thì bố mẹ hay chở chị Thục trên chiếc cúp còn 2 anh em thì chở nhau trên chiếc xe đạp.

Đến nhà ông bà nội thì bên ấy ai cũng mặc đồ đẹp giống như mình và mọi người ai cũng hớn hở, tươi cười. Một trong những thắc mắc đầu tiên ngày mồng một Tết khi đến nhà ông bà nội là không biết Lu Mi đã đến chưa? Thường thì nhà cô Hồng đến muộn hơn nhà mình, nhưng chỉ khi gia đình cô Hồng đến không khí mới thật vui nhộn, đông đủ.

Bảy anh em ngày ấy, chụp trước nhà ông bà nội ngày Tết
Bảy anh em ngày ấy, chụp trước nhà ông bà nội ngày Tết

Và rồi đám con nít tuần tự chúc Tết ông bà, và tất cả chú bác. Bọn con nít mình chỉ mong chúc Tết nhanh cho xong để đếm tiền lì xì. Vừa đếm vừa thì thầm, lẩm bẩm chú, bác nào lì xì ít, cô, chú nào lì xì nhiều. Ngày Tết, mình chỉ biết đánh giá người lớn qua số tiền được lì xì! Chú bác nào lì xì nhiều là mình thích chú bác ấy nhất hay ít ra là cứ đến ngày Tết mình lại nhớ đến chú bác ấy! Cái tâm lý trẻ con là vậy nhưng bây giờ ngồi nhớ lại thì chú bác trong gia đình lì xì không khác nhau là bao vì gia cảnh trong đại gia đình ông bà nội mình không khác nhau nhiều.

Mọi người chào hỏi, cười nói chưa được bao lâu thì tất cả phải chuẩn bị lên đường đi chúc Tết các ông bà là anh chị em ông bà nội. Ngày ấy mình chẳng bao giờ thắc mắc tại sao cả nhà đi chúc Tết mà ông bà nội thì lại ở nhà một mình. Nếu có thì hẳn là mình chỉ nghĩ rằng ông bà nội già rồi, không còn ham vui như mình nữa nên không đi đó thôi!

4
Ngắm lại ông bà nội ngày xưa mới nhận ra ông bà cũng có một tuổi trẻ, chứ không phải sinh ra là ông bà đã... già!

Đoàn đi chúc Tết ngày ấy thật “hùng hậu” với 4 gia đình và khoảng 15 người tùy từng thời kỳ, trước và sau khi chú thím Trung đám cưới, và trước và sau khi có Mi, Ti.

Lịch trình chúc Tết mình còn nhớ là nhà bà Đạc, nhà cụ Hiến, nhà bà Nhân và cuối cùng là nhà ông Đức. Bọn trẻ con mình chỉ thích được ngồi xe dù là xe đạp trước đó hay xe gắn máy sau này ngắm đường phố ngày Tết và khi đến nhà các ông bà thì ra đường xem người ta đánh bài hay soi mói xem nhà ông bà nào có mứt ngon nhất. 20 năm trôi qua, và bây giờ  chỉ còn lại bà Đạc, ông Đức, và may mắn còn cụ Hiến bà. Đi chúc Tết hết 4 nhà là mặt trời đã lên quá đỉnh đầu và mọi người cũng thấm mệt. Lúc này 4 gia đình tách ra và đi chúc Tết riêng gia đình phía bên dâu rể (chú Đạt, thím Trung, bạn bác Tùng và bên mẹ mình). Gia đình mình nếu không dùng cơm trưa đầu năm ở nhà ông Nghinh là cậu của mẹ ở chân cầu Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ sau này) thì về nhà ông bà nội sớm hơn và dùng cơm ở đấy.

Về đến nhà ông bà nội, hoàn tất việc đi chúc Tết, bọn con nít mình băt đầu đếm tiền, xem ai gặt hái được nhiều nhất năm nay. Không cần biết của chìm của nổi của mỗi người là bao nhiêu, mấy anh em kéo nhau lên lầu, tránh xa tầm mắt của ông bà và chú bác, để bắt đầu “xì dách” sát phạt nhau với hy vọng rút bớt tiền của một người nào đó trong bọn được xem là “giàu có” hơn cả dù có thể chỉ là trí tưởng tượng hay bị tung hỏa mù! Ngày ấy Mi còn nhỏ lắm, chưa chơi bài được mà chỉ có thể được cho chơi ké. Lu lớn hơn và có thể chơi bài cào! Cái tuổi trẻ hồn nhiên, bồng bột ấy, mình nhớ Lu, Mi quấn quít với 5 anh em lắm! Và 5 anh em, mà cụ thể hơn là Chương, Thục và mình cũng cưng chiều Lu và Mi lắm, xem 2 đứa em gái như một phần không thể thiếu trong những ngày “đình đám” xum họp gia đình, anh em. Hai ngày giỗ cụ trước và sau Tết, bọn Chương, Thục và mình hay “khăn gói” tay xách nách mang trái cây, xôi bánh ngày giỗ bắt đầu chuyến “chu du thiên hạ” và luôn là một niềm vui lớn nếu dẫn được Lu và thảng hoặc cả Mi theo cùng. Chuyến đi chu du thiên hạ tuy chỉ lẩn quẩn trong mấy con hẻm gần nhà hoặc xôm trò hơn là ở đền thờ Hai Bà Trưng với tượng voi, bậc tam cấp, và bóng mát cây cảnh trong đền, nhưng dẫn được Lu, Mi đi theo thật không dễ vì Lu ngày ấy còn nhỏ, cô Hồng đã ái ngại cho đi theo đã đành mà chú Đạt còn lo hơn nên thường là phải lẻn trốn hoặc nói thác đi là chỉ ra đầu đường đứng hóng mát thôi!

Đây phải là Tết năm 91 hoặc 92, trước khi mình rời VN không lâu
Đây phải là Tết năm 92 khi Trang còn ẵm ngửa và 7 tháng trước khi gia đình mình rời VN

Hình này chụp khi đại gia đình ông bà nội khá đông đủ cho tới ngày gia đình mình rời VN. Trong hình có cả Ti còn nhỏ xíu và cả Trang vừa chào đời. Nhà ông bà nội cũng đã sửa lại đôi chút. Đấy cũng là những năm 5 anh em lớn hơn, học trường mới, quen bạn mới và tư tưởng bắt đầu “nổi loạn.” Cái tuổi thơ hồn nhiên bấy giờ nhường lại cho Lu, Mi và Ti. Thế nên 3 chị em chỉ có thể trách móc mấy anh chị lớn chỉ biết có mình và lười biếng, hờ hững với mấy em và cả gia đình.

Nhìn hình có thể đoán là do bố chụp vì trong hình chỉ thiếu duy nhất bố. Vậy tấm hình đầy đủ hơn cả là tấm chụp ngày 28 tháng 8 năm 1992.

5Tấm hình này vô tình hay hữu ý mà mình thấy thật ý nghĩa. Ông bà nôi, như mọi lần, đã luôn là trọng tâm và chính là 2 cây đại thụ của gia đình. Lu, Mi, Ti tuổi thơ đầy sức sống và hy vọng quấn quít chung quanh ông bà. Bác Tùng và bố, 2 cột trụ chống đỡ mái nhà đại gia đình ngồi 2 bên ông bà. Tết năm nay ở Việt Nam ông bà đã già yếu lắm và như 2 ngọn đèn trước gió. Nhưng thảng thốt hơn là 2 cột trụ của đại gia đình đã ra đi, từ biệt tất cả và nhường lại cho con cháu việc chống đỡ mái nhà đại gia đình Nguyễn Sơn. 55 năm lập nghiệp và trưởng thành ở miền đất mới của đất nước, nay đại gia đình Nguyễn Sơn đang đứng trước thử thách mới. Nếu giàn giáo và hồ vữa không còn thì liệu căn nhà có còn đứng vững?

Cụ Trương Vĩnh Ký 100 năm trước có nói “sanh ký tử quy” vậy mình cũng mong có một căn nhà tinh thần đang đợi tất cả và bác Tùng và bố đang ở nơi ấy. Nhưng dù sống là ký gửi, nhìn ánh mắt của người ra đi, mình cảm nhận được hình bóng bác và bố luôn ở giữa tất cả.

10 thoughts on “Tết xưa”

  1. đọc bài viết kỷ niệm dần dần hiện lên, nhưng có lẽ trí nhớ mình dở quá nên không nhớ thêm được nhiều thứ
    trong những lần chuẩn bị cho chuyến đi chu du thiên hạ, có vài lần phải lén lút thả giỏ đồ ăn từ trên lan can xuống dưới, để khỏi phải đi qua phòng khách, nơi mà ông nội luôn ngự trị
    Những lần đó nhiều khi còn háo hức hơn cả khi được nhận tiền lì xì

  2. Tet cng la dau moc cua mot nam moi nhin lai nam cu~ xem mi`nh da~ lam duoc nhung gi`?! Nhung duoc, hu*, co`n ma’t nguoi` tha^n… de lai vui buo`n, mat mat la~n van vuong trong lo`ng nguoi`!!

  3. Bai viet cua Ngan hay qua dung nhu chau phan tich, luc truoc co le khong ai nghi ra dieu ay nhung bay gio bac Tung va bo chau mat su phan tich cua chau that la xuc tac,co chi tiec co mot dieu la neu ong ba noi chiu o lai day thi co le bay gio sap la luc moi ng trong gd ta vui ve cho du co su mat mat.Trong tham tam co luc nao cung muon tat ca moi ng trong gd minh deu cung o mot noi khong phai dieu voi ng My ng Vn.

  4. So Great! Ngan phân tích chính xác thật haha, vẫn nhớ chính xác cái từ ” đi chu du thiên hạ” dẫu chỉ là đi loanh quanh mấy con hẻm nhỏ xíu chỉ một ngừoi đi lọt gọi là “one way hẻm”. Còn nhớ những con hẻm gần hồ bơi Chi Lăng với thiên đường trò chơi điện tử. :mrgreen:

  5. Yes, TraiLang, trò chơi điện tử là cả một thời kỳ, đủ để có 1 bài post riêng.
    Cháu cũng mong muốn như cô Dung, nhưng hiểu chuyên đó là quá khó và với hoàn cảnh đại gia đình mình như bây giờ cũng là may mắn nhiều vì ở Việt Nam thì gia đình vẫn ở gần nhau, còn bên Mỹ thì gia đình vẫn tới lui, giữ liên lạc đều đặn. Duy có thiếu chú Quang mà cháu vẫn nghĩ sẽ có ngày tìm thấy chú.
    Có 1 điều cháu quên viết trong bài blog là cháu không nhớ cái Tết nào có cô Dung, chú Quang cả. Cô Dung vượt biên năm 86, lúc đó cháu đã 8 tuổi, hẳn phải nhớ được chứ, vậy mà không hiểu sao cháu vẫn chưa nhớ ra. Những lần đi chúc Tết các ông bà chỉ có gia đình 4 anh em, bác Tùng, bố cháu, chú Trung va cô Hồng. Có lẽ nào mấy năm 85, 86 cô Dung, chú Quang đang trốn hay bị bắt ở dưới miền Tây?

  6. Thuc, I absolutely remember the times when we had to transport our food supply for the trip by putting them in a bag and lowering them down from the balcony.
    Một lần Ngân hỏi chuyện ông nội lúc về VN chơi, hình như năm 2007, 5 tháng trước khi bác Tùng mất, ông nội kể hồi nhỏ ông nội leo cây bị té nên để lại vết thẹo đến sau này. Ông nội người lắm thẹo, trong đó có 2 cái to nhất, một ở ngay bụng do ông nội mổ lấy ruột dư thì phải ngày xưa trước 75, còn 1 cai là do ông té cây.
    Ngày xưa mình có bao giờ biết là ông nội ngày xưa cũng nghịch ngợm như mình hồi nhỏ đâu, và có lẽ vì vậy mà ông nội hiểu tâm lý bọn mình ngày xưa như thế! Ngày ấy ông nội mắt hay lim dim, mơ màng, nhưng chỉ một tiếng động khẽ là ông nội biết ngay bọn “trộm” đang lẻn trốn khỏi nhà!

  7. Bài viết của Ngân hay thật. Không biết Ngân bây giờ còn ghét mặc đồ mới không? 😆 Mình lúc nhỏ cũng ghét mặc quần áo mới lắm, tại vì mặc quần áo mới mình cảm thấy thiếy vẻ sành điện 😈

  8. @NGÂn: chào chị Ngân, chị giỏi quá, viết lách cực hay.
    đọc sơ qua các bài viết của chị, thấy kiến thức của chị thật tuyệt.

    Chúc chị và gia đình trần đầy an lành nhé
    Năm mới an khang thịnh vượng! (tết Nguyên Đán)

Leave a Reply