người Việt ở Mỹ

Hôm nay nhân ngày lễ Martin Luther King, công ty Cox mình làm cho mọi người được nghỉ 1 ngày, rảnh rỗi nên mình viết vài hàng về cộng đồng người Việt ở Mỹ mà gia đình mình ở bên này là một bộ phận. Trong số người Việt ở nước ngoài thì số người Viêt ở Mỹ chiếm gần một nửa, với con số khoảng 1 triệu 7 trên tổng số gần 4 triệu. Mấy tháng nữa, sau khi cục Thống Kê dân số Mỹ hoàn thành khảo sát bản đồ dân số trên toàn nước Mỹ, theo định kỳ 10 năm một lần, thì mình sẽ có được con số cập nhật và chính xác hơn.

Năm 1992, lúc gia đình mình mới đặt chân đến Mỹ, tâm trạng mình ngày ấy chỉ nghĩ đến gia đình, bạn bè ở Việt Nam chứ không thiết tha tìm hiểu về cộng đồng người Việt ở đất nước mà ngày đó mình vẫn luôn xem là tạm bợ này. Thế rồi thời gian trôi qua, suy nghĩ của mình dù có muốn “dị thường” đến đâu rồi cũng phải bắt đầu bước vào khuôn khổ, đón nhận cuộc sống ở đất nước Hoa Kỳ này là lâu dài và dần trở nên bó với nó hơn. Thái độ hờ hững với đất nước đón nhận mình, bây giờ với lợi thế thời gian nhìn lại quá khứ mình có thể dễ dàng nhận ra đó là tâm trạng của tuổi đang lớn, cái tâm lý “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” không thích theo khuôn khổ và chưa lượng đúng sức mình. Nước Mỹ với tầm nhìn xa vốn có, họ bao dung tất cả, đón nhận mà không chút cưỡng ép, để rồi theo thời gian những di dân mới đến vùng đất này đều trở nên gắn bó và hòa nhập vào xã hội mới, dù thời gian có khi là vài năm hay vài thế hệ. Mình liên tưởng đến người Việt ở châu Âu, với văn hóa, lịch sử lâu đời và sự thuần chủng về chủng tộc ở từng nước dù là một cách tương đối, sẽ có một tâm lý khác với người Việt ở Mỹ. Khi di cư đến 1 trong các nước châu Âu, mình chỉ có 1 sự lựa chọn, đó là hòa nhập vào văn hóa mới! Ở đó, các cộng đồng thiểu số không phải ít, nhưng các quốc gia này đã có một bản sắc văn hóa định hình cả ngàn năm, và nay nó có thể phải thay đổi đôi chút để dung hòa các sắc dân mới nhưng chính các sắc dân thiểu số này mới phải nỗ lực hòa nhập vào xã hội mới.

Về mặt văn hóa, Mỹ khác các nước Âu châu một điểm quan trọng ở chỗ đây là một đất nước mới, người Anh có thể là người đầu tiên đến đây lập nghiệp và hình thành nền văn hóa chủ đạo, nhưng họ vẫn là di dân như những giống dân sau này. Sau hơn 200 năm lập quốc, nước Mỹ đã có bản sắc riêng, văn hóa riêng, xong đó luôn là một văn hóa mở, luôn “tiến hóa” (evolve)  không ngừng. Di dân mới đến đây, nếu hòa nhập được vào xã hội mới nhanh chóng sẽ có lợi cho cuộc sống, sự nghiệp của riêng mình, nhưng áp lực tâm lý phải dung hòa vào dòng chính văn hóa lại không nhiều, có khi ít đến nỗi ở vài thành phố nhiều người chỉ nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Tàu, hay tiếng Việt và sinh hoạt như khi còn đang ở quê hương họ. Đất nước Mỹ ở góc độ này thật rộng mở và “dễ dãi,” nhưng nước Mỹ lại có một sức mạnh vô hình khác không phải chỉ thuần vật chất được minh chứng qua suốt lịch sử lập quốc của nó khi số người rời bỏ nó rất ít mà người muốn đến nó vẫn đông và các cộng đồng thiểu số ở Mỹ ngày một hòa nhập hơn chứ hiếm thấy nếu không muốn nói chưa thấy có cộng đồng nào sau một thời gian ở Mỹ lại bỏ đi, trở về bản quốc.

Ngày trước, trong gia đình mình bố là người ít đi đây đó nhất ở nước Mỹ, thật khác xa với hồi còn ở Việt Nam, khi bố là người đi nhiều nơi nhất, đặc biệt là trong những năm bố làm ở công ty cầu đường. Tuy nhiên, nếu ôn lại những tiểu bang bố đi qua ở Mỹ, vẫn có thể thấy bố đã thấy nhiều nơi, trong đó  mình nhớ được bố đã đến New Jersey thăm chú Hải và nhân những chuyến đi này, bố đã có dịp ghé thăm New York, Pennsylvania, Boston, Connecticut. Bố cũng đã qua Cali thăm gia đình cô Dung, chú Hiệp bên đó. Bố đã đến Arizona, Florida, El Paso ở Texas thăm con cái. Bố đếnVirginia thăm bà ngoại và mấy cậu mình, và trong những chuyến đi này, bố đã đến thủ đô Washington. Ngoài ra, bố đã đi du lịch đến Toronto ở Canada, đến Chicago ở Illinois và Detroit ở Michigan.

Một trong những thú vui khi đi du lịch đến những thành phố mới ở Mỹ đối với bố và cả với mình là ghé các hàng quá người Việt. Đối với mình đấy cũng là cách tìm hiểu cộng đồng người Việt ở nơi mình đến, dù chỉ qua lăng kính hạn hẹp của một tiệm phở hay một tiệm tạp hóa. Khi có thời gian hơn, mình còn đi lễ Việt ở giáo xứ địa phương, hoặc cũng có khi ghé thăm chụp hình một ngôi chùa Việt trong vùng. Mình sẽ không bàn về các cộng đồng lớn người Việt ở Cali, Texas, Virginia hay Boston ở đây mà chỉ muốn kể ra về vài nhận xét về các cộng đồng nhỏ lẻ người Việt rải rác những nơi mà mình đã đến. Trong số các cộng đồng người Việt mà mình biết, có nơi mình đã ở vài năm, có nơi mình không ở nhưng đã đến nhiều lần và không chỉ đi ăn hàng quán ở đấy mà còn dự lễ với cộng đoàn Công Giáo địa phương nên được thấy ít nhiều sự sinh hoạt của cộng đồng. Chùa chiền hay nhà thờ của người Việt ở hải ngoại không chỉ đơn thuần là nơi thờ phụng, chia sẻ đức tin mà, có thể còn quan trọng hơn, là nơi sinh hoạt cộng đồng, duy trì và bảo tồn văn hóa qua các lớp Việt ngữ, nơi xum họp trò chuyện, và cũng là nơi tổ chức những lễ hội lớn truyền thống như Tết, Trung Thu.

Ngày trước người Việt khi mới đặt chân đến Mỹ, họ được đưa đến định cư ở những thành phố khác nhau tùy theo hội đoàn hay người bảo trợ họ, với thâm ý của chính phủ Mỹ là để người Việt sớm hòa nhập vào xã hội mới. Ngày trước cậu mình làm việc ở thành phố Cleveland nên khi mới qua gia đình mình cũng ở đấy và như một duyên phận bố mất và cũng chôn cất tại đây. 100 năm nữa con cháu có ai thắc mắc về những năm tháng đầu lập nghiệp ở đất nước mới này hẳn sẽ phải tìm đến bia mộ của bố và suy ngẫm về những chặng đường ông bà mình đã đi qua.

Có lẽ giống các cộng đồng thiểu số khác, người Việt ở Mỹ cũng có thể chia ra theo tiêu chí mức độ hòa nhập vào dòng chính (mainstream). Người hòa nhập vào văn hóa dòng chính càng nhiều thì sự sinh hoạt với cộng đồng càng ít đi, và đây chỉ là một nhận xét mang tính cách tương đối vì vẫn có người thành đạt, hòa nhập vào dòng chính rồi nhưng vẫn cho con đến các lớp Việt ngữ hay vẫn đi lễ Việt. Ngay cả bản thân từ “hòa nhập vào dòng chính” cũng có thể có nhiều định nghĩa khác nhau. Dầu vậy, không phải cứ có đông người Việt là có một cộng đồng mạnh bởi ai cũng biết điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ở đây mình muốn nhắc đến một yếu tố mà ngày trước mình ít để ý đến. Đó là tinh thần gắn bó, sợi dây liên kết mà mỗi người Việt cảm nhận về cộng đồng người Việt ở nơi mình sống ảnh hưởng trực tiếp đến sự quy củ của cộng đồng ở đấy và cộng đồng ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả các cộng đồng tôn giáo (Phật Giáo, Công Giáo) chứ không chỉ là các cộng đồng dân sự được thành phố công nhận. Mình để ý thấy điều này ở Phoenix, Arizona và miền Nam Florida là những nơi mình đã ở qua. Ở đây có số người Việt rất đông ở các nơi khác đến lập nghiệp, một số lớn làm nghề nails, nên sự gắn bó với cộng đồng địa phương không nhiều. Đối chiếu với cộng đồng người Việt ở Cleveland với số gia đình “nòng cốt” ở đây lâu đời và sự liên hệ gia đình làm nền tảng cho sự gắn bó, tinh thần trách nhiệm trong các sinh hoạt cộng đồng. Ở Cleveland ban đầu chỉ có một vài gia đình nhưng theo thời gian họ hàng, người quen đến ở đông hơn và hình thành cộng đồng từ lúc nào chắc không ai còn nhớ rõ.

Nhà thờ Công Giáo ở Cleveland có cộng đoàn và cha chánh xứ người Việt
Nhà thờ Công Giáo ở Cleveland có cộng đoàn và cha chánh xứ người Việt

So với những cộng đồng người Việt lớn hơn như Phoenix, Denver, Orlando, sự sinh hoạt ở những cộng đồng nhỏ mang tính gia đình, quy mô nhỏ hơn, nhưng ngược lại mỗi người là một thành viên thay vì chỉ là những con số vô hình. Giống như ai đó đã nhận xét Sài Thành đô thị đông vui nhưng sao lại thấy cô đơn, lẻ loi, trong khi ở một thị trấn miền quê, vắng vẻ nhưng ai cũng biết nhau, và dù muốn hay không mỗi thành viên lại trở nên quan trọng hơn trong cộng đồng.

Có những cộng đồng mình đi qua và cảm nhận ngay sự hẻo lánh ở đấy như ở Albuquerque bang New Mexico, St. Petersburg ở Florida, hay Mobile bang Alabama trong khi với số người Việt thưa thớt hơn mà cộng đồng người Việt ở Cleveland lại không cho mình cảm giác đó.

Nhà thờ Việt Nam ở Albuquerqeu, New Mexico
Nhà thờ Việt Nam ở Albuquerque, New Mexico

Một đặc điểm khác ở những nơi có đông người Việt là các hàng quá người Việt luôn nằm trong những khu phố nghèo hoặc bình dân và hiếm có tiệm ăn hay tạp hóa nào nằm trong các khu buôn bán khang trang của người Mỹ. Người ta viết nhiều sách báo về sự vẻ vang dân tộc Việt trên xứ người, nhưng một thực tế “sờ sờ” trước mắt là tuyệt đại đa số các tiệm Việt và cả các cơ sở tôn giáo hay cộng đồng đều nằm ở những khu nghèo. Ngẫm nghĩ một hồi mình có thể nhận ra lý do khách quan là khách hàng của các hàng quán người Việt hay cộng đồng người Việt mình nói chung còn nghèo và có thu nhập thấp hơn so với người da trắng bản xứ. Có lẽ một vài thế hệ nữa, khi sự hòa nhập vào dòng chính bắt rễ sâu hơn thì những khu phố buôn bán người Việt sẽ trở thành những địa điểm du lịch, hay có thể là di tích lịch sử phát triển cộng đồng thiểu số người Việt ở xứ Hoa Kỳ này.

Một tiệm ăn Việt ở St. Petersbug, Florida
Một tiệm ăn Việt ở St. Petersbug, Florida

Nếu mình không bàn đến số người Việt ở hải ngoại du học hay lao động, thì số người Việt là di dân đang có sự thay đổi trong tư duy dù có khi mình không nhận ra. Nếu ngày trước người ta hay nói đến ngày trở về quê hương thì bây giờ người ta bàn nhiều về cách làm sao để bảo tồn văn hóa Việt và bảo vê quyền lợi cho chính mình ở quê hương thứ hai. Ngoài một thiểu số do hoàn cảnh khách quan và chủ quan đã hoặc sẽ trở về Việt Nam sống, còn lại đa số sẽ tiếp tục gắn bó và bắt rễ sâu hơn đến những thế hệ tiếp theo ở xứ sở mới này. Điều này mình có thể nhìn vào lịch sử để ước đoán. Người Việt qua Pháp từ những năm đầu thế kỷ 20 và sau 100 năm sinh trưởng ở xứ gà trống Gola, đã có mấy người rời bỏ Pháp về Việt Nam sống? Xa hơn nữa khi Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý vào thế kỷ thứ 13 và tạo ra cuộc di cư quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt đến một nước thứ ba là Hàn Quốc thì cho đến ngày hôm nay đã có hậu duệ nào của đoàn người vài ngàn ngày trước rời bỏ Hàn Quốc trở về Việt Nam sinh sống?

Có phải đã ra đi là không bao giờ trở lại? Câu hỏi này ngày hôm nay có thể đã không còn quan trọng bởi trong thời hiện đại hậu công nghiệp, sự giao lưu hàng hóa và thông tin được tính bằng giây, người ta có thể cùng một lúc ở nhiều nơi (virtual presence) hay có thể là công dân của hơn một quốc gia.

Bố đã nằm xuống và không bao giờ còn có cơ hội để trả lời. Câu hỏi bây giờ trở nên “xa xỉ” dành cho những người còn sống.

2 thoughts on “người Việt ở Mỹ”

  1. nói về cộng đồng VietNam thì có nhiều chuyện nói, không sắp xếp ra sao
    Riêng blog Thục sẽ có 1 bài viết ngắn về nhà thờ ở Phoenix, vừa mới xây xong (do hoàn toàn của người Việt), rất khang trang, rộng rãi

  2. Chào bạn, tôi là một Phóng Viên của một tờ báo ở Việt Nam. Hiện nay, tôi đang làm báo tết, với chủ đề: Người Việt Nam ăn tết trên đất Mỹ. Lướt web thấy trang của bạn. Tôi muốn hỏi bạn có phải người Việt đang sinh sống trên đất Mỹ? Nếu bạn không còn trên sinh sống trên ở Mỹ, hoạc đã từng sinh sống ở đó, làm phiền bạn cho tôi xin một số hình ảnh và câu chuyện người Việt mình ăn tết ở đó như thế nào được không?
    Rất cảm bạn và mong nhận được thông tin của bạn ở email: tinchieu@gmail.com hoạc số máy: 0947294479. Cảm ơn bạn nhiều!

Leave a Reply