viết tiếp về Do Thái

Bài viết trước mình có nói lịch sử và huyền thoại của người Do Thái đan xen lẫn nhau. Chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 trước CN về sau các nhà khảo cổ mới có thể tìm được di chỉ chứng thực có một quốc gia tên Israel ở vùng đất Palestine ngày nay. Trước đó, các câu chuyện về tổ phụ Abraham di cư đến vùng đất Palestine hay thời kỳ nô lệ bên Ai Cập và việc ông Mosen dẫn dân Do Thái vượt biển Hồng Hải về lại miền đất Do Thái đều chưa được xác định bằng phương pháp khảo cổ học và có thể là sẽ chẳng bao giờ.

Bốn thế kỷ cuối trước CN, miền đất này nằm dưới sự cai trị của đế quốc Hy Lạp thời Alexander đại đế rồi đến đế quốc Persan mà bây giờ là nước Iran. Thế kỷ cuối cùng trước CN, đế quốc Hy Lạp sụp đổ trước một đế quốc đang dần lớn mạnh ở phía Tây là đế quốc La Mã. Quân La Mã tiến sang vùng Trung Đông và sau những cuộc chiến với các vương quốc ở đây là Ai Cập và Persan, họ chiến thắng và sáp nhập vùng đất Do Thái vào lãnh thổ của họ. Thời kỳ đầu người La Mã để cho người Do Thái được tự trị, điển hình là thời vua Hê-rô-đê. Dù là lãnh thổ thuộc La Mã nhưng người đứng đầu vùng đất này vẫn được gọi là vua, và ông chỉ cần thần phục hoàng đế La Mã, xem mình như một chư hầu.

Chính vào thời vua Hê-rô-đê, Chúa Giêsu ra đời. Chúa Giêsu sinh ra ở thị trấn Bethlehem, miền đất Judah, thuộc miền Nam nước Do Thái bây giờ. Bố mẹ Chúa Giêsu là gốc miền Bắc nước Do Thái, ở thị trấn Nazareth thuộc miền đất có tên là Galilee. Chúa Giêsu sống ở trần thế khoảng 33 năm, chủ yếu quanh quẩn trong vùng Galilee, và chỉ vào những ngày lễ lớn của người Do Thái, Chúa Giêsu mới xuống miền Nam, đến Jerusalem. Thánh Kinh không nói nhiều về 30 năm đầu của Chúa Giêsu mà chỉ nói nhiều đến 3 năm cuối cùng. Thời gian này Chúa Giêsu đi giảng đạo, chữa bệnh, làm phép lạ và thu phục được một số môn đệ. Do xưng mình là con Chúa Trời nên Chúa Giêsu bị các giáo sỹ người Do Thái bấy giờ lên án là phạm thượng và cả nhà cầm quyền thời bấy giờ ở Do Thái cũng lo lắng vì thấy số  người theo Chúa Giêsu đông đảo và có thể gây loạn. Vùng đất Do Thái thời kỳ 3 năm cuối cùng của Chúa Giêsu đã không còn quy chế tự trị nữa mà đã trở thành một tỉnh của đế quốc La Mã. Quan cai trị lúc bấy giờ là quan Tổng Trấn Poncius Pilate (Phong-xi-ô Phi-la-tô). Cứ theo lịch Tây bây giờ mình đang dùng thì năm 33 sau CN, Chúa Giêsu bị người Do Thái bắt đem nộp cho quan Tổng Trấn xét tội phạm thượng tự xưng là con Chúa Trời và có nguy cơ tụ tập làm loạn, vốn lính La Mã rất nhậy cảm ở xứ này vì  biết tinh thần dân tộc  người Do Thái  rất cao. Thế rồi người ta đóng Chúa Giêsu lên thập giá, một hình phạt thông thường thời bấy giờ. Ba ngày sau, xác Chúa Giêsu biến mất! Các môn đệ Chúa bảo Người sống lại như lời tiên tri trong Thánh Kinh của Do Thái (cũng chính là Cựu Ước), còn quan lính và người Do Thái thời bấy giờ cho rằng các môn đệ giấu xác của sư phụ mình. Sử gia im lặng trong vấn đề này vì cho đến giờ vẫn không có cứ liệu khoa học xác nhận con người tên Giêsu có thực hay không trong lich sử.

Một bộ phận người theo đạo Thiên Chúa Giáo hiện nay xem Chúa Giêsu là một hình thức “avatar”, tức là một khuôn mẫu, một mô hình con người đạo đức, thánh thiện để người đời bắt chước. Điều này trái với đức tin trong đạo Thiên Chúa, cả Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo vì việc tin vào Chúa Giêsu đã sống, đã làm người, chết và sống lại 3 ngày sau đó là nền tảng của đức tin! Khoảng cách giữa niềm tin của một số lớn người Tây phương và tín lý của các giáo hội Thiên Chúa Giáo (TCG) là một trong những lý do các giáo hội TCG ở các nước Tây phương thường tìm đến các nước chậm phát triển để truyền đạo và số người Tây phương nhận mình không theo tôn giáo nào mà chỉ có niềm tin vào đời sống tâm linh ngày càng đông.

Đối chiếu năm Chúa Giêsu bị giết với lịch sử VN thì thời bấy giờ cũng là những năm hai Bà Trưng khởi nghĩa chống sự đô hộ của người Tàu. Cuộc khởi nghĩa của hai bà và cuộc khởi nghĩa 200 năm sau đó của bà Triệu có thể cho mình thấy là VN thời gian này còn trong giai đoạn mẫu hệ, trong đó phụ nữ giữ vai trò trọng yếu trong xã hội.

Về mặt lịch sử, có thể nhận xét những điều Chúa Giêsu giảng dạy tất cả con người đều như nhau, đều có thể đến được nước Thiên Đàng và các lề luật của đạo Do Thái từ thời Mosen chỉ mang tính hình thức, không nhất thiết phải câu nệ từng câu chữ  phản ánh sự giao động trong tư tưởng của người Do Thái giữa tín lý đạo Do Thái cho rằng dân Do Thái là dân tộc được Chúa Trời chọn và những tư tưởng mới mà người Do Thái hấp thụ được sau một thời gian ảnh hưởng văn minh Hy Lạp trong đó nói đến các giá trị nhân bản hoàn vũ. Một số người Do Thái đã hài hòa tư tưởng đạo Do Thái với triết lý Hy Lạp và kết quả là một tín lý mới, một giáo lý mới ra đời, đáp ứng được quảng đại quần chúng chứ không giới hạn trong phạm vi dân tộc Do Thái mà thôi. Tóm lại, tư tưởng của Thiên Chúa Giáo là kết hợp của đạo Do Thái và triết lý Hy Lạp.

40 năm sau Chúa Giêsu, người dân Do Thái một lần nữa nổi loạn chống sự cai trị của đế quốc La Mã và lần này họ bị đàn áp nặng nề, đền thánh Jerusalem bị phá hủy (lần thứ 2) và dân Do Thái bị bắt làm nô lệ đến các xứ xa xôi. Lịch sử cổ đại nước Do Thái đến đây có thể xem như chấm dứt. Phải đợi đến gần 2000 năm sau người Do Thái mới có cơ hội trở về đất thánh của họ và xây dựng một đất nước mới. Và lịch sử hiện đại của Do Thái không còn pha chút huyền thoại nào nữa, nhưng để tồn tại và phát triển người Do Thái một lần nữa phải tiếp tục chiến đấu như cha ông ông của họ hơn 2 ngàn năm trước.

Sau khi thế chiến thứ nhất kết thúc năm 1919, đế quốc Thổ tan rã (nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm nay là một phần của đế quốc này), và nước Anh được quốc tế chỉ định quản lý vùng đất Do Thái – Palestine. Vùng đất này khi đó có đa số là dân Palestine và một thiểu số ngày càng lớn mạnh là người Do Thái ở khắp thế giới di cư về. Sau những bách hại mà người Do Thái trải qua trong lịch sử suốt từ ngày họ bị tản mát lưu vong khắp thế giới 2000 năm trước, mà tàn bạo hơn hết là Holocost, tên gọi nạn diệt chủng người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã với hơn 6 triệu người Do Thái chết, thế giới muốn người Do Thái có một ngôi nhà riêng cho mình như đại đa số các dân tộc khác, và họ đắn đo quyết định trả lại vùng đất Do Thái – Palestine cho người Do Thái. Vùng đất này trong suốt 2000 năm người Do Thái vắng mặt không phải chỉ là đất bỏ trống mà có các nhóm dân khác đến ở. Không thể xác định rõ người Palestine có từ bao giờ, hay thật sự có một dân tộc là người Palestine hay không, chỉ chắc chắn một điều sau khi xuất hiện đạo Hồi đầu thế kỷ thứ 7 thì đa số dân ở đây theo Hồi Giáo và vùng đất này suốt hơn một ngàn năm nằm dưới sự cai trị của các đế quốc Hồi giáo khác nhau. Số người Do Thái và Thiên Chúa Giáo ở đây luôn là thiểu số nhỏ. Cho đến năm 1948.

Những xung đột giữa người Do Thái và Palestine gia tăng mỗi ngày từ khi Anh quốc được chỉ định quản lý vùng đất này. Người Do Thái xây dựng lực lượng, tài trợ các cuộc di dân ở khắp thế giới về thánh địa để chuẩn bị cho một tương lai mới,  và cũng để sẵn sàng cho một cuộc chiến có thể xảy ra với người Palestine. Người Palestine sống ở đây lâu đời, ít nhất là hơn cả ngàn năm nay, tuy chưa bao giờ có một quốc gia riêng cho mình, nhưng sau khi đế quốc Thổ sụp đổ sau đệ nhị thế chiến, họ chờ đợi được thế giới công nhận vùng đất này sẽ là của họ. Lịch sử éo le, đẩy 2 giống dân đến một ngã cụt.

Năm 1948 Anh quốc tuyên bố rút khỏi vùng đất Palestine, trút bỏ gánh nặng quản lý một vùng đất ngày càng tranh chấp quyết liệt mà cả người Anh cũng thường xuyên là nạn nhân khi người Do Thái hoặc người Palestine cho rằng họ thiên vị phía bên kia và dù họ có công bằng đi nữa, họ vẫn bị xem là một thực dân mới. Sau những hội nghị kéo dài bất tận, Liên Hiệp Quốc ra Nghị Quyết (NQ) tuyên bố chia đôi lãnh thổ Palestine làm hai, một nửa phía Tây sẽ hình thành quốc gia cho người Do Thái, và phần bên Đông (phần này bị cắt làm đôi, một là Tây Ngạn, phần kia là dải Gaza) sẽ hình thành một quốc gia Palestine. Khi nào hình thành thì NQ không đề cập đến. NQ tuyên bố xong, người Anh chính thức rút quân đội khỏi vùng đất và ngay lập tức người Do Thái với các tổ chức được thành lập sẵn suốt nửa thế kỷ chuẩn bị cho ngày hôm nay tuyên bố độc lập trên phần đất LHQ công nhận cho họ! Người Palestine do thiếu tổ chức, tài lực nên chỉ có thể lên tiếng chống đối vì họ không chấp nhận quyết định của LHQ và vẫn quyết tâm đạt được mục tiêu cả vùng đất Palestine thuộc về họ.

Người Palestine không đủ sức đánh đuổi người Do Thái thì khối Ả Rập sẵn sàng giúp sức. 6 nước Hồi giáo trong vùng ngay lập tức tuyên  chiến với Do Thái (trong đó Ai Cập, Syria, Iraq là những nước mạnh nhất). Khối Ả Rập phản đối Nghị Quyết của LHQ quyết liệt cũng như chính người Palestine vậy. Nhìn theo chiều dài lịch sử trong vùng có thể đoán được các nước này tuy đánh tiếng là bênh vực người Palestine mà sự thật thì quyền lợi và mục tiêu riêng của mỗi nước chồng chéo, đan xen vào rất nhiều.

Cuộc chiến giữa Do Thái và khối Ả Rập 1948-1949 có rất ít sự can dự của 2 siêu cường khi đó là Liên Xô và Mỹ. Cả 2 siêu cường còn chưa nhận diện ra được rõ ai sẽ là đồng minh của mình sau này nên chưa can thiệp vội. Nhưng người Do Thái do đã chuẩn sẵn cả tinh thần lẫn vũ khí tích lũy từ những ngày còn ở dưới sự quản lý của Anh đã chiến thắng 6 nước Hồi Giáo rộng lớn hơn chục lần.

Do Thái chiến thắng và họ có thể tuyên bố không chấp nhận quyết định của LHQ giống người Palestine và dễ dàng sáp nhập toàn bộ vùng đất LHQ dành cho Palestine (Tây Ngạn hay còn gọi là bờ Tây và dải Gaza) vào quốc gia non trẻ của họ. Tuy nhiên, họ đã không làm thế, rất có thể vì họ tiên liệu được trước trong tương lai họ sẽ phải sống chung với khối Ả Rập và vì thế cần giữ mối hòa hảo khi có thể làm được, và một lý do khác có thể quan trọng hơn là người Do Thái không muốn đất nước họ rộng lớn hơn dân số của họ. Đây là cách đánh giá của nhiều người bây giờ khi cho rằng Do Thái sẽ không bao giờ chiếm toàn bộ vùng đất Tây Ngạn và dải Gaza của người Palestine bởi nếu chuyện đó xảy ra, người Do Thái sẽ trở thành thiểu số trên chính đất nước của họ. Hiện nay nước Do Thái có khoảng 8 triệu dân thì có hơn 1 triệu là người Palestine. Còn vùng đất của người Palestine (Tây Ngạn và Gaza) có hơn 3 triệu người Palestine. Nếu cộng thêm số người Palestine hiện đang tị nạn ở các nước lân cận (Jordan, Lebanon, Ai Cập, Syria) hơn 2 triệu thì tổng số người Palestine trong vùng lên đến 7, 8 triệu, đông hơn dân Do Thái trong vùng. Vẫn theo cách nhận xét này thì Do Thái muốn duy trì tình trạng hiện tại (một quốc gia Do Thái và một vùng đất của người Palestine không có quốc gia cùng tồn tại) để có thể dùng đất Palestine làm “con đệm” cho một cuộc chiến khác có thể lại xảy ra giữa họ và khối Hồi Giáo. Bởi một khi người Palestine có quốc gia riêng thì người Do Thái không thể đơn giản đưa quân đội vào chiếm đóng với lý do chống khủng bố, bảo vệ an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, người Do Thái lo sợ chiến tranh với khối Hồi Giáo là hoàn toàn có cơ sở. Trong lịch sử lập quốc ngắn ngủi nửa thế kỷ, họ đã trải qua 5 cuộc chiến lớn với các nước trong vùng, gồm các năm 1949 (giành độc lập mà mình đã nói qua), 1956, 1967, 1973, 1982. Trong các cuộc chiến từ năm 1956 trở đi thì quan trọng nhất là cuộc chiến 6 ngày năm 1967 bởi nó làm thay đổi biên giới và cục diện ở vùng đất Palestine này.

250px-West_Bank_&_Gaza_Map_2007_(Settlements)
West Bank (Tây Ngạn) và Gaza strip (dải Gaza)

Sau chiến thắng giành độc lập, quân đôi Do Thái theo tinh thần Nghị Quyết của LHQ rút về lành răn phân chia 2 đất nước và trả lại… gần hết đất dành cho người Palestine. Họ giữ lại, hay chiếm đóng, khoảng 10% đất lẽ ra dành cho người Palestine. Bờ Tây (West Bank) bấy giờ vì chưa có quốc gia Palestine nên Jordan chiếm đóng, lấy danh nghĩa giữ đất cho người Palestine, còn dải Gaza thì có quân đội Ai Cập “trông coi” dùm cho người Palestine.

Năm 1967, cuộc chiến mệnh danh là 6 ngày giữa Do Thái và khối Ả Rập một lần nữa lại dành phần thắng về phía Do Thái. Và lần này thì Do Thái không rút về, hay gần về, ranh giới theo tinh thần Nghị Quyết LHQ năm 1948 nữa mà họ đưa quân chiếm đóng luôn dải Gaza và Bờ Tây! Khối Ả Rập vốn có nhiều mâu thuẫn nội bộ do quyền lợi khác nhau không đủ sức đoàn kết và quyết tâm đánh bại người tí hon Do Thái. Các tổ chức đấu tranh giành độc lập của người Palestine, trong đó mạnh nhất là tổ chức PLO mà sau này ông Arafat là thủ lĩnh, phải nương tựa từ nước này đến nước khác trong vùng trước sự truy đuổi của Do Thái và cuối cùng vẫn không có được người anh em Ả Rập nào đủ mạnh và “thâm tình” giúp đỡ, bao dung trong thời gian dài. Nhưng người Palestine vẫn kiên trì đấu tranh và năm 1993, do nhận thức sự tất yếu việc người Palestine phải có một quốc gia riêng và sự hao tổn dai dẳng trong cuộc chiến giữa người Do Thái ở trong nước của họ và vùng đất của người Palestine mà họ đang chiếm đóng với lý do bảo vệ an ninh quốc gia, Do Thái quyết định công nhận Nhà Nước Palestine và chấp nhận ngồi xuống đàm phán với người Palestine về biên giới 2 nước trong tương lai. Người Palestine ở thế yếu và  sự mệt mỏi đấu tranh xương máu suốt 3 thập niên cũng phải thay đổi lập trường. Họ công nhận sự hiện hữu của nước Do Thái, và họ chấp nhận đất của họ trở về đường răn chia đôi năm 1967, tức là họ đã chấp nhận hy sinh 10% đất mà Do Thái chiếm lấy sau cuộc chiến năm 1949. Mình nghĩ đối với Nhà Nước Palestine, thành lập chủ yếu từ tổ chức PLO, việc đòi hỏi chia đường biên giới đúng như ban đầu năm 1949 là chuyện không tưởng bởi thời gian quá lâu và khi đó họ đã không nhạy bén và khiêm tốn nhận phần đất của họ theo quyết định của LHQ nên đã trễ để trở về biên giới ngày đó. Nhưng thật không may cho họ, việc trở về biên giới trước năm 1967 (tức là trước khi Do Thái chiếm đóng luôn dải Gaza và Bờ Tây) cũng không dễ thực hiện nếu không muốn nói là có thể sẽ không còn cơ hội! Đó là vì thực tế chính trị, xã hội hiện tại trong vùng khi mà sau 30 năm chiếm đóng Bờ Tây, người Do Thái di dân đến đây ở ngày một đông, lấy cớ ở đây không có quốc gia và việc tuân thủ các Nghị Quyết của LHQ đòi hỏi Do Thái rút khỏi Bờ Tây là vô lý vì đây là vấn đề an ninh quốc gia và Do Thái không có một đối tác tương xứng phía bên Palestine để thỏa thuận vì các chính quyền Palestine hoặc dung túng khủng bố, hoặc bất lực trong việc giữ gìn an ninh cho chính mình và trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh của Do Thái.

Thế sự đã rồi nên người Palestine ngày hôm nay chỉ có thể mong đợi lấy về được 90% Bờ Tây mà thôi và sự mong đợi ấy vẫn còn là rất lạc quan. Trong một vùng đất mang nhiềm mối nguy bất ổn như Trung Đông và đứng trước nguy cơ bị các thế lực khác nhau tấn công từ Iran đến các nhóm Hamas, Hezbolla, Al Qaeda, người Do Thái không thể không lo ngại một ngày tới khi Palestine trở thành một quốc gia độc lập sát bên cạnh mình là đất dung túng cho các nhóm cực đoan, hay trở thành một chư hầu của Iran hay một chế độ thù địch nào đó với Do Thái. Tông Thống Iran, ông Ahmadinejad, đã từng tổ chức hội thảo ở nước mình bàn về đề tài Holocost, hoài nghi đấy là một sự kiện Tây phương đồng lõa với Do Thái ngụy tạo để lấy cớ đưa người Do Thái về đất Palestine và lập quốc gia cho họ, mà thật ra mục tiêu cuối cùng là tạo một liên minh giữa Tây phương và Do Thái khống chế Hồi Giáo ngay giữa Trung Đông, hoặc “mưu mô” hơn là biến Do Thái thành một chư hầu để các nước Tây phương chế ngự khối Ả Rập.

Trong một thế giới tự do, thời đại thông tin điện tử, con người khắp mọi nơi đều có thẻ tiếp cận tất cả các tư tưởng khác nhau là một bước tiến lớn mà có người xem như một cuộc cách mạng. Nhưng đi theo nó là mối nguy ai cũng có thể tự do định kiến và sống trong định kiến của riêng mình mà không bao giờ biết là suy nghĩ của mình lệch lạc bởi trong thế giới tự do và xuất phát từ bản năng con người, người ta thường hay chọn và liên hệ với những ai có suy nghĩ giống mình.

Ngày trước, bố thích nghe tin tức về vùng này có lẽ không phải chỉ vì nó mang tính thời sự đối với cả thế giới mà còn vì những xung đột ở đây vang vọng dư âm lịch sử mấy ngàn năm và luôn hàm chứa nhiều ý nghĩa về thân phận và ý chí con người.

Mình kết thúc bài viết về Do Thái ở đây vậy.

2 thoughts on “viết tiếp về Do Thái”

  1. Phan lich su hien dai cua nguoi Do Thai mang tinh thoi su, nen em biet chut chut. Phan dau thi nhu anh noi em biet them, thuc te lich su, em van co cai nhin thien ve nguoi Do Thai hon ngoi Palestine, du sao dat do van la cua ho, nen viec ho tro ve co ly do hop ly cua ho; ve mat ton giao, khong it nguoi Hoi Giao (hien dai) tro nen nguy hiem va qua khich vi tinh than tha’nh chien cua ho.

    I liked this blog’s entry, anh!!

  2. @ “Khoảng cách giữa niềm tin của một số lớn người Tây phương và tín lý của các giáo hội Thiên Chúa Giáo (TCG) là một trong những lý do các giáo hội TCG ở các nước Tây phương thường tìm đến các nước chậm phát triển để truyền đạo và số người Tây phương nhận mình không theo tôn giáo nào mà chỉ có niềm tin vào đời sống tâm linh ngày càng đông.”

    Phần này có lẽ tác giả đã viết theo quan điểm chủ quan của mình?

Leave a Reply