Còn hai ngày nữa là đến Giáng Sinh. Ở miền nam Florida mấy hôm nay lạnh khác thường, có lẽ ảnh hưởng bởi cơn bão tuyết ở mấy tiểu bang bên trên. Mùa Đông ở đây ít khi xuống dưới 60 độ F (khoảng 20 độ C), vậy mà 2 hôm qua trời rét đậm, xuống thật thấp chỉ còn 45, 50 độ. Thế mới biết Florida cũng lạnh lắm. Lạnh từ trong ra ngoài. Gần 2 tháng rồi từ ngày bố mình ra đi, thời gian vừa ngắn mà cũng vừa dài. Trong khoảnh khắc mình cảm giác như mới hôm qua mình còn gọi điện thoại hỏi thăm bố.
Nhưng những khoảnh khắc đó ngày một ngắn dần, và đang bị lấn chiếm bởi một tâm trạng khác lạ, đang âm thầm len lỏi vào trong lòng. Cảm giác xa lạ, hờ hững với hình bố, và ngạc nhiên nhận ra người trong hình đó đã gắn bó với mình suốt 30 năm qua. Thời gian đang vô tình bủa vây và xóa dần hình ảnh bố trong lòng mình. Cái ngày mình không còn buồn thương khi nhớ đến bố nữa cũng là ngày thời gian đã chiến thắng. Mình ghi ra đây 2 câu thơ Hán Việt của thi hào Nguyễn Du viết cách đây đã 200 năm mà ý nghĩa thì vẫn mới nguyên.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Không biết 300 năm sau, có ai còn nhớ Tố Như? (Tố Như là bút hiệu của thi hào)
Tài hoa như Nguyễn Du mà khi nghĩ đến sức mạnh của thời gian còn cảm khái viết lên 2 câu thơ kia. Ngày nay ai đã cắp sách đến trường học tiếng Việt mà không biết tên của thi hào, nhưng có mấy ai còn nhớ đến cụ Nguyễn Du như 1 con người đã từng sống, từng thở trên thế gian này? Thời gian như nước chảy, mềm yếu không cạnh tranh với ai, nhưng rồi đến một ngày kia cả đá cũng phải mòn.
Hôm nay mình chợt nhớ một kỷ niệm về bố, mà đúng hơn là một tâm trạng của mình về bố ngày xưa khi bố còn sống. Lúc đó mình còn nhỏ, chắc đang học cấp 2. Trong một bài viết trước mình có nói thoáng qua về xung khắc tôn giáo trong gia đình mình ngày trước. Đó là một sự xung khắc mà hồi nhỏ mình tưởng là không có lối thoát và không bao giờ chấm dứt. Mình nhớ một lần bố lên Bảo Lộc đón mấy anh em mình về lại Sài Gòn sau cả tháng ở với bên ngoại, bố dẫn mấy anh em xuống vườn cau ở cuối xóm. Mình thấy được xuống vườn chơi với bố thì thích lắm, nhưng trên đường đi mình nhận ra có điều gì không vui sắp xảy ra. Xuống đến nơi, bố hỏi mấy anh em trong thời gian ở Bảo Lộc có đi lễ không? Mình nhớ hồi nhỏ bố hay đánh mỗi khi bố dạy mấy anh em học hoặc khi mình hư, nhưng mình không nhớ bố đánh vì mình đi lễ. Nhưng bố không cần đánh, mình vẫn thấy lạnh người khi hình dung ánh mắt bố hỏi mình về một đề tài rất nhạy cảm trong gia đình mình ngày ấy. Sau này qua Mỹ, mấy anh em lớn hơn, bố mẹ cũng già đi theo năm tháng, và trong môi trường xã hội cởi mở ở xứ người, mình thấy bố cởi mở hơn rất nhiều và dần dà bố không còn định kiến về Thiên Chúa giáo nữa.
Hồi nhỏ mình tập tành đọc báo bắt nguồn từ việc bắt chước bố. Ngày ấy mỗi buổi sáng, sau khi đi uống cafe với chú Phết, bạn bố, bên kia đường về, bố hay mang về tờ báo Tuổi Trẻ hay Thể Thao Văn Hóa. mình và chị Thục cũng bắt chước cầm tờ báo lên đọc, nhưng chỉ xem mấy tranh biếm họa là chính. Mình nhớ hay hỏi bố cắt nghĩa mấy tranh biếm họa đó cho mình nghe. Bố quan tâm đến thế giới chung quanh chứ không chỉ biết đến những gì liên quan đến mình không thôi. Bố đọc báo nhiều, nhưng sách thì ít. Sau này qua Mỹ, mình mượn sách ở thư viện về đọc mới thấy bố cầm vài cuốn xem, chủ yếu là sách chiến tranh Việt Nam, hồi ký của các tướng lãnh miền Nam. Nhưng có lẽ nhờ ít đọc sách nhiều mà bố lại có tư tưởng phóng khoáng, dễ dãi. Đó là sau này mình ngồi nói chuyên với bố và hiểu bố như thế chứ ngày xưa mình gần bố bao nhiêu mà vì trẻ con nên có hiểu mấy về bố mình đâu.
Bố vốn dễ dãi, xuề xoà nhưng ở cái thời xã hội còn khắt khe, tâm lý gia trưởng còn phổ biến, hiểu biết và thông cảm trong xã hội còn giới hạn, cộng thêm tâm lý bị chạm vào danh dự của một người bố thấy con đi theo mẹ có thể phần nào giải thích không khí xung khắc tôn giáo trong gia đình mình ngày trước.
Bây giờ ở dưới tuyền đường, hơn ai hết bố sống trong ánh sáng, thấy được chân lý mà người trần mắt thịt không cảm nhận được, khi nào bố sẽ mách bảo cho con cháu biết cái lẽ huyền diệu vô cùng kia?
Mấy hôm nay đọc báo Việt ngữ ở hải ngoại mình mới biết năm 2010 tới là năm Thánh của giáo hội Công Giáo Việt Nam (CGVN). Gọi là năm Thánh trong giáo hội CGVN vì đây là kỷ niệm 350 năm thành lập Giáo phận đầu tiên ở VN và cũng là 50 năm kỷ niệm thành lập hàng giáo phẩm CGVN. Mình muốn ôn lại trong vài dòng chặng đường phát triển đạo Công Giáo (CG) ở VN, không phải để hiểu về tín lý CG mà chủ yếu là để nhớ lại đạo CG đã phát triển trong hoàn cảnh nào và từ đó hiểu hơn một tôn giáo lớn ở VN.
Tất cả bắt đầu từ năm 1533 thời vua Lê Trang Tông khi nhà truyền giáo Inukhu đặt chân lên bờ biển Nam Định, khởi đầu gieo mầm cho giáo hội hơn 7 triệu tín đồ ở VN 500 năm sau. Đấy là những năm đầu nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê ở Thăng Long. Nhà Lê sau 100 năm từ ngày Lê Lợi khởi nghĩa giành độc lập cho đất nước năm 1427 đã đến hồi mạt vận mà sau này sách sử còn ghi lại mấy tên như vua lợn, vua quỷ. Đây cũng là những năm đầu các nước Tây phương sau hơn một ngàn năm từ ngày đế quốc La Mã sụp đổ bước ra khỏi thời kỳ mà sách sử gọi là “đen tối” và bắt đầu đi khắp năm châu khai phá và chinh phục. Christopher Columbus đặt chân đến châu Mỹ năm 1492, rồi sau đó đến Megellan hoàn thành hành trình vòng quanh trái đất năm 1521. Các nước Tây phương đi thuyền đến các châu lục vừa để tìm đất khai thác tài nguyên, vừa để mở rộng thị trường, và cũng là để truyền giáo. Bản đồ thế giới hiện đại ít nhiều phản ảnh những mục đích và khuynh hướng khác nhau giữa các nước châu Âu khi họ giương buồm bắt đầu sứ mệnh “khai phá” thế giới 500 năm trước đây. Toàn bộ châu Mỹ Latin, tức là cả châu Mỹ chỉ trừ Mỹ và Canada có đến hơn 90% dân số theo đạo Công Giáo. Một đặc điểm đáng chú ý khác là châu Mỹ Latin cũng rất nghèo so với các nước ngày trước là đất thuộc địa của Anh. Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khi đi chinh phục và khai phá họ chú trọng đến truyền giáo và khai thác tài nguyên hơn là buôn bán, giao thương. Ngược lại, người Anh khi đi lập thuộc địa, họ không có mục tiêu tìm con chiên mới mà để phát triển, giao thương. Các vùng đất thuộc địa trước của Anh giờ là những nước giàu có. Trong trường hợp vùng đất thuộc địa đã là một vương quốc lâu đời như Ấn Độ thì việc trở thành thuôc địa của Anh không tăng thêm tín đồ nào cho Anh giáo. So với Anh và Tây Ban Nha thì Pháp nằm ở giữa. Cộng thêm sự tự hào về văn hóa của người Pháp và mình có thể thấy các nước châu Phi đã từng là thuộc địa của Pháp giờ đây có số tín đồ Công Giáo đông đảo và ảnh hưởng nhiều văn hóa Pháp nhưng đa phần vẫn còn rất nghèo.
Giai đoạn đầu đạo Công Giáo truyền bá ở Việt Nam có sự góp mặt của các nhà truyền giáo Tây Ban Nha (TBN), Bồ Đào Nha (BDN) và Pháp. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ 18 thì có thể noi chỉ còn các nhà truyền giáo Pháp mà thôi. Điều này phần lớn là do TBN và BDN sau 100 năm đầu đi tiên phong chinh phục thế giới thì đến thế kỷ thứ 18 đã không còn là cường quốc ở Âu châu nữa mà phải nhường ngôi vị đó cho Pháp, Anh, Hà Lan. Năm 1660, tức sau hơn 100 năm truyền giáo ở VN, số tín đồ CG ở VN khi đó đã đáng kể và Đức Giáo Hoàng khi ấy ra thánh chỉ thành lập 2 giáo phận Tông Tòa (chú ý là không phải Chính Tòa) đầu tiên ở VN. Một ở Đàng Trong và 1 ở Đàng Ngoài. Đấy là do hoàn cảnh chính trị đất nước chia đôi thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Vài năm sau đó giáo phận Đàng Ngoài do số tín đồ đông hơn nên lại được chia ra giáo phận Đông Đàng Ngoài và giáo phận Tây Đàng Ngoài, lấy con sông Đáy chảy giữa mấy tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam làm ranh giới. Thời kỳ này số tín đồ ước khoảng vài trăm ngàn, trong khi dân số VN lúc ấy khoảng 10 triệu. Như thế tỉ lệ tín đồ CG ngày ấy khoảng 5-7%, so với bây giờ là gần 8-10%. Sự gia tăng tín đồ 2-3% trong 300 năm là đáng kể nhưng mình nghĩ thời buổi ấy giao thông rất giới hạn, chủ yếu bằng ghe thuyền, lại có nhiều đợt cấm đạo của các vua chúa ngày ấy, mà các nhà truyền giáo thu gặt được số tín đồ đông đảo như vậy có thể cho mình thấy xã hội mình ngày đó ít nhiều có sự chia rẽ giữa tầng lớp quan lại ngủ quên trong kinh điển Nho giáo và đại bộ phận dân nghèo, ít học bị các nhà Nho tiếng là học đạo quân tử để giúp vua dạy bảo, che chở dân mà thật ra là quen lối hà hiếp, kiêu ngạo. Cộng thêm sự vượt trội về khoa học, kỹ thuật của người Tây phương thời ấy nên mới thuyết phục được đông đảo tín đồ như thế.
Vùng đất có dấu chân nhà truyền giáo đầu tiên và cũng là nơi có số tín đồ đông nhất suốt 350 năm từ ngày thành lập 2 giáo phận đầu tiên ở VN là Nam Định, cũng chính là quê ngoại của mình. Nhìn vào bản đồ giáo phận CGVN ngày hôm nay thì Nam Định thuộc giáo phận Bùi Chu, với số tín đồ là gần 30% trên tổng số dân trong tỉnh (khoảng 2 triệu), tức là gần gấp 4 lần tỉ lệ bình quân trong cả nước (người CG chỉ chiếm khoảng 7-10% trên tổng số dân 85 triệu cả nước). Nam Định nằm phía Nam tỉnh Hà Nam. Thời Lê Trung Hưng, bắt đầu năm 1600 sau khi chúa Trịnh đánh đổ nhà Mạc và đưa vua Lê về lại Thăng Long, thì Nam Định và Hà Nam thuộc trấn Sơn Nam. Mình nhớ ông nội năm 1998 khi gia đình mình về VN lần đầu có nói đạo CG phát triển ở vùng bể. Hẳn là ông nội đã xem qua bản đồ vì thật thế Hà Nam nằm sâu trong đất liền và sự phát triển đạo CG rất khiêm tốn so với Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và cả Thanh Hóa nằm dọc biển.
Năm thành lập 2 giáo phận Tông Tòa đầu tiên ở VN cũng bắt đầu có linh mục người Việt. Nhưng phải đợi đến 300 năm sau, tức năm 1933 mới có giám mục đầu tiên người Việt, tương đương chức Hòa Thượng bên đạo Phật. Đó là giám mục Nguyễn Bá Tòng, sau này là giám mục giáo phận Phát Diệm, thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình và nổi tiếng trong thời gian kháng chiến chống Pháp 1947-1954 là khu tự trị không theo Việt Minh, cũng không theo Pháp. Sau ngày Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước 1954, có đến một nửa số tín đồ các giáo phận miền Bắc dắt díu nhau vào Nam. Ngược thời gian, những năm đầu chống Pháp sau Hòa Ước Giáp Thân 1884 đặt toàn bộ VN dưới sự bảo hộ của Pháp, khi phong trào Cần Vương và Văn Thân (sỹ phu đứng lên giúp vua cứu nước) lên cao điểm thì xung đột tôn giáo cũng diễn ra ác liệt và các làng CG miền Bắc trở thành những ốc đảo tự trị không thân Pháp mà cũng không ngả theo các phong trào kháng chiến chống Pháp vì nhiều nhóm kháng chiến chống Pháp thời ấy thường giương ngọn cờ Bình Tây Sát Tả, tức chống cả Pháp và những ai theo đạo của Tây. Hoàn cảnh lịch sử đã đẩy một bộ phận không nhỏ người Công Giáo đứng bên lề cuộc chiến chống Pháp suốt gần 100 năm. Số giáo dân chết trong các đợt cấm đạo, nặng nề nhất là dưới thời vua Minh Mạng, và thời kỳ phong trào Văn Thân, nhiều sách ghi là vài trăm ngàn. Số dân thường không phải là CG (bên Lương) chết trong thời kỳ này chắc cũng không ít. 100 năm sau ngồi nhìn lại, đạo Thiên Chúa theo chân những người Tây phương lạ lẫm xuất hiện trong làn sương mù biển cả lù lù tiến đến truyền bá vào Việt Nam, một nước ngót nghét hơn 2000 năm văn hiến và cả ngàn năm độc lập tự chủ với tín ngưỡng Phật, Lão, Nho tam giáo đồng nguyên thấm nhuần từ vua quan đến bình dân, lại nằm sát bên cạnh đất nước Trung Hoa rộng lớn gấp trăm, văn hiến gấp bội nên chỉ biết trên thế giới nhất Trung Hoa nhì Việt Nam thì thử hỏi việc du nhập đạo Thiên Chúa vào VN làm sao không tránh được những xung đột sâu đậm?
Đến năm 1960, sau 300 năm kể từ năm thành lập 2 giáo phận Tông Tòa (tức trực thuộc Tòa Thánh Vatican), Đức Giáo Hoàng ra một Thánh chỉ quan trọng khác là chính thức thay đổi tất cả các giáo phận Tông Tòa lúc bấy giờ (khoảng 10 giáo phận) thành các giáo phận Chính Tòa, tức một giáo phận bản địa chính thức độc lập chứ không trực tiếp lệ thuộc Tòa Thánh La Mã nữa. Cũng từ đó có Hàng Giáo Phẩm VN và Hội Đồng Giám Mục VN. Cả nước chia làm 3 tổng giáo phận là Hà Nội, Huế và Sài Gòn bao trùm khoảng 20 giáo phận trên cả nước.
Ngày xưa, lúc còn nhỏ, mình có một ước vọng là sau này lớn lên, mình sẽ thuyết phục bố theo đạo Thiên Chúa! Có lẽ xuất phát từ những xung khắc tôn giáo trong gia đình mà mình ngày đó có suy nghĩ “táo bạo” như vậy. Thế rồi càng lớn mình càng ngạc nhiên nhận ra chính suy nghĩ trong mình đang thay đổi. Mình xin mượn câu nói của một giám mục Anh Giáo về việc Thủ tướng Tony Blair từ một giáo dân Anh giáo đổi sang Công Giáo 2 năm trước đây. Ông nói ông chúc mừng Thủ tướng Blair đang bước sang một chặng đường mới trong cuộc hành trình tâm linh! Thật là một câu nói bao dung và sâu sắc mà không có chút khách sáo nào! Không đơn giản chỉ vì việc ngài giám mục mất đi một tín đồ mà ông nói vớt vát sỹ diện. Ông không đánh giá Thủ tướng Blair bằng sự thay đổi tôn giáo của Thủ tướng, mà ông vui mừng thấy Thủ tướng thành tâm nhìn nhận thế giới tâm linh và ước mong tiếp tục con đường tìm đến chân lý huyền diệu vô cùng.
Thủ tướng Blair không thể là người đường đột từ một tín đồ Anh giáo trong đất nước đại đa số là tín đồ Anh giáo lại đi đổi sang đạo Công Giáo. Việc ông đổi sang đạo CG không nói lên đạo CG đúng hay sai hơn so với Anh giáo, mà chỉ nói lên sự sâu sắc và nghiêm túc trong tư tưởng của ông về thế giới tâm linh.
Chắc bố đang mỉm cười nghe con cháu bố bộc bạch, bởi khi sống có thể bố không biết, nhưng như bầu trời xanh biếc tuy lặng lẽ, tĩnh mịch mà bố lại thấy rõ tất cả, thông hiểu mọi sự, thấu suốt mọi suy nghĩ…
Bai` nay hay lam anh! Bai viet khong kho khan va y tu duoc dan da’t mot cach uyen chuyen va ro rang, mach lac. Day la mot trong nhung bai viet ma em co duoc su hieu biet cho rieng mi`nh, chac la nho` anh roi! hihihi Tuy nhien, quan trong hon ca la tinh than cua anh khi nho ve bo co mau sac lac quan va tin vao su an huong cua bo noi yen binh va thanh tinh. Cam on rat nhieu vi bai viet, mac du nhung bai viet nay cung “ngo^’n” nhieu thoi gian cua tui mi`nh lam da’y!! Keep it up, anh!!
nga^n nha(‘c chi. va^~n co`n nho+’, la^`n ddo’ bo^’ ho?i ma^y’ anh em, thi` ddu+’a na`o cu~ng la^’m le’t nhi`n nhau xem ddu+’a kia tra? lo+`i nhu+ the^’ na`o dde^? cu~ng huo+’ng theo chie^`u ddo’
chi. va^~n 0 hie^?u dda.o Anh gia’o la` dda.o gi`, hay chi? la` 1 nga~ re~ cu?a CG, gio^’ng nhu+ Tin La`nh ?
Bài viết sâu sắc, đọc cứ như một bức tranh khắc họa lại toàn cảnh du nhập và phát triển của một tôn giáo. Xem ra nó không phải là bài viết trong blog nữa mà có thể xem là tư liệu tôn giáo được rồi. 🙂 Go a head, man.
Có điều vẫn chưa rõ cấu trúc của tổ chức này, giáo phận Tông Tòa và Chính Tòa thì có liên quan gì tới tòa thánh Vatican ?
TraiLang đọc bài viết chắc cũng thấy là Ngân viết còn sơ sài, đôi khi còn hay lướt. Ví như Tông Toà và Chính Tòa, lẽ ra mình nên giai thích rõ hơn.
Ngan hiểu như thế này. Tông Tòa là khi một đất nước còn trong giai đoạn sơ khai chưa có số giám mục, linh mục bản xứ đảm trách nên nó trực thuộc Toà Thánh La Mã. Khi tín đồ ở nước đó đã khá đông đủ, đức tin mạnh mẽ, số vị chủ chiên đông đủ và có năng lực điều khiển độc lập thì Toà Thánh sẽ đổi tên sang là Chính Tòa. Chẳng khác nào một đứa con dưới 18 tuổi thi bố mẹ phải lo hết mọi thứ. Còn khi đã lớn khôn thì bố mẹ để cho tự chủ, tự lo lấy bản thân mình. Dĩ nhiên dù độc lập hay trực tiếp lệ thuộc thì tất cả đề là con của bố mẹ mình, tức là tất cả các giáo phận trên thế giới, dù Tong Tòa hay Chính Tòa đều la một bộ phận không thể tách rời của Giáo Hội La Mã.