Hai tôn giáo lớn ở miền Nam

Mùa lễ Giáng Sinh, hay Noel, Xmas, tùy cách nhìn của mỗi người, năm nay trong gia đình mình không cần nói ra thì ai cũng biết không giống như mọi năm. Sự khác biệt đối với mình không ở những diễn biến bên ngoài, mà là tâm trạng bên trong. Có lẽ theo thời gian, những cảm xúc đời thường của con người không còn thể hiện nhiều ra ngoài mà dần rút vào nội tâm. Cái hố sâu thẳm tối đen từ ngày bố mình mất đang dần nhường chỗ cho bình minh một cuộc sống mới.

Mười hai năm trước, vào tháng 11 ngày ông ngoại mình mất, mình nhận ra sự giới hạn trong cuộc sống. Vẫn biết con người có sinh ắt có tử, nhưng chỉ khi ông ngoại mình mất, mình mới thật sự “chạm tay” vào sự chết. 12 năm sau, ngày bố mình mất, hay có thể là suốt thời gian bố bệnh cho đến ngày bố ra đi, mình đối diện 2 cảm xúc mãnh liệt khác. Trước nhất là sự bất lực! Mình chỉ có thể đứng nhìn bố đau đớn vật vã với cơn bệnh hiểm nghèo cho tới ngày bố nhắm mắt ra đi. Tất cả hành trang sống trong đời đều vô dụng trước thần chết đang lừng lững tiến đến mang bố đi. Cảm xúc thứ 2 chính là bước kế tiếp của cảm xúc trước. Bố mình, người gần gũi ruột thịt nhất mà cũng phải nhắm mắt xuôi tay thì mình, vốn chỉ là hậu sinh, tức là có bố rồi mới có mình, thì còn bất lực bao nhiêu nữa trước cái chết? Thế thì những cố gắng, phấn đấu trong đời có nghĩa gì nếu mình còn không thể cứu rỗi được chính mình?

Bố lúc còn sống ít nói đến thế giới tâm linh. Theo nhận xét của mình thì bố giống bà nội hơn ông nội, không chỉ ở ngoại hình mà còn trong cả suy nghĩ. Bố quan tâm tới cuộc sống thực tế xung quanh hơn thế giới siêu hình. Sau này những ngày bố lâm bệnh, bố có để ý hơn về cái thế giới bên kia, nhưng cũng chỉ là để giải khuây, hoặc như người bị đắm thuyền giữa bỉển cả thì cầu nguyện cả Chúa lẫn Phật vậy. Ngày xưa, mình chỉ biết có 2 tôn giáo chính là Công Giáo và Phật Giáo, ngoài ra là những người vô thần, không tin thần thánh nào cả. Những ngày ấy mình sống quanh quẩn trong Sài Gòn, thỉnh thoảng đi xa một chút là lên Bảo Lộc, ra Vũng Tàu hay xuống Mỹ Tho. Ngày mấy anh em mình còn bé mẹ mình chỉ dạy bảo mấy anh em về Chúa và sự tôn trọng niềm tin của người khác, còn bố chẳng bao giờ nói về các tôn giáo nào khác.

Năm mình qua Mỹ cũng là cái tuổi mình bắt đầu không thỏa mãn với những gì mình biết. Sự xa cách với nơi mình sinh ra và lớn lên lại trở thành động lực để mình tìm hiểu về nó. Và mình ngạc nhiên nhận ra ở Việt Nam, hay chính xác và gần gũi hơn là vùng Sài Gòn Gia Định nói riêng và cả vùng đồng  bằng Nam Bộ, còn có 2 tôn giáo khác. Bài viết này mình sẽ nói khái quát về 2 tôn giáo đó, không chỉ để hiểu cách nhìn về thế giới tâm linh của một bộ phận không nhỏ người miền Nam mà còn là để hiểu hơn mảnh đất ông bà nội (và cả bên ngoại của mình) vào lập nghiệp 55 năm trước và là nơi bố mẹ, chú bác mình cho đến thế hệ của mình sinh trưởng.

Đạo Cao Đài và Hòa Hảo.

Tóm tắt sơ lược thì 2 tôn giáo này được sáng lập rất… muộn! Tuổi đời người sáng lập đạo Cao Đài, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1969) chỉ hơn cụ Quỳnh, bố ông nội, có đúng 10 tuổi. Còn Đức Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập đạo Hòa Hảo thì chỉ hơn tuổi ông nội mình có 3 tuổi! Nhưng tuổi của một tôn giáo không quyết định tính “thuyết phục” của tôn giáo đó. Bởi nếu dùng tuổi để đo sự thuyết phục thì Hồi Giáo sáng lập thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên không bằng Thiên Chúa Giáo. Nhưng Thiên Chúa Giáo không bằng Phật Giáo sáng lập hơn 500 năm trước CN. Và rồi Phật Giáo không lâu đời bằng Do Thái Giáo có trước đó hàng trăm năm! Mình không rõ chính xác kinh Torah của người Do Thái có trước hay sau kinh Vedas của Ấn Giáo…

Trở lại 2 tôn giáo lớn ở miền Nam, nếu mình nhẩm tính số tín đồ Công Giáo ở Việt Nam khoảng 7 triệu trên cả nước và chia đều Bắc, Trung, Nam thì ở miền Nam số tín đồ Công Giáo, Hòa Hảo và Cao Đài có thể là gần như nhau, tức khoảng 2 tirệu rưỡi. Đạo Hòa Hảo phát triển chủ yếu ở miền Hậu Giang, tức vùng đất cuối cùng của đất nước, còn đạo Cao Đài phát triển trên phạm vi rộng lớn hơn ở khắp miền Nam, nhưng tập trung nhiều hơn cả là ở Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng Đồng Nai, Vàm Cỏ. Trong khi đạo Hòa Hảo đơn giản, bình dân thì đạo Cao Đài lại màu sắc, lễ nghi và phẩm trật, tổ chức phức tạp.

Đạo Cao Đài sáng lập năm 1926 với tên gọi chính thức là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Cái tên dài dòng nhưng hiểu nó là mình có thể hiểu được cái cốt lõi triết lý của tôn giáo này. Đó là người tín đồ Cao Đài tin rằng đức Cao Đài, đấng tối cao, được bỉểu hiện bằng con mắt (bên trái), đã 3 lần mặc khải cho chúng sanh. Lần thứ nhất và lần thứ hai Ngài mặc khải qua Đức Phật, Lão Tử, và cả Chúa Giê Su. Riêng lần thứ 3 và là lần quan trọng nhất, Ngài mặc khải cho 12 vị đồng tử của ngài biết về Ngài, mà trong đó Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là đồng tử quan trọng nhất vì chỉ khi có ngài tham dự bàn cơ (mình đoán là một dạng cầu cơ) thì Đức Cao Đài mới xuất hiện. Gọi là Hộ Pháp vì ngài Phạm Công Tắc không phải là Giáo Tông, chức vị cao nhất, giống như Giáo Hoàng trong đạo Công Giáo. Giáo Tông đạo Cao Đài là Ngô Văn Chiêu, nhưng ông sau đó từ bỏ chức vị này mà xuống Bến Tre lập một tông phái khác, trở thành một hệ phái Cao Đài khác với Cao Đài chính ở Tây Ninh cho mãi tới sau này. Ngài Phạm Công Tắc thế Ngô Văn Chiêu làm quyền Giáo Tông (tức là thay mặt mà thôi). Chức vị Hộ Pháp của ngài Phạm Công Tắc bị bỏ trống sau khi ngài qua đời năm 1969, tức là đạo Cao Đài không có Giáo chủ (Giáo Tông) cũng như người điều hành thường vụ (Hộ Pháp) suốt 40 năm qua! Có thể nói hoàn cảnh lịch sử, chính trị đất nước ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình trạng đó của tôn giáo này.180px-Cao_Dai_temple_(Vietnam)

Đạo Cao Đài về hình thức trông rất huyền bí đối với mình vì họ thờ cả Phật, Khổng, Lão, Chúa, và đền thánh của họ trông sặc sỡ, còn bày biện bên trong và nghi thức thì vừa giống cung đình vưa có dấp dáng Phật Giáo lại có phong thái của Nho Giáo! Nhưng khi mình tìm hiểu triết lý quan của tôn giáo này thì lại thấy gần gũi. Đạo Cao Đài cho rằng sau Đức Cao Đài, tức Thượng Đế, tạo dựng ra mọi vật, rất giống tín lý của Thiên Chúa Giáo. Nhưng Đức Cao Đài không phải là hằng hữu và chỉ xuất hiện sau khi sự kiện Big Bang, tức là rất khoa học vì Big Bang là sự kiện giới khoa học cho rằng xảy ra cách đây 14 tỉ năm và là khởi nguyên của cả vũ trụ bao la mà mình đang ở trong đó! Nhưng đối với đạo Cao Đài thì trước Big Bang đã có Đạo, tức là rất giống triết lý của Lão! Đạo vô hình, Đạo hằng hữu, Đạo không có tên gọi, một khái niệm mình chỉ có thể hiểu thô sơ là nguyên lý của vũ trụ, là con đường, là lý do của tất cả sự hiện hữu và không hiện hữu.240px-Cao_Dai_Holy_See

Trong tín lý Cao Đài thì cao nhất là Thượng Đế, tức Đức Cao Đài (xuất hiện sau Big Bang), đấng sáng tạo vũ trụ, dưới Ngài theo thứ tự cao thấp là Phật (buddha), Tiên (sage), Thánh (saint), Thần (angel). Tiên, Thánh, Thần có đời sống rất lâu, nhưng chỉ có Phật là người thóat khỏi vòng luân hồi khổ lụy.

Đến đây mình có thể hình dung ngài Phạm Công Tắc sống vào buổi giao thời Đông Tây, Á Âu với biết bao xung đột tư tưởng, biến động xã hội, chính trị không khỏi trầm tư về thân phận con người và cả sự hiện hữu và ý nghĩa cuộc sống. Đọc triết lý Cao Đài, mình như đọc được những trăn trở của tiền nhân tìm một chân lý mới dung hòa tất cả mọi tôn giáo, tìm sợi dây kết nối con người Bắc Nam, Đông Tây lại với nhau, thay cho bao nhiêu xung đột đức tin, và cũng là một cách hòa hợp nền văn minh cổ kính Á Châu với văn minh hiện đại và đang ở thế thượng phong của Tây phương.

Đạo Hòa Hảo ngược lại, rất bình dân và giản dị. Ngoài Đức Hùynh Phú Sổ là người sáng lập đạo năm 1939, khi ngài mới 19 tuổi, và mất năm 1947 một cách bí mật trong thời gian chiến tranh Việt Minh và Pháp bùnh nổ thì cho đến hôm nay Đạo Hòa Hảo không có Giáo chủ nữa. Đạo Hòa Hảo quan niệm mọi người đều bình đẳng như nhau, và chú trọng tu tại tâm, Phật tại tâm chứ không xây dựng chùa chiền, lễ nghi ràng buộc. Đạo Hòa Hảo chính là đạo Phật, nhưng là một hệ phái mới, hoàn tòan Việt và được giản dị hóa. Tín đồ Hòa Hảo không cần đi chùa, tụng kinh gõ mõ, mà chỉ cần đọc sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo chủ và niệm Phật mỗi ngày để tĩnh tâm là đủ. 200px-Bàn_thờ_thờ_Huỳnh_Phú_SổCả tôn giáo này chỉ có mỗi một Tổ Đình giống như tòa thánh, ngoai ra không có chùa chiền, điện thờ nào khác!

Tín lý đạo Hòa Hào giản dị là thế, nhưng lịch sử gốc tích đạo thì lại mang vẻ huyền bí hơn cả đạo Cao Đài. Đạo Hòa Hảo bắt nguồn từ đạo Phật hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) từ thế kỷ trước ở vùng Châu Đốc mà thời bấy giờ còn lắm hoang vu thưa thớt dấu chân người. BSKH sáng lập năm 1849 bởi một người tên là Đoàn Minh Hương mà tín đồ gọi là Phật Thầy Tây An, tức gần 100 năm trước khi có đạo Hòa Hảo. Đấy là thời vua Tự Đức và miền Nam khi ấy còn đang trong giai đọan đầu khai phá, định cư, giống như miền Tây nước Mỹ thời kỳ đó người ta gọi là “wild west,” tức là miền đất mới, mang phong cách giang hồ, hảo hán, nghĩa hiệp, phép nước còn chưa thấm hết, luật pháp do chính lưu dân tự lập ra, guồng máy tổ chức nhà nước chưa bao phủ hết. Miền Nam là vùng đất mới của đất nước, dù đã có dấu chân người Việt từ trước thế kỷ 16, nhưng mãi đến trước thời Pháp thuộc 1867 có thể nói còn rất mới, giao thông cách trở. Mấy con kênh Vĩnh Tế, Thọai Ngọc Hầu ở vùng Hậu Giang là những trục giao thông chính nối liền các thôn làng rải rác trơ vơ giữa miền sông nước, đầm lầy. Châu Đốc thời ấy lại chính là miền xa xôi nhất ở miền Nam bởi Hà Tiên dù  cực nam hơn Châu Đốc nhưng nằm sát biển nên thông thương thuận tiện, không bị cách trở. Châu Đốc lại cũng chính là đoạn cuối của dãy Trường Sơn nên cả miền đồng bằng Cửu Long phẳng lì nhưng đến đây lại nổi lên nhiều ngọn núi rậm rạp. Người ta gọi vùng này là Thất Sơn và theo thời gian con người khai phá và đấu tranh với thiên nhiên nó nảy sinh ra nhiều truyền thuyết và giai thoại mang lắm vẻ huyền bí ở đây. Đọc về sự tích lễ hội bà Chúa Xứ ở chân núi Sam, mình có thấy sự phong phú trong văn hóa ở đây. Tượng bà ở trên đỉnh núi Sam, người ta ước đoán xây từ thế kỷ thứ 6, 7 thời đại văn minh Ốc Eo mang mỹ thuật Ấn Độ, đến thế kỷ 19 người dân ở  đây rinh “bà” xuống đưa vào miếu để thờ. Có người bảo thật ra đấy là tượng đàn ông người Khơme, nhưng dân mình sơn phấn trang điểm tượng xong rồi xem đó là bà! Rõ ràng vùng đất này pha trộn rất nhiều văn minh, văn hóa Á Châu, vừa Việt, vừa Hoa (ảnh hưởng Nho Giáo), Miên (đất Miên ngày xưa), và cả Ấn Độ. Nhìn rộng ra thì miền đất này chính là sự phóng đại bối cảnh lịch sử, văn hóa dân tộc Việt mình khi nhìn qua kính hiển vi vì văn hóa và cả chủng tộc Việt mình chính là sự pha trộn giữa Việt, Hoa, Mường, Chàm, Miên.

Có thể thấy là đạo Hòa Hảo thoát thai từ Bửu Sơn Kỳ Hương. Và BSKH là một tôn giáo bình dân, giản dị do Đoàn Minh Hương khi sống đi chữa bệnh và tổ chức dân cày cấy, khai phá đất đai và dần chinh phục lòng tin của người dân hiền hòa, chất phác thời bấy giờ. Tâm lý lưu dân ở miền địa đầu, đầm lầy, con người còn phải giành đất sống với muông thú, người dân thời ấy hẳn cũng mong muốn có chỗ dựa tinh thần để khỏa lấp cái không gian trăng nước cô đơn quạnh quẽ.

Như thế tính tích cực của sự ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (đạo Phật phát triển thêm với tín lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa tức là Ân Tổ quốc, ân tổ tiên, ân đồng loại và ân Tam Bảo) có thể thấy được qua kết quả tín đồ do niềm tin và sự tổ chức đã phát triển vùng đất đầm lầy, rậm rạp này thành những ruộng vườn trù phú.

Đọc lịch sử của đạo Hòa Hảo mình hiểu thêm sự phát triển của miền Nam, còn đọc tín lý của đạo Cao Đài lại cho mình thấy được trăn trở, suy tư của lớp người trước sinh ra trong giai đoan đất nước mất độc lập, văn minh ông cha bỗng chốc bị hạ bệ trước sức mạnh của Tây phương. Trong khi đạo Cao Đài trăn trở tìm một con đường dung hòa để cả nhân loại cùng đến được thế giới tâm linh hạnh phúc thì ở trần thế trong giai đoạn này đối với mình chính là thời kỳ “trăm hoa đua nở” với nhiều tư tưởng phát sinh tìm con đường cứu dân tộc, cứu đất nước thoát khỏi vòng nô lệ, yếu nhược. Điển hình là các nhà Nho khoa bảng như Phan Bội Châu chủ trương dùng bạo lực giành độc lập trước rồi tiến hành xây dựng nhà nước hiến pháp, Phan Chu Trinh  với chủ trương khai dân trí, chấn dân khí rồi mới nói đến độc lập, đến các đảng phái Quốc Dân Đảng bắt chước Tôn Dật Tiên bên Tàu làm cách mạng tư sản, Đại Việt dựa vào sức mạnh dân tộc, rồi lại đến Đệ Tam quốc tế xem cuộc chiến giải phóng đất nước là một phần của cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, hay nói chung là tầng lớp nghèo trên khắp thế giới, và đệ tứ quốc tế cũng chủ trương giải phóng người nghèo nhưng chấp nhập hợp tác với các giai cấp khác chứ không chuyên chính vô sản như đệ tam, và một bộ phận không nhỏ khác chủ trương thỏa hiệp với Pháp, hay gọi là Pháp Việt đề huề vì chống Pháp chỉ như trứng chọi đá, chi bằng mình dựa vào Pháp mà phát triển… Nhìn ở góc độ bao quát thì dù đúng hay sai, dù thành hay bại, mình tin tất cả đều xuất phát từ mong muốn dân Việt sớm được no ấm, đất nước sớm có hòa bình để phát triển và sánh vai với các nước khác.

Người hành đạo thì tìm con đường cứu rỗi ở đời sau mà bàng quang với những đấu tranh, giành giật dù dưới bất kỳ danh nghĩa nào ở thế tục. Người làm cách mạng thì bảo đó là huyễn hoặc, bởi nếu không có độc lập, thì lấy đất ở đâu mà hành đạo, không có dân chủ thì lấy phương tiện gì để thuyết phục tín đồ? Lịch sử Việt mình nửa đầu thế kỷ 20 cũng may không phải chỉ nằm ở một trong hai cực đó và ngày hôm nay mình may mắn sống trong xã hội hòa bình, ngồi nhớ lại các cụ ngày xưa qua bao mồ hôi nước mắt, để lại cho mình một gia tài tư tưởng tuy khiêm tốn so với thế giới nhưng vẫn là đồ sộ, đáng nghiền ngẫm, học hỏi.

Người quá cố xác thịt tuy tan rã, tiêu hủy nhưng tinh thần thì vẫn ở bên cạnh mình mãi vậy.

7 thoughts on “Hai tôn giáo lớn ở miền Nam”

  1. Trong một lần về thăm quê bên vợ, may mắn là được ghé qua khu Thất Sơn_ Bảy Núi. Bài viết quá hay luôn ! Nhìn lại thấy thời xưa cha ông mình đã có người suy ngẫm cao siêu thế nhỉ, sáng lập ra cả một tôn giáo. Thời loạn thì mới tạo ra anh hùng, bây giờ bơ sữa nhiều quá chắc là anh hùng khó có đất dụng võ :mrgreen:

  2. Whoa, Ngân giỏi quá. Bên nội của mình la đạo Cao Đài, bên ngoại là đạo Hoà Hảo. Cả hai bên ngoại và nội điều rất tôn sùng đạo. Nhưng mình thì không hiểu rõ là tôn giáo xuất phát từ đâu. Đọc bài cũa Ngân làm mình mở rộng thêm kiến thức. Thank you and gơod job, Ngân

  3. chuong, ba^y gio+` kho^ng fa?i la` bo+ su+~a, ma` la` bia ruo+.u la`m ai ai cu~ng cu+’ tuo+?ng mi`nh la` anh hu`ng dda^y’ chu+’ 🙄

  4. very surprise anh Hau. I know you Mom’s family are Hoa Hao but I didn’t know your Dad’s family are Cao Dai believers.

  5. Chuong, we all went to Chau Doc and Ha Tien about 6 years ago and we did visit chua Ba Chua Xu. That temple looks so mysterious. so, it looks like you went to that area at least twice, once with our family and once with your wife.

  6. Tiền đề sai, trên nguyên tắc không có Đạo Hòa Hảo mà chỉ có Phật Giáo Hòa Hảo tức Đạo Phật được giảng dạy bởi Đức Huỳnh Phú Sổ, sinh trưỡng tại làng Hòa Hảo. Cũng từ điểm sai nhỏ nhặt này đưa đến hình bàn thờ có hình Đức Huỳnh… Ngài mất tích thì có chứ có chết đâu mà thờ.
    Phật Giáo Hòa Hảo là hậu thân của Bửu Sơn Kỳ Hương chứ không ”có thể ” gì cả.

Leave a Reply