Lại một cuối tuần trôi qua. Cách đây không lâu, cứ vào cuối ngày Chủ Nhật là mình thấy buồn buồn. Cái cảm giác sáng sớm hôm sau phải đi làm, “sống” 8 tiếng trong môi trường đến tận bây giờ vẫn có cái gì đó xa lạ đối với mình. Hoàn cảnh khách quan và có lẽ cả khuyết điểm chủ quan của mình nên dù ở Mỹ gần 20 năm rồi mà mình vẫn còn cái cảm giác ấy. Đi làm mà như đi đến một thế giới khác, vẫn cảm giác như một người khách…
Có thể đây là một đề tài hay, nhưng đó không phải là ý chính bài blog của mình bây giờ. Hôm nay mình không thấy chán nản vì ngay mai đi làm mà lại có cảm giác một điều gì đó thôi thúc mình viết bài, dù chỉ là viết quanh co, nói đông nói tây, nhưng có viết vẫn hơn không. Mình có thể ngồi xem TV, giải trí bằng cách xem phim, chơi game,… nhưng lòng lại canh cánh muốn làm cái gì đó không phải chỉ cho mình.
Thế thì mình vào blog gõ lách cách vậy.
Không biết mình thuộc thiểu số hay đa số, nhưng từ nhỏ mình vẫn thường hay băn khoăn về những câu hỏi rất cơ bản: con người mình từ đâu đến, và sẽ đi về đâu? Chắc mình đã phạm vào cái lỗi “lý thuyết nhiều hơn thực hành” vì mình dành khá nhiều thời gian gặm nhấm sách sử về các tôn giáo và mấy thuyết liên quan đến tâm linh. Có lẽ bản năng con người ai cũng đã từng băn khoăn về những điều ấy.
Giống bao nhiêu người khác, mình đọc rồi quên, hoặc tệ hơn là đọc mười nhưng tiếp thu thì thật khiêm tốn, chỉ khoảng một? Dầu vậy, mình xin chia sẻ ra đây với mọi người những mẫu truyện ngắn mình còn nhớ được về các tôn giáo. Ai nhớ khác xin đừng quên nhắc mình.
Có người hỏi Phật Thích Ca con người ta chết rồi đi về đâu. Đức Thích Ca trả lời cuộc đời như cái nhà đang cháy, mình không cần bận tâm về điều đó mà chỉ nên lo thoát khỏi ngọn lửa đang thiêu cháy căn nhà! Đạo Phật ngày nay nhiều tông phái, phát triển thêm nhiều tư tưởng khác nhau khi nó du nhập vào những nền văn hóa khác nhau và khi xã hội, nhu cầu và hiểu biết con người thay đổi. Nhưng đạo Phật nguyên thủy mình hỉểu là sự thoát tục, trút bỏ cái bản ngã luôn bám chặt con người để trở về cái “Không.” “Không có cái gì cả” chính là sự giác ngộ sau cùng. Tất cả chỉ là hư vô, ảo ảnh… Con người ta hóa kiếp, tu thân chỉ để đi đến sự giác ngộ này mà thôi. Giác ngộ tuyệt đối rồi thì mới vào cõi niết bàn…
Có người hỏi Khổng Tử hỏi một câu tương tự là ông có tin vào quỷ thần không? Đức Khổng đáp “kính nhi viễn chi.” Mình nhớ ý Đức Khổng Tử là quỷ thần mình không nên khinh xuất nhưng nên xa lánh. Cái ý xa hơn của Đức Khổng là sự trần thế mình còn chưa hoàn bị thì đừng nên phí thời gian bàn cãi thế giới vô hình. Đức Khổng bôn ba khắp các nước ở Trung Hoa thời Xuân Thu truyền bá thuyết tam cương ngũ thường, trật tự “thiên địa nhân”, trong đó nhân là tâm của vũ trụ. Tư tưởng của Khổng chuyên về cách làm người, không bàn chuyện “viễn vông.”
Lại nói đến Lão Tử. Lão gần với Phật ở chỗ “xuất thế”, không để bụi trần lụy thân. Nhưng đạo Lão không có thuyết luân hồi, cõi niết bàn. Có sách chép rằng Lão Tử có lần tranh luận với Khổng Tử rằng mọi vật trong tự nhiên đều có cái lý của nó, không thể cưỡng ép nó theo cái “trật tự” tam cương ngũ thường của Đức Khổng. Điều đó chỉ vô ích, và nó cho thấy mình không hiểu được cái lẽ của trời đất. Trang Tử, người phát triển đạo Lão đi xa hơn, theo truyền thuyết đã đàn ca khi vợ mình mất. Trang Tử bảo làm sao mình biết chết là khổ mà lại đi khóc? Tại sao mình biết chết không phải là sự trở về cái nguyên thủy của sự vật?
Mình đọc những tư tưởng ở Trung Hoa thời kỳ Bách gia chư tử (cùng thời với Xuân thu Chiến Quốc cách nay đã 2500 năm) và giật mình “phát hiện” triết lý Thiên Chúa Giáo ít nhiều đã xuất hiện ở Trung Quốc. Đó là thuyết kiêm ái của Tuân Tử. Tuân Tử cũng “nhập thế” như Khổng Mạnh (Khổng Tử và Mạnh Tử), nhưng khác với Khổng, Tuân Tử kêu gọi tất cả mọi người thương yêu nhau, bất kể là họ hàng, cha mẹ, anh em hay không cùng máu mủ. Có người bắt bẻ Tuân Tử rằng tại sao lại mỏi gối du thuyết mà chẳng ai nghe, có phải là phí công không? Tuân Tử đáp, nếu một người gánh nước để tưới ruộng mà cứ bị đổ đi thì mình có nên dừng không, hay mình càng phải tiếp tục phụ giúp người ấy gánh nhiều nước hơn…
Cuối cùng là Thiên Chúa Giáo với tư tưởng thương yêu mọi người giống như Tuân Tử. Nhưng Thiên Chúa Giáo bàn về thế tục là để chuẩn bị cho thế giới sau này. Thiên Chúa Giáo “nhập thế” hơn Phật Giáo hay Lão Tử với thuyết rao giảng tin mừng, truyền bá chân lý, đó là con người được tao ra bởi Đức Chúa Trời, và con người chỉ có một kiếp, một cơ hội để nhận ra chân lý và sống đức tin. Mình có đức tin chưa đủ, mà phải truyền bá nó. Không rao giảng tin mừng thì sao gọi là tin? Vì tin mừng đó là tòan bộ ý nghĩa và lý do hiện hữu của tất cả mọi vật. Với cái nền tảng triết lý như vậy, mình không ngạc nhiên khi thấy Thiên Chúa Giáo đầy dẫy những trang sử tích cực cũng như tiêu cực. Cái giá của sự “nhập thế” là vậy. Ngược lại là thóat tục, tức là không can dự, không bạn không thù…
Mình còn chưa nói về các đạo Cao Đài, Hòa Hảo, nhưng vì Cao Đài ít nhiều là tổng hợp các đạo Tây phương và Đông phương, còn Hòa Hảo chỉ khác Phật Giáo ở chỗ “nhập thế” hơn với thuyết ơn cha mẹ và ơn Tổ quốc, nên mình không bàn thêm. Đó là mình chỉ nói đến các đạo giáo, tư tưởng chính ở Việt Nam chứ không dám nói rộng hơn…
….
Ôn lại một cách rất thô sơ sự khác biệt của các tôn giáo để mình nhận ra con người từ ngàn xưa, từ Đông qua Tây đều trăn trở về con người và vũ trụ bao la khôn cùng, những cái thấy được và những cái không thấy được…
Mình chưa trải qua nhưng có thể hình dung mình sợ hãi sự tử bao nhiêu. Mình không thể có cái tư tưởng thanh thóat nhẹ nhàng như Lão Trang, hay sự giác ngộ và tinh thần vô úy như nhà Phật nên chỉ nghĩ đến sự tan biến vào hư vô của thể xác và tinh thần đã cảm thấy một khối đen kịt đến ngạt thở. Thể xác nằm xuống, khối óc ngừng chảy, suy tư đứng lại, cái bản ngã mà mình đang cảm nhận trong chính mình vụt tắt. Mình không còn biết mình hiện hữu nữa. Mất một người thân, mình chỉ mất một; mất chính mình, mình mất tất cả người thân.
Sợ hãi là vậy, nhưng nghĩ đến người xưa, cha ông mình cũng đã trải qua những trăn trở, cảm giác ấy, mình thấy được an ủi hơn. Nước Việt mình tuy nhiều đạo truyền vào nhưng phần lớn người Việt ít nhiều vẫn ảnh hưởng “đạo ông bà”! Ông bà ra đi nhưng vẫn ở gần con cháu. Mình chết là mình về với ông bà, cha mẹ, tổ tiên… Không phải ai cũng tin đúng y như thế, nhưng đâu đó hình ảnh được gần gũi người thân hơn sau khi mình nằm xuống, và sẽ có ngày tất cả lại sẽ được thấy nhau. Dù là triết lý nào, đạo giáo nào thì mẫu số chung vẫn là sự đòan tụ không phải chỉ gia đình, người thân, dòng họ tất cả các đời mà là cả nhân lọai. Giống như đạo Bà La Môn của người Ấn Độ dạy rằng tất cả con người đều là một phần tử, dù là nhỏ vô cùng, của cái bản thể Brahman bao trùm lên hết tất cả! Nói khác đi, tất cả con người mình đều cùng một cơ thể! Mình thấy điều đó rất nhân ái và đầy hy vọng!
Bài viết này cao siêu thật, chủ blog có công nghiên cứu sách vở thật nhiều và nỗi trăn trở này có vẻ như làm mình già trước tuổi vậy. Nói tới cái chết là thấy sợ, cảm giác mình chỉ cần mất đi một trong năm giác quan thôi là đã hãi. Giống như lúc nhỏ chơi trùm mền trốn nhau, nếu trùm một chút thôi thì rất vui, nhưng nếu mà hơi lâu một tí thì cảm giác thật sự bùng nổ, muốn thoát ra ngay lập tức bằng mọi giá, phải thấy được ánh sáng, có vậy mới cân bằng. 🙂
chuong nói đúng rồi, sao siêu quá làm khó hiểu
Nói dông dài, cứ tưởng chỉ nói đơn giản 1 câu…chết là hêt…..như vậy cũng không được
Ngan da co’ comment pha?n hoi` ma` khong hieu sao bay gio` vo^ thi` tha’y ma’t tie^u. Thoi bay gio` che’p la.i.
Thanks TraiLang. Hoa.c nhu tro` choi bi.t ma’t cu~ng the’. Cho’c la’t thi` vui, chu’ la^u hon thi` ba’t da`u tha’y tim da.p ma.nh…