Tạm biệt bà Đỗ, xe quay ngược về nhà chú Hà, đi ngang mấy cánh đồng chỉ một màu xanh mướt – cái màu xanh làm dịu mát tâm hồn mà thi sĩ người ta thường tả trong sách vở, lại cộng thêm hương lúa thoang thoảng, hít lấy hít để vẫn thấy thèm thèm, mình ở SG toàn hít bụi, có biết được không khí trong lành là như thế nào đâu, xem ra còn thú vị hơn cả hít OXY nguyên chất 😀
Giữa cánh đồng xa xa lại điểm một vài ngôi mộ cổ. Kế bên mộ cổ là một cái cây. Thực tình không biết là cây gì, nhưng cao thẳng tắp, tán xòe rộng, phủ mát cả ngôi mộ – có lẽ để làm mát cho người đã khuất chăng?
Chú Hà bảo rằng “làm nghề nông khổ lắm cháu à, không đủ ăn nên dân mình bỏ xứ đi làm thuê hết rồi”. Đúng là một nghịch lý, dân mình từ anh nông dân khắc khổ đến ông bộ trưởng sang trọng đều phải ăn cơm, vậy mà nghề nông lại là nghề cực nhọc nhất, ít sinh lời nhất, khiến cho thanh niên thì bỏ làng ra Chợ Người, phụ nữ thì đi làm osin… Nông thôn chỉ còn lại những cụ ông, cụ bà khắc khoải chờ đợi.
Lạ một điều là tuy ở làng quê nhưng đường lớn cũng như đường nhỏ đều thẳng tăm tắp, khác xa với SG nổi tiếng với nhiều con hẻm ngoằn ngòe đi hoài không chán. Chiều gần 6h mà chợ quê vẫn họp sôi động, đủ các loại rau cá thịt. Chú Hà dừng lại mua 1 cân thịt đùi, thêm mớ rau. Vợ chú vừa sanh em bé thứ 3 nên chú tề gia nội trợ 😀
Trong lúc mẹ ngắm cảnh đồng lúa thì 2 bố con xí muội tranh thủ chụp hình ở cầu Nhật Tựu. Cầu cũ vẫn còn, nhưng xa xa đã có cây cầu mới. Có lẽ vài năm nữa cây cầu cũ sẽ lui vào dĩ vãng…
Lại thắc mắc vậy nhà bà nội ở đâu? Thế là chú Hà gợi ý cả nhà nên qua thăm thôn cũ của bà nội – Thôn Vân Đối (không chắc là tên này vì chưa quen nghe giọng miền Bắc, Vân hay Văn Đối gì đó). Tiếp tục hành trình sang thăm nhà bà Ảnh – em gái ruột của bà nội.
Nhà bà Ảnh vừa xây mới, to lộng lẫy nhưng chưa sơn phết. Bà Ảnh dáng cao như bà nội, nhưng lưng bà vẫn thẳng, chưa còm. Bà tự giới thiệu bà tên Ảnh, còn thứ mấy trong nhà thì bà không nhớ. Chè nhà bà Ảnh rất ngon, thoang thoảng hương lài hay sen gì đó, tuy không phải là người thích uống chè nhưng vẫn ních 3 ly ngon lành.
Điểm dừng chân cuối cùng là nhà chú Hồng – quán cafe Zidan (chú mê cầu thủ Zidance của Pháp). Trong lúc bố CH hàn huyên thì mẹ tranh thủ lì xì các em. Dẫu sao về quê không kịp mua cái bánh hay chút quà mọn của miền Nam thì lì xì tí cũng vui. Mà các em dễ thương lắm, cứ xoắn với xí muội, thành ra bố mẹ lại được rảnh tay.
Lại được làm quen với cô Nam (cô Hạnh) – là cô giáo làng. Cô không đi xe đạp như trong phim, cô giáo làng nay đã có xe tay ga 😀 Nhà cô đối diện nhà chú Hà, mỗi khi hè cô lại ôn tập cho trẻ con trong làng ngay tại nhà cũ của ông bà nội. Như vậy thì hay quá là hay, vì Bà Trẻ sẽ được nghe tiếng trẻ con đọc bài, không phải buồn hiu quạnh nữa.
Cả nhà chuẩn bị ra về thì nghe tiếng gọi… Đó là bác Nam (em bác Liêm). Bác Nam cũng có vào SG hôm đám ma bố. Trông cách bác ăn mặc thì đoán bác là bộ đội giải ngũ, chỉ đoán thôi vậy mà trúng phóc. Bây giờ bác làm nghề… không biết chính xác tên nghề là gì, bác đi lấy mỡ lợn về thắng (gọi là thắng tép mỡ) đóng lại thành bánh rồi bỏ mối cho các nhà hàng, tiệm ăn, xưởng làm bánh… Cái nghề nghe lạ nhưng xem ra lại được độc quyền, thế lại càng hay…
Gần 7h tối – Đến lúc này thì chia tay mọi người, cả nhà lại ra Cầu Vượt, bắt xe đi về Hà Nội – Chú Lâm đang chờ….
@all: bây giờ cháu phải đi làm rồi, hẹn cả nhà ở Phần 4
Great ! Đọc bài viết cứ như là đoạn phim quay chậm lại vậy, tuy nhiên nên kèm hình ảnh vào nữa thì thật tuyệt.
Ôi giời bố Chuong đòi hỏi quá thế, không khéo thì mẹ Băng 0 thèm viết nữa bây giờ
Đối với tôi thì bài viết trên cả tuyệt vời rồi, tôi là tôi thua đứt đuôi con nòng nọc rồi 🙂
cho chu’ hoi? co HAN.H la` ai ? co’ phai? con ba` THUY? khong ? . cha’u vie’t chu’ dang theo doi~ va` hoi` ho.p qua’. ra’ng len ???
@chú Hà: Cô Hạnh là con gái út của bà Thủy hay còn gọi là cô Năm ( thứ 5 ).
Ái chà, vậy là bài viết của cháu Băng được kiều bào ái mộ quá cỡ rồi 😛 , còn không chịu xuất bản tiếp nữa