Sưu tầm…
Quê tôi xưa thật sự rất xanh! Màu xanh trải dài từ ruộng lúa bát ngát dập dờn đến nền trời bao la chỉ gợn đôi ba áng mây mỏng tang trắng nõn, xanh kẽo kẹt trong bờ tre rậm rạp, xanh xào xạc trong cây ổi cây na lúc lỉu trái thơm lành.
Cái bầu không khí sực nức màu xanh ấy, có thể cảm nhận thấy ngay từ lúc chiếc xe máy bố tôi chở cả mấy mẹ con bắt đầu rẽ ngoặt từ con đường gạch đá mấp mô ở Nhổn vào phía đường làng.
Con đường thẳng tắp, hai bên ruộng lúa và mương nước, có những đàn vịt ngan ngỗng quàng quạc bơi lội tung tăng. Chúng tôi đi qua những đoạn đường đê lên lên xuống xuống, cho đến khi gặp một con đường lát gạch nhẵn bóng uốn cong qua ngôi đình cổ phủ dày bụi thời gian là đã thấy nhà ông bà tôi xuất hiện, lúp xúp sau những rặng cây.
Sân nhà ông bà tôi nhỏ, nhà cũng nhỏ nhưng lại có mảnh vườn rất lớn, trồng đủ loại cây ăn quả như ổi, na, bưởi, táo, lại cả những cây dừa điệu đà rũ tóc. Đi thẳng từ sân nhà, băng qua mảnh vườn là ra đến bờ ao cá. Ao rộng, nước mênh mang bờ cỏ ngút mắt phía xa.
Tôi vẫn nhớ lần về quê năm tôi khoảng tám tuổi, tôi đã hết sức khoái chí khi phát hiện ra bên bờ ao một con thuyền độc mộc cũ kỹ bám đầy rêu neo sẵn. Mặc cho ai ngăn ai cản, tôi một mực đòi các anh chị cho xuống thuyền chèo thử, trước giờ tôi đã được ngồi thuyền bao giờ đâu!
Cuối cùng các anh chị cũng phải chiều ý cho tôi xuống, nhưng vừa xuống đến nơi thấy thuyền tròng trành chao đảo, lại chẳng biết bơi nên tôi sợ chết khiếp, đòi lên ngay. Đến khi lên rồi, ngoái nhìn lại thoáng thấy con cá to ơi là to thả nuôi trong ao đủng đỉnh bơi qua, tôi lại khóc ầm ĩ đòi xuống tiếp bắt cá…
Tôi thích những chiếc giếng quê. Không phải loại giếng to cả làng dùng chung đâu, mà là những cái giếng gia đình xây hình trụ tròn bằng gạch sâu hoắm, bên thành giếng rêu mọc xanh rì, trơn tuột. Tất nhiên là bố mẹ không đời nào đồng ý cho tôi mon men đến gần cái nơi được xem là nguy hiểm ấy, nhưng tôi vẫn khoái lẻn ra chơi. Thành giếng có gác một chiếc xô tôn nhỏ, buộc dây thừng dài để ròng xuống múc nước. Tôi chẳng biết múc nên loay hoay mãi mới được chút ít, nhưng chừng đó cũng đủ khoái chí rồi. Đổ nước vừa múc được ra chậu, dùng rửa mặt rửa tay mát rượi và trong lành. Tôi thích ngắm chiếc bóng màu sẫm của mình in trên mặt nước, đằng sau là giàn cây màu xanh non, đằng sau nữa là mảng trời hình tròn xanh biếc.
Nếu đã từng về quê, chắc hẳn bạn cũng như tôi, sẽ đồng ý rằng làng quê có những mùi vị rất riêng, thơm ngọt và trong trẻo.
Này nhé, đi qua cánh đồng bạn sẽ ngửi thấy mùi lúa non thơm thơm ngậy ngậy, chỉ muốn xuống ngắt trộm vài hạt mà nhâm nhi. Bạn đi qua những hàng cây bát ngát, thì sẽ là mùi cây lá hăng hăng, mùi hoa thơm trái ngọt mát lành. Bạn đi qua những ngôi nhà đơn sơ cửa liếp mái ngói, mùi trà xanh nụ vối trong ấm tích, mùi trầu cau hăng hăng trong tráp cói, tuy chẳng có tay mà vẫn níu được bước chân bạn chẳng nỡ rời.
Ở nông thôn, con nít không có nhiều đồ chơi như ở thành thị. Đó là một cái thiệt thòi. Nhưng đổi lại, các anh chị tôi đã phát huy tối đa trí tưởng tượng và tài khéo tay để làm nên những trò chơi thú vị chẳng kém khi tôi chơi với các bạn ngoài Hà Nội.
Mỗi cành cây là một “nhà” nhé. Trong “nhà” có đủ cả: Nồi niêu xoong chảo (lấy trong bếp) treo lủng lẳng trên các cành, quần áo (cắt từ lá cây) phơi trên dây phơi. “Nhà” này nếu muốn sang thăm “nhà” kia thì phải đứng dưới gốc cây “đánh tiếng” trước, khổ chủ đồng ý mới được leo lên. Từ nhà này sang nhà kia, nhà kia sang nhà khác, đến cuối buổi quần áo ai cũng lem nhem đầy nhựa cây dinh dính … Chơi trò “nhà” cây chán, tôi lại ngồi xổm chống cằm xem các anh chị dán diều. Diều dán xong, gắn thêm ống tre làm sáo nữa là có thể đem đi thả. Đường trưa vắng vẻ, chúng tôi thả sức chạy nhảy trên những triền đê lộng gió, để cỏ may dính đầy gấu quần, la hét sung sướng nhìn những con diều mới làm bay vút lên cao, vang vọng tiếng sáo vi vu ngút ngát.
Không chỉ triền đê, bờ ao và khu vườn, căn nhà của ông bà nội cũng có những vẻ đẹp rất riêng. Căn phòng nhỏ với gian thờ chính giữa, một bên là bộ bàn ghế cổ từ thời cụ kị, nước sơn đã thành đen bóng nhoáng, bên kia là chiếc phản đen cũng bằng tuổi bộ bàn ghế. Trong gian phòng nhỏ ấy tuy không có gió như ngoài sân nhưng không khí cũng nhẹ nhàng và mát rượi. Tôi xoài rộng tay chân nằm kềnh cang trên nền phản, ngửa mặt ngắm bầu trời và những rặng chuối đóng khung ngoài cửa sổ trên đầu, bỗng thấy lòng êm êm, ngủ mất từ lúc nào chẳng biết.
Ông tôi – đã mất từ khi tôi còn rất bé, sinh thời là thầy đồ làng. Kho sách vở của ông để lại, đối với tôi là một thế giới bí ẩn tuyệt diệu. Những cuốn sách cũ xưa đầy bụi, giấy ố vàng, viết bằng chữ Nôm. Tôi không biết chữ Nôm, nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến niềm vui của tôi khi tìm thấy chúng. Tôi khoái nhìn ngắm những đồ vật “sống sót qua nhiều bể dâu” đó mà tưởng tượng lung tung về cuộc sống đời xưa, vài chục năm, vài trăm năm, và thậm chí cả nghìn năm quá khứ…
Về quê một hai ngày rồi đi, xe bố mẹ tôi đầy nặng những thức quà bánh gai, bánh ít, bánh nhót (một thứ bánh rất lạ màu đỏ vỏ hơi trong, hình dáng giống quả nhót) và đủ loại hoa quả. Trong khi bố mẹ bận bịu chằng buộc đồ lên yên xe, tôi bồi hồi chia tay bà nội, các bác và các anh chị, hẹn “ít hôm nữa cháu lại về”. Xe chạy xa rồi tôi vẫn thấy mọi người đứng nhìn theo mãi cho đến khi tất cả khuất hẳn sau trập trùng rặng cây…
Những hình ảnh tôi vừa hồi tưởng giờ chỉ là quá khứ. Ông bà tôi mất đi, nhà cửa cũng được sửa lại theo kiểu mới, các anh chị lần lượt lập gia đình nên vườn cây cũng phải chặt hết, ao lấp hết lấy chỗ làm nhà… Tôi không tiếc nuối nhiều, bởi sự thay đổi là điều tất yếu, và bởi những cái đẹp quê xưa đó đã mãi in đậm dấu trong tâm hồn và ký ức của tôi.
Tác giả: Tạ Thu Thủy