Thành phố tôi sống là thành phố của những người nói thật. Bạn tin là ở trên đời có một thành phố như vậy thật không? Nếu không, thì dỏng tai lên nghe tôi kể nhé. Trên một con phố chính của thành phố, ngày xưa có một hàng bán lạc rang nổi tiếng tên là “lạc bà Vân”. Ô hô, “lạc bà Vân” – phải nhắc lại như thế để nói rõ lại đấy là bà Vân, chứ không phải bà Bân, bà Hâm, hay bà Điên.
Nhưng vì lạc bà Vân bán chạy quá nên bây giờ cả phố thi nhau bán lạc, và thế là đi trên phố, người ta không ngừng nhìn thấy những cái biển hiệu chi chít như “lạc bà Vân thật”, rồi “lạc bà Vân thật 100%”, rồi “lạc bà Vân thật, 100% – không đúng không lấy tiền”.
Bạn ơi, đấy chỉ là chuyện về một hàng lạc rang, ở một con phố thôi đấy. Còn có cả trăm ngàn những hàng quán tương tự khác ở hàng chục con phố nổi tiếng khác trong cái thành phố kỳ lạ này. Chẳng hạn như ở một con phố gần “phố Lạc bà Vân” (cứ tạm gọi như thế) đầu tiên xuất hiện một hàng phở gà rất chi là ngon, và cái hàng phở ấy chỉ cần treo tấm biển “phở gà” là người ta đã tin tưởng lắm rồi.
Nhưng một ngày kia, cái nhà hàng xóm cũng mở hàng phở, và đã trưng lên một tấm biển rất to với nội dung: “Phở gà ta”. Ái chà chà, khẳng định mình bán phở gà ta thì có khác gì xỏ xiên cái đứa ở cạnh mình bán phở gà công nghiệp? Thế rồi thấy quán “phở gà ta” đắt khách quá, một quán khác lại mọc lên và lại treo lên tấm biển: “Phở gà ta thật”. Mà thế vẫn chưa hết, bây giờ ở phố ấy có cả những tấm biển đại loại như thế này “Phở gà ta thật, 100%”, “phở gà ta thật 100% – xin thề!”…
Đấy, bạn thấy không thành phố của tôi, ở đâu, chỗ nào cũng thấy chi chít những cái biển hiệu như thế đó. Mà nói cho bạn biết, việc người ta khẳng định “Phở thật”, rồi “lạc thật”, rồi “quán ông già thật”, quán “bà già thật” vẫn là chuyện bình thường. Mới đây, tôi còn trông thấy cả tấm biển: “tẩm quất thật”, “mát – xa thật” nữa. Vì được lớn lên và bao bọc bởi cả nghìn cả tỉ những tấm biển quảng cáo gắn với chữ “thật” như vậy nên tôi tin rằng thành phố của tôi là thành phố của những người nói thật.
Nhưng bạn ơi, cô gái mà tôi đang theo đuổi lại không tin như thế. Cô ấy dị ứng trầm trọng với những tấm biển gắn vào chữ “thật”. Bởi cô ấy lý luận rằng: Khi nào con người càng ra sức khẳng định mình “thật” thì khi ấy chứng tỏ con người càng dối trá, càng lừa đảo, càng mất niềm tin vào nhau. Cô ấy cực đoan tới mức, bây giờ cứ nghe ai khẳng định một cái gì đó là “thật” thì cô ấy lại nghĩ là giả.
Nhưng bạn ơi, tôi yêu cô ấy thật. Một tình yêu trong biếc như suối rừng, thánh thiện như mây bay, và dạt dào, đắm say như biển cả. Tôi muốn đứng trước mặt cô ấy để gào lên thật to: “Anh yêu em thật – thật là như thế!”. Nhưng chỉ e là khi nghe tôi nói thế cô ấy lại nghĩ là tôi cũng giống như những tấm biển quảng cáo kia – luôn dùng đến chữ “thật” để lừa đảo người khác. Và như thế, thay vì nhận lời yêu chân thành của tôi, cô ấy sẽ lên gối, giật tóc, rồi tát đôm đốp vào mặt tôi cũng chưa biết chừng? À cho tôi mở ngoặc: cô ấy là võ sĩ.
Vậy theo bạn tôi phải làm gì đây? Hay là đứng trước mặt cô ấy để bảo: Không, anh không yêu em chút nào. Nói như thế, cô ấy sẽ nghĩ ngược lại, là quả thật mình rất yêu cô ấy thì sao nhỉ? Nhưng bạn ơi, tôi đọc sách tâm lý và nghe nói, đàn bà là điển hình của sự đỏng đảnh, bất thường. Thế nên, nghe tôi nói thế, nhỡ đâu cơn đỏng đảnh trong cô ấy phun lên, rồi cô cứ thế chửi thẳng mặt tôi thì sao nhỉ?
Nói thật tình yêu của mình e là cũng không ổn. Mà tương kế tựu kế để nói “anh không yêu em” e cũng không ổn. Vậy tóm lại, tôi phải làm gì đây? Tôi không biết! Chao ôi cái “thành phố nói thật” chết tiệt, cái “thành phố nói thật” quỷ quái này!
TB: Tôi viết lá thư này cho bạn – những người đang không sống ở thành phố nói thật để bạn hiểu nỗi khổ của những kẻ bị bao bọc bởi cái “thật” để rồi cũng dở khóc dở cười vì cái “thật” như tôi
Trịnh Phan Phan
Ngày thật, tháng giật, năm mất mật
(ST báo Cảnh sát toàn cầu 20/10/2011)
Mọi người cười thoải mai nhé!!!!!
Tác giả bài viết không chỉ đưa ra 1 nhận xét hay về xã hội hiện đại ở Vietnam, mà còn giúp độc giả nhận ra cái đặc điểm này hiện ra trong đời sống mỗi ngày và lắm lúc không dễ tìm được 1 thái độ khả tín. Cái giới hạn cuối cùng mà tác giả bài viết hình như đang ngấp nghé đi tới là hoài nghi luôn cả lòng thành thật của chính mình. Phải chăng sống trong 1 xã hội phát triển, phức tạp và hối hả đẩy mình đến chỗ không còn rõ chính mình muốn gì nữa?
Thanks bác Thái post 1 bài hay, ngắn gọn nhưng vẫn dư đọng 1 chút để ngẫm nghĩ 🙂
@ngan :Tác giả bài viết không chỉ đưa ra 1 nhận xét hay về xã hội hiện đại ở Vietnam, mà còn giúp độc giả nhận ra cái đặc điểm này hiện ra trong đời sống mỗi ngày và lắm lúc không dễ tìm được 1 thái độ khả tín. Cái giới hạn cuối cùng mà tác giả bài viết hình như đang ngấp nghé đi tới là hoài nghi luôn cả lòng thành thật của chính mình. Phải chăng sống trong 1 xã hội phát triển, phức tạp và hối hả đẩy mình đến chỗ không còn rõ chính mình muốn gì nữa?
Nhận xét của Ngân rất hay.Bối cảnh xã hội mà tác giả đưa ra như muốn nói sự yếu kém trong cách quản lý của các cấp có thẩm quyền, đưa đến sự hoài nghi của những ai đang sống và làm việc trong đó.Có quá bi quan không khi tác giả so sánh bộ máy luật pháp được cho là ‘non trẻ’ với tính ‘đỏng đảnh’ của một cô gái…
Ngân thấy thế nào !!!
haha.. cũng có lý. Có thể tác giả muốn dùng bài viết để phê phán 1 cách kín đáo chính quyền. Nhưng thời buổi này, nhà nước mình cũng thay đổi nhiều rồi, mình có thể phê phán thẳng thắn hơn mà không cần phải dùng lối ẩn dụ như trước nữa…
@Ngan:Nhà Nước thay đổi trong cách nhìn của những của quốc tế. Ngân có biết ràng tự do ngôn luận nhưng trong sự cho phép không ? Tất cả giám đốc của các tờ báo tại VN đều là đảng viên chính trị trung ương. 😥
haha.. nói về kỹ thuật thả lỏng kinh tế và siết chặt chính trị ở Vietnam mình thì Ngân cũng quen lắm rồi