12 giờ rưỡi trưa, xe dừng trước nhà các cậu mợ con cháu ông Tới. Đứng trước cửa nhà cậu Dũng, mà gian đầu dùng làm quán internet, “bà chủ tiệm” Lan Anh tươi cười chào đón gia đình. Gia đình Khôi vào nhà cậu Dũng chào mọi người, trong đó ngoài chị Lan Anh còn có cậu mợ Dũng ở gian dưới vừa đi lên, mợ Kỷ, Mẫu Đơn, Mỹ nhà bên trái bước qua, cô Khiếu nhà bên phải ghé vào, bé Nam con của Thành và Thịnh con Mẫu Đơn cũng loanh quanh nhìn mấy người lạ ở đâu xuất hiện trước nhà. Chào mấy câu rồi Khôi và mẹ lên xe du lịch 12 chỗ cùng gia đình bên ngoại Khôi tiếp tục hành trình lên Đà Lạt.
Mọi người bắc mấy cái ghế thấp ngồi trước cửa nhà mợ Kỷ, hiện đang mở quán nước, hỏi han chuyện gia đình. Cậu Dũng kể chuyện quyển gia phả họ Lại cậu có được từ ban biên soạn gia phả họ Lại năm 2003. Rồi cậu xác nhận cuốn gia phả này được một số người ở những chi nhánh xa bỏ công tìm tòi biên soạn, chứ không có sự góp công của anh em con cháu cụ Lại Thế Kiến. Gia đình mình chỉ đóng góp tiền để lấy cuốn sách phả họ dầy cộm (có đến gần một ngàn trang) này về mà thôi. Bây giờ ngồi viết mấy hàng này mình mới chợt nhớ đã quên hỏi cậu vậy ai trong mấy anh em là người đã chỉ cho ban biên soạn phả họ biết tên và thứ tự không chỉ con của cụ Lại Thế Kiến thôi mà còn tất cả cháu nội của cụ nữa. Mà cháu nội của cụ Kiến có người sinh sau năm 1960 mà cũng có tên trong phả họ. Như vậy có thể đoán ai đó trong họ cung cấp những thông tin này phải còn sống sau năm 1960.
Nói chuyện phả họ Lại, cô Khiếu, tóc đã bạc nhiều nhưng giọng nói vẫn sang sảng như ngày nào, phê phán cái lối viết phả chỉ ghi tên con trai “nếu không có mấy bà làm sao có mấy ông?” Cô Khiếu nói chuyện gia đình 1 chốc rồi quay sang nói chuyện xã hội, than phiền ngân hàng với bản chất tham lam ích kỷ là nguyên nhân gây trì thoái kinh tế. Mợ Dũng và mợ Kỷ hỏi han mấy cậu mợ bên Mỹ và kể chuyện gia đình, con cháu bây giờ làm gì, ở đâu. Đại đa số con cháu ông Tới vẫn còn ở Bảo Lộc, tập trung quanh quẩn ở ngã 3 Phẹc và ngã 3 Đại Bình. Duy có Dương, con cậu Dũng lập gia đình và Thuỷ, con cậu Đảm đang học ở Sài Gòn.
Khoảng 2 giờ rưỡi chiều, ghé chào chị Huyên đang bán hàng bên nhà cậu Hùng. Chị Lan Anh kể cậu Hùng mua lại nhà cô Khiển nên nhà cậu có đến 2 căn, nhưng hiện 1 căn chỉ dùng làm nhà kho. Trong 5 căn tách ra từ nhà ông Tới 10 năm trước thì nhà cô Khiếu là ngắn và cũ kỹ nhất. Đi vào cuối nhà cậu Dũng và mợ Kỷ và nhớ lại đặc điểm nhà ông ngày xưa dưới bếp thấp hơn nhà trên. Bây giờ vẫn thế, và vẫn là bậc tam cấp khi đi từ nhà trên xuống dưới. Đúng 3 bậc thềm! Nhà cô Khiếu chỉ dài đến đây, còn lại phía sau là cỏ hoang mọc kín rậm rạp. Như thế nhà cô chỉ ngắn bằng nửa nhà các anh em chung quanh. Nhà cô có kê 2 tủ đồ như để bán hàng hay là điểm giao dịch, nghề của cô từ trước, nhưng suốt 1 ngày ở đây, mình không thấy có người khách nào. Cô sống độc thân, ngồi sau 2 cái tủ ngó ra đường chán rồi cô lại vào gian bên trong, cài then đóng cửa cẩn thận. Chung quanh góc nhà, cô còn treo mấy cái bẫy chuột lủng lẳng không biết chỉ là để bắt chuột thôi hay còn để đề phòng con thú nào khác nữa?
Đến chiều, Mỹ, con cậu Kỷ chở mình đi qua chào cô Khiển. Nhà cô giống nhà ông Tới, cũng chia làm 4, 5 căn cho các con cô. Có căn mở nhà hàng, căn mở quán nước, và căn của anh Khải, con cả cô Khiển, mở công ty làm thầu tiệc, đám các loại. Cô Khiển dẫn vào nhà ngồi nói chuyện vài ba câu rồi cô dẫn xuống vườn sau nhà cô xem mấy cây sầu riêng, bơ sai quả. Tuy không hảo bơ lắm nhưng được ăn nửa trái bơ to bằng bàn tay nhà cô mới thấy ngon vì bơ mịn và không có sớ, chín vàng đều trong lõi. Đến lúc này coi như đã được thưởng thức 2 đặc sản B’lao là bơ nhà cô Khiển và mít sấy nhà mợ Kỷ.
Mé phải phòng khách nhà cô là bàn thờ ông bà Tới và Khang, con út cô mất cách nay khoảng 10 năm khi còn rất trẻ. Cô kể chuyện Khang vì bênh một người bạn mà sau này bị 1 đứa ngỗ nghịch giết chết. Kiện cáo lên xuống rồi cái đứa kia cũng chỉ đi tù 8, 9 năm. Nhưng nó có đi tù chung thân thì con mình cũng không sống lại được, cô Khiển trầm ngâm.
Ghé chào anh Khải và chị Loan, cả 2 anh chị vẫn còn nhiều nét xưa nên dễ nhận ra. Xong đâu đấy, Mỹ lại chở sang chào cậu mợ Đảm. Nhà cậu Đảm cách ngã 3 Đại Bình gần 1 cây số, hướng đi Bình Thuận. Trong các nhà cậu mợ thì nhà cậu Đảm có vườn rộng nhất. Vườn nhà cậu, chắc phải hơn nửa mẫu, trồng nhiều nhất là cà phê, trà và sầu riêng. Ở cuối vườn cậu lại có 1 chuồng nuôi heo nái, con nào cũng to mập, được chăm sóc kỹ lưỡng bằng quạt máy, mỗi con một ô vừa đủ quay đầu bò qua lại vài bước, với mục đích cho chúng mau đẻ để có heo con đem bán. Cuối vườn là chục con heo nái, và đầu vườn là cả 1 đàn gà, trong đó có lẫn vài con gà h’mông, đẻ trứng ăn vừa ăn vừa cho. Nhà cậu thừa sầu riêng rơi rụng lượm không hết. Cậu bổ 1 trái cho 2 thằng cháu ăn. Cây nhà lá vườn, múi sầu riêng ăn ngon hơn mấy trái sầu riêng bên Mỹ vì nó kông bị đông lạnh, lại vừa chín tới và vẫn còn nồng mùi thơm. Sẽ không lạ nếu vô tình 1 ngày nghe xã tuyên dương cậu là nông dân kiểu mẫu, giỏi chăn nuôi, trồng trọt. Nếu cả cái thung lũng B’lao bao quanh chân núi Đại Bình, vườn nhà ai cũng được như nhà cậu Đảm thì ai còn dám nghĩ đời sống nhà nông là cơ hàn nữa!
Trên đường về lại nhà cậu Dũng, Mỹ chở vào nghĩa trang Lộc Sơn. Cả gia đình hầu như ai cũng chôn cất ở đây. Mộ ông bà Tới, cậu Kỷ và cả 2 người con cậu Hiệp đều chôn gần nhau. Mộ bia ông bà Tới ghi ông sinh năm 1914, còn bà sinh năm 1915 và ông mất năm 2000, bà mất năm 1997. Thấp thoáng xa xa, Mỹ đứng trong nghĩa trang chỉ tay, là nhà anh Phong, con cậu Dũng.
Về đến nhà là chuẩn bị ăn cơm tối. Ngồi nói chuyện loanh quanh với mấy anh chị em trước cửa nhà ít phút thì cậu Đảm cũng thắng xe ghé vào. Nói là ăn cơm tối cũng đúng, mà nói là bữa nhậu cũng đúng. Nhậu thịt chó với rượu đế, tuy mồi ngon với đủ loại nướng, hấp, luộc mà rượu mạnh quá, uống đến ngụm thứ 3 là nhăn mặt nên chỉ được nửa chum phải xin thôi, để còn sức thưởng thức món thịt chó khoái khẩu với rau thơm, húng quế, ngổ và chén mắm tôm chấm xả. Mâm cơm chỉ có rượu đế và thịt chó nên nhìn quanh chỉ toàn là mấy ông ngồi sôi nổi chuyện Đông Tây. Cô Khiếu có ngồi 1 chút chung vui nhưng được nửa đường thì nhường lại ghế cho mợ Dũng. Cậu Đạm và Thành sôi nổi chuyện thịt rừng, rồi lại quay qua chuyện thuốc men đau ốm nhân việc cậu Đảm vừa mổ cách đó vài tuần. Chồng Mẫu Đơn, hiện đang làm cho Co-op Mart, siêu thị đầu tiên và duy nhất ở Bảo Lộc, cũng chung vui câu chuyện. Anh Khoa, con cô Khiển, kể chuyện đó đây mà anh thấy hay nghe được trên báo đài. Rồi mọi người hỏi chuyện đi lính bên Iraq thế nào. Nhiều đề tài mình không biết mô tê gì nên phải chịu “lép vế” chống cằm ngồi nghe.
Độ 8 giờ tối, cậu Dũng và chị Lan Anh chỉ chỗ tắm rửa và phòng ngủ ở cuối nhà cho khách phương xa. Khí hậu ở đây mát mẻ hơn hẳn Sài Gòn, nên nhà tắm có cả nước nóng, còn phòng vi tính Internet thì không cần có máy lạnh. Tắm rửa xong đâu đấy, anh Khoa và Mỹ, 2 người làm việc ở nhà nên thời gian linh động hơn cả, chở đi uống nước trên Bảo Lộc. Chạy xe 1 vòng lên Bảo Lộc và ghé vào 1 quán cà phê trong con hẻm đối diện hồ Bảo Lộc. Lúc này mới thấy câu truyền tụng Bảo Lộc lắm quán cà phê mà quán nào cũng đẹp là có lý do. Bây giờ không nhớ quán 3 anh em vào tên là Lộc Uyển hay La Pensee nhưng mà quán trang trí rất đẹp và xinh xắn. Quán không to hay đắt đỏ như nhiều quán cà phê ở Sài Gòn nhưng lại đẹp hơn. Mỹ nói quán cà phê phải có nhạc hay mới đáng vào. Giống mấy quán cà phê ở Sài Gòn và Biên Hoà, bất kể giờ nào, dù là sáng hay trưa hay tối, cuối tuần hay trong tuần, lúc nào các quán cũng có khách, ngồi nói chuyện rôm rả cả 1 sân vườn.
Mấy anh em ngồi nghe nhạc nói chuyện hơn 1 tiếng thì chạy xe về, đi đường Hà Giang phía sau nhà thờ Tin Lành ngày trước. Con đường này cũng như bao con đường đất đỏ khác, bây giờ đã tráng nhựa, mở rộng và nhà lầu, quán xá nối đuôi nhau suốt con đường hơn 1 cây số này.
10 giờ tối, ngã 3 Phẹc vắng lặng trở lại. Một mình một phòng, có nệm gối, mùng mền đầy đủ, thỉnh thoảng lại có gió lạnh bên ngoài thổi qua cửa sổ, nên dù mắc cái tính khó ngủ mà rồi ngủ lúc nào không biết.
7 giờ sáng hôm sau (22 tháng 5, 2012), dậy làm vệ sinh sáng rồi lên phòng bếp ngồi nói chuyện với cậu Dũng và được nghe cậu kể chuyện xưa ngoài Bắc. Cậu kể chuyện bác Huân, người con vợ trước của ông ngoại, khi còn sống chung với mẹ kế là bà ngoại, hay bị ông ngoại đánh đòn đau lắm. Thế rồi khoảng năm 1952, bác Huân bỏ nhà đi kháng chiến theo Việt Minh. Và bác chết trong năm cuối cùng của cuộc chiến Pháp Việt, ở độ tuổi thanh xuân 24, 25. Cậu Dũng nhỏ tuổi hơn bác Huân, nhưng năm 1954 trước khi vào Nam, cậu cũng đã có bằng Thành Chung cấp 2. Nếu truy ngược thời gian thì đoán được cậu sinh khoảng năm 39, 40, và như thế ông bà Tới có thể kết hôn khoảng năm 37, 38, tức khi ông bà ở độ tuổi 23, 24. Cũng độ năm 1952, trước khi Việt Minh về làm chủ vùng đất bồi huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, ông Tới bỏ nhà lánh về Phát Diệm, thuộc tỉnh Ninh Bình, cách làng Quỹ Nhất độ chục cây số, phía bên kia con sông Đáy, vì ở đây có khu an toàn tự trị Công Giáo với sự trợ giúp của quân đội Pháp. Nhìn gương mấy cụ trong họ như ông Phó Khoan bị Việt minh bắt về Thanh Hóa nên ông Tới, nguyên làm ký bạ trong làng, mới phải bỏ quê lưu lạc sang Phát Diệm. Được 1 thời gian ngắn, ông khai tuổi thấp đến 7 năm và nhập ngũ quân đội Quốc Gia, vừa được Pháp giúp dựng lên lúc bấy giờ. Vì là quân nhân nên năm 1954, đất nước chia đôi, ông theo quân đội Quốc Gia rút vào Nam. Cậu Dũng vào Nam theo bố và cậu tiếp tục học ở Sài Gòn đến khi tốt nghiệp Tú Tài thì lên Bảo Lộc làm việc cho Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Lâm (tiền thân trường Nông Lâm Súc) năm 1957. Riêng ông sau khi theo quân đội vào Nam, đơn vị ông được phái ra miền Trung tiếp quản các tỉnh khu 5 thuộc sự kiểm soát của Việt Minh trước đây. Rồi bất ngờ diễn ra 1 cuộc binh biến trong đơn vị và kết quả là ông cũng bị cho giải ngũ sớm dù ông không không liên can gì đến vụ này. Không rõ sự việc này có liên hệ gì không đến xung đột giữa lực lượng vũ trang Đại Việt với chính quền miền Nam bấy giờ? Âu cũng là cái duyên vì sau khi giải ngũ, ông dọn gia đình lên B’lao với người con cả và vài năm sau, anh của ông là ông ngoại cũng dẫn gia đình lên đây lập nghiệp. Nếu không có cuộc binh biến trong đơn vị gần 60 năm trước, có lẽ bây giờ mình chỉ biết đến Bảo Lộc như 1 trạm dừng chân trên đường đến thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt thơ mộng.
Ôn cố tri tân với cậu được nửa câu chuyện thì chị Lan Anh mua 2 tô bún bò Huế về ăn sáng. Vốn không quen ăn sáng vì thường dậy trễ nên cố gắng cũng chỉ ăn được 1 nửa tô. Ăn sáng ngon lành xong thì 2 chị em lên đường đi thăm xom cũ của ông bà ngoại.
Đầu tiên là ghé vào con hẻm sau lưng nhà ông ngoại tìm lại vườn trà ngày xưa. Vườn không còn đâu mà thay vào đó là nhà cửa chiếm hết nửa diện tích ở đây. Cái bụi tre xa xa ngày xưa mỗi lần ra vườn trà là trông thấy và hay dọa lẫn nhau, nay chỉ còn là hàng rào vá víu của 1 căn nhà ở đây. Con dốc với hàng trăm bậc thềm mà nhìn xéo qua là thấy xưởng cưa bây giờ đã là con đường đất đỏ cho xe máy chạy, tuy vẫn còn khá dốc. Mọi thứ như nhỏ lại khi sức người đã làm chủ được thiên nhiên ở đây.
Quay trở ra và đi tiếp vào trong con đường Lam Sơn, qua khúc cua quen thuộc là đến xóm ông ngoại ngày xưa. Ai đó muốn tìm lại quá khư khi về đây chắc sẽ thất vọng vì tất cả đã thay đổi khi nhà nhà thay nhau xây mới, lên lầu. Đến chủ nhà cũng đã thay đổi nhiều lượt. Bất ngờ gặp bà Lưu và được nghe bà kể nhà ông ngoại ngày xưa hiện đang có người chủ sở hữu thứ 3, 4 gì rồi. Nhà bà cũng xây bê tông cao ráo, và cái sân trước nhà bây giờ trông nhỏ hẹp hơn chứ không rộng lớn như ngày xưa. Cả cái xóm chỉ còn nhà bác Thích là giữ gần y nguyên như cũ, vô tình trước bao đổi thay chung quanh, như thách thức quy luật tiến hoá của xã hội. Chào bà Lưu để bước qua nhà bác Thích và người duy nhất ở nhà lúc này là anh Lợi, với vùng mắt trái sưng to hơn trước đến gần như che hết tầm nhìn của con mắt này. Anh Lợi vẫn luôn tươi cười, vui vẻ như ngày nào. Anh dẫn đi quanh nhà, rồi ra xem vườn bên hông nhà. Nhà anh đặc biệt ở chỗ chỉ có thể ra vườn ở bên hông nhà vì vườn sau nhà anh là 1 thung lũng sâu, lỡ chân trượt xuống sẽ khó khăn để trèo ngược lên lại. Cái thung lũng sau nhà anh thông suốt với toàn bộ thung lũng nằm giữa Bảo Lộc và núi Đại Bình. Đứng dưới vườn nhìn ngược lên sẽ thấy đoạn đường quốc lộ 20 đi từ Bảo Lộc đến ngã 3 Phẹc nằm trên sườn đồi, cách núi Đại Bình bởi thung lũng sông Đại Bình. Vì thế mà chị Lan Anh bảo nhà đất phía bên kia quốc lộ 20 giá cao hơn phía bên đối diện núi Đại Bình do đất bên kia phẳng, không bị sụt thấp như bên này.
Nói chuyện được ít câu thì Linh cũng vừa đi làm ghé về nhà. Rồi 2 anh em đi 2 chiếc xe máy dẫn đường 2 chị em chạy đến cuối đường Lam Sơn đến ngã 3 rẽ trái, và cho xe thả dốc đến cầu Đại Bình để tìm lại 1 chút gì còn nguyên vẹn trong ký ức. Con dốc xuống Đại Bình giờ đã tráng nhựa, không lồi lõm như xưa, dễ dàng cho 2 xe hơi đi ngược chiều tránh nhau. Đâu đâu cũng thấy nhà mái ngói mới xây, từ đầu đường Lam Sơn xuống tận vườn chè, cà phê ở dưới sông Đại Bình. Sài Gòn hiện đại và khổng lồ nhưng quá tải nên không đủ đất xây nhà. Kết quả là ở Sài Gòn, đặc biệt là trong các con hẻm vốn chiếm phần lớn diện tích mặt bằng ở thành phố, có vô số nếu không phải là nhà ống thì là nhà hộp. Ngược lại, tuy là nông thôn, nhưng lại nhờ đất đai rộng rãi, vật giá còn thấp nên nhà cửa lại được xây cất bài bản hơn. Những căn nhà mái tôn vách đất “trơ gan cùng tuế nguyệt” như nhà bác Thích bây giờ trở thành thiểu số. Khi chạy trên quốc lộ 20, nhìn nhà cửa mọc lên san sát, chị Lan Anh đặt câu hỏi sao mình không “tự chiếm” đất lúc trước để bây giờ người ở đâu vào lấy hết mặt bằng vô giá dọc 2 bên đường? Tìm câu trả lời là tìm 1 cách nhìn trước những biến đổi đang diễn ra trong xã hội. Có hỏi rồi mới thấy tiếc ở Việt Nam chưa nghe có thống kê chi tiết về sự chuyển dịch dân số. Cụ thể là số người Bắc hay người Trung vào Nam sinh sống tính từ năm 1975 và từ năm 1990 sau khi đổi mới, và trong số này thì bao nhiêu là cán bộ, công chức, doanh nhân hay công nhân lao động ở các khu công nghiệp. Ngược lại số người trong Nam ra Bắc là bao nhiêu, mặc dù có thể đoán số này không nhiều. Đất nước từ ngày đổi mới, người ta bung ra làm ăn, làm việc cho nước ngoài, rồi lượng Việt kiều hay người nước ngoài về nước sinh sống, đầu tư đã thay đổi toàn diện bộ mặt xã hội, nhưng như vậy đã đủ để giải thích số lượng người khá giả ngày một đông nhan nhản 2 bên mặt đường?
Anh Lợi quay xe chỉ đường xuống vườn nhà anh. Đỗ xe ở cuối con dốc rồi men theo đường mòn giữa mấy ao cá và cành lá cà phê thì thấy thấp thoáng bác Thích và chị Liên đang liền tay hái trà trong bộ trang phục nhà vườn che kín từ đầu đến chân chống trọi với ánh nắng mặt trời theo sát 2 mẹ con như hình với bóng.
Ai cũng vui cười như người thân lâu ngày gặp nhau. Hỏi chuyện vườn tược vài câu thì bác Thích và chị Liên đàm tếu chuyện siêu thị Co-op Mart đang quảng bá rau “siêu sạch” mà thực chất là được chăm bón bằng thuốc trừ sâu với liều lượng rất cao. Chia tay bác Thích và chị Liên, 2 chị em ghé đến vườn rau của siêu thị để xem thực hư. Vườn cũng năm trong thung lũng Đại Bình và rộng khoảng 1 mẫu. Đến nơi là nghe được mùi thuốc trừ sâu 2 bên hàng rau thẳng tắp. Không bàn chuyện ở Việt Nam hiện nay có những khẩu hiệu tiếp thị hay chính trị mà nhiều ngược chọn cách hiểu ngược lại thì việc gia tăng năng suất nông sản là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số và vẫn giữ giá thực phẩm ở mức ổn định, không ngốn một tỉ lệ cao trong ngân sách mỗi gia đình. Chỉ tiếc là nếu đúng rau ở đây được tưới bón quá mức lượng thuốc trừ sâu rầy thì đây lại là 1 ví dụ khác của cách làm ăn chụp giựt, lời ngày nào hay ngày đó của nhiều doanh nghiệp trong nước. Chưa kể lối kinh doanh này đã hoặc sẽ trở thành 1 nếp tư duy mới trong phạm vi rộng hơn giới doanh nhân, lan ra cả toàn xã hội.
Chạy xe loanh quanh, anh Lợi chỉ tay hết bên trái đến bên phải, đây là ngã 3 đồn ngày nào anh Lợi và đám thanh niên trong xóm chơi đá banh gần đó, rồi kia là vườn cậu Hoà ngày xưa. Từ cánh vườn rau “siêu sạch” theo con dốc chạy về đường Lam Sơn thì đến nghĩa trang Lam Sơn mà anh Lợi và chị Lan Anh giới thiệu sẽ là nghĩa trang mới cho cả xã trong tương lai. Nghĩa trang nằm gần nhà thờ Lam Sơn, vốn chỉ là 1 nhà nguyện của giáo họ vừa được xây mới lại. Tấm bia ghi dấu ngày khánh thành nhà thờ còn khắc tên Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, khi đó là Giám Mục Đà Lạt và hiện đang là Tổng Giám Mục Hà Nội. Vừa đi vòng quanh nhà thờ và nghĩa trang, vừa nghe anh Lợi kể chuyện anh bây giờ tham gia ban mai táng trong giáo xứ gần nhà. Cứ mỗi tuần, anh lại ra nghĩa trang Lộc Sơn góp sức dọn dẹp cỏ dại mọc tràn lên các ngôi mộ. 2 ngôi mộ con cậu Hiệp ngày trước chỉ là 2 nấm mộ đất đá gồ ghề nay đã có xi măng quét vôi che chở thẳng thóm cũng là nhờ ban mai táng giáo xứ bỏ công sửa sang lại.
Chào anh Lợi ở đầu dốc nối đường Lam Sơn với quốc lộ 20, 2 chị em quay xe ra hướng Bảo Lộc. Đảo qua trung tâm thành phố Bảo Lộc (mới lên cấp từ thị xã vài năm gần đây) cho biết nó lột xác như thế nào. Giống như bao nhiêu thành thị khác, Bảo Lộc đẹp nhất ở khu trung tâm hành chánh với các công sở xây mới, ngói đỏ khang trang, cao to. Chỉ mong cửa quan không cao quá đến nỗi dân không với tới được.
Ôm xe theo những khúc quanh đường Lý Thái Tổ hướng về thác Đầm Ri và nhìn những cánh đồng trà, cà phê chạy xa tít tắp phủ kín hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, chị Lan Anh góp chuyện bây giờ đang trồng 1 giống trà mới ở Bảo Lộc là trà oolong (đọc là ô long) dùng chủ yếu cho xuất khẩu. Lá trà đen đậm hơn trà thường. Cả mấy ngọn đồi thuộc sở hữu 1 xí nghiệp ở đây chỉ dùng để trồng loại trà này. Dọc đường vào Đầm Ri và lấp ló đằng sau mấy vườn cà phê, trà là những căn biệt thự lấp lánh dưới ánh mặt trời. Vùng Đầm Ri xa xôi hẻo lánh ngày nào, khi mà học sinh tổ chức cắm trại trong này mất cả ngày leo dốc vào, bây giờ đang chậm rãi biến thành đất của các xí nghiệp hay các chủ nhân ông giàu có, mà chắc không ít là từ xứ khác đến đây.
Gần đến thác Đầm Ri thì nhận ra chùa Bát Nhã nằm trên 1 ngọn đồi bên trái có bia đá khắc tên chùa để sát vệ đường. Khuôn viên chùa rộng lớn bao phủ cả quả đồi và có tường rào bao quanh. Chùa Bát Nhã nổi tiếng gần đây sau sự kiện tăng thân Làng Mai bị chính quyền địa phương áp lực rời khỏi chùa chỉ hơn 1 năm trước. Không gian rộng rãi, yên ắng trên cao nguyên Đầm Ri vây quanh mấy kiến trúc được xây cất công phu với mái cong, đường nét trạm chỗ tỉ mỉ tạo nên một vẻ đẹp ít thấy ở đâu khác. Chả thế mà ngày hôm đó lại đúng ngày có 1 đoàn làm phim truyền hình cũng đang quay phim tại đây. Nghe mấy cô chú phụ việc theo đoàn giới thiệu phim có tên là “Làm cha, làm con” nghe lạ tai nên sau đó 2 chị em cứ ngờ ngợ nghĩ có lẽ mình nhớ sai hay nghe lộn?
Đang đọc hàng chữ ghi công đức trên tấm bia về thầy trụ trì sáng lập ngôi chùa còn rất trẻ thì có 1 thầy từ trong dãy nhà phía sau chùa đi ra. Tranh thủ hỏi thầy vài câu và may mắn được thầy hoan hỉ giải thích chùa bây giờ không còn tăng thân Làng Mai nào nữa và sư ông Thích Nhất Hạnh cũng không còn về đây. Chùa được trả lại cho các thầy đã từng tu ở đây trước khi tăng thân Làng Mai bên Pháp về đây. Sôi nổi bao nhiêu ngày nào khi chính quyền địa phương cắt điện nước, cô lập chùa, còn tăng thân bên trong cố thủ, thách thức thì nay chỉ còn lại không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng tụng kinh từ chánh điện và tiếng cười nói của đoàn làm phim.
Rời chùa, chạy thêm 1 cây số nữa là đến cổng vào khu du lịch Đầm Ri. Lúc này đã gần trưa và không có ý định mua vé vào đây chơi nên 2 chi em chỉ chụp vài tấm ghi dấu mốc đã đến đây và quay đầu xe chạy về.
Phải về sớm để kịp bữa cơm cô Khiển mời ăn chung với sui gia của cô, là bố vợ của Khánh. Đoạn đường về không lâu như lúc đi, nhưng về đến nhà cô cũng đã trễ 1 chút. Ngồi trong bàn ăn ngoài cô và sui gia còn có cậu Dũng, anh Khải, Khoa và Khánh. Bữa ăn nào ở Bảo Lộc cũng ngon. Không lo những món không hợp khẩu, chỉ sợ không đủ bụng để thưởng thức những món khoái khẩu thôi. Còn nhớ 2 món ngon nhất bữa đó là ếch chiên và gà ta luộc chấm muối chanh. Gà nuôi vườn thịt chắc ăn hoài không chán.
Sui gia cô ít nói và còn mệt sau chuyến đi xe đường dài, nhưng cũng chung vui kể chuyện chú đi xe từ quê cách Quy Nhơn độ 100 cây số hết 7, 8 tiếng đến đây. Thì ra chú cùng quê hay chí ít cũng là láng giềng với vùng đất võ Tây Sơn hào kiệt năm nào. Anh Khải hào hứng nói chuyện xã hội, chính trị với cậu Dũng, từ chuyện chùa Bát Nhã đến dự án Bô xít qua đến vụ Vinalines. Nếu hôm nhậu thịt chó đề tài tản mác thì bữa cơm hôm nay có chủ đề hơn. Cứ tưởng anh Khải thuận lợi trên đường kinh doanh của mình sẽ không màng đến những vấn đề xã hội khác. Sai hoàn toàn, bởi dùng bữa xong, anh Khải còn lấy xe hơi chở đi xem nhà máy và khu khai thác Bô xít ở Tân Rai, thuộc huyện Bảo Lâm cách Bảo Lộc chừng 17km. Chạy xe mất cả tiếng đi về nhưng cũng đáng công vì được tận mắt nhìn thấy khu vực khai thác quặng boxít ở đây rộng lớn mênh mông. Nhà máy khổng lồ nổi lên giữa đất bằng, chung quanh là các hồ lọc bùn rộng thênh thang, và vòng vèo chạy dài mấy cây số là đường ống dẫn quặng. Đây đúng là chủ trương lớn của Nhà Nước hợp tác với Trung Quốc, không dễ bỏ dở vì những lời chỉ trích của nhiều giới. Trên đường chạy về, hỏi anh Khải chuyện kinh doanh của anh thì nghe anh nói sau nhà anh là cả 1 kho chứa chén bát, bàn ghế đến chục ngàn cái đủ để tổ chức 1 lúc 10 bữa tiệc các loại khác nhau. Anh không tự tay khuân vác, sắp đặt bàn ghế mà thường thuê người làm cho mình.
Anh Khải không ghé nhà mà chạy thẳng đến trước cửa nhà cậu Dũng cho kịp giờ chuẩn bị đồ đạc từ giã B’lao.
Quay qua quay lại chào mọi người và nhìn ngã 3 Phẹc chưa được bao lâu nữa thì xe trung chuyển của công ty Thành Bưởi mà chị Lan Anh gọi trước đó ghé vào thúc giục lên xe để kịp đến chỗ xe đò lớn đang đợi.
2 giờ rưỡi trưa, ngoái đầu chào Bảo Lộc lần cuối, hẹn gặp lại!
5 thoughts on “26 giờ ở B’lao”
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.
mất cả nửa tiếng để đọc chứ chả chơi, nhưng rất thú vị
bài viết hay, đặc biệt là cho những người có liên hệ đến gia đình họ Lại & Bảo Lôc.
cám ơn tác giả đã dành thì giờ cho bài viết rất chi tiết, hay, cung cấp nhiều thông tin khá thú vị. Nhờ vậy mà chị Thục nhà mình kết thúc 26 giờ ở B’lao bằng 1/2 giờ căng thẳng đọc ! hẹn được thưởng thức những bài ký sự kế tiếp của anh Ngân trong chuyến đi VN ngắn ngày 2012 này. Cuối tuần vui vẻ & thư giãn nhé !
cậu Ngân quên (thiếu, hay thấy không cần thiết) kể về cây cầu sắt qua Đại Bình ??
Cầu mà ngày xưa chỉ là vài ống tre tạm bợ mỗi khi có nguời qua là nó đung đưa, mà 2 chị em không dám đứng đi như nguời dân địa phuơng, chỉ dám bò lết, mắt thì không dám nhìn xuống duới nuớc chảy xiết . Lòng thì lo lắng tới lúc về phải qua lại một lần nữa không biết có bò nổi không 😆
bác Thục và vnhí có ý giống nhau. Lẽ ra phải viết thêm 1 bài nữa, tựa là “Những điều chưa nói hết”
Thanks all. My time spent writing this was worth it.