8 giờ ở Hồng Kông
Hải quan Hồng Kông dễ bất ngờ, mình chỉ cần giơ hộ chiếu cho họ đóng mộc nhập cảnh vào rồi ung dung bước vào lãnh thổ một thời là nhượng địa của Anh. Đến khi trở lại phi trường đáp may bay đi Việt Nam, hải quan HK lại đóng mộc xuất cảnh vào hộ chiếu mình là xong. Hàng hóa mang theo không bị bắt buộc phải khai mà chỉ là tự nguyện. Từ phim ảnh đến phong trào thuyền nhân vào những thập niên 70, 80 và gần đây là những tour du lịch qua đây mua sắm đồ, HK đã trở nên khá quen thuộc với người Việt mình, nhưng mãi đến bây giờ mình mới may mắn có dịp ghé qua.
Người Việt thường hãnh diện đất nước mình có nhiều địa danh đẹp với lưng tựa núi, mặt hướng ra biển. Nếu đó là chuẩn đẹp thì Hồng Kông hội tụ đủ cả. HK chập chùng núi, và quả núi nào cũng cao to. Ngồi máy bay nhìn xuống HK có thể thấy dải đất người ta sinh sống chỉ là một cái eo nhỏ giữa vùng núi rừng mênh mông bao quanh. Giật mình nhớ ra Trung Quốc có dân số khổng lồ hơn 1 phần 5 nhân loại, và riêng HK có hơn 7 triệu dân. Cứ tưởng dân đông như thế là nhờ đất bằng phì nhiêu nhưng bây giờ mới vỡ lẽ ở Trung Quốc đồng bằng không nhiều, riêng miền nam Trung Quốc ở phía dưới sông Dương Tử núi chạy ra đến sát biển. Ông bà mình hay kể miền Trung Việt Nam đất hẹp, núi cao lấn ra đến biển và một phần vì thế mà phải nạn nghèo. Đó là cái nhìn từ góc độ cây lúa, khi kinh tế nước mình chủ yếu còn là nông nghiệp. Ngày hôm nay, khi khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng đất biển chắc không lo nghèo nữa. Minh chứng rõ ràng nhất là các thành phố biển, dù ở Việt Nam hay Trung Quốc đa số đều giàu có hơn các thành phố nằm sâu trong lục địa (Thượng Hải, Thẩm Quyến, Đà Nẵng, Vũng Tàu,…)
Ngồi xe điện cao tốc từ phi trường vào trung tâm Cửu Long, nhìn những toà nhà chung cư cao tầng tiếp nối nhau, những đèn tín hiệu giao thông cô đơn đổi màu trong không gian tĩnh mịch và hàng hà những container xếp chồng lên nhau lặng lẽ trong bóng đêm, mình như nghe được hơi thở trong giấc ngủ của hàng triệu con người nơi đây, khuất đằng sau ánh đèn lộng lẫy ở trung tâm HK. Khó có thể hình dung chỉ vài giờ trước đó hoặc vài giờ tới nơi đây sẽ vỡ oà trong tiếng động sinh hoạt của hàng triệu con người đang chìm sâu trong giấc ngủ.
Mình đến HK lúc hơn 10 giờ tối và rời khỏi phi trường khi đồng hồ đã gần điểm 12 giờ đêm. Gọi taxi đi đến trung tâm Cửu Long đã quá muộn nên không được may mắn nhìn thấy hòn đảo Hông Kông rực rỡ trong ánh đèn của các cao ốc. Nghe nói HK cũng tham gia ngày Trái Đất, và họ tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt đèn khi quá đêm. Đi taxi, đi bộ, đón xe buyết chạy nội tuyến và hỏi đường là cách mình đi lại đây đó ở HK và 2 nhận xét cuối cùng khi rời khỏi HK là HK dơ và người dân đa số không biết tiếng Anh, dù họ là một phần của Vương quốc Anh trong suốt 1 thế kỷ rưỡi. Ai đã từng đến khu China town ở New York hay ở những thành phố khác ở Mỹ đều có thể hình dung HK giống như vậy, duy có khác là đường phố HK chật hẹp và xe taxi chạy ẩu hơn (so với cả New York). Trong vài tiếng lang thang ở đây, mình đã kịp tranh thủ ghé ăn một tô hoành thánh nóng hổi trong cái không khí se lạnh về đêm ở đây và đó là bữa ăn ngon nhất suốt chặng đường mình đi từ Florida về Việt Nam dù mình vốn thường hờ hững với món này mỗi lần đi ăn đồ Tàu ở Mỹ.
8 ngày ở Việt Nam
Chia tay HK lúc 8 giờ sáng, mình đáp máy bay HK hãng Cathay xuôi hướng Nam, tiến về dải đất hình chữ S ẩn mình phía sau những đám mây lơ lửng giữa bầu trời. Sau một tiếng bay xuyên biển Đông qua quần đảo Hoàng Sa, máy bay hướng vào đất liền. Lần nào về Việt Nam cũng thế, lòng nao nao mỗi lần có dịp ngồi sát cửa sổ nhìn xuống dải đất chạy dọc bờ biển tuy có lẽ mình chưa bao giờ đặt chân tới nhưng lại thấy quen thuộc lạ thường. Gần 2 năm trước, lần cuối cùng mình được ngồi chung máy bay với bố trên suốt chặng đường dài 20 tiếng, về đưa tiễn bác Tùng lần cuối, mình và bố cùng ngồi nhìn ra cửa sổ, nhìn xuống mảnh đất đã từng là căn nhà của mình, và bây giờ đối với bố nó chỉ hiện hữu ở kiếp trước.
Nhờ bản đồ trên máy bay nên mình đoán được máy bay bắt đầu rẽ vào đất liền khi đến Ninh Thuận và từ đó bay dọc bờ biển, hắt bóng xuống những cánh đồng muối miền Nam Trung phần, hướng về Sài Gòn. Nhìn những ngọn núi phía bên phải máy bay, mình căng mắt tìm một chút quen thuộc quê B’Lao nhưng vô vọng vì núi rừng đại ngàn lúc ẩn lúc hiện bên dưới những áng mây và đây đó lấp ló những thị tứ lọt thỏm giũa một màu xanh rì miền cao nguyên duyên hải không dễ phân biệt. Chỉ đến khi hồ thuỷ điện Trị An hiện ra ở xa xa mình mới bắt đầu xác định được rõ vị trí máy bay đang ở trên đầu địa phận thị xã Long Khánh, và đây là ngã ba Dầu Giây, kia là quốc lộ 20 như sợi chỉ chạy lên cao nguyên nối liền Đồng Nai với Lâm Đồng. Đất nước còn nghèo nên người dân sống bám sát mặt đường, cứ thấy đường thẳng màu xám dưới đất nào đông đúc là đoán được đó là quốc lộ hay tỉnh lộ. Cả tỉnh Đồng Nai chỉ trong tầm mắt thế mà có ngờ ngày xưa từ Sài Gòn đi Bảo Lộc hết một nửa đoạn đường là đi qua Đồng Nai và chỉ riêng đoạn này đi xe đò mất đến vài tiếng, có khi cả buổi. Máy bay hạ độ cao dần và quốc lộ 1 hiện ra rõ hơn, người xe như mắc cưởi, đây là sông Đồng Nai, kia là Thủ Đức, rồi đến cầu Bình Triệu, bán đảo Thanh Đa. Những địa danh mà ngày hôm nay nếu có gợi một chút ý nghĩa đặc biệt đối với mình là do ngày xưa bố đã từng chở mình đến hay nhắc nhiều cho mấy anh em nghe. Năm 98 cả gia đình về Việt Nam, nhìn cảnh xưa biến mất dần trong sự thay đổi nhanh chóng của đất nước mà tiếc nuối cảnh người còn đây mà cảnh vật đi đâu. Nay ngậm ngùi cảnh xưa vẫn còn trơ ra đấy mà người đã ra đi.
Lần này về Việt Nam, ngoài thăm ông bà nội ngoại như chuối chín cây và chú bác, anh em mình còn tranh thủ ghé đây đó nhìn cho kỹ hơn sự phát triển, thay đổi mỗi ngày ở mảnh đất quen thuộc trong từng giấc ngủ mà giờ đây có khi trở nên lạ lẫm. Những con sông ngày càng bị thu hẹp, những nhà thờ, đền chùa ngày nào to lớn làm mốc chỉ đường cho người dân thì nay bị che khuất bởi những toà nhà cao tầng xuất hiện với tầng suất mỗi tuần; và những con đường mới mở, nới rộng và nhà nhà lên tầng lầu, bê tông hoá… May mắn vẫn còn những ghánh hàng rong, những quán cóc. Tiếc là lần này mình đã không kịp gọi tô mì gõ ở đầu xóm nhà chú Trung thì đã đến ngày về lại Mỹ. Duy thịt chó thì mình vẫn còn kịp thưởng thức; lần này không phải ở khu Thanh Đa hay chợ Ông Tạ mà chú Trung và Chương dẫn mình đến Gò Vấp. Đâu cũng thế, có dân Bắc kỳ mình làm thịt chó nướng, hay món dồi chấm mắm tôm với xả và rau húng quế là tuyệt rồi. Riêng món ốc thời thượng đối với gia đình mình thì lần này cả nhà được Lu, Mi dẫn qua tận quận 8 phía bên kia cầu Nguyễn Văn Cừ và vào tận trong hẻm nữa. Ốc không còn chỉ ở quán cóc mà đã vào nhà hàng từ khi nào và ở đâu cũng đông đúc người ăn, tiếng cụng ly, tán dóc vang dậy cả xóm.
Việt Nam thay đổi, nhưng là thay đổi đi lên, đời sống so với xưa sung túc hơn nên dù có hoài cổ thì vẫn thấy vui trong lòng. Nhưng niềm vui đó có kéo dài không? Có thể nói chuyện với ai đó trong nước chắc sẽ rõ, hay ra sạp báo nhan nhản ngoài đường mỗi sáng sẽ thấy hết tít này đến tít khác kể không hết những vấn đề phát sinh hay còn tồn tại trong xã hội giao thời, chập chững bước vào con đường hội nhập. Cuộc sống ngày xưa đơn sơ thì lòng người cũng đơn sơ, xã hội hiện đại thì lòng người càng phức tạp, hỗn độn,… Không lạ khi thấy chùa chiền, nhà thờ, thánh thất vẫn có nhiều người ra vào.
Lần này mình có dịp đi Phước Tỉnh với gia đình Cúc thăm gia đình một người dì. Từ Phước Tỉnh, mình chạy xe đi Vũng Tàu qua cầu Cửa Lấp mới xây sau này chỉ mất hơn 10 cây số, tiết kiệm được biết bao thời gian so với phải chạy vòng ra Bà Rịa rồi quay ngược ra biển Đông đến Vũng Tàu. Phước Tỉnh là một xã có phần đông dân số là người Bắc Công Giáo nên đi đâu cũng thấy nhà thờ, đền thánh Đức Mẹ, mà không thấy chùa chiền đâu. Đây đó lọt thỏm vài cái miếu, đền thờ tín ngưỡng dân gian. Phước Tỉnh nằm giữa Long Hải và Vũng Tàu nhưng gần Long Hải hơn. Mình chưa bao giờ đến đây nhưng lần này đến đây lại thấy có cái gì đó quen thuộc. Ngoài lòng hiếu khách của người tỉnh lẻ mình còn nhớ mẹ hay kể chuyện bà Ri, chị ruột ông ngoại mình đã từng tu ở một dòng nơi đây. Mình có hỏi thì người nhà bảo ở đây có đến mấy dòng, lại đều làm nước mắm để bán cả, nên không biết cái dòng bán nước mắm ngày xưa của bà Ri là dòng nào. Hít thở không khí và nhìn sinh hoạt ở đây mình nhớ đến Sài Gòn 20 năm trước. Có nhiều thứ giống nhau lắm, và ở nhiều mặt người dân tỉnh lẻ Việt Nam bây giờ còn hiện đại, tân thời hơn người Sài Gòn 20 năm trước…
Trong những thành phố mình đi qua lần về Việt Nam này, thay đổi nhiều nhất là Vũng Tàu. Biên Hoà cù lao Phố, đất do người Hoa khai phá thời Chúa Nguyễn, vẫn ngày một đông đúc hơn nhưng đường xá, nhà cửa không thay đổi nhiều. Sài Gòn như một công trường dang dở không biết đến bao giờ mới hoàn thành thì Vũng Tàu nổi bật lên là 1 thành phố du lịch biển hoành tráng, lộng lẫy đèn điện, nhà hàng, công viên sạch đẹp, đường xá thênh thang. Ngày thứ 3 trong tuần mà dọc hành lang giữa đường Hạ Long và biển có cả ngàn thanh niên dựng xe ngồi ăn hàng ngắm trăng biển, so với đường Tôn Đức Thắng, đoạn chạy dọc sông Bạch Đằng ở Sài Gòn thật nhộp nhịp gấp bội. Chạy dọc bãi biển ở Vũng Tàu lại nhớ Sài Gòn ngày xưa bố đạp xích lô chở cả nhà ra bến Bạch Đằng chơi vào chiều tối. Rồi bố đạp xe kiếm vài cuốc xích lô đến tối quay lại đón cả nhà về. Ngồi xe hơi ghế nệm cũng không có được cảm giác êm như nệm xích lô của bố ngày trước…
Lần này về mình còn tranh thủ chạy ra Lái Thiêu thăm mộ của mấy anh em ông Ngô Đình Diệm. Đặc biệt cả nhà Chương cũng đi chỉ đường mình ra đến Lái Thiêu. Anh Thái buổi sáng sau khi đóng quán nước trước nhà cô Hồng cũng chịu chạy xe đi chung với mình cho có người nói chuyện. Xe gắn máy đi Lái Thiêu chỉ mất hơn nửa tiếng. Đến nghĩa trang Lái Thiêu hỏi mấy người quét dọn mộ ở đây thì được dẫn đến xem mộ gia đình họ Ngô. Quyền uy bao trùm cả miền Nam suốt 10 năm mà 50 năm sau khi mất vẫn chỉ là những ngôi mộ bình thường nép mình đằng sau những bụi cỏ dại ven đường bên cạnh mộ những người dân khác, nhiều cái còn xây to đẹp hơn. Mộ bia ông Diệm chỉ ghi “Huynh” mất 2-11-1963 và mộ ông Nhu ghi “Đệ” mất 2-11-1963. Giữa mộ 2 ông là mộ cụ Phạm Thị Thân, thân mẫu. Cách đó 4, 5 mộ là mộ ông Ngô Đình Cẩn với cái tên trống không “Cẩn” mất 9-5-1964. Kể ra gia đình ông còn may mắn hơn các vương triều xưa, như họ Lý bị Trần Thủ Độ tận diệt và bắt đổi họ, nhà Hồ bị quân Minh bắt sang Tàu và chết già bên ấy rồi đến nhà Tây Sơn bị vua Gia Long trả thù bằng cách đào mả,… Nhưng trong khi đất nước đang hội nhập với văn minh nhân loại mà mình lại đối xử với nhau chỉ hơn các triều đại phong kiến thời trung cổ sao?
8 ngày ở Việt Nam trôi qua thật mau chóng. Đến ngày gia đình mình ra phi trường lên đường về lại Mỹ. Một tiến bộ mới ở Việt Nam là khâu thủ tục hải quan nhập và xuất cảnh. Lần này nhanh và vui vẻ hơn lần trước, và lần trước đã tiến bộ hơn lần trước đó. Đặc biệt lần này không phải khai hàng hoá nhập cảnh, nên từ khi bước xuống máy bay đến khi ra khỏi phi trường chỉ mất 15 phút nếu không có hành lý gửi. Hẹn gặp Việt Nam lần tới, tiến bộ hơn nữa… trong mọi mặt.
10 tiếng ở Tokyo
Thời gian làm thủ tục nhập cảnh và lo cho thằng Khôi đã lấy mất khá nhiều thời gian, và sau khi trừ 2 tiếng ngồi trên xe điện siêu tốc chạy từ phi trường Narita vào đến trung tâm Tokyo thì thời gian ở Tokyo của gia đình mình chỉ còn 4 tiếng. Khác hẳn ở Hong Kong, Tokyo rất sạch sẽ… đến độ mình không tìm được cả thùng rác công cộng bên vệ đường. Giống ở HK, Tokyo đất chật người đông nên những toa nhà chung cư cao tầng nối đuôi nhau vụt qua bên ngoài cửa sổ tàu điện siêu tốc trên đường mình vào trung tâm Tokyo. Xe cá nhân trên đường phố không nhiều mà thay vào đó là taxi, xe chở hàng. Hong Kong và Tokyo rất có thể đang là những đô thị mô hình mà lãnh đạo Việt Nam qua học hỏi cách quy hoạch và mình có thể hình dung Sài Gòn đến ngày không còn là một công trường khổng lồ nữa sẽ dấp dáng giống những thành phố lớn khác ở Á Châu với hàng ngàn cao ốc văn phòng và chung cư và ít nhất 90% những căn nhà hiện nay ở Sài Gòn 50 năm nữa sẽ biến mất vì không đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản trong một đô thị hiện đại nữa. Sài Gòn chắc sẽ không dơ như Hong Kong và cũng sẽ không hối hả, lạnh lùng như Tokyo. Thật thế, Tokyo buổi trưa thứ 3 mà mình thấy là những con người ít nói, đi ngoài đường hay dưới hầm trạm xe điện như nhưng binh sỹ tiến ra mặt trận, không nhìn ngang nhìn ngửa, không chào hỏi nhau và không ngồi trong các quán ăn, tiệm ca phê thù tạc hàn huyên. Cả thành phố ồn ào tiếng động cơ và tiếng chân người đi rầm rập, nhưng lại ít nghe tiếng người nói chuyện, dù trong tiệm ăn, ngoài đường hay trên xe điện. Người Nhật mở cửa ra thế giới 1 thế kỷ rưỡi trước và sau 150 năm chạy đua để vươn lên hàng đầu thế giới đã tạo ra một xã hội lãnh đạm như bây giờ sao?
Dầu sao nhìn muôn vàn những khuôn mặt Á châu ở Hong Kong và Tokyo làm mình thêm tự tin là người Á châu mình, trong đó có Việt Nam, không phải chỉ có những khu China town, little Sài Gòn phồn thịnh ở Mỹ, Canada, hay Pháp mà còn có đủ khả năng xây dựng một đất nước văn minh, hiện đại ngay tại chính đất nước mình.
Bài viet rất hay . Mai mốt đi đâu nữa thì nhớ viết nữa
Đúng là về VN, đi tới đâu mình cũng liên tuởng tới ….khi xưa ta be…..Và rất nhiều nơi làm mình nhớ tới bố
thấy mấy người Nhật có vẻ đang xếp hàng và xì xào chào đón khách quí địu con đấy chứ ?! đâu có vẻ lạnh lùng cho mấy Cám ơn anh Ngân chia sẽ những cảm xúc xích:lol: qua chuyến đi VN 8 ngày . Hy vong sau nay Khôi sẽ góp phần xây dựng 1 VN hiện đại
haha, người Nhật xì xào vì thấy có ai bế con nom lếch thếch quá đó! 😛
thanks guys for commenting
Kinh nghiem cua minh ve kha nang tieng Anh cua nguoi HKong (noi chung) khac nhau, Cuc thi lai thay nguoi thanh nien tre, trung nien HKong noi tieng Anh de nghe. O HKong so voi Tokyo thi qua do, nhung chac chan van sach hon khu quan 5 ma mi`nh di qua lan vua roi!!