Lưu Hiểu Ba và văn hoá đối thoại

Nếu như năm 2009, Uỷ Ban Giải Nobel Hoà Bình trao tặng giải Nobel cho ông Obama vì những gì ông có thể làm được và để khuyến khích ông sau khi dọn vào Bạch Ốc có những chính sách đem lại hoà bình cho nhân loại thì năm nay Uỷ Ban quay trở về truyền thống, trao giải cho người đã có quá trình đấu tranh cho hoà bình và nhân quyền. Con người xuất sắc và may mắn đó là ông Lưu Hiểu Ba.

Lưu Hiểu Ba người gốc Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc, năm nay 55 tuổi và hiện đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ tội “kích động lật đổ chính quyền.” Ông bị kết án 11 năm tù năm 2009 vì tham gia Hiến Chương 08, một bản tuyên ngôn với 350 chữ ký của các trí thức trong xã hội Trung Quốc kêu gọi tự do ngôn luận, đa đảng. Chính quyền Trung Quốc không lạ lẫm gì ông vì năm 1989 ông đã tham dự cuộc biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn của sinh viên. Sau nhiều lần bị đưa đi lao động cải tạo và quản thúc tại gia, ông vẫn tiếp tục viết các bài bình luận phê bình hệ thống chính trị trong nước, phần lớn phải gửi ra nước ngoài để xuất bản. Những việc ông làm đã được Tổ Chức Nhà Báo Không Biên Giới vinh danh năm 2007 và ông còn được vinh dự bầu làm chủ tịch Văn Bút Độc Lập Trung Quốc, một phân nhánh của Văn Bút Quốc Tế.

Lưu Hiểu Ba
Lưu Hiểu Ba

Đánh gia cao sự nghiệp đấu tranh bất bạo động cho nhân quyền và tự do của hơn 1 tỉ dân Trung Quốc, giải Nobel năm nay được trao cho ông phản ánh đúng tinh thần của giải thưởng cao quý có lịch sử hơn 100 năm này. Tên ông từ nay được cả thế giới biết đến, ngoại trừ quê hương ông. Cả một lục địa rộng lớn với hơn 1 tỉ dân, ngoài một số ít quan tâm đến cuộc vân động dân chủ ở Trung Hoa và những ai biết cách vượt bức tường lửa do chính quyền Trung Quốc thiết lập, nếu có ai nghe tên ông thì chỉ biết ông là một tội phạm đang bị giam tù, và nếu nghe tin ông được trao giải Nobel đăng ngắn ngủi trên báo chí trong nước thì phần lớn chỉ là lời phê phán gay gắt của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, xem đó là một quyết định đi ngược lại tôn chỉ của giải này và ảnh hưởng xấu quan hệ Trung Quốc – Na Uy. Người dân Trung Quốc may mắn đọc được mẩu tin này trên báo chí trong nước sẽ đắn đo tự hỏi biết tin ai, Uỷ Ban Giải Nobel Hoà Bình hay chính quyền Trung Quốc? Chính quyền Trung Quốc không đủ tự tin vào khả năng thuyết phục của mình nên ngoài việc lên tiếng phản đối vắn tắt trên báo chí, họ đã xoá bỏ tất cả các bài viết, các kết quả tìm kiếm trên Mạng có tên Lưu Hiểu Ba hay cụm từ “Nobel peace prize 2010.”

Trao giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba, Ủy Ban Giải Hoà Bình Nobel gửi một thông điệp đến chính quyền Trung Quốc về sự trì trệ cải tổ hệ thống chính trị đã quá hạn. Ông Lưu Hiểu Ba không phải là người cực đoan, cố chấp vì chính ông đã công nhận sự cải thiện trong xã hội Trung Quốc qua 30 năm cải cách, nhưng ông đã nói thay cho cộng đồng quốc tế khi kêu gọi Trung Quốc phải thực sự thay đổi hệ thống chính trị đã lỗi thời. Chính quyền Trung Quốc không thể mãi tách cải cách kinh tế ra khỏi cải cách chính trị bởi đó chỉ là 2 mặt trong đời sống xã hội. Nếu như một cá nhân chỉ có thể phát triển đầy đủ, toàn diện khi đời sống kinh tế, tinh thần, sức khỏe, và tâm linh đều khỏe mạnh thì một xã hội sẽ khiếm khuyết, méo mó nếu nó chỉ phát triển một chiều. Chính trị nếu hiểu theo nghĩa nhà Nho ngày xưa là trị dân theo đường ngay nẻo chánh thì nó đã không còn phù hợp trong thế giới ngày hôm nay bởi không có thiểu số nào có quyền tự cho mình quyền chọn con đường cho đa số. Chính trị trong thế giới văn minh hiện đại ngày nay chính là đối thoại, thương lượng tìm cách hoà giải các lợi ích, chính kiến khác nhau. Đời sống kinh tế Trung Quốc thay đổi từng ngày tạo ra sự xuất hiện mỗi lúc một nhiều hơn những nhóm lợi ích, quyền lợi khác nhau. Văn hóa độc thoại cào bằng lợi ích, tư tưởng người dân vào một rổ “toàn dân một lòng” ngày càng bộc lộ tính lỗi thời trong xã hội ngày càng phong phú, đa dạng. Mỗi ngày Trung Quốc tiếp tục duy trì văn hoá độc thoại, trong đó một đảng duy nhất đại diện cho toàn dân, và tự do ngôn luận chỉ là tự do cho đảng cầm quyền nói thay cho người dân, là mỗi ngày Trung Quốc để cho thời đại đi qua mặt mình và nguy hại hơn, cái rễ văn hoá độc thoại tiếp tục bám rễ sau chắc hơn vào cơ thể xã hội Trung Quốc.

Có thể bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói đúng, ông Lưu Hiểu Ba không đại diện cho ai, không nói thay cho ai, nhưng tại sao chính quyền Trung Quốc không dám đối thoại với ông mà giam tù ông và xoá các thông tin về ông trên Mạng? Một chính quyền với sức mạnh khổng lồ của mình không dám công khai đối thoại với một cá nhân chỉ có ngòi bút? Cái ưu việt của chính trị theo nghĩa hiện đại mà Trung Quốc hiện đang thiếu chính là chỗ giải quyết những mâu thuẫn bằng đối thoại thay cho bạo lực. Đời sống chính trị bị tiêu diệt thì lấy gì để hoà giải những khác biệt?

Khẩu hiệu thời đại ngày hôm nay là phát triển bền vững, trong đó người ta nghĩ ngay đến kinh tế, môi trường. Phát triển kinh tế phải đảm bảo không huỷ hoại môi trường sống. Nhưng hiểu rộng hơn, phát triển bền vững còn bao gồm cả hệ thống chính trị, văn hoá xã hội. Liệu văn hoá độc thoại, hệ thống chính trị độc đảng có thể lâu bền được không? Hành động của một cá nhân hay của một chính quyền có thể tạo ra những mặt tích cực hay tiêu cực trước mắt khác nhau, nhưng điều quan trong hơn là về lâu dài, nó sẽ để lại những hệ luỵ gì? Hay nó sẽ cấy sâu hơn thói quen độc thoại, tự tôn của người dân trong xã hội? Một thói quen mà chính người mắc phải không dễ nhận biết.

Uỷ Ban Giải Nobel Hoà Bình trao giải cho một người Trung Quốc có thể thấy có phần là do mong muốn gây tiếng vang lớn cho ông, giúp cho công cuộc đấu tranh nhân quyền của ông cho 1 tỉ 3 trăm triệu người, 1 phần năm dân số nhân loại. Nhưng chắc chắn còn có nhiều người khác cũng xứng đáng như ông. Trong số đó hẳn có người Việt Nam.

3 thoughts on “Lưu Hiểu Ba và văn hoá đối thoại”

  1. Một chi tiết rất nhỏ thôi (Em nghĩ) là ông Lưu Hiểu Ba này lên tiếng đại diện cho phần lớn những người dân TQuốc, chứ không phải là tất cả, vì chắc chắn có người ủng hộ chính quyền.

  2. Đấu tranh cũng tốt, e ngại thế lực của Trung Cộng ngày càng bành trướng ra mãi không ngừng. Lịch sử cho thấy mỗi khi Trung Hoa thống nhất thì lại manh nha chiếm đóng các nước lân bang, trong đó VietNam là địa chỉ khá quen thuộc. Chỉ mong có một thế lực kìm hãm sự phát triển Kinh tế, hoặc nội bộ mâu thuẫn một tí. Phải chăng khi kinh tế phát triển tới một mức không lo lắng về miếng ăn thì fai tới lúc được nói chính kiến của mình, được tự do suy nghĩ và hành động. 🙄

  3. Nếu Trung Quốc có dân chủ thì khả năng xung đột với Việt Nam nhất định sẽ giảm đi

Leave a Reply