Chuyện đền thờ Hồi Giáo ở New York

Mấy tuần nay ở Mỹ người ta tranh luận, bàn cãi nhiều về chuyện có nên xây đền thờ Hồi Giáo ngay sát cạnh Ground Zero, nơi 2 tòa tháp cao nhất thành phố New York bị khủng bố đánh sập 9 năm trước mà bây giờ chỉ còn là bình địa. Hai tuần nữa lại đến ngày 11 tháng 9, đề tài tranh cãi này sẽ chưa dễ sớm kết thúc.

Chính xác thì đền thờ Hồi Giáo chỉ là một phần của dự án Cordoba House xây dựng một trung tâm Hồi Giáo ngay giữa trung tâm Lower Manhattan. Dự án được ước tính sẽ tốn kém 100 triệu đô xây dựng tòa nhà 15 tầng bằng kính và thép và sẽ trở thành một trung tâm phức hợp với nhiều sinh hoạt, chức năng khác nhau. Sẽ có hội trường, hồ bơi, sân thể thao, nhà hát kịch, phòng hội họa, nhà sách, nhà giữ trẻ, trường ẩm thực,… và một đền thờ Hồi có sức chứa từ một đến hai ngàn người. Ngoài ra trung tâm còn có một không gian riêng để tưởng niệm sự kiện 9/11. Trung tâm không chỉ dành riêng cho người Hồi giáo mà tất cả mọi người đều được chào đón. Do vô tình hay cố ý người ta thường chỉ nói đến đền thờ khi nhắc đến dự án này.

Giáo sỹ (Imam) Feisal Abdul Rauf, giám đốc chương trình Cordoba House, bày tỏ nguyện vọng về dự án này trên website www.cordobainitiative.org là mong muốn nó phát huy sự hợp tác, tính tương đồng và tìm hướng đi cho những sự khác biệt giữa các nền văn hóa, tôn giáo. Mục tiêu cuối cùng của dự án là tạo một cầu nối giữa Tây phương và thế giới Hồi Giáo.

Đó không phải chỉ là lý tưởng suông của giáo sỹ Raul mà sự nghiệp của ông là một chuỗi những cố gắng biến lý tưởng đó thành hiện thực. Ông viết và xuất bản sách “What’s Right with Islam is What’s Right with America” xác định vị trí của Hồi Giáo trong thế giới Tây phương. Ông sáng lập hội American Society for Muslim Advancement cổ vũ sự hợp tác giữa xã hội Mỹ và người Mỹ Hồi giáo. Ông đã từng được Bộ Ngoại Giao Mỹ bảo trợ cho những chuyến công du sang Trung Đông gặp gỡ các giáo sỹ, lãnh đạo, tổ chức ở đó với mục đích tăng cường đối thoại, hiểu biết và thông cảm. Dự án Cordoba House là nỗ lực mới nhất của ông và chắc sẽ không phải là cuối cùng.

Lý tưởng và tinh thần cao đẹp như vậy, tại sao người ta chống? Người ta không tin những điều ông nói và làm. Nói đúng hơn người ta không tin lý tưởng của ông qua những phát biểu khác của chính ông. Ông đã từng tuyên bố hay trả lời báo chí những câu gây khá nhiều hoài nghi. Ông nói ông không xem tổ chức Hamas là một tổ chức khủng bố vì ông tự xem mình là người xây dựng hòa bình và cho rằng khủng bố là một đề tài phức tạp. Ai cũng biết Hamas là một tổ chức đấu tranh của người Palestine, hiện đang nắm chính quyền ở dải Gaza và bị bộ Ngoại Giao Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố trên thế giới. Gây bức xúc hơn trong dư luận là các lời tuyên bố khác của ông về sự kiện 9/11 cho rằng chính sách ngoại giao của Mỹ tạo tiền đề cho vụ khủng bố 9/11. Tuy ông xem vụ 9/11 là một cuộc khủng bố của một nhóm cực đoan Hồi Giáo và lên án nó, nhưng ông nhìn sự kiện này ở một tầm cao hơn và cho rằng chính Mỹ đã tài trợ cho Bin Laden và tổ chức Taliban khi A Phú Hãn còn trong thời kỳ bị Liên Xô chiếm đóng hơn 20 năm trước. Nói cho cùng, theo ông, thì chính Mỹ đã gây chết chóc cho người Hồi Giáo nhiều hơn là Al Quaida gây cho người Mỹ, bởi nếu chỉ tính riêng thời kỳ cấm vận Iraq thập kỷ 90 thế kỷ trước thì Mỹ đã gây ra cái chết cho hơn nửa triệu trẻ em (chắc ý ông muốn nói bao gồm cả chết vì đói nghèo, bệnh tật hậu quả gián tiếp của cấm vận).

Những điều ông nói không có gì mới, đã được tranh luận nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có được sự đồng thuận hoàn toàn, nhưng vì ông là một giáo sỹ Hồi giáo, lại là linh hồn của chương trình Cordoba House xây trung tâm Hồi Giáo ngay giữa lòng Manhattan, cách bình địa Ground Zero chỉ có 180 mét, nên người ta càng soi xét vào tư tưởng của ông hơn. Những lời bình luận trên của ông đã đóng đinh chính ông vào thập giá trên diễn đàn dư luận. Ông bị xem như một phần tử cực đoan Hồi Giáo giả hình, đánh lừa dư luận và cả chính phủ Mỹ.

Người Mỹ dễ bị lừa như vậy sao? Nếu đọc kỹ những lời tuyên bố của giáo sỹ Raul sẽ không khó để nhận ra ông chỉ xác định lập trường cánh tả của mình. Việc cánh tả phê phán chính sách đối ngoại của Mỹ đã gây ra mâu thuẫn, chiến tranh, đào sâu hố ngăn cách đối thoại giữa các nền văn mình trên thế giới đã xưa cả trăm năm. Vậy những tuyên bố của giáo sỹ Raul nhiều lắm chỉ làm phong phú thêm cái kho tàng tư tưởng cánh tả ở Mỹ. Và đó mới chính là vị trí của những lời tuyên bố của ông, chứ không phải vấn đề ông là một tín đồ Hồi giáo cực đoan hay không.

Nhưng cá nhân và tư tưởng của giáo sỹ Raul vẫn chỉ là phần thứ yếu của lý do người ta chống dự án Cordoba House. Cốt lõi vấn đề chính là bản thân dự án. Tại sao có biết bao chỗ không chọn, lại đi chọn ngay bên cạnh bình địa Ground Zero? Vết thương 9/11 của người Mỹ vẫn còn chưa lành, sao lại tiếp tục khoét sâu thêm? Xây đền thờ Hồi Giáo ngay bên cạnh Ground Zero có khác nào cắm lá cờ phát xít Đức ngay trước cửa Bảo Tàng Holocaust tưởng niệm 6 triệu người Do Thái chết trong các trại tập trung thời Đức Quốc Xã? Cái tên gọi Cordoba lấy từ tên một tỉnh của Tây Ban Nha mà vào thế kỷ 8 đế quốc Hồi Giáo, trong thời hoàng kim của mình, đã chiếm đóng và sát nhập vào bản đồ thế giới Hồi Giáo cho mãi đến thế kỷ 13. Có phải dự án Cordoba House chính là bản khải hoàn ca người Hồi Giáo đã hát 12 thế ký trước khi tiến đến thềm cửa phương Tây KiTô giáo tại Tây Ban Nha và ngày hôm nay họ lại hân hoan xem nó như chiến thắng một lần nữa trước phương Tây khi xây nó ngay giữa New York?

Những người chống dự án Cordoba House bao gồm đủ mọi tầng lớp, từ các chính trị gia tên tuổi như cựu chủ tịch Hạ Viện New Gingrich, cựu ứng cử viên phó Tổng Thống Sarah Palin, cựu thị trưởng New York Giuliani cho đến các nghiệp đoàn cứu hỏa, gia đình các nạn nhân 9/11 và cả một số chức sắc Hồi Giáo.

Một điều thú vị là những người ủng hộ dự án Cordoba House cũng bao gồm nhiều tên tuổi, hội đoàn khắp nơi, trong đó nổi bật nhất là Tổng Thống Obama, thị trưởng New York hiện tại Bloomberg, một nhóm các nạn nhân 9/11 và nhiều chức sắc Hồi Giáo khác. Vậy những người đứng đằng sau dự án Cordoba House trả lời sao về những câu hỏi trên?

Việc chọn địa điểm xây trung tâm Hồi Giáo không phải chỉ vì nó nằm gần Ground Zero. Đây là một tòa nhà có tên 51 Park, trong đó 51 là số nhà và Park là tên đường. Tòa nhà này trước năm 2001 thuộc về công ty Burlington Coat Factory chuyên bán quần áo, giầy dép. Sau ngày 11 tháng 9, tòa nhà bị những mảnh vỡ của máy bay rớt vào làm hư hại và bị bỏ trống mãi đến năm 2009 thì công ty phát triển địa ốc Soho Properties mua lại với giá gần 5 triệu dự định sẽ xây một tòa nhà mới với nhiều căn hộ (condominiums) đẻ bán. Từ tháng 5 năm 2009 đến cuối năm 2009, tòa nhà bỏ trống này được mược để dùng làm nơi cầu nguyện cho người Hồi Giáo ở vùng Lower Manhattan khi mà 2 đền thờ Hồi Giáo khác gần đó không đủ chỗ chứa tất cả các tín đồ.

Tháng 12 năm 2009, dự án xây căn hộ bị hủy bỏ, và thay vào đó là xây một trung tâm Hồi Giáo, một chương trình hợp tác giữa công ty địa ốc Soho Properties và tổ chức Cordoba Initiative của giáo sỹ Raul, lấy tên là Cordoba House. Như thế việc xây đền thờ là do nhu cầu có thực, và cộng đồng Hồi Giáo đã hiện hữu giữa lòng thành phố New York và hành đạo từ lâu, không phải đợi đến 9/11 hay ngày hôm nay mới xuất hiện. Việc xây dựng trung tâm Hồi Giáo Cordoba House ngay gần Ground Zero chính là nghịch lý của sứ mệnh mà người sáng lập ra nó, giáo sỹ Raul đề ra. Cây cầu nối tạo sự thông cảm, hiểu biết phải xây ngay giữa đô thị, chỗ đông người nhưng nó cũng trở thành cái gai trong mắt những ai không thấy cần thiết có một cây cầu hay không muốn bước qua cây cầu ấy.

Nhưng Cordoba House hẳn phải là sự xúc phạm, thách thức Tây phương từ những người Hồi Giáo? Tất cả những câu hỏi có tính cách phán xét của những người chống đối dự án nếu ta đợi cho màn sương mù của tâm tư tình cảm lắng xuống và ánh sáng lý trí rọi qua sẽ nhận ra những câu hỏi này đặt sai vấn đề. Nazi Đức Quốc Xã không có gì tốt với người Do Thái và không thể so sánh với đạo Hồi, là một tôn giáo mà giống các tôn giáo khác có những thành phần cực đoan (dù có thể có nhiều hơn), nhưng nó vẫn là tôn giáo của hòa bình, chân lý và công bằng. Nếu mình nhìn nhận rõ ràng cuộc chiến chống khủng bố là cuộc chiến giữa Mỹ (và cả thế giới nói chung) với những phần tử, tổ chức cực đoan (trong đó nổi bật hơn cả là các tổ chức cực đoan Hồi Giáo) mình sẽ thấy giữa Mỹ và Hồi Giáo không có cuộc chiến nào cả. Chỉ có những nghi kỵ, hiểu lầm mà hoàn cảnh lịch sử và chủ quan tầm thường trong mỗi con người, Tây phương hay Hồi giáo, tạo ra và đó chính là lý do cây cầu nối Cordoba House được xây dựng. Cái tên Cordoba, theo những người thành lập dự án, là lấy từ tinh thần cao đẹp của vùng Cordoba, Tây Ban Nha trong 5 thế kỷ người Hồi Giáo làm chủ khi mà các tôn giáo Hồi, Kitô và Do Thái sống trong sự hòa thuận, bình đẳng, dù chỉ là tương đối trong bối cảnh bấy giờ và đặc biệt đúng khi so sánh với những nơi người Tây phương Kitô giáo làm chủ với nạn kỳ thị, bắt bớ những người ngoại giáo thời trung cổ. Cũng một sự kiện, một địa danh, nhưng mình có thể hiểu theo nghĩa tiêu cực hay hiểu theo nghĩa tích cực.

Đề tài tranh cãi đã có thể khép lại? Hay thật ra nó không đáng là vấn đề bởi nó chỉ là sản phẩm của các chính trị gia trong mùa bầu cử sắp tới? Là con người, khó ai thoát khỏi những tâm tư, tình cảm riêng mà chỉ hành động và suy nghĩ theo lý trí và các Dân Biểu hiểu rõ điều này. Đề tài còn là phương tiện để các Dân cử, Dân biểu đẩy đối thủ của mình vào cái thế phải bày tỏ lập trường và vì thế có thể sẽ để lộ điểm yếu của mình. Ngọn lửa bầu cử được thổi lớn hơn nhờ giới truyền thông tìm đề tài để khai thác. Mục tiêu cuối cùng của báo chí tư bản dần không còn phải là đi tìm sự thật nữa mà tạo sự tranh cãi trong dư luận, bởi càng tranh luận, đề tài càng kéo dài hơi thở của nó trên màn hình, trang báo.

Bản thân cuộc tranh luận về dự án xây dựng đền thờ Hồi Giáo ở New York, dù là một đề tài đáng có hay không, đã minh họa khá đầy đủ nền dân chủ sống động, tiến bộ của xã hội Mỹ trong cuộc sống hiện tại, chứ không chỉ nằm trong những câu chữ trong bản Hiến Pháp hơn 200 năm trước.

Dầu sao đề tài cũng nhắc nhở mình ôn lại những giá trị cơ bản trong một nền dân chủ, trong đó mỗi người đều có quyền đề ra và thực hiện lý tưởng của riêng mình mà không bị chánh quyền ngăn cản, kiểm soát nhân danh một lý tưởng, mục đích khác.

Mẫu thiết kế tòa nhà Cordoba House
Mẫu thiết kế tòa nhà Cordoba House

3 thoughts on “Chuyện đền thờ Hồi Giáo ở New York”

  1. Mac du dat nuoc nay la noi tam dung nhung du sao minh se o day cho toi luc…….cho nen it nhieu gi minh cung la ng o day roi cho nen quan diem cua minh cung khong thich toa nha do duoc xay dung o day, vi neu o duoc tuong thanh thi coi nhu la mot chien thang lon cua phe Hoi giao ma khong can den chien tranh nua 😕

  2. Sự tự do của nền Dân Chủ Cộng Hoà cũng có cái giá của nó (Mình lại lọng ngôn rồi!) 😳 . Có lẽ chính vì dân chủ và không “quơ đủa cả nắm” nên thành phần khủng bố mới có cơ hội len lõi vào nước Mỹ để mà nuôi dưỡng hành động khủng bố của họ sau này, chứ nếu như Mỹ áp dụng chính sách “một con ruồi cũng không lọt qua kẽ” như Việt Nam hay Trung Quốc thì làm gì có chuyện khủng bố trong nước Mỹ, lại càng không có chuyện xây đền thờ Hồi Giáo đang được tiến hành ở Ground Zero để cho mình lại thêm có cơ hội ngưỡng mộ và thán phục sự cấp tiến của một đất nước dân chủ thực sự và ở cấp cao, chứ chẳng phải dân chủ hảo ở đâu đâu ấy 😀

  3. phải chi nguoi ta 0 bỏ tiền để xây mấy cái đền thờ hồi giá (đối với mình thì vớ vẩn quá) hehee mà để tiền đó cho nguời thất nghiệp hỉ hehehehe
    dạo này xem tv nguoi ta hay nói 2 từ “reality” với lại “actuality” 0 biet có dùng trong truờng hợp này đuợc 0 ta hehe

Leave a Reply