Người đầu tiên trong họ Nguyễn Hoàng mình đến nước Mỹ có lẽ là ông Sơn, con cụ Lý, cháu nội cụ Khánh. Chính xác ông qua Mỹ năm nào mình không biết, nhưng đoán là vào khoảng giữa thập kỷ 60 thế kỷ trước. Ông qua Mỹ du học và trở về Việt Nam làm việc sau đó. Đến năm 1975, cả gia đình cụ Lý lên tàu rời quê hương sang Mỹ, trở thành gia đình đầu tiên trong họ đến định cư Mỹ. Đó là họ nhà mình, còn nhìn rộng ra cả nước, mình tự hỏi ai là người Việt đầu tiên đến Mỹ?
Nếu họ nhà mình có người đến Mỹ vào những năm 60 thì người Việt đầu tiên đến Mỹ ắt phải là trước đó đã lâu. Mình thử đi ngược lại thời gian và điểm qua một vài nhân vật nổi tiếng đã đến Mỹ trước đó để có một chút khái niệm về bối cảnh cho câu hỏi trên.
Từ năm 1950 đến 1952, trong thời gian chiến tranh Việt Pháp, ông Ngô Đình Diệm lên đường sang Mỹ vận động sự ủng hộ của họ cho một chính phủ quốc gia không Cộng Sản. Sự ủng hộ của một số nhân sỹ ở Mỹ đã giúp ông Diệm trở thành thủ tướng dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại năm 1954 và trở thành Tổng Thống đầu tiên của miền Nam vào năm 1955 sau đó.
Ông Diệm không phải là người Việt nổi tiếng đầu tiên sang Mỹ. Trước đó 40 năm, Nguyễn Ái Quốc đã đến Mỹ khi còn làm phụ bếp trên một tàu buôn của Pháp. Những năm 1912, 1913 đất nước Mỹ hẳn còn khá xa lạ với người Việt. Nươc Mỹ ngày ấy còn hướng nội, tập trung sức lực vào phát triển quốc gia. Khi thế chiến thứ nhất bắt đầu năm 1914, người Mỹ còn hờ hững và xem đấy như là vấn đề nội bộ của châu Âu. Dù Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc thế chiến thứ nhất năm 1919 với việc đưa cả trăm ngàn lính sang giúp Anh, Pháp chống trả liên quân Đức-Áo-Thổ, nhưng phải đợi đến sau thế chiến thứ 2 Mỹ mới thực sự trở thành siêu cường đứng đầu khối tư bản, và có một chính sách ngoại giao cũng như quyền lợi bao phủ toàn cầu.
Không có gì lạ khi mình ôn lại trong suốt giai đoạn mà bài viết trước mình gọi là “trăm hoa đua nở” với việc nở rộ nhiều đảng phái cách mạng, tư tưởng trong nước tìm con đường phục hưng dân tộc, không nhớ có ai qua Mỹ mà chỉ thấy Cụ Phan Bội Châu kêu gọi Đông Du qua Nhật, người Cộng Sản qua Nga, Quốc Dân Đảng qua Tàu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu và nhiều trí thức miền Nam khác qua Pháp.
Vậy thì trước năm 1911, đã có người Việt nào đến Mỹ? Nước Mỹ tuyên bố độc lập năm 1776, có Hiến Pháp năm 1787, và có Tổng Thống đầu tiên năm 1789 (trùng với Cánh Mạng Pháp và cũng là năm vua Quang Trung chiến thắng 200 ngàn quân Thanh ở Thăng Long), như thế thì người Việt đầu tiên không thể đến Mỹ trước đó được. Dựa theo những bài viết mà mình đã đọc qua và còn nhớ thì người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam là năm 1819, đời vua Gia Long, và bên Mỹ là thời Tổng Thống Monroe. Năm 1832, người Mỹ lại đến Việt Nam một lần nữa, lúc này dưới thời vua Minh Mạng, và ở Mỹ là thời Tổng Thống Jackson. Lần thứ nhất năm 1819, người Mỹ vào Sài Gòn và có lẽ chỉ để khám phá đất nước Việt Nam bé nhỏ xa xôi. Lần thứ 2 họ đến Huế trình quốc thư mong muốn có một hiệp ước thương mại với nước Đại Nam. Không cần nói thì chắc ai cũng đoán được lời yêu cầu không thành. Hoàn cảnh lịch sử Á Châu nói chung và đặc thù phát triển lịch sử của Việt Nam đã cho ra đời một triều đại vua quan (và cả dân?) bảo thủ vào thế kỷ 19 và vì thế đã bỏ lỡ cơ hội bang giao với Mỹ, và nhiều cơ hội khác.
Như thế người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam là vào năm 1819, vậy còn người Việt đầu tiên đến Mỹ là năm nào?
Đó là năm 1874, và người Việt đó là Bùi Viện.
Bùi Viện người Nam Định, sinh năm 1839, đỗ Cử Nhân năm 1868, khi ông 29 tuổi. Bằng Cử Nhân ngày xưa không cần nói ai cũng biết có giá trị hơn cả bằng Tiến Sỹ ngày nay bởi thời xưa 3 năm mới tổ chức thi Hương một lần, và cả nước chỉ có 6, 7 trường thi Hương ở những tỉnh lớn như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Quảng Nam và Gia Định và mỗi trường chỉ lấy đỗ vài chục ông Hương Cống. Như thế thì ngày xưa cả nước mỗi 3 năm mới có hơn trăm ông Cử, thật là quá hiếm hoi. Nhà Nho không đỗ đạt vẫn có thể làm thầy đồ, được làng xã kính trọng, còn đỗ Tú Tài thì đã có thể ra làm quan trong tỉnh, và đỗ đến Hương Cống thì có thể ra kinh đô làm quan được. Bùi Viện nằm trong số cuối này. Năm 1873, sau 5 năm nhà Nguyễn nhường toàn bộ miền Nam cho Pháp (tức là từ biên giới giữa Bình Thuận và Đồng Nai xuống đến mũi Cà Mau), và nhận ra sức mạnh của Tây phương và nguy cơ bị Pháp dựng cớ dùng áp lực áp đặt chế độ thuộc địa lên cả nước, vua Tự Đức cử Bùi Viện sang Mỹ đề nghị đặt quan hệ và hy vọng nhờ Mỹ giúp chống Pháp.
Tiếc là lần đó không có quốc thư nên 1 năm sau, tức năm 1875, Bùi Viện một lần nữa lại sang Mỹ với chức vị Khâm quốc đại thần. Nhưng năm này quan hệ giữa Mỹ và Pháp tốt đẹp nên kết quả không thành. Tài liệu mình đọc nói thế nhưng nếu nhìn rộng hơn mình có thể đoán là dù Mỹ và Pháp có quan hệ xấu như những năm 1860s liên quan đến nội chiến ở Mexico thì nước Mỹ ngày ấy chỉ có chính sách ngoại giao giới hạn trong phạm vi châu Mỹ. Từ sau thuyết Monroe ra đời năm 1823, Hoa Kỳ xem sự can thiệp của bất kỳ đế quốc Âu châu nào đến châu Mỹ là xâm phạm đến quyền lợi của Mỹ. Và chính sách ngoại giao quân sự của Mỹ chỉ giới hạn như thế. Chỉ trong phạm vi châu Mỹ. Khó có thể hình dung Mỹ cài quyền lợi của nước mình vào một đất nước nhỏ bé, lạc hậu xa xôi vạn dặm và gây hấn với cường quốc Pháp vì vương quốc ấy.
Lịch sử nhìn ở một góc đó nào đó có đầy dẫy những cơ hội bỏ lỡ, nhưng ở một khía cạnh khác thì nó chẳng có gì là ngẫu nhiên mà chỉ là sự tất yếu, phảng phất cái ý của Ngô Thời Nhậm theo tương truyền đã nói “thời thế thế thời phải thế.”
Thế thì mình có thể xem Bùi Viện là người Việt đầu tiên đến Mỹ cho đến khi mình có dịp đọc hay nghe nói về một tài liệu khác tiết lộ có một người Việt khác đến Mỹ trước đó nữa.
Từ đó đến nay đã 135 năm, 5 thế hệ, 2 đời người. Có ngờ đâu ngày hôm nay gia đình mình lại đang ở đất nước mà cách đây một thế kỷ ông bà mình chắc nhiều người còn không biết nó ở đâu.
Và bây giờ, sau 18 năm đặt chân đến đây, bố nhắm mắt yên nghỉ ở đất nước này. Cũng cái thời gian ấy ngày trước nó dài đằng đẵng, nhưng ngày hôm nay sao nó ngắn ngủi thế. Chỉ một thoáng là vụt tắt.
Bai viet cua chau chi tiet that, co co doc nhieu sach roi nhung khong co tri nho tot, doc de tim hieu ma thoi cho nen khong dinh viet or ke lai cho mot ai nen cung khong viet ra de ma………. vay la cung phai ke them la neu ba Oanh sang day luon thi coi nhu con co moi chi Cu Quynh la con o lai VN, va Cu Pho Hoi tuc la em gai cu Quynh
Những bài viết như thế này, cháu không nhớ hết mọi chi tiết được mà phải vào mạng ôn lại những chi tiết mình quên.
Bùi Viện có liên hệ với Bùi Kiệm không nhỉ? 😀 Bài viết hay lắm Ngân, viết tiếp nhé.
@Trailangchoi: chắc Bùi Viện là tổ tiên cũa Bùi Kiệm. Cha làm thầy con phải đốt sách, vậy mới âm duơng cân đối. 😈
chuong nhắc mới nhớ, còn Bùi Chu Phát Diệm thì sao nhỉ
Họ Bùi tên 2 chữ có mấy người nổi tiếng (ngoài Bùi Kiệm) là Bùi Diễm, Bùi Kỷ, ai có thời gian viết về họ Bùi sẽ hấp dẫn đó 😛