Lịch sử Do Thái

Thế là Giáng Sinh đã qua. Mấy ngày nay mình chỉ ở nhà, nghỉ ngơi, đi lễ đêm 24, và xem TV. Chỉ thế thôi, không tiệc tùng, treo đèn hay trang trí cây thông, cũng chẳng có bữa ăn đặc biệt mùa Giáng Sinh như người Mỹ. Hai vợ chồng tranh thủ thời gian dọn dẹp nhà cửa, và ghé chợ Á châu mua mấy con cá tươi về chiên lên làm bữa ăn sau ngày Giang Sinh. Hôm 25, ngày Giáng Sinh, các tiệm ăn của Mỹ đều đóng cửa nên 2 vợ chồng ghé nhà hàng Ấn Độ ăn cho vui. Chỉ thỉnh thoảng mình mới ăn đồ Ấn và lần này cũng không có gì đặc biệt hơn, vẫn mấy món cà ri. Ăn xong thì nhủ thầm thôi một năm nữa đi ăn lại là đủ rồi!

Mấy ngày Giáng Sinh năm nay TV Mỹ bận rộn với tin một nam thanh niên người Nigeria bị phi hành đoàn và hành khách trên máy bay bắt giữ vì hành động khủng bố kích hoạt chất nổ trên chuyến bay từ Amsterdam đến Detroit ngay hôm Giáng Sinh. Ngoài ra là tin biểu tình bạo động ở Iran giữa những người chống chính quyền hiện thời và cảnh sát đưa đến cái chết của gần chục người, và tin lính Do Thái bắn chết 6 người Palestine.

Ở Mỹ, xem tin tức không phải chỉ để biết về thế giới chung quanh mình mà còn là để… giải trí! Chẳng thế mà nhiều đài truyền hình lớn như CNN, FOX, MSNBC có đủ mọi loại chương trình, phóng sự suốt cả ngày và cách đưa tin của họ mình nhận thấy không còn chỉ mang tính truyền bá thông tin nữa, mà là tìm cách hấp dẫn, thu hút khán thính giả bằng hình thức kỹ thuật, ngôn từ có lúc tưởng như họ đã đi quá sự thật nhưng thật ra họ chỉ… có thể “kéo dãn” sự thật  mà thôi bởi các hãng thông tấn của Mỹ có dư sự khôn ngoan để biết níu kéo người xem không đổi kênh khác mà không bao giờ bước qua cái lằn răn giữa thông tin trung thực và “sự lộng ngôn.”

Đó là truyền thông ở Mỹ, còn ở Việt Nam, mình nhớ tin tức thế giới chiếm một thời lượng khá khiêm tốn trên TV bởi đối với một người dân thường, những vấn đề bất cập, bức xúc trong xã hội cần được thấy báo chí, truyền thông phân tích, mổ xẻ và công bố rộng rãi hơn là chuyện ở… xa tít bên Tây bên Tàu. Ngày nay người ta có thể vào Internet truy cập thông tin dễ dàng, nhưng theo một bài báo phân tích về số người dùng internet ở VN mà mình đọc qua thì tuy số người vào Internet ở VN khá đông, có đến vài chục triệu, nhưng đa số là vào chơi game, một lượng nhỏ hơn vào tìm kiếm thông tin và một số nhỏ hơn nữa vào đọc tin tức. Mà trong số này hẳn đa số là đọc bằng tiếng Việt, tức cũng là những tin tức đăng trên báo giấy trong nước, và ít nhiều giống tin tức trên TV. Tóm lại tin tức thế giới ở VN mình thấy giống như xem để cho biết vậy thôi bởi đại đa số dân mình đời sống còn khó khăn, việc đi du lịch vẫn chỉ mang tính nội địa hoặc xa hơn là vùng (Đông Nam Á). Hơn nữa cuộc sống trước mắt còn lắm âu lo thì còn thời gian, tinh thần đâu nghĩ đến chuyện xa xôi.

Mình nhớ lúc sinh tiền, bố mình hay để ý đến những tin tức, sự kiện ở Trung Đông, có lẽ bởi vùng này được thế giới qua tâm nhiều vì vị trí chiến lược, tài nguyên dầu thô, và là nơi phát sinh những tổ chức khủng bố nên báo chí, TV thường nói đến. Ngày xưa, trước khi bố bắt đầu có thói quen vào Internet đọc tin tức, bố thường xem TV vào buổi tối sau khi đi làm về. Bố không hiểu người ta nói gì trên TV nhưng bố xem hình ảnh, âm thanh và thỉnh thoảng mấy anh em dịch vài câu mình hiểu cho bố nghe thì bố cũng hỉêu được chút ít những tin nổi bật. Cách đây 4, 5 năm việc xem truyền hình cáp tiếng Việt từ đài hải ngoại cho đến đài trong nước còn giới hạn và chương trình nghèo nàn. Ngoai TV Mỹ, bố còn mua một tờ bán nguyệt san Ngày Nay, xuất bản bên Minessota, về đọc và nó trở thành nguồn tin tức chính của bố hơn 10 năm. Sau này, khi bố dần làm quen được với cách sử dụng computer và vào mạng đọc tin tức tiếng Việt thì bố ít xem TV hơn và cũng không còn đọc nhiều tờ Ngày Nay nữa vì tin tức trên 1 tờ bán nguyệt san luôn chậm hơn tin tức thời sự 2 tuần và họ chủ yếu chuyên chú vào các bài phân tích hoặc phóng sự.

Nhớ những lúc mình và bố cùng xem TV khi họ chiếu những hình ảnh xung đột ở Trung Đông, cụ thể là giữa người Do Thái và Palestine, mình thấy bố có thiện cảm với người Palestine hơn. Đó là thời gian đầu ở Mỹ mà bây giờ mình nghĩ có lẽ ít nhiều là ảnh hưởng báo chí trong nước mà khi còn ở VN bố đọc mỗi ngày. Truyền thông trong nước ưu tiên đưa tin trong nước hơn hẳn, nhưng mỗi khi đăng vài bản tin thế giới, cụ thể về Trung Đông, cách nhìn của họ luôn mang tính lên án chính quyền Do Thái và có thiện cảm với người dân Palestine.

Truyền thông ở Mỹ đa số nghiêng về người Do Thái, nhưng vẫn có rất nhiều tờ báo, bài viết bênh vực người Palestine, và đó là chỉ là cách nói thậm xưng vì thật ra khi viết về xung đột ở Trung Đông, mình thấy báo chí Mỹ đều phân tích tỉ mỉ, khách quan; có thể có câu này ủng hộ hành động của phía Do Thái, nhưng lại cũng có câu kia chỉ trích họ, và cuối bài viết người đọc thường được cảm giác tự do kết luận riêng cho mình mà không thấy như có ai đó dọn sẵn đường cho mình suy nghĩ.

Bởi thật ra sự tranh chấp ở vùng đất Palestine (gồm cả nước Do Thái và lãnh thổ thuộc Nhà Nước Palestine mà một phần đang bị Do Thái chiếm đóng) phức tạp hơn cái nhìn đơn giản là cá lớn ăn hiếp cá bé, và kẻ mạnh ức hiếp kẻ nghèo.

Thời gian sau này mình dịch nghĩa cho bố nghe khi xem tin tức trên TV về vùng đất Palestine (mình luôn cố gắng dịch nghĩa của người Mỹ chứ không để lẫn lộn chính kiến của mình trong đó) thì mình thấy suy nghĩ của bố bắt đầu dịch chuyển về phía Do Thái và cuối cùng bố đi đến cái nhìn ở giữa, mặc nhiên công nhận sự khó khăn trong việc tìm lời giải cho xung đột ở vùng đất này.

Xung đột ở vùng đất Palestine bắt đầu một năm trước khi bố vào đời, và ngày hôm nay sau khi bố đã nằm xuống thì triển vọng hòa giải ở vùng đất này vẫn còn mù mịt. Ngày xưa còn nhớ có lúc bố con say sưa đàm luận thời sự mà nay thì chỉ còn có mình, tưởng đâu mọi thú vị, đam mê cũng sẽ tan biến theo bố vì việc làm dù nhỏ đến mấy của mình cũng thấp thoáng đâu đó hình ảnh bố. Bố bỏ đi như bữa cơm không có muối, cuộc sống trở nên nhạt nhẽo, lạt thếch. Thế rồi thời gian trôi đi, giật mình nhớ lại những bộ phim sau khi nhân vật chính đã chết, người xem ngậm ngùi tiếc nuối, chờ đến đoạn kết nhưng nào có thấy gì mà thật ra phim vẫn cứ tiếp diễn, cứ diễn ra bất chấp người xem có quan tâm hay không. Và mình đang sống trong tập kế tiếp của cuốn phim đó. Chỉ tiếc khôn nguôi người trong tập trước không có mặt nữa. Ước mong ở đâu đó bố vẫn xem tiếp tập kế cuốn phim cùng con cháu, dù thịnh hay suy, dù vinh hay sỉ bố vẫn chứng giám, vẫn đồng hành để con cháu được ấm áp mà bố cũng không cô đơn một mình.

israel
nước Do Thai ngày nay

Vùng đất Palestine nằm ngay giữa trung tâm thế giới. Nhìn vào bản đồ mình có thể thấy nó nằm ngay giao điểm giữa 3 châu lục là Âu châu, Phi châu và Á châu. Ngày xưa, khi châu Mỹ còn dính liền với châu Phi và châu Âu và châu Úc còn dính liền với châu Á thì vùng đất này vẫn là tâm điểm. Hai nền văn minh đầu tiên của nhân loai đều xuất phát từ Trung Đông là văn minh Nhị Hà (ở Iraq ngày nay) hơn 3000 năm trước Công Nguyên (CN) và văn minh sông Nile (ỏ Ai Cập)  gần 3000 năm trước CN. Nhưng Do Thái (hay vùng đất Palestine là một) không phải chỉ nằm ở trung tâm thế giới mà vùng đất này còn là cái nôi của 3 tôn giáo lớn trên thế giới nữa. Đạo Thiên Chúa (bao gồm Công Giáo, các hệ phái Tin Lành và Chính Thống Giáo ở Đông Âu) với số giáo dân gần 2 tỉ, đông nhất thế giới, xuất phát từ vùng đất này đã đành, mà đạo Hồi Giáo với số tín đồ 1 tỉ  rưỡi (đứng thứ 2 sau Thiên Chúa giáo) tuy có thánh địa ở Mecca thuộc nước Arab Saudi mà Jerusalem ở Do Thái vẫn được xem là thánh địa thứ 3 của họ vì tiên tri Mohammad ngày xưa đã gặp đứa Allah ở đây và lịch sử vùng đất này cũng là một phần của giáo lý Hồi Giáo. Tôn giáo lớn thứ 3 xuất phát ở Do Thái không lạ chính là Do Thái Giáo, một tôn giáo với khoảng 20 triêu tín đồ và quan trọng ở chỗ kinh Thánh của họ một phần lớn cũng chính là kinh Cựu Ước của đạo Thiên Chúa (Thánh kinh của Thiên Chúa Giáo gồm Cựu Ước và Tân Ước lấy thời điểm Chúa Giêsu ra đời mà chia ra) và cũng được đạo Hồi xem là kinh sách của các tiên tri. Đạo Hồi xem đây là kinh sách của tiên tri vì họ xem các ông Abraham, Mosen, chúa Giêsu đều là các tiên tri, tức là những người được Chúa Trời (đạo Hồi gọi là Allah) mặc khải, nói cho những điều mà người thường không ai biết. Tuy nhiên đối với Hồi giáo thì chỉ đến khi tiên tri Mohammad ra đời thì Chúa Trời mới mặc khải toàn bộ và đó là lần mặc khải cuối cùng và đầy đủ tín lý đức tin. Đấy là vào đầu thế kỷ thứ 7, tức từ năm 610 đến 632 khi tiên tri Mohammad được đức Allah mặc khải. Thời kỳ này Việt Nam còn nội thuộc Trung Hoa, lúc đó đang là đầu đời nhà Đường. Lúc đó đạo Phật đã phát triển đã được vài trăm năm ở Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung. Tín đồ Hồi giáo đầu tiên, tức tin vào tiên tri Mohammad, chính là vợ của ông, chính xác hơn là người vợ đầu của ông.

Lịch sử Do Thái không phải chỉ có huyền thoại về sự ra đời của dân tộc họ như những dân tộc khác mà nó gắn liền với huyền thọai. Lịch sử và tôn giáo Do Thái là một, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Về mặt khảo cổ học thì lịch sử Do Thái chỉ bắt đầu cách đây khoảng 2700 năm, tức 700 năm trước CN. Tuy nhiên, theo Cựu Ước, tức chính là một phần của kinh Torah đạo Do Thái thì lịch sử Do Thái có cách đây 4000 năm. Kể ra cũng còn khiêm tốn hơn lịch sử 5000 năm văn hiến của mình, vốn chỉ có thể là huyền sử, mang tính tượng trưng, phản ánh niềm tin, suy nghĩ người xưa hơn là sự thật, việc thật. Như vậy về mặt khảo cổ học, tức hoàn toàn mang tính khoa học, thì lịch sử nước Do Thái tương đương lịch sử Việt Nam, bởi dầu sách sử chữ Nho ngày xưa của mình cho rằng 18 đời vua Hùng bắt đầu từ năm 2879 trước CN, ý muốn sánh ngang với thời Tam Hoàng Ngũ Đế bên Tàu, nhưng thật ra văn minh Đông Sơn, tức thời kỳ 18 vua Hùng, chỉ có cách đây cũng khoảng 700 năm trước CN mà thôi. Trước đó chỉ là các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, nhưng chỉ dừng ở mức văn hóa với các dụng cụ trong nhà, ngoài đồng còn để lại chứ chưa có tổ chức xã hội phức tạp như pháp luật, sự phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội mà một nền văn minh phải có.

Vậy mình thử ôn lại huyền thoại lịch sử Do Thái, vốn cũng là một phần đức tin Thiên Chúa Giáo, và nếu so sánh với khảo cổ học thì tuy không có gì chứng minh là hiện hữu nhưng thỉnh thoảng vẫn được tham khảo để các nhà khảo cổ truy cứu, tức vẫn có một giá trị lịch sử khiêm tốn.

Lịch sử Do Thái bắt đầu từ khoảng thế kỷ 19 trước CN khi tổ phụ Abraham dẫn bộ tộc Do Thái rời đô thị Ur ở Iraq ngày nay đến vùng đất Palestine, miền đất Chúa Trời, tên là Yahweh theo đạo Do Thái hứa dành cho dân tộc này. Dân Do Thái ở đây cho đến thế kỷ 13 thì Ai Cập chiếm đóng vùng đất này và bắt dân Do Thái đem về nước Ai Cập làm nô lệ. Đến thế kỷ 12 trước CN, ông Mosen được Chúa Trời chọn giúp đưa dân Do Thái ra khỏi vòng nô lệ và trở về vùng đất hứa ngày xưa của họ là Palestine.  Đoạn đường chông gai thóat khỏi vòng nô lệ từ Ai Cập về Do Thái tuy chỉ khoảng 400km nhưng có thể hình dung ngày ấy là rất xa xôi, và trên đường đi họ được Chúa Trời giúp tách biển Hồng Hải làm hai cho dân Do Thái qua. Ở bán đảo Sinai, nằm giữa Ai Cập và Do Thái, họ nghỉ chân và tại đây Chúa Trời đã ban 10 điều răn cho ông Mosen, là nền tảng đức tin của đạo Thiên Chúa và Do Thái sau này. Về đến đất Palestine, người Do Thái phải đánh nhau với những người mới đến vùng đất này ở trong thời gian họ bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập, có thể so sánh với cái nhìn của người do Thái năm 1948 khi họ lập quốc và phải chiến đấu với người Palestine là những người đến sau, ít nhất là sau khi dân Do Thái bị mất quốc gia và tản mác khắp thế giới năm 70 sau CN, cách đây gần 2000 năm.

Chiến thắng những người bản địa mà dân Do Thái cho là đến sau và chiếm thánh địa của họ, dân Do Thái dưới sự lãnh đạo của các vua Saul, David và Solomon tạo thành một vương quốc thịnh vượng, hùng mạnh trong vùng. Vua Solomon chính là vua xây đền thánh Jerusalem đầu tiên khoảng 1000 năm trước CN và vua David là vị vua mà sau này Chúa Giêsu xưng mình là dòng dõi. Sau đời vua Solomon, đất nước Do Thái đi vào thời kỳ phân rã và theo Thánh Kinh là họ bất tuân phục lời Chúa Trời nên bị trừng phạt. Đầu tiên là Do Thái bị chia làm 2, một là nước Israel ở phía Bắc và hai là Judah ở phía Nam (có đền thánh Jerusalem). Nước Israel đến thế kỷ 8 trước CN bị đế quốc Assyria trong vùng xâm chiếm và bắt làm nô lệ. Người dân Do Thái ở đây bắt đầu sống chung với những dân tộc khác và phai nhạt văn hóa, tôn giáo của mình. Người Do Thai sau này xem những người này là Samaritans, tức những người đi lầm đường lạc lối, do không vững đức tin mà đánh mất Chúa. Nhưng nước Judah ở phía Nam cũng không may mắn hơn. 100 năm sau đó, nước này bị nước Babylon thôn tính và bắt đầu thời kỳ nô lệ Babylon trong Thánh Kinh và cũng là khi đền thánh Jerusalem bị đập phá lần thứ nhất. Đây chính là thời kỳ mà nhiều nhà tiên tri xuất hiện báo trước sẽ có Đấng Cứu Thế giáng trần cứu rỗi dân Do Thái. Sau này khi Chúa Giêsu xuất hiện, đại đa số người Do Thái chỉ xem như một rabbi (thầy tu) bình thường chứ không xem đó thật sự là Đấng Cứu Thế như người Thiên Chúa Giáo, vốn ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ tông đồ theo Chúa Giêsu người Do Thái.

Thế kỷ thứ 6 trước CN, đế quốc Sassanid thuộc Iran bây giờ xâm chiếm vùng này và giải phóng dân Do Thái. Dân Do Thái từ các vùng khác nhau (trong phạm vi Trung Đông) lần lượt trở về đất Palestine và họ bắt đầu xây dựng lại đền thánh Jerusalem. Đến những năm cuối trước CN đền thánh Jerusalem được chỉnh sửa thêm dưới thời vua Herod (Hê Rô Đê) và đến năm 70 sau CN nó lại bị phá hủy lần thứ hai bởi lính La Mã sau khi người Do Thái nổi loạn chống sự thống trị của La Mã. Cho đến ngày hôm nay, người Do Thái đang trông đợi được xây lại đền thánh Jerusalem lần thứ 3, mà hiện giờ chỉ còn lại bức tường và tòan bộ phần còn lại chỉ là ụ đất làm nền cho một đền thánh Hồi Giáo được xây dựng trên đó sau khi người Hồi giáo chiếm đóng vùng đất này vào thế kỷ thứ 7 sau CN.

Bài viết hơi dài nên mình tạm dừng đây, hy vọng sẽ nối tiếp trong lần tới.

7 thoughts on “Lịch sử Do Thái”

  1. Nguyễn Hoàng Family
    Bài viết rất hạy Mình rất quan tâm đến đất nước, con người, văn hóa, kinh tế Do thái. Các yếu tố cấu thành con người do thái trong nhiều năm quạ Phải có gì đó mà mọi người cho họ là “Dân tộc thượng đẳng”

  2. Hy vọng bạn viết vài bài nữa để mọi người được mở rộng tầm mắt. Rất cảm ơn

  3. Bài viết hay lắm!
    Cứ ngỡ lịch sử nước nhà là hay nhất rồi không ngờ lịch sử Do thái cũng rất thú vị

Leave a Reply