Một kỷ niệm về bố mình

Suốt quãng thời gian mình sống với bố, bố làm nhiều nghề khác nhau, lâu nhất là ở công ty đo đạc, sau đó là nuôi gà, nuôi cút, rồi đến đóng giầy,… Nhưng da diết hơn cả trong ký ức mình là giai đoạn bố đạp xích lô. Có lẽ thời gian bố làm ở công ty đo đạc tuy là lâu nhất, nhưng bố hay đi xa, hơn nữa mình lại quá nhỏ nên không nhớ gì mấy ngoài thấp thoáng hình ảnh một vài lần bố dẫn mình và chị Thục đến cơ quan bố ở trong khu Thị Nghè và hai chị em mình được đồng nghiệp bố cho ăn bánh in. Mình còn nhớ là ngon lắm! Nếu trí nhớ không phụ mình thì bố bắt đầu đạp xích lô khi mình học lớp 1 hay 2… và như thế thì bố đạp xích lô quãng 1985 đến 1988.

Hồi ấy những ngày đầu năm học, học sinh thường phải khai sơ yếu lý lịch, trong đó có mục kê ra nghề nghiệp của bố mẹ. Mình thường hãnh diện ghi xuống mẹ là giáo viên, nhưng hay miễn cưỡng và có phần xấu hổ khi phải nói bố đạp xích lô. Mỗi lần đạp xích lô, bố mặc bộ đồ chắp vá lắm. Bố thường đạp xe từ chiều đến tối. Hồi nhỏ mình chẳng mấy để ý, mãi về sau mình kết hợp trí nhớ với lời kể của bố mới biết bố mượn chiếc xích lô của ông nội và thường thì ông nội đạp buổi sáng, đến chiều tối là phiên bố. Chú Trung ngày ấy mình nhớ cũng đạp một thời gian ngắn.

Bố rong ruổi với chiếc xích lô đây đó khắp Sài Gòn đến chiều tối thì ghé về nhà ăn cơm. Sau mỗi bữa, bố và mẹ ngồi nói chuyện người lớn, còn bọn mình thì chỉ thích ra ngồi xích lô vừa trông xe cho bố, vừa hóng mát, và có khi lại vừa ăn nắm cơm cháy mẹ thỉnh thoảng nắm cho mấy anh em. Thi thoảng có đứa trong xóm xin được ngồi ké xích lô thì mình lại có dịp làm phách! Đến tối khuya bố đạp xong, về đến nhà chắc đã là 9, 10 giờ tối. Những ngày bố có cuốc xa, kiếm rủng rỉnh hơn, bố thường mua mấy ổ bánh mì vừa ra lò còn nóng hổi ở lò bánh mì ngay chân cầu Mới đem về nhà mấy bố con cùng ăn. Ngoài ra bố cũng hay sai anh Trường và mình mua nước mía bên kia đường và như thế là đủ để mình trông ngóng bố đạp xích lô chóng về! Mình còn nhớ mẹ hay dặn mấy anh em không được uống nước mía nhiều quá, mà phải nhớ để bố uống trước vì bố vừa khó nhọc đạp xích lô về. Ngày ấy cực khổ, ai cũng thèm ngọt, mấy anh em chạm được tay vào bình nhựa đựng nước mía lạnh buốt vì có đá lạnh thì chẳng muốn buông tay ra chút nào! Nét hồn nhiên trẻ con thật buồn cười nhưng đâu đó trong mình là sự ngầm ngùi nhớ bố, có ngờ đâu những năm tháng khó nhọc nhất lại in đậm vào ký ức mãi cho đến khi bố không còn ở bên cạnh mấy anh em nữa. Và những kỷ niệm kia cũng trở nên bơ vơ, lạc lõng vì thiếu bố.

Cách đây hơn 10 năm, khi ông ngoại mình còn sống, cả nhà hay cười ông vì ông hay khóc mỗi khi nhắc chuyện xưa. Ông khóc như trẻ con vậy. Khi còn thời tuổi trẻ, mình dễ bận rộn theo đuổi những tham vọng, hoài bão, và dễ bàng quang cái kho tàng tinh thần quá khứ cho mình. Nhưng ở tuổi già, sau những năm tháng dài nếm đủ các vị ngọt và cũng thấm biết bao vị đắng và thất bại trong cuộc sống, khi mình cảm nhận được rõ hơn bao giờ hết những sân si, tranh đua trong cuộc sống chỉ là sự vẫy vùng vô vọng, khi trước mặt mình không có tương lai mà chỉ còn lại quá khứ mình đã sống, thì quả thật khó mà không mủi lòng nhìn thời gian đang dần chôn lấp quá khứ và cuối cùng là cả chính bản thân mình.

Nếu là ngày cuối tuần, mình nhớ bố hay chở mấy anh em qua nhà ông bà nội chơi trong khi bố đạp xích lô. Ở đó mấy anh em mình nô đùa với anh Thái, Chương, con bác Tùng. Chơi cho lắm rồi mấy anh em lại cãi vã nhau, nên lắm lúc cả bọn bị ông nội bắt nằm xấp đánh đòn. Đến tối, bố đạp xích lô xong thì ghé trả xe cho ông nội và chở mấy anh em về theo. Có thời gian bố không đạp xích lô, nhưng đến cuối tuần bố cũng hay chở anh em qua nhà ông bà nội. Mình nhớ có lần trên đường về nhà, mình hư thế nào ấy nên bị bố thả xuống xe rồi dọa sẽ bỏ giữa đường. Con đường từ nhà ông bà nội về nhà mình quen thuộc biết bao mà mỗi khi bị dọa bỏ giữa đường thì khung cảnh lúc đó trở nên xa lạ, lạnh lẽo khác thường!

Ngày ấy mỗi lần bố chở mấy anh em ngang qua Lăng Ông, bố hay nói ở đây có mộ Tổng Trấn Gia Định ngày xưa, hay còn gọi là Tả Quân. Lúc ấy mình chẳng mấy quan tâm, chỉ biết trong đó có nhiều người ăn xin vãng lai, không gian trông ảm đạm và tối tăm, không hấp dẫn trẻ con như mình ngọai trừ là ngày lễ và người ta tổ chức hội chợ trong đó. Mãi đến sau này, mình đọc về ông và hiểu nhiều điều rất đặc biệt về ông và giai đoạn lịch sử thời ông. Khi bố còn sống, mình thỉnh thỏang lúc trà dư tửu hậu cũng có kể chút ít về ông cho bố nghe những gì mình đọc được.

Bố không phải là người quan tâm nhiều sử sách, nhưng với anh em mình nhớ bố nhắc nhiều nhất đến Tả quân Lê Văn Duyệt, có lẽ vì gia đình mình qua nhà ông bà nội bao lần là bấy nhiêu lần mình đi ngang qua mộ ông vì mộ ông nằm ngay chính giữa đọan đường… đối với mình bây giờ là huyền thoại đó! Nhưng điều đó lại làm mình hứng thú đọc về ông hơn, dù tiểu sử ông tự nó vốn đã là một thiên trường sử đặc sắc.

Vậy mình tóm tắt vài dòng về ông trong đây, một nhân vật quan trọng hàng đầu trong việc mở mang phát triển vùng Sài Gòn Gia Định nói riêng và cả miền Nam nói chung. Nếu ai đó mở gia phả nhà mình ra xem thì sẽ thấy cụ tổ họ mình Hoàng Quý Công sinh vào thời Tả quân. Chính xác thì Tả quân lớn hơn cụ tổ mình đến 19 tuổi, nhưng nếu mình biết về tiểu sử của Tả quân thì cũng phần nào hiểu được bối cảnh xã hội, đất nước thời cụ tổ, dầu biết rằng cụ tổ họ mình ở tận ngoài Bắc, còn Tả quân thì chủ yếu sống và làm việc ở trong Nam, hay còn gọi là Đàng Trong thời ấy. Tả quân sinh năm 1763 tức là giai đoạn cuối thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Ông lớn lên khi đất nước bước vào cuộc nội chiến tương tàn kéo dài 30 năm (1772 đến 1802) giữa nhiều thế lực khác nhau. Mình có đọc qua sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Thì Chí thì thấy sử Việt mình trong giai đoạn này “ly kỳ” giống như thời Tam Quốc Chí bên Tàu vậy. Năm 1772 Tây Sơn nổi lên ở Bình Định và trong vòng 6 năm lật đổ cơ nghiệp Chúa Nguyễn gần 200 gầy dựng! Suốt 10 năm Nguyễn Nhạc sai em là Nguyễn Huệ vào Nam truy lùng, nhưng đều thất bại, người hậu duệ dòng chính duy nhất còn lại vẫn trốn tránh ở miền rừng rậm, sông ngòi, và bền chí mưu đồ phục dựng cơ nghiệp cha ông. Lịch sử Việt Nam không biết có ngã rẽ nào khác nếu ngày đó chúa Nguyễn Ánh không có số lớn và phải chết dưới đoàn quân tinh nhuệ của Nguyện Huệ? Đàng Ngoài thời ấy có thể tóm tắt bằng câu nói của Nguyễn Hữu Chỉnh là như cái vỏ ốc, nhân tài hào kiệt đã cạn! Nguyễn Hữu Chỉnh là tướng thủy quân ở Đàng Ngoài nhưng vì lục đục nội bộ trong chính biến năm 1782 mà phải xuôi thuyền vào Huế nương nhờ nhà Tây Sơn. Chúa Trịnh không có số lớn như chúa Nguyễn và cũng không có một hậu duệ bền chí, đảm lược như Nguyễn Ánh nên sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc năm 1786 xô đổ cơ nghiệp chúa Trịnh cũng lâu 200 năm như chúa Nguyễn thì nghiệp chúa coi như chấm dứt với họ Trịnh. Duy vua Lê thì còn giữ được ngai vàng thêm 3 năm nữa cho đến năm Kỷ Dậu 1789. Chiến thắng Tết Kỷ Dậu năm 1789 kết thúc mưu đồ nội thuộc lần thứ 3 của người Tàu (2 lần trước là 1000 năm thời tiền lập quốc 111 trước Công Nguyên đến 938 sau Công Nguyên và 20 năm nhà Minh đô hộ từ 1407 đến 1427 với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn). Chiến thắng Kỷ Dậu cũng chấm dứt ngôi báu nhà Lê kéo dài lâu nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam suốt từ 1430 đến 1789, khoảng 350 năm gần như liên tục.

Đến đây bối cục chính trị Việt Nam từ chia 3, chia 5 nay rút xuống còn 2, là giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn! Suốt 10 năm chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn từ 1792 đến 1802 có thể nói nhà Tây Sơn gặp bao nhiêu điều không may khi nội bộ lủng củng, đấu đá thì chúa Nguyễn lại gặp biết bao may mắn với sự giúp sức ít nhiều của Pháp, Xiêm và quan trọng hơn là các danh tướng quy phục, trong đó phải kể đến Tả quân Lê Văn Duyệt với trận đánh lấy Phú Xuân năm 1801. Sau khi 2 danh tướng Ngô Tùng Châu và Võ Tánh cầm chân được 2 danh tướng khác của Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng và rồi phải tuẫn tiết trong thành Bình Định vì thà chết không đầu hàng quân Tây Sơn nên nhờ đó mà Lê Văn Duyệt giúp chúa Nguyễn Ánh lấy được kinh đô Tây Sơn ở Huế.

Họ Nguyễn lại trung hưng, thống nhất giang sơn một dải thì Lê Văn Duyệt trở thành một khai quốc công thần, quyền uy nghiêng ngửa. Ông được cử vào Gia Định làm Tổng Trấn, được quyền tiền trảm hậu tấu. Người ta ca ngợi nhiều về ông có công giúp dân an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới. Con kinh huyết mạch Bến Nghé nối liền Sài Gòn Chợ Lớn chính là được đào trong thời ông.

Nhưng có 2 điều thú vị về ông mà bình thường ít ai nhắc đến. Thứ nhất ông là một hoạn quan! Ông ái nam ái nữ bẩm sinh và nhờ vậy mà được tiến cử với chúa Nguyễn Ánh những ngày chúa còn bôn ba. Như thế thì ông quả là một người hoạn lẫy lừng! Nhưng ông không phải là một tướng quân hoạn duy nhất trong sử Việt mà mình biết. Trước ông 700 năm đã có Lý Thường Kiệt, cũng xuất thân là hoạn quan, nhưng trở nên anh hùng với trận đánh Tống trên sông Như Nguyệt và hiển hách hơn với chiến công là người Việt duy nhất đưa quân vào đất Tàu đánh chiếm lấy 2 châu của họ, có lẽ tương đương 2 huyện của mình.

Điều thứ 2 thú vị về Lê Văn Duyệt đối với mình là ông rất phóng khoáng, dễ dãi với người Công Giáo! Cách đây gần 200 năm, trong cái thời phong kiến nhà Nho là nhất mà ông cho phép các giáo sỹ tự do truyền giáo trong miền Nam, dù đó là thời vua Minh Mạng, vị vua đã ra nhiều chỉ dụ cấm đạo trong 20 năm trị vì. Tả quân Lê Văn Duyệt cũng là người ủng hộ đưa Hoàng tử Cảnh chứ không phải Hoàng tử Đảm (tên húy vua Minh Mạng) lên ngôi sau khi vua Gia Long băng hà và chính vì những điều này mà vua Minh Mạng oán ghét Tả quân đến mức sau khi Tả quân đã chết vẫn cuốc bằng và xiềng xích mộ ông. Hoàng tử Cảnh là con trưởng, lúc nhỏ theo cha Bá Đa Lộc người Pháp dạy dỗ nên chịu nhiều ảnh hưởng Tây phương và Thiên Chúa Giáo đến nỗi sách kể có lần Nguyễn Ánh bảo con lạy bàn thờ tổ tiên mà hoàng tử không chịu. Điều này làm chúa Nguyễn Ánh buồn lắm! Đọc sử đến đây mình thấy bồi hồi nhớ gia đình mình ngày xưa cũng lắm xung khắc về tôn giáo. Ngày ấy mình tủi thân vì thấy gia đình không may mắn như người ta khi giữa bố mẹ và cả giữa bố con bị chia cắt vì niềm tin. Bao nhiêu khổ sở vì những xung khắc ấy mình cứ ngỡ không có mấy người trải qua. Lớn lên mình đọc sách vở để nhìn xa hơn mới nhận ra là cả lịch sử Việt Nam mình 200 năm qua , như có người nhận xét, chính là lịch sử xung đột giữa Đông và Tây, giữa hữu thần và vô thần, giữa Thiên Chúa Giáo và “ngoại đạo.”

Thế là Tả quân Lê Văn Duyệt đã nằm xuống cách đây đã 180 năm nhưng những xung đột trong đời ông vẫn còn tiếp diễn trong xã hội cho đến mãi về sau. Mộ ông nằm ngay trung tâm tỉnh Gia Định ngày trước chứng kiến toàn bộ quãng đường ông bà nội mình vào lập nghiệp và là nơi mình sinh ra và lớn lên. Có người bảo xác ông thật ra ở Tiền Giang, còn mộ ông ở Bà Chiểu chỉ là sáp thôi. Có lẽ người nhà ông sợ cái thảm họa thời vua Minh Mạng nên phải giấu xác ông.

Nhưng tất cả đều đã đi vào quá khứ tĩnh mịch xa xôi. Ngay cả người một thời hay nhắc đến ông với mình cũng đã ra người thiên cổ như ông. Ở thiên quốc tâm linh ấy, người ta có còn phân biệt tuổi tác nữa không ông?

10 thoughts on “Một kỷ niệm về bố mình”

  1. ngan vie^’t ba`i hay qua’, mie^n man tu+` bo^’ qua ca? li.ch su+?
    cu~ng may la` nhieu ky? nie^.m vo+i’ bo^’ chi. em mi`nh va^~n co`n nho+’ ra^’t nhie^`u nhie^`u, thi?nh thoa?ng la.i ke^? cho nhau nghe

  2. Nhớ tới thời đạp xích lô, ông nội khi ấy đạp xe về nhà là sai anh Thái đi mua nước đá đựng trong ca sắt dùng để uống nước, nấu cơm của lính. Lạnh ghê nơi ! Bác Tùng cũng đạp xích lô vào ngày cuối tuần khi còn làm khảo sát ở công ty xây dựng cầu đường Vũng Tàu. Cũng đoán được một phần là nhờ ông Quyền, lúc tại vị là phó giám đốc cty này, giới thiệu vào làm. Khám phá ra một điều là 2 vị tướng tài đều là hoạn quan. Thực tế có phải là hoạn quan thì mới tài được ? :mrgreen:

  3. Bài viết của Ngân dài và hay, nhưng luôn tuồng wa. Nên cách đoạn ra một tí, chèn hình vào thì tuyệt 😆

  4. Thanks guys. Ngan nhớ bố Ngân kể bác Tùng có đạp xích lô nữa và giống Chương nói, chỉ là cuối tuần thôi. Bài viết của Ngân đúng là không biết đặt tên ra làm sao vì nó hơi dông dài, không rõ ràng một đề tài nào cố định. Khởi đầu là suy nghĩ về bố Ngân, rồi sau đó thì tư tưởng chạy tới đâu, mình ghi xuống tới đó. Có thể xem như một dạng tuỳ bút vậy (?)

  5. Văn chuơng Ngân viết hấp dẩn quá. Lôi cuống nhất là viết về bố. Mình không biết gì về lịch sử Việt Nam nên không có cảm giác hoặc hình dung được gì, nhưng khi mình đọc về bố, mình có thể hình dung đuợc cảnh bố mang bánh mì về cho các con. Trong ký ức của mình vẩn còn ghi nhớ đuợc âm thanh của bố khi bố vui cuời. Cuộc sống có giới hạn, tuy bố không còn nửa, nhưng hình bóng và kỷ niệm của bố vẩn còn sống với các con và các cháu của bố.

  6. thanks anh Hau. It’s a support to have someone read my writing and an even bigger one when you leave a comment. In someway, only after Dad passed away do I realize how central a figure he was in our family. He left our family such a big hole that I hope our writings about him would in someway fill up that empty abyss.

  7. mo+i’ ddo.c la.i ba`i vie^’t tha^y’ va^~n hay, cu~ng co’ 1 va`i cho^~ hi`nh nhu+ chu+a chi’nh xa’c la(‘m, chi. nho+’ thi` la` mo^~i la^`n bo^’ mua ba’nh mi` ve^` chi? ddu’ng 1 o^? tho^i, la`m gi` co’ to+i’ ma^y’ o^?
    Ba’nh mi` tho+`i ddo’ no’ng do`n, ruo^.t i’t ho+n vo?
    Chu+’ ba’nh mi` ba^y gio+` thi` ruo^.t la.i nhie^`u ho+n vo?, la.i 0 duo+.c no’ng. Mi`nh lu’c ddo’ chi? thi’ch a(n vo?, ne^n ra^’t nhie^`u khi bo^’ ba?o bo^’ thi’ch a(n ruo^.t, la`m mi`nh la.i ca`ng me^ to+i. Ba^y gio+` nghi~ la.i cha(‘c co’ le~ bo^’ cu~ng thi’ch vo? nhu+ng ai cu~ng a(n vo? he^’t thi` co`n ruo^.t ai a(n

  8. Co`n noi’ ve^` la(ng o^ng Le^ Va(n Duye^.t thi` mi`nh nho+’ hoa`i 1 la^`n va`o di.p te^’t ddi cho+i ho^.i cho+. o+? la(ng o^ng. Lu’c ddo’ chi? co’ 3 ddu+’a Thu.c Chuong Nga^n (0 biet Chuong co`n nho+’). 3 ddu+’a cho+i nho+` va`o tie^`n li` xi` co^.ng the^m tie^`n cuo^~m dduo+.c cu?a anh Thai’ anh Truo+`ng (thi’m Trung cho khi vo^ ti`nh ga(.p 3 ddu+’a ddang tre^n dduo+`ng to+i’ ho^.i cho+`, chi’nh xa’c la` ga(.p ngay ngoa`i ngo~ nha` o^ng no^.i). Ke^’t qua? sau buo^?i cho+i ddo’ la` ca? 3 ddu+’a rinh dduo+.c 1 mo+’ mi` goi’ ve^` nha`, tho+`i ddo’ ai a(n mi` goi’ la` cu~ng thuo^.c ha`ng xa xi? ro^`i

  9. haha… Thục nhớ được thêm vài chi tiết đó thật hay, nhắc ra Ngân vẫn còn nhớ. Nhìn lại vài tấm hình Thục hồi nhỏ và nhận ra con Thục Đan nó có nhiều nét giống mẹ nó ngày xưa lắm.

  10. ddu’ng va^y., nhi`n hi`nh me. ho^`i nho? xiu’ (lu’c chu+a co’ ca^u. na`o thi` fa?i) chu.p vo+i’ o^ng ba` ngoa.i la.i tha^y’ Thu.c Dan no’ gio^’ng tu+` ba` ngoa.i to+i’ me. no’ kha’ nhie^`u

Leave a Reply