Trong lễ tang bố mình hơn một tháng trước, chắc những ai có mặt còn nhớ rõ hơn một tiếng cả nhà cùng thầy tụng kinh Phật cho bố. Lời tụng vừa nhanh, lắm từ Hán Việt, lại vừa có nhiều từ uyên thâm, súc tích nên có lẽ phải là người Phật tử thuần thành mới hiểu được nhiều. Từ ngày bố mất, khi rảnh rỗi mình vào Mạng đọc một chút về Phật giáo và kinh kệ tụng niệm cho người quá cố để hiểu thêm về ý nghĩa những gì mình làm và thấy trong khi cử hành tang lễ theo nghi thức Phật giáo cho bố, điều bố mong muốn khi còn sống.
Mình có viết một bài blog trước đây tóm tắt sơ lược triết lý của các tôn giáo lớn ở Việt Nam, trong đó có Phật giáo. Đó là đại cương triết lý của đạo Phật nguyên thủy. Giống biết bao phạm trù khác, tôn giáo nói chung, và đặc biệt là Phật giáo ở Việt Nam đã thay đổi và lai tạp nhiều. Bây giờ nhìn vào và chỉ ra những khác biệt giữa cái nguyên thủy và cái được thêm bớt qua gần hai ngàn năm gieo mầm và phát triển ở Việt Nam không còn dễ. Đó là mình nói theo sự hiểu biết hạn hẹp chứ mình vốn không phải Phật tử, mà ngay cả đạo Công Giáo mình theo cũng chỉ có thể hiểu tổng quát mà thôi.
Mình trở lại với tựa bài viết là kinh Vô Lượng Thọ (mình viết tắt VLTK) mà mình đọc được trong wikipedia và nhớ ra đấy là kinh Phật được đọc trong lễ tang bố. Đây là một trong 3 kinh quan trọng của Tịnh Độ Tông, một trường phái Phật giáo thịnh hành không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Trung Quốc và Nhật Bản. Phật Giáo từ ngày Đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập 2500 trước, như nhiều người đã biết, chia ra làm 2 tông phái lớn là Đại Thừa và Tiểu Thừa. Đó là 2 tông phái lớn, nhưng ngoài ra còn có nhiều tông phái nhỏ khác nhau. Tông phái Tịnh Độ Tông là một. Có thể tóm tắt tông phái này bằng 2 chữ “tha lực.” Tha là bên ngoài, là không phải bản thân mình. Như vậy tha lực là dùng lực bên ngoài, nhờ vào một thế lực khác để giúp mình. Tha lực ở đây chính là Phật A-Di-Đà. Tông phái này tin rằng chỉ cần chuyên tâm tụng niệm và trông cậy vào Phật A-Di-Đà thì sau khi chết đi, mình sẽ được đầu thai vào cõi Tây phương cực lạc(mình viết tắt là TPCL). VLTK là một trong 3 kinh mà mình tụng để tỏ lòng tin cậy vào Phật A-Di-Đà. Hai kinh kia là A-Di-Đà kinh và Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Triết lý Phật giáo nguyên thủy, tức triết lý của Đức Thích Ca Mâu Ni không có điều này. Sự giác ngộ tùy thuộc vào chính mình mà thôi. Tông phái Tịnh Độ Tông mang tính “dễ dãi” nhờ vào “tha lực” nên có lẽ thế mà được nhiều người theo và phát triển rộng rãi. Mình có thể đắm đuối sân si khi còn tại thế, nhưng khi mất được gia đình tụng niệm Phật A-Di-Đà thì vẫn có cơ hội đầu thai vào cõi TPCL!
Thế nào là TPCL? Theo Phật giáo, không rõ bắt đầu từ thời gian nào, có nhiều cõi Phật khác nhau. Trong đó cõi TPCL là tịnh độ của Phật A-Di-Đà, hay nói khác đi là thế giới của Phật A-Di-Đà. Thế giới đó tươi đẹp, không còn sinh lão bệnh tử, và đầy hoa sen! Đó chưa phải là Niết Bàn, đích đến cuối cùng trên con đường tu hạnh, nhưng đó là “trạm” cuối cùng của chuỗi luân hồi đầu thai. Phật A-Di-Đà trị vì cõi TPCL ấy và bên cạnh Phật A-Di-Đà là Quan Âm Bồ Tát giúp đỡ những ai tin cậy và cầu nguyện thoát khỏi vòng luân hồi sớm đến được cửa Phật hơn (Niết Bàn) bằng cách vào cõi TPCL. Mình mở ngoặc kép ở đây để nói thêm Bồ Tát là những ai đã giác ngộ đến mức có thể trở thành Phật nhưng không bước vào cõi Phật mà ở lại giúp chúng sanh sớm giác ngộ như mình. Bồ Tát có thể xem như dưới Phật một bậc, theo triết lý nhà Phật.
Cũng theo những gì mình đọc và hiểu được về triết lý Phật giáo hiện đại (một lần nũa không phải nguyên thủy) thì trong 30 ngàn năm tới sẽ có một vị Phật giáng sinh và đây sẽ là vị Phật cuối cùng xuất hiện ở trần thế! Đã có 5 vị Phật xuất hiện ở trần thế, trong đó có Phật Thích Ca Mâu Ni. Dĩ nhiên đối với người theo đạo Phật thì không phải đợi đến lúc có ngài Thích Ca Mâu Ni mới có Phật giáo. Ngài chỉ là người khai sáng hiểu biết nhân loại về con đường giác ngộ thoát tục. Như vậy có thể có vô số Phật ở Niết Bàn, nhưng người trần thế mình chỉ mới chứng kiến 5 vị Phật giáng sinh, trong đó mình chỉ nhớ tên Thích Ca Mâu Ni và 30 ngàn năm tới sẽ có một vị Phật nữa và cũng là cuối cùng xuất hiện để “giáo hóa” chúng sanh. Đó là Phật Di Lặc, hiện đang ở cõi Đâu Suất, một Tịnh Độ khác với cõi TPCL của Phật A-Di-Đà.
Ngày cuối mình về dự tang bác Tùng, mình không ngồi nghe mấy thầy tụng kinh cho bác khi chuẩn bị động quan nên không nhớ rõ là các thầy tụng kinh nào nhưng cái nghi thức xả tang ở chùa sau đó thì rất giống những gì mình thấy trong tang lễ của bố, chỉ khác là bên này theo lời yêu cầu của gia đình mình, nghi thức đã được giản lược đôi chút.
Tóm lại khi mình tụng niệm Vô Lượng Thọ Kinh cho bố là mình cầu nguyện Phật A-Di-Đà cho bố không phải tiếp tục khổ lụy luân hồi mà sớm được đầu thai vào cõi Tây Phương Cực Lạc, nơi ngài trị vì. Đó là đối với người có niềm tin vào Tam Bảo. Tức là tin vào Phật (sự giác ngộ), tin vào Pháp (giáo lý) và Tăng (những người tu hành).
Hình thức diễn đạt có thể khác nhau, nhưng dù là Phật giáo hay tôn giáo nào khác mà mình biết đều cầu mong cho người thân được hạnh phúc, an lạc ở thế giới bên kia. Tôn giáo nhìn từ khía cạnh khoa học vẫn có tính tích cực. Trong các lễ nghi đưa tiễn người quá cố, nó giúp mình biểu lộ tình cảm, xoa dịu nỗi đau mất mát, và nhắc nhở mình tìm thấy ý nghĩa sâu xa và rộng lớn hơn trong cuộc sống. Và chắc chắn còn nhiều ý nghĩa khác nữa đối với mỗi cá nhân.
Great, bai viet qua hay va bo ich. Hy vong Ngan se viet nhieu bai hon nua de co cai nhin khai quat hon ve dao Chua, dao Hoi,…
Thanks TraiLang, I enjoy writing about this subject. Very glad you like it.
chuong cu~ng muo^’n bie^’t ve^` dda.o ho^`i ha?, ti’nh ddi theo dda.o ho^`i ro^`i khu?ng bo^’ hay sao
@Thuc: Chỉ hiểu thêm thôi, nếu nó thật sự hay thì cũng đáng để tìm hiểu lắm chứ.