Theo TTCT – Tôi 19 tuổi. Tôi là một đứa con trai. Trong gia đình, tôi là con trai trưởng. Trong dòng họ, tôi là cháu đích tôn.
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Tôi lớn lên khi nền kinh tế Việt Nam vừa bước vào thời kỳ mở cửa, tuổi thơ tôi sớm chứng kiến những vất vả của cuộc sống nghèo khó cùng sự hi sinh của cha mẹ. Tôi ý thức được trách nhiệm của mình cùng khao khát cải thiện đời sống vật chất của cả gia đình khi trưởng thành. Cha mẹ cũng đặt vào tôi rất nhiều tin yêu và kỳ vọng; ngay từ nhỏ tôi đã là một đứa trẻ ngoan, biết phụ giúp mẹ làm việc nhà và chăm chỉ học hành.
Có một thế giới trái tự nhiên?
Từ khi tôi chập chững biết đi, mẹ đã đưa tôi đến nhà thờ vào mỗi sáng chủ nhật. Khi còn học mẫu giáo, tôi đã mơ ước lớn lên sẽ trở thành linh mục.
Tôi đã lớn lên như thế, thở trong niềm tin của đạo giáo và niềm tin của mẹ. Mẹ tôi là một phụ nữ kiên cường và chịu thương chịu khó, tôi không muốn làm bà thất vọng bao giờ. Bà lại là người sống rất lý lẽ. Tôi học được từ bà rất nhiều thứ, từ sự đảm đang trong công việc nội trợ đến cách sống tiết kiệm lo xa và đến cả thái độ, nhận thức nhất định đối với người đồng tính.
Gia đình tôi sống trong một khu xóm trọ nghèo và tôi thường xuyên nhìn thấy những chàng trai đồng tính ở khu vực lân cận. Ngay khi tôi còn quá nhỏ và chưa thể hiểu thế nào là người đồng tính, tôi đã được mẹ chỉ dạy rằng đó là những kẻ bệnh hoạn, ghê tởm, hủy hoại nề nếp đạo đức của xã hội.
Khi lên 6 tuổi, tôi đã được hình thành một nhận thức khá vững chắc về một thế giới thứ ba “trái tự nhiên” và tin rằng mình phải tránh xa họ nếu không muốn bị “lây bệnh”.
Tuy vậy, tôi không thể ngăn cản cảm xúc của mình đối với những người con trai khác.
Thoạt tiên đó là sự ngưỡng mộ, thần tượng những nam nghệ sĩ nổi tiếng mà tôi cho rằng điều đó vốn dĩ rất bình thường. Đến khi tôi bắt đầu học cấp II, cảm giác kỳ lạ tôi dành cho những người bạn học cùng giới trở nên rõ ràng, nhất quán và cả ngột ngạt hơn, trong khi tôi hoàn toàn không có những tình cảm đó cho những cô bạn gái cùng trang lứa. Nhưng sự vô tư của tuổi trẻ khiến tôi không đặt quá nhiều quan tâm vào nó, thêm một phần tôi tin đó chỉ là những suy nghĩ nông nổi nhất thời của một đứa trẻ.
Tiếng gào thét từ câm lặng
Có khi nỗi sợ hãi lên đến cùng cực và bỗng chốc vỡ òa, kéo theo sau đó là một cõi lòng trống rỗng. Tôi bỗng không hiểu mình hãi sợ điều gì. Suốt bao nhiêu năm, tôi luôn có khao khát được sống bình thản với bí mật ấy. Bởi tôi luôn hãi sợ sự ghét bỏ, khinh thường, xa lánh của những người xung quanh và nhất là người con trai tôi yêu. Ngay cả khi tôi đã tập dần cho mình một cuộc sống cứng cỏi, tự lập, không cần ai khác, tôi vẫn còn quá lệ thuộc vào thế giới loài người khắc nghiệt và chấp nhận để những chiếc mặt nạ che đậy con người thật của mình… Nói ra tất cả đồng nghĩa với việc tôi phải thừa nhận những gì mình cố trốn chạy, chối bỏ. Không nói ra thì chẳng khác nào tôi tự giết chết chính mình. |
Khi tôi bước vào giai đoạn dậy thì, gia đình tôi được một người họ hàng bảo lãnh sang Mỹ định cư.
Nhà tôi vẫn giữ thói quen đi lễ vào mỗi sáng chủ nhật và trong một buổi giảng, lần đầu tiên tôi nghe thấy những lời của cha xứ về thế giới đồng tính.
Trước đây tôi chưa từng nghe đến vấn đề này trong nhà thờ ở Việt Nam, tôi cho rằng đó là do đất nước Á Đông mình khá kín đáo, tế nhị trong những chủ đề nhạy cảm; ngược lại, nền văn hóa cởi mở của Mỹ khiến mọi người nhìn trực diện vào vấn đề hơn và cố gắng đặt ra giải pháp. Theo lời giảng của cha, tình yêu của người đồng tính đi ngược lại với tự nhiên, mang tội lỗi rất lớn đối với Chúa và sẽ bị Người trừng phạt, đày đọa.
Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận và ý thức rõ ràng sự kỳ thị người đồng tính đến từ một tổ chức, thể chế quyền lực đến như vậy và tôi biết nó nghiêm trọng hơn nhiều so với những lời nói của mẹ tôi.
Như có ai đánh thức, tôi bắt đầu nhìn lại chính mình và kinh hoàng nhận ra mình cũng không phải là một người “bình thường”, mà là một tội đồ với Chúa! Tôi chợt hiểu vì sao mình không hề có xúc cảm giới tính với những cô gái dễ thương như những bạn nam đồng lứa.
Thật không dễ dàng trải qua những ngày tháng đó, khi tôi một mặt luôn sống trong nỗi sợ bị phát hiện như thể mình đã làm một điều gì vô cùng sai trái, mặt khác muốn rũ bỏ bản thân và hi vọng những cảm xúc kỳ quặc dành cho những người bạn cùng giới chỉ là tạm thời. Có những ngày tôi giam mình trong phòng cầu nguyện, hỏi Người vì sao tôi không thể sinh ra là con gái. Tôi cảm thấy ghê tởm chính mình, không hiếm lần nguyền rủa bản thân mình là khốn nạn.
Rồi tôi bắt đầu tin rằng sự “khác người” của mình, rằng những đau khổ, dằn vặt tôi phải chịu đựng trong im lặng là sự trừng phạt đích đáng cho cái sự “trái tự nhiên” tôi mang trong người.
Và cứ thế tôi sống trong nỗi mặc cảm tội lỗi với Chúa, với gia đình, không biết phải đối diện thế nào với sự kỳ vọng của cha mẹ. Tôi quen dần với sự cô đơn ngột ngạt, đến nỗi khi một ai tiến tới quá gần, dù là vô tình hay có chủ ý và cả khi là chủ ý tốt, tôi đều cảm thấy rất bất an.
Tôi học piano từ năm 6 tuổi, lên truyền hình biểu diễn ngay từ những năm tiểu học. Thế nhưng tôi chưa bao giờ thực tâm tin vào khả năng của mình và cảm thấy mình vô cùng yếu kém. Ngay cả chuyện học hành cũng thế. Mặc dù tôi sở hữu một con điểm GPA (*) cao ngất ngưởng, tôi luôn cho rằng đó là chuyện hiển nhiên với một học sinh đã quen với nền giáo dục phức tạp và nặng nề của Việt Nam.
Tôi luôn tự cho bản thân là một kẻ rất tầm thường. Thỉnh thoảng tôi cảm nhận được có những tiếng gào thét vút ra từ sự câm lặng chịu đựng trong mình, nhưng tuyệt nhiên không có một giọt nước mắt. Tôi trải qua trạng thái tuyệt vọng cùng cực, cảm thấy cuộc đời chẳng còn gì để mình lưu luyến và lắm lần nghĩ quẩn. Có lẽ những cảm thức bi kịch nhất thời đó cũng từ tâm hồn nghệ sĩ của tôi mà ra.
Học cách chấp nhận con người mình
May mắn thay, ba năm sau tôi được nhận vào một ngôi trường trung học nổi tiếng mạnh mẽ chống đối nạn kỳ thị trong khu vực. Được bước vào một môi trường mà không ai dị nghị hay lên án xu hướng giới tính của mình, tôi dần học được cách chấp nhận con người mình.
Cứ như thế sau ba năm trung học, tôi có một vòng tròn bạn bè nhỏ nhắn. Tôi đã gặp được những người bạn luôn tôn trọng và ủng hộ những suy nghĩ của tôi, những người tôi có thể tin tưởng mở ra bí mật đã được giữ kín suốt mấy năm trời. Chính nhờ sự thông hiểu và tin cẩn mà những người bạn này mang lại, tôi dần lấy lại sự tự tin vào chính mình.
Tôi mạnh dạn hơn trong việc tìm hiểu về thế giới thứ ba, về những người giống như mình, những trải nghiệm của họ và về cả sự nở rộ của thế giới đồng tính vào những năm đầu thế kỷ 20 – cả một giai đoạn quá khứ đã bị xóa bỏ và lãng quên. Tôi nhận ra việc chúng tôi bị xem là tội lỗi, khác người xuất phát từ niềm tin mà xã hội đã áp đặt lên chúng tôi, một nhóm thiểu số sống trong một hệ thống xã hội được điều hành, dẫn dắt bởi những người ủng hộ tình dục khác giới. Tôi cũng dần tin rằng tôn giáo không có quyền cầm giữ, điều khiển cuộc sống của riêng tôi nữa.
Tôi vẫn hết lòng tin vào Chúa và chính vì tin vào sự nhân ái, độ lượng của Người, tôi tin Người sẽ không bao giờ phân chia con chiên của Người vào những nhóm khác nhau, để rồi trừng phạt những người đồng tính như tôi một cách tàn nhẫn và vô cảm.
Tôi cũng mất rất nhiều thời gian và nỗ lực để chấp nhận chính mình và thay đổi suy nghĩ đồng tính là một cái gì đó ghê tởm, bệnh hoạn hay bất thường. Tôi bắt đầu định nghĩa lại khái niệm của hai tiếng “đồng tính” lẫn cả định nghĩa lại bản thân và cảm thấy cần sống thật với bản thân, mặc cho những định kiến, khinh ghét của xã hội. Tôi tin mình cũng như bao nhiêu người khác xứng đáng được mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình và được làm những điều mình mong muốn.
Tuy vậy, tôi vẫn chưa có đủ dũng cảm để đối mặt với gia đình, với sự kỳ vọng của mẹ tôi. Có một lần vô tình mẹ tôi nói bà sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà nếu tôi là người đồng tính.
Tôi phải làm sao? Dẫu đã học cách chấp nhận chính mình, tôi vẫn không thể thoát khỏi những kỳ vọng mà cha mẹ đã đặt vào người con trai trưởng. Tôi cũng không muốn làm những người mình thương yêu phải đau khổ, thất vọng. Nhưng tôi thật sự muốn sống đúng với chính bản thân. Có lẽ những người đồng tính khác cũng giống như tôi. Ai cũng phải sống trong nỗi dằn vặt, giày vò với cái bí mật oái oăm và luôn có cảm giác mình sinh ra không phải để sống cho mình. Là một đứa con trong gia đình, tôi luôn muốn làm tròn chữ hiếu, nhưng sẽ ra sao nếu mẹ tôi không thể chấp nhận được sự thật này?
Tôi vẫn tin xã hội sẽ dần trở nên rộng lượng hơn với những con người lạc lõng như tôi, nhưng có lẽ chúng ta cần nhiều nhận thức và dũng cảm để thay đổi một niềm tin đã được nuôi dưỡng và củng cố trong nền văn hóa của chúng ta từ quá lâu rồi.
N.V. ghi từ lời kể của M.
(Fountain Valley, California, Hoa Kỳ)