Tây Sơn Hào Kiệt

Đây là tên một bộ phim truyền hình nhiều tập vừa mới bắt đầu chiếu trong nước về triều đại ngắn ngủi Tây Sơn hơn 200 năm trước. Người ta nói nhiều đến giá trị khơi dậy lòng yêu nước sâu sắc qua những chiến thắng hào hùng của Nguyễn Huệ trong bộ phim này, nhưng trong bài viết này mình hãy gác qua những cảm xúc đó và thử  ôn lại lịch sử  giai đoạn này, từ 1771 đến 1801 để hiểu thêm và hy vọng nhớ được vài kiến thức về đất nước mình, mà trong thời buổi hiện đại mình cho là quan trọng hơn lòng yêu nước đơn điệu với mấy điệp ngữ  chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, Rạch Gầm Xoài Mút được nhắc đi nhắc lại.

Chắc ai cũng nhớ Việt Nam bị chia đôi suốt gần 200 năm, bắt đầutừ  sau khi nhà Lê Trung Hưng đánh đuổi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cuối thế kỷ 16 cho đến năm 1771 khi 3 anh em Tây Sơn nổi lên ở một huyện miền núi tỉnh Bình Định. Nguyễn Nhạc, anh cả, vốn là dân buôn trầu và giữ một chức quan thu thuế nhỏ trong huyện tụ tập các dân Thượng, Kinh, Hoa trong vùng dựng cờ khởi nghĩa, lấy cớ quyền thần Trương Phúc Loan chuyên quyền phế lập các chúa sau khi chúa Nguyễn Phúc Khóat mất năm 1765. Năm 1772, Nguyễn Nhạc dùng mưu tự trói mình vào cũi dâng nạp cho tướng giữ thành Quy Nhơn và đến đêm mở cũi chui ra cùng quân Tây Sơn trá hàng trong ngoài đánh úp lấy thành Quy Nhơn. Nhân đà ấy, quân Tây Sơn đánh chiếm luôn mấy tỉnh lân cận và đến cuối năm 1773 làm chủ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (Nam Trung phần Việt Nam ngày nay). Năm 1774, chúa Nguyễn cử Tống Phúc Hợp đem quân từ  Gia Định ra đánh lấy lại mấy phủ Bình Khang, Diên Khánh và Thuận Thành. Đến cuối năm chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cử lão tướng Hoàng Ngũ Phúc đêm quân vượt sông Gianh ở Quảng Bình vào và cũng lấy danh nghĩa tiêu diệt quyền thần Trương Phúc Loan, khôi phục ngôi chúa cho Nguyễn Phúc Dương (người đáng lẽ lên kế vị nhưng Trương Phúc Loan lại chọn người khác là Nguyễn Phúc Thuần). Quan quân Đàng Trong chống cự không lại quân Hoàng Ngũ Phúc phải bỏ Huế chạy vào Quảng Nam. Nhưng số mệnh làm chúa ở Đàng Trong đã hết, chúa Nguyễn vào đến Quảng Nam vẫn bị Hoàng Ngũ Phúc vượt đèo Hải Vân tiến đánh và quân Tây Sơn từ  Quảng Ngãi đánh ra. Chúa Nguyễn Phúc Thuần để Hòang Tôn Dương (Nguyễn Phúc Dương) ở lại, còn mình thì theo đường biển vào Nam. Quân Đàng Ngoài và Tây Sơn gặp nhau ở Quảng Nam, tuy cùng một chiêu bài phù Hoàng Tông Dương, nhưng thật ra cả hai đều có mục tiêu xa hơn nên không tránh khỏi đụng trận tại đây. Nhưng lúc này quân Tây Sơn chưa đủ mạnh và sau khi thua trận phải rút về Quảng Ngãi, để quân Đàng Ngoài chiếm trọn một dải từ  Quảng Bình vào đến Quảng Nam của Đàng Trong.

vietnam_map

Quân Tây Sơn lúc này rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch giống chúa Nguyễn 1 năm trước, vì từ  Quảng Nam trở ra là quân Đàng Ngoài, còn từ  Phú Yên trở vô (miền Nam) là quân chúa Nguyễn. Nguyễn Nhạc bèn gửi sứ  giả đến xin hàng quân Trịnh và xin làm quân tiên phong đánh chúa Nguyễn. Có lẽ do quân Đàng Ngoài lúc này cũng mỏi mệt và đã chiến thắng quá dự đoán ban đầu khi vượt sông Gianh nên thuận cho. Trước khi Nguyễn Nhạc cử  em là Nguyễn Huệ đem quân vào đánh Phú Yên, ông cho người vào Phú Yên thương thảo với Tống Phúc Hợp cùng hợp quân đánh Hoàng Ngũ Phúc. Nhưng khi quân chúa Nguyễn còn đang trù tính thì Nguyễn Huệ kéo quân đánh và nhanh chóng chiếm Phú Yên. Tin này làm cho lão tướng Hoàng Ngũ Phúc kiêng nể quân Tây Sơn hơn và có lẽ do tuổi tác và tính chất bảo thủ, an bài của vua quan Đàng Ngòai nên ông không những bỏ kế hoạch đánh tiếp vào Quảng Ngãi mà rút về Huế, bỏ luôn Quảng Nam.

Đến đây mình có thể nhận thấy Nguyễn Nhạc đã 3 lần dùng mưu trá hàng trong đánh trận, điều này cho thấy ông là người mưu mô, khác với người em là Nguyễn Huệ có tài dùng bình khiển tướng, thể hiện trong trận đánh lớn đầu tiên ở Phú Yên.

Đấy là cuối năm 1775. Sang năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng vương và cử  em Nguyễn Lữ  đem thủy quân theo đường biển vào Gia Định đánh chúa Nguyễn. Nguyễn Lữ chiếm thành Gia Định nhưng không lâu sau gặp sự chống đối dữ dội của các tướng Mạc Thiên Tứ, Tống Phúc Hợp, Đỗ Thành Nhân và Lý Tài nên lại bỏ Gia Định và rút về Quy Nhơn. Lúc này Hoàng Tôn Dương sau khi bị bắt năm ngoái ở Quảng Nam cũng lẻn trốn Quy Nhơn và vào Nam. Nội bộ chúa Nguyễn lúc này lục đục do Lý Tài và Đỗ Thành Nhân đánh nhau. Lý Tài thắng và vì mến phục Hoàng Tôn Dương từ trước nên ép chúa Nguyễn Phúc Thuần nhường ngôi chúa cho Hoàng Tôn Dương.

Năm 1777, Nguyễn Nhạc lại sai Nguyễn Huệ vào Nam. Lần này các tướng chúa Nguyễn gặp một đối thủ hùng lược hơn năm ngoái là Nguyễn Lữ  nên đánh trận nào thua trận nấy. Cả 2 chúa Nguyễn cuối cùng đều bị bắt, một ở Bến Tre, một ở Long Xuyên, và bị xử tử. Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn, để thuộc tướng ở lại Gia Định coi vùng đất này. Nhưng thuộc tướng của Nguyễn Huệ lại không đủ sức chống giữ  nên ít lâu sau cả vùng đất này lại thuộc về chúa Nguyễn với sự  giúp đỡ trung thành của các tướng Đỗ Thành Nhơn, Châu Văn Tiếp. Các tướng suy tôn Nguyễn Ánh, cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khóat, mà cha là Nguyễn Phúc Luân đáng lý được lập làm thế tử nhưng bị Trương Phúc Loan sửa di chiếu và nhốt ngục. Năm 1781, không rõ do Đỗ Thành Nhơn cậy quyền khinh mạn hay do lo sợ cho ngôi vị mà Nguyễn Ánh đã giả triệu vị tướng cột trụ của mình vào doanh trại và sai quân sỹ bắt trói, hịch tội và đem giết. Điều này gây chia rẽ trong hàng ngũ chúa Nguyễn trong Nam.

Nguyễn Ánh có được vài năm gây dựng căn cứ ở miền Nam thì năm 1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem quân vào đánh Gia Định lần thứ 3 (hai lần trước là 1776 và 1777). Nguyễn Ánh thua chạy ra đến Phú Quốc và đợi đến khi 2 anh em Tây Sơn rút về Quy Nhơn thì lại có tướng Châu Văn Tiếp từ Bình Thuận vào Gia Định đón về.

Năm 1783, quân Tây Sơn vào Nam lần thứ 4, và lần này chỉ có Nguyễn Huệ. Và lần này Nguyễn Ánh lại tiếp tục bôn ba lẩn trốn quân Tây Sơn từ Phú Quốc đến các đảo nhỏ lân cận và cuối cùng phải chạy trốn sang Thái Lan cầu viện.

Năm 1784, 2 vạn quân Xiêm vượt Chân Lạp (Cao Miên) qua Việt Nam giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Đây là mấy năm đầu triều đại Rama, triều đại cuối cùng cho đến ngày hôm nay ở Thái Lan. Nhưng quân Xiêm thua to tại trận Rạch Gầm Xoài Mút ở Tiền Giang trước quân Tây Sơn và chỉ còn vài ngàn binh sỹ rút về nước. Nguyễn Ánh một lần nữa lại lưu vong theo đoàn quân qua Xiêm và ở đó mãi đến năm 1788 mới về nước. Nếu so với vua Lê Chiêu Thống cũng thua trận và lưu vong (ở bên Tàu) và bền chí mưu khôi phục nhà Lê thì Nguyễn Ánh đảm lược hơn và may mắn có các tướng giỏi hơn nên cuối cùng ông thành công hơn cả việc phục dựng cơ đồ chúa Nguyễn là lập ra triều đại nhà Nguyễn ở Việt Nam.

Bây giờ mình nói đến Đàng Ngoài. Từ năm 1775, sau khi tướng Hoàng Ngũ Phúc bỏ Quảng Nam, để lại thuộc tướng coi giữ Phú Xuân, còn mình trở về Đàng Ngoài thì suốt 10 năm sau quân Trịnh và Tây Sơn đồng ý lấy đèo Hải Vân làm cương giới giữa 2 nước. Năm 1782, chúa Trịnh Sâm qua đời, con út là Trịnh Cán lên ngôi chúa chưa được mấy tháng thì anh cùng cha khác mẹ là Trịnh Tông nhờ quân tam phủ (lính Thanh Nghệ) làm loạn và lật đổ phe cánh Trịnh Cán và giành lấy ngôi chúa. Trịnh Cán vốn còn nhỏ tuổi, chưa biết gì nên mọi việc đều do mẹ là Đặng Thị Huệ và Quân Huy Hoàng Đình Bảo sắp đặt. Có nhiều giai thoại về bà Đặng Thị Huệ ghi lại trong sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí nhưng mình thích nhất 2 đoạn. Bà vốn chỉ là 1 tỳ nữ trong phủ chúa nhưng lại được chúa Trịnh Sâm rất yêu quý. Có lần chúa Trịnh Sâm thấy bà mân mê viên ngọc quý chúa lấy được trong 1 cuộc viễn chinh, chúa nói bà nhẹ tay kẻo sây sát, thế là bà đập bể luôn viên ngọc và nũng nịu ngọc này có là gì, chẳng qua vào Quảng Nam tìm cho chúa viên khác, sao chúa nỡ trọng của khinh người như  vậy? Rồi lần khác chúa Trịnh Sâm có con gái cưng tiểu thư đài các sợ nắng sợ gió thế mà phải bấm bụng chiều lòng gả cho em trai bà là Đặng Mậu Lân, vốn là một kẻ thô bạo, cậy quyền ỷ thế ức hiếp dân chúng ở Thăng Long. Chúa Trịnh không yên tâm, sai nội giám Sử Trung theo hầu công chúa, dặn cấm không cho Đặng Mậu Lân xâm phạm con gái. Thế rồi một lần Sử Trung ngăn cản và cự  cãi với Đặng Mậu Lân, nói ông không được xem thường nhà Chúa. Đặng Mậu Lân nổi giận, chém chết Sử Trung. Việc này cuối cùng cũng vì chiều lòng tuyên phi Đặng Thị Huệ mà chúa khống giết Đặng Mậu Lân mà chỉ đày đi xa.

Sau chính biến năm Nhâm Dần 1782, Trịnh Tông lên ngôi chúa, bắt giam phe cánh Trịnh Cán. Một người trong số này là Nguyễn Hữu Chỉnh, tục gọi là Cống Chỉnh vì ông đỗ Hương Cống năm 16 tuổi, vốn là thuộc hạ của Quận Huy Hoàng Đình Bảo (và cũng là thuộc hạ của Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc, lão tướng đánh Đàng Trong 7 năm trước nay đã chết). Nghe tin phe Hoàng Đình Bảo thất thế, ông căng buồm cùng gia nhân theo đường biển từ Nghệ An vào Quy Nhơn theo hàng nhà Tây Sơn. Nếu Nguyễn Hữu Chỉnh không vào Nam năm 1782 theo nhà Tây Sơn thì có lẽ sử chỉ chép 1 hàng sơ qua về ông là một Hương Cống giỏi thơ Nôm ở đất Nghệ An.

Cống Chỉnh vào Nam theo Tây Sơn bỏ lại Bắc Hà đang đến giai đoạn cuối của một xã hội phân hóa, loạn lạc sau cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu, âm mưu thoán ngôi vị Thế Tử bất thành của Trịnh Lệ và vua Lê an phận làm vì và phó mặc chính sự cho phủ Chúa.

Năm 1786, biết tin tướng lãnh Đàng Ngoài ở Phú Xuân chểnh mảng việc binh bị, ông thuyết phục vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc đem quân đánh chiếm Phú Xuân, vốn là kinh đô của Đàng Trong 10 năm trước. Ông lập kế ly gián giữa chủ tướng giữ thành Phú Xuân là Phạm Ngô Cầu và phó tướng Hoàng Đình Thể bằng cách làm giả bức thư dụ hàng Hoàng Đình Thể và cố tình đưa nhầm cho Phạm Ngô Cầu. Kết quả hai tướng nghi kỵ lẫn nhau và thành Phú Xuân mất vào tay thủy binh của Nguyễn Huệ.

Nguyễn Nhạc chỉ sai em đánh lấy Phú Xuân nhưng sau chiến thắng này, Cống Chỉnh lại một lần nữa thuyết phục Nguyễn Huê đem quân tiến thẳng ra Bắc đánh chúa Trịnh lấy danh nghĩa phù Lê. Ông kiêu ngạo nói với Nguyễn Huệ “đất Bắc từ khi tôi bỏ đi như các vỏ ốc, không có gì phải sợ.” Nguyễn Huệ đáp lại “không sợ ai, chỉ mỗi sợ ông thôi.”

Nguyễn Hữu Chỉnh đem thủy quân ra đánh chiếm Vị Hoàng (Nam Định bây giờ) và đợi quân Nguyễn Huệ theo đường bộ kéo ra. Quân Trịnh tan rã nhanh chóng. Một tháng sau quân Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long. Chúa Trịnh Tông thân chinh ra giữ thành nhưng thất bại phải bỏ Thăng Long chạy lên Sơn Tây nương nhờ ẩn náu với văn thần Lý Trần Quán. Học trò của Lý Trần Quán là Nguyễn Trang khám phá ra tung tích chúa Trịnh, liền bắt Chúa đem giải cho quân Tây Sơn. Lý Trần Quán biết được, đến mắng học trò của mình thì Nguyễn Trang đáp “sợ thầy không bằng sợ giặc, thương chúa không bằng thương mình.”  Trên đường giải nạp Trịnh Tông cho quân Tây Sơn, nhân lúc lính canh lơ là, chúa Trịnh dùng gươm đâm cổ tự sát.

Nghiệp chúa của họ Trịnh đến đây chấm dứt. Vua Lê Hiển Tông già yếu thấy quân Tây Sơn ra đánh đổ họ Trịnh tôn phò mình nhưng lại không lấy đó làm điều vui. Vua gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ để tạo mối quan hệ giao hảo giữa 2 nước. Vài ngày sau đó vua Lê Hiển Tông băng hà. Triều thần bàn bạc và chọn hoàng tử Lê Duy Kỳ lên ngôi, sau lấy niên hiệu là Chiêu Thống.

Lúc này vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc cũng ra đến Thăng Long, mục đích là gọi em Nguyễn Huệ về. Các sử gia còn tranh luận về mối bất hòa giữa 2 anh em Tây Sơn sau  này. Sử nhà Nguyễn, vốn thù nghịch với nhà Tây Sơn, nói do Nguyễn Nhạc tư thông với vợ Nguyễn Huệ. Nhưng nếu nhìn vào việc Nguyễn Nhạc tức tốc ra Bắc khi hay tin em mình tuy chỉ được lệnh đánh chiếm Phú Xuân mà nay đã làm chủ Thăng Long, xô đổ ngôi chúa Trịnh 200 năm xây dựng trong chốc lát thì có thể đoán được Nguyễn Nhạc lo sợ uy thế của em sẽ lớn hơn mình. Nguyễn Nhạc nói với vua Lê khi ra đến Bắc Hà là chỉ muốn phò vua Lê chứ một tấc đất của vua Lê cũng không có tham vọng, vả có lấy cũng không giữ được. Điều này có hé lộ lên Nguyễn Nhạc không có tham vọng xa hơn vùng đất miền Trung ông đang giữ, và điều đó cũng có thể do ông biết mình không đủ sức, tuổi lại lớn.

Hai anh em ở Thăng Long vài ngày thì bất thình lình giữa đêm khuya rút quân khỏi thành. Phải đến sáng vua Lê và Nguyễn Hữu Chỉnh mới hay. Cống Chỉnh biết dân Bắc Hà không ưa mình do tội “cõng rắn cắn gà nhà” nên ông cũng mang quân bỏ Thăng Long đuổi theo anh em Tây Sơn.

Chúa Trịnh Tông đã chết nhưng trong họ Trịnh còn có Trịnh Bồng là chú họ của Trịnh Tông sau khi thấy quân Tây Sơn bỏ đi thì dựa thế các tướng Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng và Dương Trọng Tế ép vua Lê phong vương, mưu đồ khôi phục nghiệp chúa.

Vua Lê Chiêu Thống trẻ tuổi, không an phận như ông nội là vua Lê Hiển Tông khoanh tay rũ áo nhường chính sự cho họ Trịnh nên bí mật cho người vào Nghệ An vời Nguyễn Hữu Chỉnh về giúp. Cống Chỉnh mộ được 1 vạn quân về Thăng Long đánh tan quân Trịnh.

Không còn họ Trịnh ức hiếp vua Lê thì nay lại đến Cống Chỉnh. Tuy không được phong vương nhưng quyền uy Chỉnh ngang với chúa Trịnh ngày trước và mọi việc vua Lê Chiêu Thống đều phải hỏi ý kiến Chỉnh. Không chỉ dừng lại ở đây, Nguyễn Hữu Chỉnh sai Trần Công Xán vào Nam đòi lại đất Nghệ An lúc đó đang do tướng Tây Sơn giữ. Vua Tây Sơn tuy nói một tấc đất của nhà Lê cũng không lấy, nhưng khi rút vào Nam vẫn để tướng ở lại giữ Nghệ An, lấy danh nghĩa trấn áp tàn dư họ Trịnh. Nay nghe tin Chỉnh đòi lại đất Nghệ An cho Đàng Ngoài, Nguyễn Huệ nổi giận, sai Vũ Văn Nhậm đem quân ra Thăng Long đánh Chỉnh.

Chỉnh và con là Nguyễn Hữu Du cùng hiệp quân ra ngoài thành Thăng Long nghinh chiến nhưng đại bại, phải hộ tống vua Lê Chiêu Thống trốn lên Kinh Bắc, là Bắc Ninh bây giờ.  Đi được giữa đường thì quân Tây Sơn đuổi kịp, bắt Chỉnh đem về Thăng Long cho Vũ Văn Nhậm hỏi tội rồi xé xác. Vua Chiêu Thống thoát được và lẩn trốn ở mạn Bắc hơn một năm cho đến cuối năm 1788 thì cho người sang cầu viện nhà Thanh.

Vũ Văn Nhậm đưa Lê Duy Cẩn lên làm giám quốc và đúc ấn chuông riêng, cho xây lại thành Đại La. Phó tướng Ngô Văn Sở lại thấy Nhậm xem thường mình nên mật sai người vào Phú Xuân báo cho Nguyễn Huệ.

Đấy là năm 1788. Thời gian này anh em Tây Sơn đang xích mích, nồi da xáo thịt. Có lần Nguyễn Huệ đem quân từ Phú Xuân vào Quy Nhơn vân hãm anh đến khi Nguyễn Nhạc phải lên cửa thành khóc than tình anh em mới thôi. Từ khi Nguyễn Huệ “tướng ngoài mặt trận có khi không cần mệnh vua” tự đem quân ra đánh Bắc Hà năm 1786 cho đến khi cùng anh kéo quân vào Nam và ở luôn Phú Xuân chứ không theo anh vào Quy Nhơn có thể cho thấy Nguyễn Huệ đã có mưu lớn và giải thích được sự bất hòa giữa 2 anh em từ đó. Nay nghe tin Vũ Văn Nhậm, vốn là con rể của Nguyễn Nhạc, chuyên quyền và xem thường tướng của mình, Nguyễn Huệ thúc quân ra Bắc lần thứ 2. Chỉ trong 10 ngày quân Nguyễn Huệ đã ra đến Thăng Long và giữa đêm, khi Vũ Văn Nhậm còn đang ngủ, vào đến tận bản doanh và giết Nhậm. Trước khi trở vào Phú Xuân, Nguyễn Huệ cử Ngô Thì Nhậm, một nhân sỹ Bắc Hà hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Huệ ra giúp nước, và Ngô Văn Sở trông coi Bắc Hà.

Trong khi anh em Tây Sơn bận rộn với các chiến trận ngoài Bắc và tương tàn lẫn nhau ở ngoài Trung thì trong Gia Định Nguyễn Ánh cho người về xây dựng lại lực lượng và dần thu phục lại toàn bộ miền Nam từ Bình Thuận đến Hà Tiên. Năm 1788, thấy tình hình đã vững, Nguyễn Ánh rời Xiêm về nước.

Mối nguy ngoài Bắc sau chúa Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm vừa dứt thì nay lại đến 29 vạn quân Thanh do Tôn Sỹ Nghị theo lời cầu viện của vua Chiêu Thống mang sang tiến vào Thăng Long. Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở lượng sức không chống lại được đành đem quân bỏ Thăng Long vào Tam Điệp cố thủ, đợi chủ tướng ra.

Trước khi ra Bắc lần thứ 3, Nguyễn Huệ xưng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Đại quân xuất phát từ Phú Xuân ngày 22 tháng 12 năm 1788, 4 ngày sau đến Nghệ An. Dừng ở đây 10 ngày để bổ sung quân số và sắp đặt hàng ngũ, lúc này lên đến 10 vạn, thật đúng danh với vùng đất Thanh Nghệ đất rộng người đông. Ngày 15 tháng 1 năm 1789, tức 20 tháng Chạp ngày Ta, quân vua Quang Trung ra đến Tam Điệp ở Ninh Bình. Sắp đặt các tướng lĩnh chỉ huy các đạo quân xong xuôi, quân vua Quang Trung tiến ra Thăng Long. Đêm 30, quân Nguyễn Huệ đánh hạ các đồn ven kinh đô. Đêm mồng 4 Tết cuộc chiến khai diễn và chỉ đến trưa mồng 5 thì vua Quang Trung đã vào trong thành Thăng Long.

Cuộc chiến kết thúc, Nguyễn Huệ lại kéo quân vào Phú Xuân và bắt đầu công việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, vùng đất nằm giữa Thăng Long và Phú Xuân.

Bắc Hà kết thúc nạn binh đao thì chiến trường lại dịch chuyển vào trong Nam. Thế lực Nguyễn Ánh ngày một mạnh hơn với sự giúp đỡ của các danh tướng Đàng Trong và sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật, tổ chức của mấy viên sỹ quan Pháp mà giám mục Bá Đa Lộc chiêu mộ được. Giám Mục Bá Đa Lộc che chở Nguyễn Ánh trong những năm đầu ông trốn tránh quân Tây Sơn ở Gia Định và đã đem Đông Cung Hòang tử Cảnh năm 1785 sang Pháp với ấn tín Nguyễn Ánh đưa để tự quyết định việc ký hiệp ước cầu viện. Nhưng việc này bất thành do Pháp lúc này đang bắt đầu diễn ra Cách Mạng và do đô đốc Pháp ở Pondicherry, Ấn Độ không muốn thực hiện.

Thời gian này Nguyễn Ánh cử Ngô Nhân Tịnh sang Trung Quốc kết thông và tìm vua Lê Chiêu Thống, trong kế hoạch tranh giành quyền lực với Tây Sơn trên mọi phương diện từ ngoại giao đến quân sự.

Năm 1790, quân Nguyễn Ánh đánh chiếm Bình Thuận. Vua Quang Trung chưa kịp tổ chức một cuộc viễn chinh vào Nam đánh Nguyễn Ánh lần thứ 6 (các lần trước là 1776, 1777, 1782, 1783, và 1784) thì đột ngột qua đời năm 1792, để lại ngôi vua cho con thứ là Nguyễn Quang Toản, là vua Cảnh Thịnh sau này. Vua Cảnh Thịnh tuổi nhỏ, lại không có uy dũng như cha nên quyền hành, chính sự đều do cậu là Thái sư Bùi Đắc Tuyên quyết định. Nội bộ Tây Sơn lại lục đục, lần này là giữa các tướng của vua Quang Trung. Năm 1794, Vũ Văn Dũng lập mưu bắt cha con Bùi Đắc Tuyên và cả tướng Ngô Văn Sở khi ấy đanh trấn thủ Thăng Long dìm nước chết. Trần Quang Diệu lúc này đang vây hãm thành Diên Khánh ở Nha Trang do các tướng của Nguyễn Ánh là Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Nguyễn Hùynh Đức, Võ Duy Nguy vừa chiếm được, nghe tin liền rút quân về Phú Xuân. Quân Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu dàn trận 2 bên bờ sông Hương và phải đến khi vua Cảnh Thịnh ra giảng hòa mới thôi.

Thành Quy Nhơn từ sau khi vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc chết năm 1793 thuộc về đất của vua Cảnh Thịnh, trải dài từ Bắc Hà vào đến Phú Yên. Từ Khánh Hòa vào Hà Tiên là đất của chúa Nguyễn Ánh.

Sau nhiều lần tiến đánh thành Quy Nhơn thất bại, năm 1799 Nguyễn Ánh tự cầm quân đi đánh và chiếm được. Nguyễn Ánh lưu 2 danh tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại giữ thành vì đây là thành quan trọng và là trọng trấn ở miền Trung. Năm 1800, vua Cảnh Thịnh sai 2 tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng vào đánh lấy lại Quy Nhơn. Hai tướng giữ thành Quy Nhơn gửi tin báo chúa Nguyễn Ánh tiến quân ra đánh lấy Phú Xuân còn 2 ông sẽ cầm chân 2 tướng Tây Sơn ở Quy Nhơn. Kế hoạch thành công, 2 tướng Tây Sơn bị cầm chân suốt gần 2 năm ở Bình Định, tên mới Nguyễn Ánh đặt cho Quy Nhơn sau khi chiếm được năm 1799.

Nguyễn Ánh kéo quân ra Phú Xuân tháng 5 năm 1800 và sau mấy trận giao chiến với quân Tây Sơn và quân của vua Cảnh Thịnh, ông thu phục lại được kinh đô Đàng Trong của tổ tiên ông 25 năm trước.

Thành Quy Nhơn thất thủ đầu năm 1802 năm, 2 tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự vẫn, một bằng cách hỏa thiêu, và 1 bằng chén thuốc độc. Chiến thắng muộn màng không đảo ngược được tình thế. Trần Quang Diệu và vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đem quân theo đường thượng đạo (đường rừng núi bên Lào) ra Nghệ An tìm vua Cảnh Thịnh. Quân tan tác, vua Cảnh Thịnh chạy trốn ra đến Thăng Long nhưng rồi cũng bị bắt và vợ chồng tướng Trần Quang Diệu cũng rơi vào tay quân Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long, thống nhất giai sơn một dải, chấm dứt 30 năm nội chiến tương tàn, và cũng kết thúc gần 300 năm đất nước chia cắt (hơn 50 năm chiến tranh Mạc Lê và 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh).

30 năm nội chiến, kẻ thắng, người thua, con người, các thế lực có lúc hùng tráng, có lúc bi thương, và sách sử các triều đại thắng cuộc có thể mạ lị những người thất trận, nhưng 200 năm sau, với cái nhìn phóng khoáng và đầy đủ dữ kiện để đánh giá hơn thì sự thật khách quan rồi sẽ dần được trả về đúng vị trí của nó vậy.

One thought on “Tây Sơn Hào Kiệt”

  1. “Ta^u? qua nhap ma” la cau noi chinh xac nhat ma mi`nh dang roi vao sau khi doc bai` nay`! Nhung su kien lich su lon cua VN minh trong hon 30 nam noi chien (1771 đến 1801) duoc ke gan gon va co dong trong bai viet nay! Su thi thiet la kho nho’, mac du anh Ngan da keu minh doc cuon “Hoang Le Nhat Thong Chi” roi`, co le chi doc mot lan sao ma tha^’m??!! Thich nhat la giai thoai ve ba Dang Thi Hue, the thiep cua ong Trinh Sam! hihihi 😀

Leave a Reply