Giấy tờ xưa của bố

Hôm nọ về Cleveland mình có dịp scan một số hình cho vào máy tính rồi đưa lên website này. Đây không phải là những hình bình thường chụp gần đây mà là những giấy tờ xưa, trong đó đa số là hình của bố. Như một cuộc chạy đua vô vọng, trong khi hình ảnh bố đang chìm dần sau màn sương mù thời gian thì mình lại tìm thêm được một vài phác họa rõ hơn về bố qua những tấm hình này.

khaisanhĐây là giấy khai sanh của bố năm 1955. Ai muốn xem hình rõ hơn có thể vào mục photo, albums Hà Giang.

Lúc này ông bà nội đang ở Huế. Tức là vừa từ Bắc di cư vào Nam được một năm. Bố lúc này đã 6 tuổi, nhưng khi làm giấy khai sanh, ông nội khai bố sinh năm 1952. Trong biên bản của chánh án Tòa Sơ Thẩm Huế và viên chánh Lục Sự Tòa Án có ghi rõ là nếu khai man sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 120 đồng và có thể ngồi tù đến 1 năm. Trẻ con lớn rất nhanh nên bố ngày ấy không thể lẫn lộn với “em bé” (nguyên văn từ chỉ về bố trong biên bản) 3 tuổi được. Rất có thể thời kỳ này bộ máy hành chánh làm việc còn lỏng lẻo, lại đang có đông bà con ngoài Bắc vào Nam nên quan tòa cũng xuề xòa dễ dãi chứng nhận cho nhanh nên kể từ ngày đó bố sống với cái tuổi nhỏ hơn chính mình đến 3 năm. Ông nội ngày ấy lo lắng sợ sệt khi lần đầu bỏ quê vào Nam nên khai thấp tuổi con cái để tránh phiền lụy (?). Nhưng kể ra ông nội cũng gan và liều lắm, biên bản ghi rõ mức phạt nếu ngụy chứng mà vẫn dám khai bố nhỏ xuống đến 3 tuổi. Ngoài ông nội là nguyên đơn còn có 3 người làm chứng là ông Nguyễn Duy Chu, ông Ngô Văn Phiến và bà Phan Thị Út, tất cả đều cùng quê. Ngòai ông Phiến, mình chưa bao giờ nghe ông bà nội nhắc đến ông Chu và bà Út.

tienanĐây là giấy biên nhận tiền ăn bố đóng cho nhà trường năm 1968. Bố học hết tiểu học trường Võ Tánh ở Phú Nhuận năm 1963, đến năm 64 lên lớp 6 bố học trường Văn Lang bên kia sông Nhiêu Lộc khu Tân Định. Năm 65, lên lớp 7 bố học trường Vạn Hạnh trong Sài Gòn gần hồ Con Rùa. Bố hay kể đây là năm bố học kém nhất, với đỉnh điểm là lần bố theo nhóm học sinh lớp lớn chọc phá đoàn biểu tình người Công Giáo đến nỗi bị họ rượt đuổi phải trốn trong trường đến tối mới dám lẻn ra về. Trong khi bác Tùng và chú Hải, cùng một thế hệ với bố học Nguyễn Bá Tòng ở Gia Định gần nhà thì ông bà nội quyết định đưa bố lên Cao Nguyên học nội trú xa nhà. Có thể ông bà nghĩ xứ “lam sơn chướng khí” mới kềm được cái nghịch ngợm của bố? Mình có thể đoán bà nội đưa bố lên Bảo Lộc mùa thu năm 65, bắt đầu năm học lớp 8 ở xứ sở trà – cà phê. Bà nội kể phải đưa tiền cho “bố mày” ở trên ấy và không nói thì mình cũng có thể đoán được tốn kém hơn nếu bố học ở gần nhà như bác Tùng hay chú Hải. Nhìn vào tờ biên nhận tiền cơm bố đóng năm 68, tức là năm bố đang học lớp 11 ở trường Trung Học Nông Lâm Súc, mình có thể hình dung được chi phí cho bố ngày ấy là bao nhiêu. Tiền ăn 3 tháng 9, 10, 11 lớp đệ Nhị là 6000 đồng. Bố sau này thỉnh thoảng kể bố đâu có hay ăn trong nhà ăn đâu mà thích đi ăn bên ngoài với bạn cho vui và có lẽ cũng để cho thỏa cái chí “nam nhi” không muốn bị gò bó trong khuôn khổ nhà trường. Nếu thế thì không chỉ tốn kém cho bố học xa nhà thôi mà còn tốn phí nữa. 30 năm sau, đến khi mình đi học xa nhà, bố cứ dặn không được ra ngoài ở… Trong mấy anh em bố là người đi học xa nhà nhất và người thứ 2 học tuy không xa như bố nhưng xa hơn những anh em khác là chú Trung. Chú Trung học trường Cao Thắng, trường Trung Học kỹ thuật dạy nghề có tên tuổi nhất trong số các trường mấy anh em bố học qua. Bà nội từng khen ngày ấy “chú Trung mày” học giỏi nhất…

hoclucĐể hình dung ngày ấy bộ học ra sao mình có thể nhìn vào giấy báo điểm thi của bố trường Nông Lâm Súc gửi cho ông bà nội ngày 10 tháng 3 năm 69. Nguyễn Sơn Hà, lớp đệ Nhị (11), ban Mục Súc có điểm trung bình Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt (6 tháng đầu) là 12,35/20. Trong số 15 học viên, bố đứng thứ 9, và giấy báo điểm ghi bố là dạng học viên bàng thính. Mình không rõ bàng thính có phải là dạng dự khuyết hay nôm na là học không chính thức không nhưng có vẻ như điểm của bố không cao và bố xếp hạng cũng hơi thấp.

Thêm một giấy báo điểm khác gửi về cho ông bà nội. Lần này là cho toàn khóa, niên học 68-69, điểm bố thấp hơn, xuống còn 11,56/20 và xếp hạng 10/15, học viên dạng “đặc biệt” nguyên văn giấy báo điểm.

hocluc2Nếu như thời ông nội học hết tiểu học là giỏi thì thời bố, 40 năm trước, học đến cấp 3 cũng là khá. Ông nội ngày xưa không học hết lớp 5 mà chỉ học hết lớp 3 ở Phủ Lý rồi bị cụ Quỳnh gọi về nhà làm ruộng, nhưng sau khi vào Nam ông tự học ở nhà và đi thi lấy được cái bằng tiểu học nên sau này xin được một chân trong bệnh viện Bình Dân. Tương tự như ông nội, bố chỉ học hết lớp 11 chứ chưa tốt nghiệp Trung Học và vì lẽ đó mà sau này bố đi Hạ Sỹ quan với cấp bậc Trung Sỹ chứ không đi Sỹ Quan được như chú Hải.

Đây là thẻ học viên của bốthehocvien niên học 69-90. Thẻ ghi rõ bố học lớp đệ Nhị, tức vẫn là lớp 11 giống niên học 68-69.

Có 2 điều mình để ý thấy là tuổi học sinh, tóc tai bố rất tươm tất, và chữ viết khá đẹp. Có lẽ bên ngoài cái vỏ bọc ham chơi, nghịch phá tuổi trẻ của bố là cái gốc nề nếp gia đình, xã hội hun đúc thành con người bố và đặc biệt là óc thẩm mỹ của riêng bố mà sau này đến thế hệ 3 anh em mình, duy mình chắc sẽ mãi không bao giờ đạt được.

caitaoNhìn mấy hình giấy tờ cũ của bố mình bắt đầu nghi ngờ bố dùng lại hình cũ! Có lẽ bố chọn tấm hình đẹp nhất, bảnh trai nhất để dán vào các loại giấy tờ khác nhau như thẻ sinh viên, thẻ cư tri, và trong hình này là giấy chứng nhận đã học tập cải tạo. Chắc là thế nên trong hình lúc nào bố cũng trông đẹp trai hơn mình! 🙂 Hình này gợi nhớ mình là sau 75, bố đi học tập cải tạo ngay trong phường mà không phải đi “mút mùa” như chú Hải đến 5 năm hay như ông Hùng bỏ xác ngoài Bắc. Giấy còn ghi bố cấp bậc Trung Sỹ nhất, đơn vị là tiểu đoàn 18 Quân Y. Trên đầu giấy chứng nhận có ghi dòng chữ “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Độc Lập – Dân Chủ – Hòa Bình – Trung Lập.” Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam là tên gọi mới của miền Nam sau khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, và tên gọi cũng như chính quyền này tồn tại đến giữa năm 76 mới sáp nhập với miền Bắc thành 1 nước thống nhất. Đọc khẩu hiệu của chính quyền 1 năm tuổi này “Độc Lập – Dân Chủ – Hòa Bình – Trung Lập” mình không khỏi chú ý từ “Trung Lập” trong đó. Có lẽ cái khẩu hiệu “Trung Lập” năm 75, 76 còn hợp thời vì ai không ủng hộ chính quyền Quốc Gia đều được xem là bạn, là đồng minh trong “liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (tương tự như Mặt Trận Tổ Quốc sau này).” Nhưng sau năm 76, từ Trung Lập không còn được dùng nữa, rõ ràng nó đã hết thời!

Ngày 3 tháng 12 năm 1972, ông bà nội, ngoại tổ chức đám cưới cho bố mẹ. Ngày ấy cô dâu là con gái xứ trà B’Lao còn chú rể là chàng thanh niên cao ráo điển trai chốn đô thị phồn hoa Sài Gòn, chắc hẳn đám con nít trong xóm không khỏi xì xào, chỉ trỏ. Để rồi 37 năm sau, dài đấy nhưng vẫn là ngắn ngủi trong niềm vui ngày nào và khi sợi dây gắn kết con người với nhau qua bao thăng trầm tưởng đã không thể tháo gỡ thì ở một nơi xa tít mù khơi, số phận con người như đã được định đoạt, bố ra đi bỏ lại tất cả.

Cứ ngẫm nghĩ đến cái huyền ảo của thời gian mà mãi ngậm ngùi.

4 thoughts on “Giấy tờ xưa của bố”

  1. Bộ máy hành chính làm việc lỏng lẻo là có thể, bởi thời đó làm sao mà quản lý được hết nhỉ. 🙁 Quan trọng ai ra đăng ký thì mới có giấy tờ hợp pháp và được bảo vệ bởi pháp luật hiện hành và tất nhiên được những quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của công dân. Giống như thấy mặt đặt tên là vậy.

  2. Bố mẹ thành hôn đuợc 1 tháng 3 ngày thì mình ra đời. Đúng là giấy tờ hồi xưa không chính sát lắm, thiệp cuới của bố mẹ thí là 3 tháng 12 năm 1972, nhưng giấy hôn thú thì là 30 tháng 03 năm 1973.

Leave a Reply