Nếu ông ngoại mình còn sống với con cháu ngày hôm nay thì bây giờ ông đã 102 tuổi. Ông mất 13 năm về trước, khi ông 89 tuổi, quá xa cái tuổi thất thập cổ lai hi. So với các vua chúa ngày xưa trong hơn một ngàn năm các triều đại phong kiến ở Việt Nam thì ông ngoại thọ ngang với chúa Nguyễn Hoàng, được xem là thọ nhất. Bài blog tóm tắt lịch sử Việt Nam của TraiLang cũng có ghi chi tiết này. Ngày ông ngoại mất, ai cũng mong bà ngoại sống thọ được như ông. Ước mong khá xa vời bởi bà ngoại nhỏ hơn ông ngoại đến 11 tuổi. Thế mà 13 năm trôi qua, bà ngoại vẫn đồng hành cùng con cháu trên mặt đất này. Mỗi năm trôi qua là bà lại lập một kỷ lục mới. Mình viết vài dòng về cuộc đời ông bà ngoại trong này xem như để nhớ đến ông ngoại và chúc thọ bà ngoại. Viết trước khi trí nhớ chìm vào lòng đất.
Ông ngoại sinh năm 1908 tại làng Quỹ Nhất, bây giờ thuộc huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định. Mình không rõ làng Quỹ Nhất ngày ấy lớn nhỏ bao nhiêu so với các làng khác, nhưng đọc báo thấy nói Quỹ Nhất bây giờ trở thành 1 trong 3 thị trấn của huyện. Thế thì ngày xưa hẳn nó đã là một làng lớn trong huyện rồi. Bà ngoại sinh năm 1919 tại làng Giáo Lạc, cách Quỹ Nhất vài cây số và cũng thuộc huyện Nghĩa Hưng. Huyện Nghĩa Hưng được bao bọc bởi 2 con sông lớn ở Nam Định là sông Đáy và sông Ninh Cơ ở bên Tây và Đông, còn mặt Nam tiếp giáp biển. Bà ngoại hay kể chuyện thời con gái rủ nhau đi biển nhặt sò. Nhìn vào bản đồ có thể đoán đoạn đường dài gần chục cây số. Giống bao nhiêu phụ nữ miền quê Bắc Kỳ ngày xưa, bà ngoại chỉ ở nhà giúp bố mẹ việc đồng áng mà không được đi học. Có mấy lần mình hỏi giáo xứ của bà thuộc giáo phận nào bà đều không biết mà bà chỉ kể chuyện vài lần được đi lễ nhà thờ Phát Diệm và tả nhà thờ ấy to lớn thế nào. Mình đành phải tự tìm hiểu mới hiểu quê bà, làng Giáo Lạc, và cả làng Quỹ Nhất đều thuộc giáo phận Bùi Chu, một giáo phận lớn và lâu đời ở Việt Nam, nhưng trung tâm giáo phận nằm ở phía Đông của tỉnh Nam Định, ráp gianh với Thái Bình, còn quê ông bà ngoại ở phía Tây Nam Định, cách huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình bởi con sông Đáy. Từ quê ông bà đi Phát Diệm chỉ mất cỡ 10 cây số, nhưng bởi phải đi thuyền qua sông Đáy nên có thể đoán ngày xưa những dịp lễ lớn đi Phát Diệm, phải chuẩn bị ít nhất một ngày đi về.
Nếu quê ông bà nội ở Hà Nam nằm sâu trong đất liền, tâm lý hướng về truyền thống, nặng về tập tục thì Nghĩa Hưng hay Kim Sơn nằm sát biển tạo cho con người cá tính phóng khoáng, dễ dãi. Không biết hoàn cảnh khách quan ấy có để lại ảnh hưởng gì đối với các cụ sanh ra ông bà ngoại không, và không biết từ bao giờ các cụ theo đạo Công Giáo. Vùng đất Kim Sơn vốn là đất bồi, ngập mặn và theo sử sách kể lại thì nhờ công lao chỉ đạo dân bồi đất lấn biển của Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ năm 1829 mà vùng đất này trở nên trù phú và đông đúc dân đến lập nghiệp. Vùng đất này ngày hôm nay là trung tâm giáo phận Phát Diệm nên hẳn phải có số dân Công Giáo đáng kể. Thế thì số dân cụ Nguyễn Công Trứ chiêu mộ đến đây lập nghiệp có bao nhiêu là lương dân, bao nhiêu giáo dân? Những năm đầu thời vua Minh Mạng (1820-1840) với không khí cấm đoán đạo gắt gao rất có thể góp phần thúc đẩy giáo dân lưu tán đến Kim Sơn đông hơn, vô tình giúp cho công trình đào đê lấn biển của cụ Doanh Điền Sứ thành công mau chóng. Quê ông bà ngoại nằm phía bên kia sông Đáy, tuy cũng gần biển nhưng không phải là đất bồi, không biết các cụ đã ở đấy lâu đời hay cũng là lưu dân từ sâu trong đất liền đến giống những đợt di dân đến Kim Sơn?
Thuở thơ ấu của ông ngoại mình hoàn toàn không biết gì. Không như ông nội hay bà ngoại còn để lại vài mẩu chuyện mình còn nghe được. Tuổi trẻ của ông ngoại, mình chỉ biết một giai đoạn do được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất, và chính ông là người hay kể, mặc dầu khi ấy mình không mấy để tâm tới và khi mình bắt đầu để ý hơn thì ông ngoại đã rất yếu cả về thể xác, tinh thần lẫn trí nhớ nên có nghe ông kể cũng không còn dễ hiểu được nữa. Giai đoạn ấy là 10 năm ông đi lính bên Pháp. Mình không nghe ai nói ông ngoai đi Pháp từ năm nào, nhưng nếu nhớ lại vài mẩu chuyện ông kể mình có thể đoán được. Ông kể ăn thịt chó trên tàu Pháp, bị Đức bắt làm tù binh và đặc biệt nhất là ông kể ông đã gặp Hồ Chí Minh. Ôn lại đại cương sử Việt Nam cận đại mình đoán định ông ngoại gặp cụ Hồ ở Pháp năm 1946, khi HCM qua Pháp ký tạm ước với Pháp khi Pháp trở lại Việt Nam sau thế chiến thứ 2 chia quyền giữa Việt Minh và Pháp. HCM ở Pháp đến 4 tháng và trong thơi gian này có đi gặp kiều bào sinh sống làm việc ở đây. Cũng có thể ông ngoại gặp HCM khi nghe tin Việt Nam lần đầu tiên trong gần 100 năm có 1 chính phủ độc lập qua Pháp đàm phán nên cùng bạn bè người Việt đi lính Pháp khi đó ra cảng đón chào đoàn.
Mẹ sinh năm 1948 và như thế ông ngoại về nước cuối năm 46 hay đầu năm 47. Vậy là ông ngoại đi Pháp từ những năm 36, 37 và ngày ông đăng ký đi lính cho Pháp có lẽ còn sớm hơn thế. Bà ngoại hay kể ông bà lấy nhau là do anh của bà giới thiệu cho bà. Một người chị của bà thì thầm với bà người đi Tây họ ăn chơi lắm, không biết làm lụng đâu và bà cũng chần chừ nhưng anh bà lại mắng không lấy đám này thì lấy đám nào. Và thế là ông bà lấy nhau.
Từ năm 1948 bà bắt đầu theo ông. Ông theo quân đội Pháp đóng quân ở đâu, bà đến ở đấy. Trong vài nơi ông đóng quân, ngoài Nam Định, còn có một nơi rất cơ duyên. Đó là Phủ Lý, ngay sát quê ông bà nội. Năm 54, đất nước chia đôi, bà dẫn mẹ theo ông ra Hà Nội đi máy bay vào Nam. Đấy là nhờ ông ở trong quân đội nên chân đất quê mùa thuở ấy mà bà ngoại và mẹ được chễm chệ ngồi máy bay vào Nam, không phải chen chúc đi tàu “há mồm” lênh đênh trên biển xuôi Nam. Vào Nam, Pháp rút khỏi Việt Nam và ông ngoại cũng về hưu luôn, thôi không đi lính nữa. Lúc đó ông đã 46 tuổi, ở trong quân ngũ chí ít cũng gần 20 năm. Sau này ngoài một lần lãnh một số tiền Phật Lăng lớn lương hưu và sau đó định kỳ mỗi năm một chút ít từ chính phủ Pháp cũng giúp ông ngoại rủng rỉnh hơn và bắt đầu 7 năm sống lưu động trên nhiều tỉnh ở trong Nam. Ông về hưu với cấp bậc Thượng sỹ, một cấp bậc tuy không lớm nhưng cũng không nhỏ trong quân đội Mỹ và mình nghĩ cấp bậc của Pháp giống với Mỹ hơn Việt Nam. Nếu như thời Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Hạ sỹ quan chỉ là thừa hành mờ nhạt thì trong quân đội Mỹ, Thượng sỹ tuy chỉ là hạ sỹ quan nhưng uy tín chỉ thua Đại Úy, viên đại đội trưởng và những viên sỹ quan từ Trung Úy trở xuống đều phải kiêng nể. Tuy là đi lính cho Tây nhưng ở Việt Nam các đơn vị vẫn chia làm 2, một của dân bản xứ người Việt, còn bên kia là đơn vị lính viễn chinh người Pháp hoặc lính da đen thuộc địa Pháp. Sỹ quan Việt Nam hiếm khi được đề bạt trông coi một đơn vị da trắng. Như thế có thể đoán lính dưới quyền ông ngoại đều là người Việt.
Ông ngoại đi lính nhưng giống mình, mình chưa bao giờ nghe ông hay ai kể về ông đã từng cầm súng ra trận mạc. Ấy là vì ông là lính kèn. Ngoài quân trường, không biết ông đã bao giờ cầm súng bắn địch chưa, dù là để tự vệ? Mình nhớ đến bố, đến những lần bố kể về mặt trân Định Quán, nơi bố được thần chết tha mạng cho bố sống thêm 34 năm nữa, bố kể bố không mang theo súng, mà để súng ở hậu cứ. Mình không bàn về tác phong, tinh thần chiến đấu của người lính VNCH ngày trước nhưng ngẫm nghĩ về ông ngoại, về bố và đến chính mình, cả ba thế vệ tuy đều đi lính nhưng chưa ai cầm súng bắn đạn đối phương bao giờ. Thế mới biết người lính không hào nhoáng xông pha trận mạc như một số sách vở hay phim ảnh, TV mô tả. Tuần rồi bộ phim The Hurt Locker được trao 6, 7 giải Oscars khiến mình không khỏi ngạc nhiên. Phim về lính, nhất là những phim về cuộc chiến Iraq mà mình đã ở đó 1 năm và có chút “mục sở thị” chỉ là phim giống như bao nhiêu phim khác của Will Smith, Thành Long,… đóng. Đều là chuyện nghìn năm một thuở mới xảy ra. Mỗi phim có thể có thông điệp riêng của nó nhưng sẽ rất hàm hồ nếu xem phim hành động Mỹ và hình dung ở Mỹ người ta bắn nhau ngoài đường mọi nơi mọi ngày và người dân nhạo báng, coi thường cảnh sát hay như chính phủ Mỹ có những chương trình bí mật thí mạng người dân cho những mục đích đen tối. Ở Tây phương người ta làm phim chế giễu cảnh sát, chính quyền bao nhiều là do ở đấy kỷ cương đã đi vào nề nếp khá lâu. Còn ở ta, người ta làm phim ca ngợi cảnh sát, chính quyền nhiều nhưng ở đấy kỷ cương còn lỏng lẻo lắm. Thế nên mới có người dễ mỉa mai cho rằng cái gì thiếu người ta mới tôn vinh, còn cái gì thừa thì người ta sẽ nhạo báng.
Giống ông bà nội sinh con cái ở cả 3 miền, ông bà ngoại sinh mẹ ở Nam Định, sinh cậu Hiền, cậu lớn nhất ở Huế năm 1956 và sinh 2 cậu út ở Sài Gòn năm 57, 61. Những nơi các cậu sinh là những dấu chân trên bước đường lưu lạc vào Nam của ong bà. Từ Ha Nội bay vào Nha Trang, ông bà đi ngược ra Huế, ở đấy đến năm 56 và sinh cậu lớn nhất xong thì lại xuôi vào Sai Gòn và sinh cậu Hòa ở đây. Nghe người quen giới thiệu, ông ngoại lại dắt vợ con xuống miền sông ngòi Cửu Long và ở qua Cần Thơ, Kiến Tường (nằm giữa Đồng Tháp và Long An bây giờ) vài năm rồi trở về Sai Gòn khoảng năm 60 hoặc 61, năm sinh cậu Hiệp, tức cậu út. Những năm sống ở miền Tây, ông ngoại thổi kèn kiếm sống nuôi vợ con và trả tiền thuê nhà. Về lại Sài Gòn đầu thập niên 60, một thời gian ngắn ông làm công việc soát vé ở một rạp chiếu bóng, nhưng sau lần ông bị một tay Mỹ say rượu đánh ông nghỉ không làm nữa. Lúc này ông bà ngoại ở thuê nhà một người quen tên Phượng trên đường Cách Mạng Thang 8 bây giờ. Ông bà bán phở cho người ta và người ta hứa hẹn sẽ để lại tiệm phở. Nhưng duyên may không mỉm cười với ông bà và chờ mãi mà không thấy động tĩnh gì, ông ngoại nghe lời người em của mình khi này đang ở Bảo Lộc, dắt díu vợ con di cư một lần nữa, và đây là lần cuối cùng. Phải đến 30 năm sau ông bà mới di cư lại và đó là lần di cư cuối đời của ông bà năm 1991.
Ở Bảo Lộc, ông ngoại dùng tiền hưu đi lính Pháp tậu một căn nhà nằm trong con hẻm lớn ở Phẹc, cắch thị xã Bảo Lộc 3 km hướng Đông Bắc và mua 2, 3 sào trà thuê người làm. Mấy sào trà mỗi năm mỗi lời ít, mà theo lời bà ngoại và mẹ kể trong đó có lý do ông ngoại không biết làm chủ! Ông ngoại lo cơm nước và sức khỏe của người làm thuê hơn cái vườn trà của chính mình, nồi cơm của gia đình và cũng là của những ngươi làm vườn kia.
Rồi một ngày kia ông ngoại bán mấy sào trà luôn vì thấy làm vườn nhọc quá. Chắc ông nghĩ có thể tìm được nghề gì đó nhẹ nhàng hơn. Nhưng không thấy may mắn nào mà cuộc sống bắt đầu trở nên khó khăn hơn. Bây giờ đổi ngược lại, bà ngoại đi làm vườn thuê cho người ta và ông ngoai ở nhà coi mấy cậu. Có thể đoán đó là những năm 64, 65. Có lẽ khoảng năm 66 ông ngoại xin ra làm ấp trưởng nhờ ông biết chữ và thế là một thời gian ngắn ông làm trưởng ấp và một lần thành công xin huyện xây chợ chiều cho ấp. Thời gian này và về sau bà ngoại ở nhà chăm chỉ nuôi heo và quán xuyến việc nhà cửa. Ông làm trưởng ấp cho đến một ngày, có lẽ năm 67, Việt Cộng trong vùng đến nhà ông bà ngoại vào ban đêm và đập cửa gọi tên ông. Đã nhiều lần họ kêu gọi ông không hợp tác với chính quyền miền Nam và nếu ông không nghe, họ sẽ có biện pháp mạnh. Họ đã giữ lời và đêm ấy họ đến tìm ông.
Ngày xưa một lần bà Tuần, mẹ bà ngoại, dẫn bà ngoại lên thành phố Nam Định thăm xưởng dệt của một người chú và bà ngoại kể chú ấy muốn xin bà Tuần cho bà ngoại ở đấy học việc với ông nhưng bà Tuần không chịu, trả lời rằng “con Mai (tên bà ngoại) là cánh tay trái của tôi.” Sự lanh lẹ của bà đêm hôm ông ngoại bị thần chết đến gõ cửa đã giúp ông sống thêm 30 năm nữa. Đêm ấy bà thúc ông chốn nhanh khi ông còn đang nằm nghe đài mỗi tối như mọi ngày. Từ ngày mình biết ông ngoai thì ông đã già nên mình khó có thể hình dung đêm ấy ông đã nhanh nhảu lẻn ra cửa sau, leo rào và lần theo nhà hàng xóm trốn thoát ra quốc lộ và ở ké qua đêm nhà một người quen như thế nào.
Gọi cửa một hồi, họ nổ lựu đạn vỡ tung cửa xông vào. Mấy cậu đứng nấp sau lưng bà. Họ hỏi ông Đốc đâu và bà bình tĩnh nói ông ấy không ở nhà đêm nay. Có lẽ họ cũng đoán ra ông đã trốn thoát và như muốn dằn mặt ông họ xuống cuối xóm bắn chết ông Hậu, ấp phó, và tuyên bố tử hình khiếm diện ông. Ông ngoại thôi luôn cái ghế ấp trưởng từ đó.
Thời gian sau ông ngoại xin được một công việc gác gian ở Bình Dương và cứ đi về mỗi tháng như thế. Có lẽ do ông làm một thời gian thấy chán hay thấy bất tiện quá nên cuối cùng ông cũng thôi.
Đầu tháng 4 năm 75 khi người trong xóm kháo nhau Bảo Lộc “mất rồi,” cậu Hòa vào nhà nói với ông bà gia đình mình phải đi thôi. Mẹ lúc này đang dạy ở Tân Vạn và cậu lớn đang học ở Sài Gòn nên không tham gia cuộc “di cư hụt” những ngày sắp đến của gia đình. Lúc này quốc lộ 20 từ Bảo Lộc về Sai Gòn không còn do quân đội miền Nam kiểm soát nên ông bà và 2 cậu út thuê xe đi ngược lên Đà Lạt, rẽ hướng biển đến Phan Rang rồi ở đây hòa mình vào dòng người như thác đổ từ mấy tỉnh miền Trung kéo vào Nam. Cuộc hành trình kéo dài có lẽ đến 2 tuần và nhân dịp này ông bà có ghé thăm nhà một người họ hàng ở Hàm Tân, thuộc Bình Thuận bây giờ. Lúc này mặt trận Xuân Lộc, trận chiến cuối cùng 2 tuần trước ngày chính quyền miền Nam sụp đổ, đang diễn ra ác liệt và bố cũng vừa thóat chết ở Định Quán đang tập trung quân số sư đoàn ở Xuân Lộc và nghỉ phép về nhà ông bà nội ở Sài Gòn. Còn đường huyết mạch quốc lộ 1 bị cắt đoạn nên gia đình theo đường tỉnh lộ ven biển từ Hàm Tân xuôi vào Vũng Tàu. Mẹ từ Tân Vạn nghe ngóng tin tức và ra Vũng Tàu tìm bố mẹ anh em. Gia đình gặp nhau vui mừng vì tất cả đều vẹn toàn trong cảnh đất nước đang nghiêng ngửa thì lại lo lắng, hồi hộp cho tương lai. Mẹ kể những ngày lang thang sống trong lều bạt đồ hộp viện trợ cho dân tị nạn ở trung tâm tiếp cư Chí Linh, trước đó là Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến, trong cái vô tư hồn nhiên của mình, ông ngoại vui miệng “nếu sống như vầy mãi cũng được.” Ngày 30 tháng 4 trôi qua, thời khắc nín thở chờ đợi đi qua. Cái người ta sợ hãi đã không xảy ra và ai nấy phải trở về quê quán. Ông bà ngoại cũng thế. Những khó khắn sẽ tới nhưng nó chưa tới ngay lúc ấy mà sẽ kéo dài những năm về sau. Chỉ tiếc một điều là trong cái thời buổi loạn lạc, gia đình ông bà ngoại chỉ thiếu mỗi cậu lớn. Cậu lớn học ở Sài Gòn, không liên lạc được với ông bà ngoại và sợ ông bà đã lên một con tàu nào đó đang neo ngoài biển nên cậu cũng ra bến Bạch Đằng và theo mấy người em họ lên tàu rời bỏ quê hương, hy vọng gặp bố mẹ anh em ở bên kia đại dương. Phải 17 năm sau, và có thể đối với nhiều người là một phép lạ, gia đình mới lại đoàn tụ đông đủ trên đất Mỹ.
Cuộc sống 75 mỗi ngày một khó khăn. Ông bà ngoại lúc này đã lớn tuổi. Ông ngoại chỉ ở nhà, bà ngoại ngoài bếp núc và nuôi heo ở nhà còn thỉnh thoảng đi làm vườn cho hợp tác xã. Hai cậu út đã lớn và bắt đầu đi làm phụ ông bà. Ban đầu 2 cậu làm ở hợp tác xã, rồi sau đó nhờ có máy cưa cậu lớn gửi ở Mỹ về, 2 cậu đi rừng xẻ gỗ kiếm thêm tiền cơm. Suốt 10 năm sau ngày đất nước thống nhất mà tương lai không chỉ của gia đình mà cả nước cứ mờ mịt nên như bao nhiêu gia đình khác, các cậu xoay tìm nhiều nghề khác nhau mong có đủ bữa cho miệng ăn mỗi ngày một đông vì 2 cậu lần lượt lập gia đình những năm đầu thập niên 80. Hết làm vườn cho hợp tác xã kiếm đồng lương không đủ nuôi chính bản thân, lại vào rừng xẻ gỗ, rồi chuyển qua hái lan, đãi vàng… Tạo hóa có cái lý của nó, và đúng như câu nói “trời sinh voi, trời sinh cỏ” cuộc sống khó khăn chồng chất nhưng rồi con người ta vẫn thích nghi và vượt qua.
Lúc này đã có mấy anh em mình và cho đến ngày hôm nay mình vẫn nhớ mãi những lần ông ngoại xuống Sài Gòn thăm gia đình mình, ông là người bọn mình chơi đùa nhiều nhất. Tính ông vô tư ra sao mình lúc ấy chẳng biết, chỉ thấy gần gũi và rất vui gặp ông vì ông hay giỡn với con nít bọn mình hơn cả so với ông bà nội và bà ngoại. Có lần ông nội qua nhà mình chơi và thăm sui gia vì nghe tin ông ngoại xuống Sài Gòn chơi, ông nội thấy mình nô đùa với ông ngoại quá mức, ông la rầy nhẹ mình. Một lần khác 2 ông lên lầu nói chuyện thấy trên bảng học có chữ trên đấy nên hỏi nhau ông viết đấy à, rồi người kia trả lời tôi cứ tưởng cụ viết ấy chứ . Chẳng hiểu kỷ niệm ấy có ý nghĩa gì mà sao mình cứ nhớ mãi, ngày ấy cảm giác lạ mà lại vui khi thấy 2 ông của mình nói chuyện thân mật với nhau. Hồi nhỏ mình cứ thắc mắc tại sao ông nội và ông ngoại của mình gần gũi và thương mình bao nhiêu mà sao ít thấy 2 người gặp nhau và có vẻ khách sáo với nhau như thế… Đến khi hiểu hơn thì một người đã ra hư vô còn một người đang chìm sâu hơn mỗi ngày vào cõi u mịch của riêng mình.
Từ sau 75 ông ngoại không còn làm gì, chỉ an nhà tuổi già. Giữ vai nội tướng, bà ngoại những ngày ấy phải quần quật cùng mấy cậu lo cho số miệng ăn trong nhà ngày một đông. Ông ngoại thường đi lễ buổi sáng sớm ngày Chủ Nhật. Sáng thường nhật ông hay ngồi ở dưới bếp nhâm nhi trà B’Lao, đến lúc mặt trời lên gần đỉnh đầu thì ra đầu ngõ đánh cờ tướng với mấy người bạn cờ ở quán hớt tóc. Ông ngoại đánh cờ mình phục lắm. Mình học cờ tướng từ mấy cậu, mà mấy cậu chỉ là đệ tử cờ của ông. Mình tuy chỉ là hàng đệ tử của đệ tử của ông mà mình đi chơi cờ tướng với bạn bè, hàng xóm, mình thắng nhiều hơn thua. Những lần đánh cờ với ông ngoại, mình cứ phải xin ông chấp xe pháo mã mà vẫn chưa thắng được ông. Có 2 người mình đã chơi cờ tướng và còn nhớ đến bây giờ. Đó là ông nội và ông Nghinh, em ruột bà ngoại mình. Cả 2 ông mình đều chơi cờ thắng cả. Nhưng khôi hài hơn cả là ông Nghinh vốn là quan to trong quân đội, với cấp bậc Trung Tá một thời coi quận Cái Sắn ở dưới Kiên Giang, thế mà ông lại chơi cờ tướng thua mình. Thế mới biết từ bàn cờ tướng đến việc điều binh khiển tướng ở trận mạc hay trị dân ngoài xã hội nó chẳng giống nhau chút nào!
Nghĩ đến chuyện đi lễ sáng, mình nhớ ngày xưa bà ngoại siêng đi lễ lắm. Không chỉ đi mỗi sáng mà còn đi mỗi ngày. Chưa hết, mỗi tối bà và mấy bà bạn trong xóm luân phiên tụ họp nhà từng người đọc kinh nữa. Đạo đối với bà không phải chỉ là đức tin thôi mà còn là lối sống. Không lạ khi mình hay nghe bà kể ngày xưa những ngày lễ lớn vui nhất trong năm thường là những ngày lễ Thiên Chúa hay lễ do nhà thờ trong giáo xứ tổ chức. Ngược lại với bà, mình nhớ ông ngoại không phải là người siêng đi lễ, mà có lẽ chỉ có ngày Chủ Nhật mới thấy ông ở nhà thờ. Những tối đọc kinh mình cũng không thấy ông ngoại đâu.Và mình cũng chẳng bao giờ nghe ông ngoại thuc giục bọn con nít mình đi lễ. Quả là cái xuề xòa, vô tư của ông lớn hơn cả đức tin các cụ để lại cho ông vậy.
Ông ngoại hay xuống Sài Gòn thăm gia đình mình là con gái lớn của ông và cũng để đi thăm bà con họ hàng. Ông thích đi đây đó và sống ít lo lắng nhiều. Năm 1990, một năm trước khi cả gia đình đi Mỹ, ông bị ngã ở nhà mình và từ đây ông không còn tỉnh táo, minh mẫn như trước nữa. Qua Mỹ năm 92, ông sống an vui tuổi già với con cháu cho đến năm 1997 ông trút hơi thở cuối cùng, và mình may mắn được nhìn ông lần cuối trước khi ông lịm hẳn.
Bà ngoại hay ao ước được về quê thăm xóm làng, chị em dù biết giấc mơ ấy xa xôi nghìn trùng. Sức khỏe của bà đã lâu rồi không cho phép bà được toại nguyện giấc mơ ấy nữa. Và bà biết ngày hôm nay nếu bà có dịp về bà cũng không còn đễ nhận ra nó nữa. Ấy là vì quê bà không chỉ xa xôi về không gian mà nó còn cách trở bởi thời gian. Làng quê Bắc Việt 1 thế kỷ trước đã không còn trong thực tế nữa mà có chăng chỉ còn trên sách vở, trong trí nhớ. Nếu sách vở không còn, trí nhớ nhạt nhòa thì “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cũng sẽ theo con người vĩnh viễn đi vào lòng đất.
cai’ thang nay no’ nho nhieu cai hay that hehehehh
khi nao` nho’ them duoc gi` thi` viet nua okie dokie
… em nho’ la`n mi`nh ve da’m tang bo^’, cau Hoa` co ngoi ke nhung thang ngay cau Hoa va cau Hiep vao rung do^’n ca^y, roi chuyen qua di dai~ va`ng den dau hon 2h sa’ng, khi do co ca? chu’ Con? nua~.
Cuoc song cua ong Ngoai nga`y xua xem ra co diem tuong do`ng voi doi` so’ng cua nguoi nghe si~ rong rui do day cua ba em ngay nao`.
Ngan, How big is that memory chip in your head? 😛
u dung roi dau phai ai cung giong ai dau, boi vay moi la dac biet, may qua no khong giong chu Quang may
tưởng ai chứ anh Hậu và Thục thì dư biết em không có trí nhớ gì nhiều mà vì nghe người lớn kể đi kể lại và mình đọc thêm đây đó rồi ôn lại và ngẫm nghĩ một chút thành ra thấy cuộc đời của ông bà như 1 câu chuyện có chút ý nghĩa trong dòng thời gian chảy mãi không ngừng
em, nếu nói đến máu nghệ sỹ thì ông ngoại chắc cũng có chút ít đó và truyền lại cho mẹ nên ngày xưa có lần mẹ đi đóng kịch nhưng rồi lại bị chính ông ngoại gọi về! 😀
cô Dung, bố cháu và cô Dung hình như là 2 người hay bảo cháu giống chú Quang nhất. Chả lẽ bố cháu không còn nên cô Dung cũng thôi không nói như thế nữa sao? 😛
.. Va me. co lan nha’c den chuyen nho` me. di dong kich cho qua^n nhan xem 1 la`n duy nha’t do cung la` cai duye^n ga.p bo^’ va ga’n bo voi bo^’ cho den mai~ sau nay`!(?)