Niên biểu

Hôm nay là ngày Tạ Ơn bên Mỹ, ngày lễ lớn bên này nên mình cũng như tất cả mọi người được nghỉ ở nhà. Hôm nay cũng là 4 tuần 1 ngày sau khi bố mình ra đi. Xem như đúng 1 tháng bố đi vào cõi hư vô mà không kịp nói lời từ biệt, mình viết vài dòng niên biểu về bố khi trí nhớ còn chưa nguội lạnh.

1949: Bố chào đời ở thôn Chuông, Hà Nam. Khi sanh bố, ông bà nội độ tuổi 26, 27. Bác Tùng sanh năm 1946, không biết ông bà nội làm lễ cưới trước hay sau nạn đói năm Ất Dậu? Đây cũng là năm cựu hoàng Bảo Đại từ Hong Kong về nước làm Quốc Trưởng trong một thỏa hiệp với Pháp.

1953, 1954: Năm này chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đang đến hồi kết. Bố kể bố nhớ những lần Việt Minh về làng dạy hát son đố mì và cảnh đàn ông trong làng lẩn trốn! Trước trận Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954, Việt Minh đã về đến nhiều thôn quê ở đồng bằng châu thổ sông Hồng mà trước đó quân đội Pháp và chính phủ Quốc Gia Việt Nam còn kiểm soát. Trí nhớ bố trùng hợp với cuộc vận động tam cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của cán bộ Việt Minh khi đó.

1954: Bố vào Nam với ông bà nội và anh em, khi này chỉ mới có bác Tùng, bố và chú Hải.

1955: Bố ở Huế với ông bà nội, bác Tùng, chú Hải. Chú Trung sinh trong năm này. Đây là năm đầu tiên thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa với biết bao tranh chấp giữa các phe phái ở miền Nam. Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên ở trong Nam và Đại Việt ở ngoài Trung chống đối chính phủ mới ở Sài Gòn.

1957: Bố theo ông bà nội vào Sài Gòn và ở Xóm Mới.

1958: Bố bắt đầu học lớp 1 trường Võ Tánh ở Phú Nhuận. Bố lúc này đã 9 tuổi nhưng do ông nội khai tuổi thấp xuống nên trên giấy tờ bố chỉ mới 6 tuổi. Lúc này sáng đi học, tối về bố và bác Tùng ở trọ nhà cụ Lý ở Phú Nhuận.

1961: Ông bà nội dọn về ở đường Hoàng Hoa Thám hiện nay. Chính xác năm nào nếu ai nhớ xin lên tiếng. Bố vẫn học ở trường tiểu học Võ Tánh.

1964: Bố lên cấp 2. Lớp 6 bố vào học trường Văn Lang ở khu Tân Định, bên kia cầu Bông. Khi ấy tỉnh Gia Định rộng lớn bao bọc thành phố Sài Gòn. Ở bên kia sông Nhiêu Lộc (Thị Nghè) thuộc về Sài Gòn, còn bên này thuộc tỉnh Gia Định. Như vậy về hướng Đông Bắc tỉnh Gia Định và đô thành Sài Gòn cách nhau bởi 8 cây cầu mà bây giờ mình còn biết là cầu Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản ngày xưa), cầu Sắt, cầu Bông, cầu Kiệu ở đường Hai Bà Trưng, cầu Công Lý và cầu Lê Văn Sỹ (xưa là cầu Trương Minh Giảng). Mấy huyện Bình Chánh, Thủ Đức, quận Tân Bình, quận 7, 2, 12 ngày nay xưa đều thuộc tỉnh Gia Định. Nhà ông bà nội ở đường Hoàng Hoa Thám khi ấy thuộc xã Bình Hòa, và nhà cụ Lý mà bố ở trọ khi còn học tiểu học thuộc xã Phú Nhuận, tất cả đều thuộc tỉnh Gia Định. Đấy là mịnh dựa vào một bản đồ đô thành Sài Gòn năm 1964 tìm thấy trên Mạng, ai thấy sai thì đính chính hoặc bổ sung dùm. Năm 1963 cũng là năm miền Nam có chính biến. Nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ. Hình ảnh 2 vị nguyên thủ miền Nam khi ấy bị chết trong thiết giáp, mặt bê bết máu gây chấn động dư luận.

1965: Bố học lớp 7 ở trường Vạn Hạnh ở đô thành Sài Gòn. Theo lời bố kể lại thì đây là trường tư thục của Phật Giáo. Việc học của bố những năm này cũng nổi trôi biến động như đất nước khi ấy. Bố kể năm lớp 6 bố ham chơi, học mất căn bản môn Toán. Đến năm lớp 7 ở Vạn Hạnh bố mới lại được căn bản. Nhưng ham chơi thì vẫn còn. Bố kể bố tham gia mấy nhóm sinh viên học sinh ném đá chọc phá những cuộc biểu tình của người Công Giáo kéo về Sài Gòn yêu sách chính phủ quân nhân miền Nam khi đó. Trong 2 năm 1964, 1965, miền Nam liên tiếp có các cuộc đảo chánh, và trong những nhiễu nhương chính trị thời đó là hình ảnh bố vô tư tuổi học trò phá phách, hiếu kỳ…

1966: Bà nội đưa bố lên Bảo Lộc học nội trú ở Nông Lâm Súc. Bố kể trường này mới mở phân khoa lớn ở B’Lao (tên gọi xưa) và nó có tiếng là trường chuyên về nghề nông nói chung dễ kiếm việc làm ngon lành về sau. Bố tâm sự bà nội muốn bố lên đó để bố bớt phá phách, nghịch ngợm ở đất Sài thành xô bồ, nhiều cám dỗ.

1966-1970: 4 năm dài bố học nội trú ở Bảo Lộc và kết bạn thân ở đấy. Bố có nhiều kỷ niệm ở đây. Lúc này lính Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Ở Bảo Lộc bố tham gia những buổi văn nghệ của trừơng có lính Mỹ tham gia và tổ chức. Bố kể những lần đi xe đò về Sài Gòn với bà nội, bố chứng kiến cảnh “đắp mô” dọc quốc lộ 20. Bố nhớ cảnh tài xế xe phải hối lộ Việt Cộng mỗi lần qua những chỗ này và hành khách thì nín thở hồi hộp. Đắp mô ở đây chỉ là những cành cây chạnh ngang đường, nhưng ai đi qua đều biết chuyên gì sắp xảy ra. Bố quen mẹ trong những lần tham gia văn nghệ. Có lẽ là những năm 1967, 1968?

1970: Bố học hết lớp 11 Nông Lâm Súc đậu Tú Tài Nhất nhưng không đỗ Tú Tài Đôi và khi này chiến tranh leo thang, tất cả thanh niên nếu không phải là con một hoặc gia cảnh neo đơn đều bị động viên nên bố cũng tòng quân. Bố về Sài Gòn rồi đi trình diện ở Quang Trung, sau ra Nha Trang học trường đào tạo Hạ Sỹ quan ở Đồng Đế. Suốt một năm trời bố học hết khóa huấn luyện quân y rồi đê’n học võ. Đơn vị đầu tiên của bố đóng ở Cát Lái, nơi khá yên lành theo bố kể lại. Như vậy, bố kể 2 năm đầu tiên trong khi đất nước đang khói lửa, bố tuy cũng là lính nhưng lại may mắn khá yên ổn.

1973: Tháng 1 đầu năm này bố và mẹ đám cưới.

1973-1974: Bố thuộc sư đòan 18. Bố kể Hiệp Định Paris ký xong vào đầu năm 1973, giống nhiều đơn vị khác, đơn vị bố cũng được điều động đi “giành đất” cắm cờ với Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam VN lúc bấy giờ. Mình không có hỏi kỹ nên bây giờ không nhớ được giành đất như thế nào. Bố từng tham gia một trận đánh lớn ở Bình Phước mặc dù đơn vị bố khi đó không phải là đơn vị tác chiến chính. Rất tiếc mình không nhớ được gì hơn. Bố kể 1 lần khác đơn vị bố hành quân ở huyện Bến Cát, Bình Dương phát hiện và thu nhặt một kho quân dụng rất lớn của bộ đội dưới lòng đất mà bố nghĩ đủ dùng cho cả một sư đoàn. Thời gian này những lúc nghỉ phép bố thường đón xe đò đi Bảo Lộc thăm mẹ.

1975: Tháng 3,bố thoát chết trong trận Định Quán. Bố kể tiểu đoàn 2, thuộc Trung Đoàn 43/Sư Đòan 18 đơn vị bố rút quân theo dọc quốc lộ 20 từ thị trấn Định Quán qua sông La Ngà trong tinh thần hoang mang. Bố kể trong lúc rút quân, bố đi gần Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng tên Chế và nghe giọng nói thiểu não của ông trong điện đàm với cấp chỉ huy về tình trạng bi đát của tiểu đoàn. Bố kể đêm hôm trước ngày chạm súng và bị bộ đội chính quy miền Bắc truy đuổi với cấp số sư đoàn (gấp chục lần tiểu đoàn của bố có nhiệm vụ trấn giữ thị trấn Định Quán), bố và đồng đội còn đi xem gánh hát ở địa phương. Thế mà sáng sớm hôm sau, khi bố còn đang mơ màng trên chiếc võng bố mang theo mỗi khi hành quân thì tiếng súng vang dội xé nát không gian tĩnh lặng miền quê ở xứ Đồng Nai. Cũng cái xứ Nông Nại này 200 năm trước, chúa Nguyễn Ánh trong bước đường lẩn tránh quân Tây Sơn đã có lần ghé đây nghỉ chân. Theo truyền thuyết thì cái tên Định Quán có tên từ  giai thoại ấy.

Bố kể tiểu đoàn bố rút về bộ chỉ huy tiền phương sư đoàn 18 ở Long Khánh với nhiệm vụ án ngữ cửa ngõ chính vào Sài Gòn. Bắt đầu từ ngày 10 tháng 4 năm 1975, chiến trận tại Long Khánh khai diễn. Tiểu đoàn bố sau khi rút khỏi Định Quán tinh thần suy sụp, quân số thiếu hụt được phép nghỉ dưỡng nên bố kể bố không phải tham gia trận chiến mà đi đây đó trong thị xã Long Khánh xem các đơn vị bạn chuẩn bị nghinh chiến. Và rồi khoảng ngày 15, 16 bố đáp xe đò đi về Sài Gòn. Lúc này mẹ đã chuyển về dạy ở Thủ Đức chứ không còn ở Bảo Lộc nữa. Bố ghé Tân Vạn, một xóm lao động nghèo nằm ép mình bên cạnh cầu Đồng Nai thăm mẹ và anh Trường lúc này được 1 tuổi. Rôi bố đi tiếp về nhà ông bà nội ở Sai Gòn. Như bao nhiêu người khác, bố lúc này chỉ còn nghe ngóng tin tức về quân sự, chính trị để hình dung tương lai mình. Trong khi bố ở Sài Gòn thì đơn vị bố, tiểu đoàn 2 của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế bắt đầu rút khỏi Long Khánh ra Long Thành ngày 20 tháng 4 sau khi mặt trận này tan rã. Sài Gòn náo động, hỗn loạn với đủ mọi loại tin đồn về một trật tự mới sắp đến và những dòng thác người đổ về. Mẹ lúc này ra Vũng Tàu gặp gia đình ông bà ngoại mình từ Bảo Lộc theo dòng người ra đến đây nghe ngóng. Thế rồi quốc lộ 51 từ Sài Gòn đi Vũng Tàu bị cắt bởi chiến sự nên bố mẹ không còn liên lạc được với nhau. Trong cơn khói lửa hỗn loạn ấy, nhiều người đã “nhanh chân” lên các tàu hải quân, tàu đánh cá rời xa quê hương. Bố và mẹ, như định mênh sắp đặt, sau buổi sáng ngày 1 tháng 5 vẫn còn ở Việt Nam và mình sau này có được cả một tuổi thơ ở trên mảnh đất ấy.

1975-1976:  Bố ra trình diện và đi học tập trong chế độ mới 3 ngày rồi về nhà vì không phải là sỹ quan. Bố mẹ về ở nhà ông bà nội. Bố vì là lính quây y, có chút chuyên môn nên ra phường giúp việc chích ngừa cho dân trong xóm. Bố phụ bà nội ra chợ trời bán những vật dụng lỉnh kỉnh phụ tiền chợ.

1976-1985: Bố vào làm cho một công ty đo đạc. Thời gian này bố đi đây đó khắp miền Nam đo đạc cầu đường. Bố tự hào chỉ còn vài tỉnh ở miền Nam bố chưa đi qua. Lúc này mẹ dạy ở trường Phan Đình Giót và hằng ngày đạp xe đi thật xa từ Hoàng Hoa Thám qua đến Thủ Đức.

1982: Bố mẹ tậu được một căn nhà ở đường Bạch Đằng, bây giờ là nhà chú Trung. Mẹ xin được một chân giáo viên lớp 1 ở Trần Quốc Tuấn, rất gần nhà. Bố vẫn đi làm ở công ty cầu đường. Những lần không phải đi xa, bố thường đến văn phòng làm việc của công ty sau lưng nhà thờ Thị Nghè, nay là đường Phạm Viết Chánh.

1985: Bố nghỉ làm. Bố bắt đầu đạp xích lô. Khi thì chở khách, khi chở nước tương. Những lúc rảnh rỗi cuối tuần, bố chở vợ con ra Sài Gòn chơi. Mỗi lần Tết đến, mình nhớ bố thường bắt (chứ không phải là bảo vì mấy anh em khá lười, chưa có tinh thần tự giác mấy) 3 anh em phụ bố lau dọn nhà cửa. Bố bày biện bàn cúng đơn giản và mua vài phong pháo đốt vào đêm Giao Thừa. Nhà cửa mình thuở ấy giột nát và thật lắm chuột. Trong nhà chỉ có bố là biết làm bẫy và thu dọn chiến trường mỗi khi chuột bị bẫy kẹp đầu. Thời này nhà mình cũng nuôi một con chó mà một ngày nọ nó cắn chị Thục khi dám ngồi xem 1 con chim chết trên sân trước nhà với nó và bố giận quá nên xích nó trong nhà và dùng cây củi đánh nó cho đến lúc mắt nó dại đi và nước dãi chảy dàn dụa. Khi nó chết sau trận đòn nóng giận của bố, bố đem nó qua nhà ông nội làm thịt!

1986: Nhà mình sửa nhà lần thứ nhất cho bớt giột nát và nâng nền nhà cao hơn để tránh bị ngập nước mưa.

1987: Bố thôi không đạp xích lô mà bắt đầu nuôi cút, thỏ, gà.

1988: Một thời gian bố đi nướng bánh ở gần nhà với một người bạn cùng công ty ngày trước tên là Phết.

1990: Sửa nhà lần thứ 2. Bố vẽ bản thiết kế cho căn nhà tương lai. Sau 6 tháng, căn nhà lột xác với bê tông, cốt sắt. Suốt thời gian này, mấy anh em ở bên ông bà nội còn bố mẹ dựng lều bạt ngủ tại nhà mà lúc ấy trở thành một công trường thu nhỏ.

1991: Sửa nhà xong, bố mẹ mua 1 chiếc xe honda đời 82. Đất nước đang bước vào giai đoạn đổi mới, thiên hạ xây nhà, mua xe gắn máy mỗi ngày một nhiều. Những buổi trưa rảnh rỗi bố cho tiền anh em muớn phim Mỹ, phim Tàu về xem. Đây là thời kỳ karaoke, phim mướn, trò chơi điện tử trở thành những thứ giả trí phổ biến nhất, thay cho những trò chơi giải trí con nhà nghèo như đánh đáo, bắn bi ngày trước. Bố bắt đầu hụn hạp với anh em đóng giầy bỏ mối.

1992: Hồ sơ bảo lãnh đi Mỹ nộp 10 năm trước bây giờ có kết quả và cả nhà bận rộn đi làm đủ thứ các thủ tục chích ngừa, chụp hình, phỏng vấn,… mà khổ sở nhất là khâu đứng xếp hàng chờ đợi hàng giờ đồng hồ. Rồi cả nhà đi học Anh Văn buổi tối ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lúc đó mình thấy bố mẹ sao siêng học quá, trong khi mấy anh em ai cũng bị thúc giục mới lê bước đến lớp học Anh Văn. Trong nhà nhất mẹ nhì con, mình bây giờ ngồi nhớ lại mới để ý thấy lúc học Anh Văn, mình ít nói là thường, nhưng bố mẹ cũng rất ít phát biểu! Có ngờ đâu đấy là lần đầu tiên mình được ngồi học chung với bố mẹ, được thấy bố mẹ bằng da thịt như người bình thường… khác với ngày còn bé, trong trí óc bố mẹ như luôn có cánh bên người, có ánh hào quang trên đầu.

1992 ngày 28 tháng 9: Chào tất cả những người ở lại. Ba ngày ở Thái Lan, mình nhớ thấy bố hay mua thuốc lá của người Thái bán cho dân đi Mỹ như mình. Đến Mỹ được vài tuần, nhờ cậu mình chỉ đường bố vào làm cho 1 nhà hàng Tàu hạng trung bán cho Mỹ. Bố làm ở đây 3 năm. Mỗi mùa hè bố lái xe chở cả gia đình qua New Jersey thăm gia đình chú Hải. Mỗi tháng bố mua thẻ điện thoại gọi về Việt Nam hỏi thăm và kể chuyện bên này.

1996: Bố nghỉ làm nhà hàng và vào làm hãng đóng gói bông gòn chung với mẹ. Cũng khoảng thời gian này, sau bao nhiêu than phiền của vợ con và phong trào phản đối hút thuốc lá phổ biến, bố dần bỏ thói quen và cuối cùng dứt bỏ hẳn.

1998: Cả nhà về Việt Nam lần thứ nhất. Trước sau những lần về, bố đều tính toán, sắp đặt rất cẩn thận.

2003: Bố mẹ về Việt Nam lân thứ 2

2007: Bố mẹ chuẩn bị cho 1 chuyến về lần thứ 3.

2008 cuối tháng 2: Bố bị chẩn đoán bệnh ung thư! Tất cả bị bỏ dở! Bố nghỉ làm và bắt đầu “vác Thánh Giá” những ngày còn lại!

2009 tháng 3: Nhận tin bác Tùng đột ngột ra đi, bố và mấy anh em bên Mỹ mua vé về Việt Nam. Đây là lần thứ 3 bố về Việt Nam.

2009 đầu tháng 10: Bố mẹ cùng chung về Việt Nam lần cuối cùng. 7 ngày ở Việt Nam, bố nằm Chợ Rẫy hết 4 ngày.

2009 tháng 10 ngày 27: Tối 11 giờ hôm đó mình nhớ còn gọi điện thoại hỏi thăm bố được vài câu. Sau đó, khoảng 11 giờ rưỡi đêm đó hoặc 12 giờ đêm, mẹ có dẫn bố đi vệ sinh.

2009 tháng 10 ngày 28: Từ 2 giờ sáng đên 6:20 sáng, bố không còn nói chuyện với ai, không còn sự liên lạc giữa bố và bất cứ ai nữa. Những cử chỉ cuối cùng của bố chỉ còn là đưa tay vuốt tóc chậm chạp như thói quen từ ngày bố lâm bệnh, tiếng ngáy to của bố mà con cháu ai đã ngủ chung với bố đều nhớ, và thỉnh thoảng bố trở mình thật nhẹ trong giấc ngủ. Khuôn mặt bố đến 6 giờ sáng ửng đỏ như trái gấc. Như vậy suốt 4 tiếng rưỡi đồng hồ hoặc có thể là 6 tiếng từ 12 giờ đêm đến 6:20 bố sống giữa 2 thế giới. Cơ thể bố chuyển động như một bản năng, vì máu còn chảy, tim còn đập, nhưng tâm trí bố đã bị cách ly với thế giới hữu hình xung quanh. Từ 2 tháng trước mạch máu khắp cơ thể bố do không chịu nổi sức công phá của vi trùng ung thư lần lượt vỡ tạo nên những ụ bầm đen. Cùng với hy vọng, lạc quan và những lời cầu nguyện Đấng Tối Cao là sự chờ đợi vô hình cái ngày cuối cùng sẽ đến. Và nó đến lúc 6 giờ 20 sáng giờ Cleveland, OH khi mạch máu não bố cũng ngã quỵ. Hồn phách bố lìa xác phàm bố ngay đúng lúc kim đồng hồ chỉ 6:20 và khi bố nấc hơi thở cuối cùng chào tất cả? Hay đợi đến khi cơ thể bố nguội lạnh dần và bắt đầu cứng đặc lại? Hay hồn phách bố đã rời bỏ thân xác bố từ 2 giờ sáng hôm đó?

nguyensonha

4 thoughts on “Niên biểu”

  1. Chú Hà mỗi lần về Việt Nam đều hút thuốc nhiều, và bác Tùng cũng vậy. Mẹ Chương cứ nói là hút như ống khói tàu 🙂 Tuy nhiên sau khi sang Mĩ lại thì không hút và bác Tùng cũng vậy. Chắc là anh em về chơi vui vẻ nên hút thả giàn khà khà :mrgreen: . Đoạn sau này, cũng bắt đầu thấy bác Tùng hút thuốc lại nhưng hút ở ngoài, không hút ở trong nhà vd: đầu ngõ hoặc uống cafe với bạn.

  2. mi`nh da~ ve^` la.i Cleveland, no+i dda~ co’ bie^’t bao bie^’n bo^’ ca? be^n no^.i la^~n be^n ngoa.i . Me. la.i kho^ng que^n tha(p’ dde`n cho ba`n huo+ng cu?a bo^’, kho^ng bie^’t ma^y’ nga`y qua ma^y’ me. con ddi cho+i bo^’ co’ nho+’ va` ddi theo kho^ng. Moi. la^`n ddi cho+i xa co’ bo^’ la` mi`nh kho^ng ca^`n lo nhie^`u ve^` Thu.c Lam, dda~ co’ bo^’ be^’ phu. va` tro^ng chu+`ng no’, cu~ng nhu+ Thu.c Dan lu’c co`n be’. Tha^.m chi’ bo^’ va` ca? me. mang ddo^` dda.c sa(~n ra xe, 3 me. con chi? ca^`n ra xe tay kho^ng. Ba^y gio+` thi` qua’ kha’c ro^`i

  3. doc lai bai viet cu cua ngan ma chi xuc dong wa, nho that nhieu ve chu va bo.cau cho linh hon bo va chu duoc sieu thoat

  4. chị Trang đó hả? Em cũng thế, cứ nghĩ đến bác Tùng và bố là lại thấy buồn. Nhiều lúc nghĩ lan man, nếu mình được thấy bố ở thế giới bên kia bằng cái bóng thôi cũng vui và an ủi lắm.

Leave a Reply