Thêm mấy tấm hình của bố mình

Mình lại tìm vài tấm hình xưa của bố đưa vào bài blog này để nhớ bố. Đúng 3 tuần rồi từ ngày bố tạm biệt tất cả mọi người ở cõi trần  để về một nơi xa xôi… nơi chưa ai đến và nếu đến thì chưa bao giờ quay trở lại. Thế nhưng đâu đó từ nơi sâu thẳm trong cõi lòng, mình vẫn hình dung một ngày đoàn tụ. Có thể đó là cái tâm trạng chưa muốn chấp nhận sự ra đi vĩnh viễn của bố trong mình đang nói…

bo1Không biết mình có nói ngoa không nhưng mình có thể hình dung được cái thời khắc mọi người chụp tấm hình này. Ở Sài Gòn ngày ấy, nam giới cởi trần trong nhà là bình thường lắm. Áo bông mẹ và chị mình mặc rất quen thuộc. Bộ ghế xa lông quý giá ngày ấy mấy anh em mình phải lau chùi mỗi tuần, nhất là khi Tết đến. Căn nhà ọp ẹp ngày nào chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm mà đến ngày hôm nay sau bao nhiêu đổi thay, chắc nó không ngờ rằng nó thọ hơn người chủ của nó.

bo2Đây là một dịp đi Sở Thú ngày xưa. Trong hình có cô Hồng, cô Dung, cậu mợ Hòa mình, anh Thái và gia đình mình. Cô chú và bố mẹ mình lúc đó chắc cũng cỡ độ tuổi mình bây giờ. Mỗi lần đi Sở Thú mình nhớ người lớn chuẩn bị đồ ăn rất chu đáo. Thường là bánh mì chả. Bọn nhỏ mình thì chỉ lo đi chơi, xem thú chán rồi quay về “trại” hỏi bố mẹ đồ ăn và thức uống. Cái thời ấy sao xa xôi quá, có lúc nhìn nó tưởng như đang khám phá về quá khứ của chính mình vậy.  Duy hình ảnh bố thì lại có cảm giác khác lạ hơn. Người trong hình mặc áo xanh, tóc dài, cười tươi rói kia là bố mình, mà sao thấy xa cách quá… sao cũng ở trong hình như tất cả mà mình lại thấy như có một làn sương mù bao quanh, hung dữ cản ngăn không cho mình lại gần…

bo3Mình quay ngược lại quá khứ, trước khi mình vào đời. Nhìn để hình dung bố ngày xưa thế nào. Cái lớp sương mù thời gian vây hãm mỗi ngày một dày đặc hơn mà nếu không cố gắng len lỏi vào trong ấy tìm hiểu cái thuở tiền định thì sẽ khó còn cơ hội khác.

Cái tuổi đang sung mãn ấy, bố chắc không bận tâm hình dung đến những ngày xa xôi về sau, đến một ngày bố rời bỏ quê hương, và tham dự một cuộc chiến thầm lặng nhưng sát khí hơn những  trận chiến của bố ngày xưa.

Người ta nói thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương. Nhưng nếu mình không xem sự đau buồn mất mát người thân là một vết thương thì liệu thời gian có còn là dược kế? Nỗi đau nào, sự buồn nhớ nào rồi cũng nguôi ngoai, mình tự nhận là một nhân chứng của cái quy luật ấy. Nhưng nguôi ngoai lại chính là dấu hiệu của sự nhạt nhòa hình ảnh người thân trong tâm trí mình. Xa mặt cách lòng, thời gian lâu ngày không gặp mặt, không gần gũi sẽ tạo một khoảng cách trong tình cảm. Thế thì nguôi ngoai có phải là điều mình mong mỏi?

Mình vui vì mình dần tìm lại được thi vị trong cuộc sống từ ngày bố ra đi. Nhưng trong cái vui tiềm ẩn nỗi buồn man mác. Bố đang dần chìm vào qua khứ, hình ảnh bố mờ nhạt dần. Con người ta theo thời gian đều phụ bạc, phũ phàng như thế sao?

Cuộc sống với mình giống như một cuộc hành trình. Có khi mình biết đích đến, có khi mình mù mờ như đi giữa sương mù. Có lúc mình cảm nhận được rất rõ con đường mình đang đi, có lúc mình lơ là mải mê theo đuổi mục tiêu ích kỷ của riêng mình hoặc cũng có lúc mình bàng quan với chính ý nghĩa của cuộc sống. Sự ra đi của người thân, của một người đã tạo ra chính mình, đã gắn kết với mình từ khi mình bắt đầu có trí nhớ, đã bảo bọc mình chính là sự nhắc nhở, thúc giục mình nhớ đến đại lộ mà mình đang đi. Bố mình có vài tháng để chuẩn bị cho sự ra đi. Mình may mắn không phải hoặc chưa phải đối diện với thử thách đau đớn đó, nhưng mỗi người mình, dù ở độ tuổi nào cũng vẫn đối diện với sự ra đi một ngày trong tương lai. Mình tự hỏi đã làm gì để chuẩn bị cho ngày đó? Người tử tù trước khi chết theo thông lệ được cho  một ân huệ chọn một bữa ăn ưa thích nhất. Mỗi người mình thật ra cũng đang đứng trước câu hỏi đó. Nếu mình biết trước 50 năm nữa mình sẽ tan biến vào quá khứ, mình muốn làm điều gì nhất trước ngày đó?

Mình có thể chọn thái độ vô tư để có thể lạc quan sống. Mình có thể tìm một câu trả lời hời hợt, để không phải bận tâm đến cái góc u uất hằng hữu trong sự sống.

Hoặc có thể ngay cả đến giây phút từ giã trần thế, mình vẫn không biết được mình mong muốn gì nhất trong cuộc đời này?

7 thoughts on “Thêm mấy tấm hình của bố mình”

  1. It is so MEANINGFUL to me!! You’ve been sharing your thoughts with me over times, this one is not excepted, but it seems like the new one to me when I read it…

  2. Ngan co`n viet ra duoc suy nghi~, chu+’ chi. thi` muo^’n vie^’t ma` tha^y’ sao kho’ qua’
    Ve^` pha^`n tho+`i gian se~ la`m mi`nh nguo^i ngoai cu~ng co’ nghi~a la` que^n hay phai nha.t thi` co’ le~ 0 ha(?n va^y.
    Mi`nh muo^’n nguo^i ngoai dde^? co`n so^’ng trong tinh tha^`n la.c quan. Hi`nh a?nh nguoi tha^n mi`nh va^~n trong ta^m tri’ nhu+~ng khi dda~ la.c quan thi` mi`nh kho^ng co`n tha^y’ ma^’t ma’t nhie^`u nu+~a, va` lu’c ddo’ mi`nh dda~ quen vo+i’ thu+.c te^’ ro^`i
    Nga`y truo+’c lu’c o^ng ngoa.i na(`m xuo^’ng noi’ chung mi`nh chu+a ddu? lo+’n dde^? ca?m nha^.n he^’t, va? la.i o^ng cu~ng kho^ng ga^`n ba(`ng bo^’ dduo+.c
    Ngay ca? ba’c Tu`ng cu~ng na(`m xuo^’ng nhu+ng ma~i ta^.n be^n VietNam ne^n kho^ng nhie^`u thi` it’ va^~n co`n ca?m gia’c mo+ ho^` qua’ (ddo’ la` ddo^i’ vo+i’ chi.) tha^.m chi’ kho^ng cha(‘c la` dda~ xa?y ra

  3. I share your thoughts about bac Tung. If I didn’t go back to Vietnam to see him, I may very well have the same feeling you have.

  4. ❗ Hôm qua về ăn cơm trưa ở nhà ông bà nội, theo thói quen thắp nhang lên bàn thờ bác Tùng. Thế nhưng hôm nay trên bàn thờ lại có hình chú Hà nữa. Delay mất mấy giây, lặng cả người. Vẫn biết người đã mất rồi nhưng cảm giác không chấp nhận được sự thật bởi trước đây vài tuần chú vẫn còn nằm ở võng kia mà !

  5. Co hieu cai cam giac nay cua may dua, co nghi phai it nhat 3 nam sau no moi nguoi ngoai, vi co da di qua cai cau nay roi nen co biet do la gd chau da chuan bi tinh than tu lau roi ma van khong the chap nhan duoc su that nay. chu con Co va gd bac Tung thi that la bat ngo nen dau lam cu nhu la 1 giac mo. Khong biet tu hom do den nay may dua co nam mo thay bo chau khong, rieng co thi lai thay bo chau dang noi chuyen voi chu Quang 🙄

  6. Nhớ ngày nào bố cháu còn đốc thúc đi tìm chú Quang. Bố cháu đi rồi là cũng mất đi một động lực tìm chú Quang

Leave a Reply