Những ngọn hải đăng

Những lúc gia đình có người lâm bệnh nặng hay sự sống bị đe dọa, mình không khỏi ưu tư về vận mệnh con người. Tuổi thơ, những kỷ niệm vui buồn, yêu ghét,.. tất cả đều có hình ảnh ông bà, cha mẹ hay chú bác mình trong đó. Những lúc nghe ông nội than khóc nhớ bố mẹ, mình cảm nhận được một điều là tuổi thơ nó bám rễ sâu lắm trong ký ức con người. Khi con người ta kết vợ chồng, có con cái thì đó đã là cái tuổi trưởng thành, mà… ít ra là đối với mình, khó có hình ảnh nào tha thiết như những hình ảnh thơ ấu. Nói vậy để thấy khi ông nội, trong cái cô độc sâu thẳm của mình khi mắt không thấy, tai không nghe, ông nhớ nhiều nhất đến tuổi thơ, thể hiện qua những lời than vãn nhớ bố, mặc dù ông nội đã xa bố, tức cụ Quỳnh, đã hơn nửa thế kỷ!

Ngày trước mỗi lần mình nhớ về quá khứ, kỷ niệm trường lớp, cuộc vui với bạn bè là những hình ảnh được quay đi chiếu lại nhiều nhất. Cuộc sống trôi qua, “vật đổi sao dời”, và mình dần nghiệm cái gì mang tính tạm thời và cái gì có giá trị lâu dài. Người đời vẫn nói bạn chơi thì có nhiều mà bạn tri kỷ thì chỉ có một. Đó là nói theo sách vở, chứ đối với mình bạn để chơi cũng không có mấy, mà bạn tri kỷ… thử hỏi có mấy người có được? Để có bạn tri âm tri kỷ, trước hết mình phải biết về chính mình, hiểu mình, rồi thứ đến là mình có ham muốn được hiểu người khác.Nó đòi hỏi lòng vị tha…

Mình dần nhận ra gia đình là cái vốn mà sinh ra mình đã có. Dù muốn dù không, nghèo hèn hay sang giàu, mình có thể chọn bạn chứ không thể chọn gia đình, thì ai cũng biết câu nói ấy. Nhưng câu nói ấy lắm lúc đánh lừa mình. Nó che giấu cái thế giới tinh thần trong mỗi con người mình mà mình dễ dàng bỏ quên, hoặc không cố gắng cảm nhận về nó. Trong cái thế giới đó, ông bà, cha mẹ, và cả chú bác chính là những ngọn đèn soi đường. Tuổi thơ mình không phải chỉ có gia đình, nhưng gia đình nếu không là nội dung của ký ức tuổi thơ thì cũng luôn thấp thoáng đâu đó. Tuổi thơ, rồi cả đến tuổi trẻ của mình, giai đọan đầu đời cho đến cái tuổi hăng say, “đội trời đạp đất” mà ai cũng đã trải qua (trong cuộc sống vật chất hay tinh thần), chung quanh mình chỉ có ông bà, cha mẹ, cô chú, chứ nào còn ai…

Bất kỳ kỷ niệm nào đối với mình khi đó đều thấp thoáng hình ảnh người thân đã bảo bọc mình. Cả cái quá khứ của mình được cấu tạo nên bởi những kỷ niệm đó đang bị đe dọa khi những ngọn đènrọi sáng những trang nhật ký lịm tắt dần.

lighthouse

Kỷ niệm được ôn lại có sức sống dồi dào hơn kỷ niệm bị chôn vùi, phủ bụi.

Những trang kỷ niệm rọi sáng quá khứ chính mình bị mờ nhạt đi khi những ngọn đèn chiếu sáng nó tắt dần. Rồi đây trong thế giới tinh thần mình như người mù đi trong đêm giữa biển cả. Cuộc sống hiện tại của mình sẽ là quá khứ hình thành nên tuổi thơ ấu cho con cháu mình sau này, nhưng còn mình, mình chỉ có một tuổi thơ ấu, tuổi trẻ và nó đang dần phai nhạt khi sự sống của ông bà, cha mẹ mìnhnhư ngọn đèn trước gió và chú bác mình đã có người nằm xuống…

Cuộc sống tinh thần vốn là vô hình, hay có thể nói “hàn lâm” một chút là thế giới siêu hình học, nhưng rõ ràng đó là thế giới có thật, hay ít nhất nó có thật trong trí tưởng tượng, tức là nó thực sự hiện hữu trong trí não mình. Mình chăm sóc, quý trọng nó thì mình dễ tìm được một tâm trí cân bằng hơn. Mà để bắt đầu, mình phải nhận chân được nó, hiểu được quá khứ của mình cũng chính là một phần cái thế giới vô hình kia…

Mình nhớ câu nói của Lão Tử, “đạo mà nói ra được thì không còn là đạo nữa”. Có thể ai đó đang đọc bài viết của mình và tự thì thầm có nhiều suy ngẫm, tư lự của mình không được diễn ta trong đây. Nói vậy để biết cái đã được nói ra chỉ là bề nổi của tảng băng suy tư của mọi người. Mà có sao, cái thâm thúy của Á Đông mình chính là chỗ đó.

Thế nên mình rất mong nhận được sự góp ý hoặc tiếp ý của bà con…

One thought on “Những ngọn hải đăng”

  1. Coi như Ngân nói dùm hết ý chị mà nhiều khi 0 biết diễn tả ra làm sao . Ngay cả bây giờ, đã bước qua tuổi 30 nhưng rất nhiều khi cứ ngỡ bố mẹ, chú bác vẫn còn đang ở thời kì đạp xích lô, chở con cháu cũng bằng xích lô . Cứ ngỡ bố mẹ chú bác vẫn còn đứng tại chỗ với chức vụ “bố mẹ chú bác” chứ không phải “ông bà” . Còn mình đã dần thay thế làm bố mẹ, cô chú hồi nào không hay
    Mình bây giờ cũng đã thường xuyên nhớ lại tuổi thơ, không có video game, cindarela……..nhưng lại có rất nhiều sáng kiến mà trẻ con bây giờ ít thấy có ……

Leave a Reply