Hôm nay mình sẽ nói chuyện lan man về tờ báo ở miền nam Florida mà mình làm việc được đúng nửa năm nay. Có thể xem đây là lần nói chuyện tiếp theo bài trước của mình. Chà, thời gian trôi nhanh thật, thấm thóat mà đã nửa năm mình làm ở công ty mới này. Cách đây nửa năm, mình còn đang bàng hoàng nghe tin bác Tùng đột ngột ra đi và cũng ngày hôm đó mình nhận được kết quả có việc làm. Rồi mấy ngay sau đó là mình đã ở Việt Nam tiễn bác Tùng…
Mình nói chuyện về tờ báo Palm Beach Post, gọi tắt là PBP, vì muốn chia sẻ về công việc, cũng là chia sẻ kinh nghiệm. Hôm nay mình còn ngồi đây rung đùi nói chuyện về nó nhưng không biết chừng ngay mai mình phải xếp hàng ở văn phòng xin trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang. Thời buổi kinh tế khó khăn, tuy được xem như đã chạm đáy nhưng tỉ lệ thất nghiệp mà báo đài ra rả mỗi ngày thì sẽ còn xuống gần một chấm nữa, tức là khoảng 10,5%, con số thường thấy ở Âu châu nhưng mình chưa bao giờ nghe thấy kể từ năm qua My 1992 đến giờ. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như vậy, mình lại làm trong ngành báo chí thì thật là hết gặp vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Kỹ nghệ báo chí ở Mỹ đang đúng trước những thách thức lớn phía trước và đã có tờ báo phải đóng cửa hoặc thay đổi hẳn cách truyền tải thông tin. Thời đại xa lộ thông tin, ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin vừa đầy đủ vừa nhanh chóng, ít ra là ở Mỹ. Không những thế, điều đáng nói ở đây là tin tức ngày hôm nay đã trở thành miễn phí. Ngòai những kênh thông tin truyền thống như TV, radio, bây giờ phổ biến tin tức trên các website và rồi đến blogs, twitter, những mạng cộng đồng mọc lên và lan truyền như nấm. Thế là báo chí mất đi một lượng đọc giả, nhất là giới trẻ, không còn mua báo đọc và lắm khi chẳng buồn vào website của tờ báo đọc tin nữa. Chưa hết, ngành báo chí chuyên nghiệp, mình xin gọi như vậy để phân biệt với blog và twitter, còn gặp phải một thách thức không kém phần khắc nghiệt khác. Đó là các website rao vặt miễn phí mọc lên nhan nhản trên Internet, điển hình là trang www.craiglist.com. Những website này cho phép người dùng, thật ra là tất cả mọi người, được đưa lên đó bất cứ thứ gì mình muốn bán mà không cần phải trả tiền. Thôi thế là mục rao vặt trong các tờ báo chuyên nghiệp không khỏi bối rối tìm cách thuyết phục khách hàng trả tiền đăng tin trên tờ báo của mình. Một tờ báo có vài nguồn thu nhập chính, trong đó có tiền mua báo của độc giả và tiền trả để được đăng tin trong mục rao vặt, mà giờ đây 2 nguồn ấy đang bị cạnh tranh, đúng hơn là đe dọa, từ những “đối thủ” vô hình, không bao giờ tuyên chiến thì có phải là nguy lắm không?
Trở lại tờ PBP. Tờ báo mình làm có trên gần bảy trăm nhân viên. Đó là họ đã sa thải một nửa số nhân viên năm ngoái ở nhà máy in, 1 tòa nhà nằm bên cạnh tòa nhà mình làm viêc mà từ khi mình làm đến nay chỉ thấy nó lặng lẽ nằm phơi nắng và thỏang hoặc một vài người ra vào quét dọn. Tờ báo PBP không còn tự in báo của mình nữa mà hợp đồng với 1 tờ báo ở thành phố lân cận Ft. Lauderdale cùng dùng chung xưởng in của họ. Ở miền nam Florida thì tờ PBP đứng hành thứ 3, sau 2 tờ báo bạn là Miami Herald và Sun Sentinel. Florida còn có 3 tờ báo lớn khác ở những thành phố lớn là Jacksonville, Orlando và Tampa. Những tờ báo nhỏ hơn ở các thị trấn thị xã thì không thể đếm hết. Con số 600 tờ báo ở trong nước mà mình hay nghe nói đến nếu chia cho đầu người ở Việt Nam thì mình có được khỏang 1 tờ báo cho 150 ngàn người. Mình đọc thấy có những buổi tọa đàm về việc đọc sách vở của người Việt không rõ được kết luận là người mình siêng hay lười đọc, nhưng rõ ràng con số 1 tờ báo cho 150 ngàn người thì thật khiêm tốn. Mà nếu tư tưởng, xã hội của mình chưa phong phú, đa dạng như ở các nước phát triển khác thì việc có nhiều tờ báo sẽ dễ đến tình trạng trùng lặp, nghèo nàn, và có khi là nhồi nhét nữa…
Mình lại lan man vượt qua cái biên giới giữa sự hiểu biết và nói mò nữa rồi, một cái biên giới mờ ảo và cũng thật đáng ghét! 😀
Trong tờ báo PBP, mình làm cho bộ phận Internet Operations, ai làm việc văn phòng ở Việt Nam xin tìm chữ thích hợp dịch dùm. Bộ phận này có hơn 50 nhân viên, trong đó lập trình viên (developer) như mình là 6, 7 người. Số còn lại là các nhân viên quản lý website, liên hệ khách hàng, đối tác, bạn hàng và cả nhân viên kiểm tra các sản phẩm của lập trình viên nữa. Nhóm lập trình viên của mình độc lập với nhóm IT của công ty, vốn là một bộ phận lớn hơn nhiều, bao gồm nhân viên quản lý Mạng (cả nội bộ lẫn Internet), nhóm quản lý cơ sở dữ liệu, nhóm kỹ thuật viên phần cứng.
Tờ báo PBP lấy thu nhập chính từ báo giấy bán mỗi ngày ở các thùng báo trong hạt và đưa đến tận nhà những độc giảđăng ký dài hạn. Giống như biết bao tờ báo khác, tờ PBP cũng có phiên bản điện tử, và đây là bộ phận mình đang nói đến và đang làm cho nó. Mình gửi kèm vào đây hình trang nhất tờ báo, trang quan trọng nhất, và thật may mắn có 2 phần là kết quả học hỏi và từng bước mày mò viết lập trình để hình thành nó.
Mình khoanh tròn 2 phần mình làm. Những phần như vậy trong giới lập trình viên web gọi là widget. Tờ báo mình làm là tờ báo địa phương, có số độc giả khoảng 200 ngàn mỗi ngày, chủ yếu là ở miền nam Florida. Trang nhất của tờ báo là bộ mặt của tờ báo, nó có thể tăng hay giảm uy tín của tờ báo, và vì vậy khi viết lập trình mình rất thận trọng nhưng vẫn không khỏi hồi hộp. Một lỗi nhỏ trong mã lập trình mình viết có thể làm cho trang chính bị chậm hoặc giảm đi thẩm mỹ của trang và do đó sẽ làm mất độc giả. Độc giả trên Mạng tuy không trả tiền cho tòa sọan nhưng lượng độc giả đó là lý do tồn tại những quảng cáo, rao vặt trên website của tờ báo, và đó chính là nguồn thu nhập, tuy không bằng thu nhập tù lượng báo được in ấn trên giấy nhưng ngày một chiếm một tỷ lệ cao hơn. Có thể nói mình không được quyền sơ sót khi viết lập trình cho trang nhất.
Kể từ khi làm cho tờ báo PBP, mình mỗi lần đọc báo tiếng Việt, trong hay ngoài nước, đều chú ý đến diện mạo, kỹ thuật và cách trình bày của trang báo điên tử. Một điều mình nhận thấy khá rõ là các trang báo tiếng Việt ở hải ngọai như các trang www.nguoi-viet.com, www.vietbao.com có nội dung và cách trình bày, kỹ thuật ứng dụng khá nghèo nàn. Báo chí trong nước nội dung nhiều, kỹ thuật tương đối, và quảng cáo còn khá ít. Đây là khác biệt lớn so với báo chí điện tử ở Mỹ và cả ở Pháp mà mình có đọc qua. Tờ báo PBP phiên bản điện tử có bề mặt trang báo hơn một phần ba là dành cho quảng cáo. Quảng cáo và tin tức lắm khi đan xen với nhau khiến người đọc đôi khi phải căng mắt để phân biệt.
Mấy mục quảng cáo trong tờ PBP không đơn giản chỉ là những dòng chữ nhảy múa hay hình ảnh bắt mắt liên kết đến website của nhà cung cấp mà nó còn bao gồm kỹ thuật flash, javascript và quan trọng là có cả công cụ để theo dõi só người click vào mẫu quảng cáo đó. Mỗi lần mình nhấp chuột vào mẫu quảng cáo nào sẽ có lập trình lưu lại những thông số về cú nhấp chuột đó trước khi đưa mình đến trang nhà cung cấp món hàng được quảng cáo đó. Như vậy mình theo dõi được mẫu quảng cáo nào độc giả chú ý nhất, hay click vào nhiều nhất. Chưa hết, lập trình cho web, mình còn phải dùng hoặc tạo công cụ để theo sát cú nhấp chuột vào mẫu quảng cáo để phân biệt những món hàng độc giả chỉ click vào rồi thôi và những mẫu quảng cáo độc giả click và cuối cùng mua sản phẩm đó nếu đó là website bán hàng. Quảng cáo trên báo điện tử ở trên tờ PBP thật lắm dạng. Có cái là lấy từ google, yahoo với hợp đồng thù lao dựa vào số nhấp chuột. Rồi có những ô quảng cáo khác (chỗ mình làm gọi là ad widget) là do nhóm lập trình viên trong công ty tự viết lấy (mình đã viết 1 ô quảng cáo như vậy cho tờ PBP ở trang 2, 3). Mỗi ô quảng cáo đó đều có công cụ theo dõi những cú nhấp chuột để hiểu được được nhu cầu của độc giả. Dữ liệu thì mình lấy trong cơ sở dữ liệu của tòa sọan được lưu giữ cẩn thận và cập nhật mỗi khi có độc giả, doanh nghiệp hay bạn hàng gọi điện thọai vào đặt quảng cáo. Những thông số như số chữ được đăng trên báo (in hay diện tử), mục quảng cáo hay rao vặt, trang đăng bản tin, thời gian quảng cáo, địa chỉ, điên thọai để liên lạc,… Khi viết lập trình mình phải cân nhắc đến những thông số đó.
Bây giờ mình đã hơi thấm mệt rồi. Lúc nào hưng phấn mình lại ăn ốc nói mò, hầu chuyện mọi người nữa vậy.
Great post man !
Internet operation: Bộ phận điều hành internet, tạm hiểu là giao tiếp của ông ty với internet khác với báo gấy.
good one dude, càng đọc thì càng hiểu rõ hơn về báo điện tử
Bo phan dieu hanh Internet, the ma khong nho ra. A, vay con chu Internet quen thuoc thi dich lam sao? 😆
Chang le cu goi chung la “Bo phan dieu hanh Mang”?
Internet là sao ? Nếu nó đứng một mình thì làm sao có nghĩa được ? Nếu Internet Dept thì có thể hiểu là bộ phận kinh doanh ( không phải kỹ thuật ) giao tiếp với khách hàng qua môi trường Internet vd: làm công việc thu thập thông tin, tạo mối quan hệ, hỗ trợ khách hàng, marketing online ( trực tuyến ),… Đây là ý kiến cá nhân hehe
Có thể TraiLang đangn la nghĩ đến công ty của mình. Cong ty Ngàm việc la một tờ báo. Bộ phận Internet không phải chỉ để giao dịch mà nó chính là một phần quan trọng trong hoạt động và vận hành của doanh nghiệp. Nó là phiên bản điện tử của tờ báo. 🙂