Liên kết bên ngoài cậu Hoà cung cấp:
http://www.laicaonguyen.tk/
http://huukimkt.vnweblogs.com/post/1138/16874
http://www.viet-studies.info/LaiNguyenAn_PhaHoLai.htm
Phả Họ Lại



Hôm nọ cậu Hòa có gửi cho vài người trong nhà mấy tư liệu về họ Lại ở Việt Nam, thấy cũng hay nên bây giờ gửi cho tất cả mọi người. Ai thích tìm hiểu về họ Lại có thể tham khảo, biết đâu tìm được điều gì đó lý thú về họ nhà mình.

Riêng mình có vài ý kiến tổng quát sau khi xem qua mấy tư liệu này.

Họ Lại được nói tới ở đây là dựa theo bản Phả Họ Lại viết năm 1990, với sự tham dự của 23 chi họ, trong đó có 2 chi lớn, một ở huyện Kim Bảng, Hà Nam, một ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Ban tu soạn Phả Họ Lại này cho rằng đã tìm ra và liên kết được hơn 200 chi họ Lại trên toàn quốc, trong đó có 2 chi ở Quỹ Nhất, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, là quê của ông ngoại.

Thủy tổ của họ Lại dựa theo các bản gia phả cũ các chi họ Lại trên toàn quốc truy được đến cụ Lại Thế Tiên, vào đầu thế kỷ thứ 15, tức giai đoạn nước mình thuộc nhà Minh và thời Lê sơ.

Bản gia phả xưa nhất trong các chi họ Lại còn giữ được đến nay là bản gia phả bằng chữ Hán của chi họ Lại ở Hà Trung, Thanh Hóa viết năm 1740, đời vua Lê Hiển Tông. Như thế bản chữ Hán này viết về tổ tiên họ trước đó 3 thế kỷ rưỡi (từ khoảng 1400 đến 1740) một thời gian khá xa. Với tài lực của một dòng họ, dù là vọng tộc, thì việc truy tìm sợi dây huyết thống hơn 3 thế kỷ trước đó có thể mang tính duy y chí hơn là duy lý.

Triệu tổ họ Lại, con cụ Lại Thế Tiên, là Lại Thế Tương, sống vào đời nhà Lê, mộ đến nay vẫn còn ở Thanh Hóa.

Quê họ Lại gốc ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, cùng quê với vua chúa Nguyễn, ngày trước gọi là huyện Tống Sơn.

Trong các nhân vật lịch sử họ Lại tìm thấy trong các bộ sách sử Việt có nhắc đến Lại Tiên là Thái Thú Giao Chỉ cuối thế kỷ thứ 2, tức cách nay đã 1800 năm và một tướng nhà Lý là Lại Linh vào cuối đời nhà Lý đầu thế kỷ 13. Hai nhân vật này được liệt vào tổ tiên họ Lại, trong đó Lại Tiên được xem là Viễn Tổ. Lý do cho sự kết luận này là câu nói truyền miệng trong họ "Nam Bang Nhất Lại" cho rằng tất cả ai họ Lại đều có cùng huyết thống, cùng một tổ và tương tự như thế nhân vật lịch sử xa xưa nào họ Lại đều là tổ tiên của tất cả những ai họ Lại.

Ông Lại Nguyên Ân, con ông Lại Nguyên Huệ người chủ biên trong ban tu soạn phả, cũng đã đưa ra 2 nghi vấn về Phả Họ Lại trong hội thảo về dòng họ Lại năm 1990. Thứ nhất là thái thú Lại Tiên có nên được xem là viễn tổ họ Lại không. Thứ hai là 200 chị họ trên toàn quốc có thực sự có mối quan hệ huyết thống với nhau không hay chỉ vì có cùng họ Lại nên được xem là có cùng tổ. Nói chung ông Lại Nguyên Ân đặt câu hỏi về phương pháp suy luận làm cơ sở cho việc soạn phả.

Họ Lại tính từ thủy tổ Lại Thế Tiên có vài người công danh hiển hách, trong đó có thể kể đến Lại Thế Vinh được phong là Thái Sư Dương Quốc Công đầu thời Lê Trung Hưng (Lê Mạc phân tranh thế kỷ 16). Người thứ 2 là Lại Thế Khanh, cùng thời với Lại Thế Vinh, làm tướng nhà Lê, sau khi chết được truy phong Thái Tể Khiêm Quốc Công. Cả 2 có công phò vua Lê trong Thanh Hóa đánh nhà Mạc ngoài Thăng Long. Một điều mình để ý thấy là trong các bài viết về họ Lại trong các tư liệu này trưng dẫn vài bộ chính sử như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Nhưng các bộ sử triều Nguyễn này chỉ nhắc sơ qua về các nhân vật lịch sử Lại Thế Vinh, Lại Thế Khanh. Các chi tiết khác về thân thế, sự nghiệp của các ông có thể hiểu ngầm lấy từ các bản phả trong họ Lại hoặc những lời truyền tụng trong dân gian ở những làng xã có dấu chân các ông.

Tóm lại có thể họ Lại nhà mình chính là 1 chi nhánh trong 200 chi họ trong bản phả họ Lại được nói đến trong mấy tư liệu này. Và nếu thế thì mình có thể truy tìm được ông tổ xa xưa nhất đến Lại Thế Tiên cách nay khoảng 600 năm, quê ở Thanh Hóa.

Họ Lại tuy ít thấy ở Việt Nam nhưng qua bản Phả Họ Lại này thì nó thật không "nhỏ" tí nào.

Ngân
tháng 4, 2010