Cuộc chiến dạy con

Theo TTC – Trích nhật ký của bà TRẦN THỊ LAM THƯƠNG

Ngày… tháng… năm…

* “Trời! Từ ngày có con, mình mới thấy ông xã… dữ dễ sợ. Mình mang nặng, đẻ đau, lại thức đêm cho con bú… mình phải có toàn quyền dạy thằng con của mình, (à không phải, của chúng mình). Thằng cu mới hơn 2 tuổi mà ông xã mình bắt tự xúc cơm ăn, tự bưng nước uống.

Thằng nhỏ không ăn thì ảnh nói: “Cứ cho đói một bữa cũng chẳng chết, đến chiều lại ăn ào ào cho coi!”, nhưng mình xót ruột không thể làm vậy được. Thằng nhỏ ốm nhách, biếng ăn, mà còn bắt tự ăn, thì làm sao sống nổi chứ! Bởi thế, mình phải bưng chén cơm, bình sữa chạy theo con mỗi bữa ăn…

Ông xã mình bắt gặp, đùng đùng… lên giọng dạy mình kỹ năng làm cha mẹ. Mình bèn nhắc cho anh ta nhớ rằng ngày xưa anh ta bú sữa mẹ đến lúc 5 tuổi, chẳng còn giọt sữa, cũng không chịu nhả vú da của mẹ ra. Mẹ chồng kể cho mình nghe chuyện này, chứ ai! Vậy mà anh ta cũng lớn lên học đến đại học, chứ có bị sao đâu, cũng tự lập được đấy thôi!

Ông xã mình nghe xong, chẳng những không ngộ ra, mà còn dữ dằn hơn: “Cô có biết là thời nay, khác lắm với thời của tôi không?”. Mình buồn ghê, tự nhiên ảnh so sánh mình với mẹ chồng. Mẹ chồng vì không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, nên mới nuôi con theo bản năng… Còn mình, ảnh khẳng định mình có ăn học đàng hoàng mà lạc hậu quá, không thức thời, không biết nuôi con theo khoa học gì hết! Ảnh có trông con, cho con ăn đâu mà biết. Chẳng vô cớ mà người ta tuyên bố: “Nếu có ai tìm được thuốc chữa tật biếng ăn của trẻ con, người đó đáng được trao giải Nobel” đó sao?!

Ngày… tháng… năm… Hôm qua, ảnh làm mình quê dễ sợ. Thằng cu nhà mình vào lớp chồi, nó về nhà chào bằng tiếng Anh “Hi!”, mình thấy cũng hay, nhưng ông xã mình thì bảo cha mẹ đâu phải bằng vai lứa với nó mà nó “Hi”, phải chào bằng tiếng Việt Nam, khoanh tay lại. Mình bênh con:“Con nít biết gì đâu…”, thì ông xã mình nghiêm giọng: “Không chịu nổi loại văn hóa lai căng!”. Lạ thật, mình không hiểu anh ta muốn gì? Muốn dạy con thì cứ dạy đi, chứ sao cứ kiếm cớ dạy luôn cả vợ. Mình phải suy nghĩ về vấn đề trầm trọng này”.

Trích thư (email) gởi vợ của ông TRẦN THANH TRÙNG

“Mình ơi! Hôm qua, tui về nhà trễ, thấy mình quạu quọ, thở dài bên mâm cơm, nhìn vẻ mặt hết thần khí của mình, tôi biết ngay! Sau khi hết việc ở cơ quan, mình đã tất bật lao vào bếp, xắn quần, vén tay áo lên nấu cơm, nhặt rau. Lúc đó, con gái của chúng ta vừa đi chơi về, tíu tít alô cho bạn bè. Nó chạy tót lên lầu, coi như bố mẹ không có mặt, mình phải chạy theo hỏi nó đã ăn gì chưa… Nó đã 17 tuổi rồi, cao gấp đôi mẹ, mà mình vẫn coi nó như đứa bé lên 2.

Tôi biết mình thương con, nhưng sao mình không cho con cơ hội để trở thành người giống như mẹ: đảm đang, giỏi giang, khéo léo việc nội trợ. Hôm qua, tôi vừa nói ra điều này, mình đã vội vàng lên án tôi không biết thương con, bắt con vào bếp, làm sao nó học hành bằng chị bằng em. Mình nói tôi không biết hi sinh cho con, nó có ở mãi với bố mẹ đâu, mà “đì” nó. Ít bữa nữa, nó đi du học, muốn nấu cho nó ăn, cũng đừng hòng nấu được… Mình còn nói thời buổi bây giờ, con gái cũng như con trai, học đủ thứ còn chưa bằng ai, rúc đầu vô bếp thì tương lai ra sao, cùng lắm là khổ như mẹ thôi.

Tui nghe mình nói mà lòng đau như cắt, chẳng lẽ mình lấy tôi, mình vào bếp nấu cơm là đời mình tăm tối lắm sao? Mình là chủ một gia đình, toàn quyền quyết định cho chồng con ăn uống thứ gì, vậy mà mình lại cảm thấy không bằng ai hay sao?

Quan điểm của tôi là phụ nữ thời nào cũng cần “Công, dung, ngôn, hạnh” để xây dựng “thương hiệu” của mình, còn mình lại cho rằng như thế là trói buộc phụ nữ vào việc nội trợ, cứ học cho giỏi, sau này làm có tiền thì tha hồ mướn ô-sin nấu ăn, lo gì! Nói chuyện với mình thật là khó khăn, nên tôi phải viết meo. Mong mình suy nghĩ lại và rì-lay cho tôi…”.

Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm tư vấn giáo dục tâm lý thể chất (TP.HCM), thì số người ly hôn chiếm tỉ lệ cao ở lý do bất đồng quan điểm trong việc dạy con, để tới khi con hư, hoặc không như cha mẹ mong muốn thì đổ lỗi lẫn nhau. Hóa ra, khi có con, họ mới thấy phức tạp quá, một mình dạy con đã khó, mà hai người cùng dạy thì càng khó hơn nhiều…

Leave a Reply