Dành cho ông bố tương lai

Bài viết tặng Ngân nhưng Cúc xem kỹ để lên giây cót ông xã của Cúc nhe 😀

Hài hước chuyện trai nuôi vợ đẻ

Mấy đồng nghiệp tán chuyện… đẻ. Một em trêu “mì chính cánh” là tôi: “Phòng này anh sướng nhất, chả bao giờ phải lên bàn đẻ”. Ôi trời. Các em hơi bị chủ quan đấy. Gì chứ lên bàn đẻ thì anh đây cũng từng.

Hồi đưa vợ đi sinh nhóc Hương, đêm đầu ở bệnh viện, tôi đã phải tót lên nằm trên cái …băng ca có cả pê-đan, cả bánh xe để ở góc phòng, trùm chăn kín mít để trốn mấy tay bảo vệ đi lùng sục đuổi người nhà ra ngoài. Cái băng ca đó hôi rình, còn mấy mụ bà đẻ thì cứ khúc khích cười.

Phòng có 5 bà thì mỗi vợ tôi là có chồng ở lại chăm nom, còn mấy ông kia không thấy đâu. Sáng dậy, tôi phải xách 5 cái cặp lồng xuống căng tin mua đồ ăn sáng cho cả 5 bà, vừa đi vừa lẩm nhẩm: “Này là cháo thịt, này là cháo đường, này là sữa đậu nành…”. Thế mà cuối cùng vẫn nhầm. Đem về, có mụ lại còn dỗi không ăn nữa chứ. Cứ nghĩ: “Má ơi, ông nào có năm bà vợ thì chắc chết sớm!”.

Hôm sau, vợ tôi chuyển lên nằm phòng dịch vụ. Phòng này cả bốn bà đều sinh mổ và có đủ bốn ông chồng chăm sóc, cưng chiều. Mấy nhóc toàn phải nằm lồng kính, dây nhợ lằng nhằng như phi hành gia. Thế là kế hoạch tắm bia cho con trắng trẻo hoàn toàn bị phá sản. Mấy ông chồng rủ nhau gom bia ra bờ hè ngồi uống, cười ngất ngư.

Còn nhớ, hôm chờ vợ đẻ, tôi đang tranh thủ ăn nốt cà mèn phở để lấy sức thì nghe loa khẹc khẹc gọi: “Người nhà TTTX vào lấy tư trang…”. Hết hồn, vì thoáng nghĩ: “Bị sao thế? Đi rồi à?”. Chạy vào trong thì thấy vợ mặt méo xệch, vẫy chồng lại gần, tháo chiếc nhẫn trên tay, run run lồng vào ngón út cho. Tôi cười hề hề: “Hôm cưới thì không trao, chờ đến lúc đi đẻ mới trao nhẫn à?”. Mấy em hộ lý nín cười. Một em giúi vào tay tôi bọc quần áo, vừa lườm vừa gắt: “Ra kia chờ! Sốt ruột!”.

Ngồi chờ ngoài hành lang phòng mổ, tôi hồi hộp quá chừng. Lúc nãy nghe mấy em thực tâp nói loáng thoáng: “Sao lại sờ thấy hai cái đầu tròn tròn, chắc là sinh đôi!”. Sau này mới biết, lúc đấy nhóc Hương nằm ngang, và các em ấy sờ phải mông của nó. Nó bị kẹt không ra được mới phải mổ. Mà buồn cười là nó chỉ nặng có hai ký mốt, nhỉnh hơn chai bia Vạn Lực của Trung Quốc bây giờ một chút…

Không biết lúc mổ để bắt con ra, người ta có bỏ hết bộ lòng của sản phụ ra ngoài không mà mới nằm chưa ấm chỗ, mấy bà y tá đã giục: “Dìu mấy cô ấy đi đi lại lại, chứ không là rối ruột đấy”. Thế là từng đôi dìu nhau chầm chậm như nhảy đầm điệu slow. Chốc chốc y tá lại hỏi: “Đánh hơi được chưa? Đánh hơi chưa?… Mệt quá!”.

Hôm sau, một bà y tá vào phát cho bốn ông bốn cái ly nhựa, bảo: “Bây giờ phải lấy sữa non cho các em bé trên lồng kính uống”. Bà ấy giảng về tác dụng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, rồi dặn dò: “Mấy anh vắt sữa đi nhá! Của ai nấy vắt”. Tôi hỏi: “Vắt bằng máy hả chị?”. “Làm gì có máy! Thủ công thôi… Là mấy anh dùng tay mà bóp! Mạnh vào không là về nhà mất sữa đấy”. Ôi trời! Thế là bốn cặp ngồi vắt. Của ai nấy vắt! Các nàng ngượng, mặt đỏ bừng. Nhìn cái cảnh ấy, tôi buột miệng nói một câu tai hại vô cùng: “Này, bọn mình trông cứ như ở trong… công viên Lê Văn Tám ấy nhỉ!”. Thế là mấy nàng ôm bụng cười, sữa văng tung tóe. “Thôi, thôi… Anh đừng nói giỡn nữa. Em cười bung chỉ bây giờ”. Hú hồn, nghe nói có người từng bị bục vết mổ chỉ vì vài cơn ho nhẹ thôi đấy.

Còn về chuyện “nuôi sữa” cho bà xã, tôi còn nhớ và hãi đến tận bây giờ. Cứ nhìn món chân giò lợn hầm với đu đủ là thấy nhói ở hai bên ngực rồi. Chả là bà ngoại ngày nào cũng hai cặp lồng ứ ự như thế với tham vọng con gái có nhiều sữa cho cháu bú. Nhưng lần nào vợ tôi cũng chỉ húp lấy lệ rồi nhăn mặt buông thìa. Tôi bảo bà ngoại đem về thì bà gắt: “Thì mày ăn đi chứ đem về làm gì!” Tôi cười: “Ăn thế rồi con lại nhiều sữa thì sao?”. Bà ngoại vừa “sư mày” vừa quay ngoắt bỏ đi.

Sau mấy bữa chân giò lợn đu đủ ấy, cứ vào nhà tắm là tự dưng tôi lại đứng trước gương ngắm hai bầu ngực xem có biến đổi gì không. Sữa thì chả biết có hay không, nhưng chắc cũng bổ dọc bổ ngang, bổ lang thang đâu đó nên tôi trông… phởn phơ hẳn ra. Chuyện! Được ăn tốt, lại ngủ khỏe nữa mà.

Phải công nhận, giấc ngủ của mấy cha chăm vợ đẻ là “vô tiền khoáng hậu, nó mê mệt và sâu hun hút. Đến nỗi, có cha bị vợ ném vào người cả cái quạt, cả cuộn giấy vệ sinh mà chẳng thấy cựa, vẫn rít ro ro. Sáng dậy, sau một hồi hai vợ chồng cự cãi, cha này bỗng nảy ra sáng kiến: “Được rồi! Tối nay anh lấy cái tã cột vào chân, khi nào cần thì em giật giật anh dậy! Được chưa? Mệt, buồn ngủ thấy bà”. Sáng kiến này quá hay. Nhờ thế mà mấy đêm sau các ông chồng được ngủ thoải mái. Vợ cần dậy đi “cái kia” thì cứ giật giật tã là xong. Cha này còn có một chiêu lạ là cứ cô y tá nào mới xuất hiện lại nhìn chằm chằm vào… ngực, trông rất đáng ngờ. Sau cha ấy mới giải thích: Nhìn vào cái băng tên để khi cần thì gọi “Lan ơi!”, “Ngọc ơi!” cho nó tình cảm, nhờ vả nó dễ! Sau này tôi truyền lại những kinh nghiệm này cho mấy đứa em đi chăm vợ đẻ, đứa nào cũng khen hay, hay!

Vài hôm sau nữa, khi đã quen nhau hơn và chắc là vết mổ đã bắt đầu lên da non, các em cũng bắt đầu tán dóc, cũng tếu ra phết. Nằm thiu thiu trên ghế bố, tôi nghe các em bảo nhau: “Tụi mình sinh mổ cũng hay, vì không đụng tới cái kia, coi như vẫn còn zin, chồng nó đỡ chê, hê hê”. Tôi mới trở mình “e hèm”, một em giật mình thốt hỏi: “Anh có nghe thấy gì không? Hí hí”. “Có, anh có nghe rõ ạ. Tại anh còn zin mà, màng nhĩ ngon lành”.

Đến khi mấy nhóc được rời khỏi lồng kính trở về với vòng tay của mẹ thì tôi hầu như chẳng còn thời gian mà ngó ngàng chuyện bên ngoài nữa. Tôi chỉ thấy hơi ngượng khi ai đến thăm cũng cứ bảo: “Ôi! Con bé giống cha như lột!”. Mới có 7 – 8 ngày thì trông đứa nào chả giống đưa nào, mặt nhăn như… tổ tiên ấy mà.

0123_100838

Bài viết này dành cho em – Cô dâu tương lai

Gửi em – Bé Ti, cô dâu sắp về nhà chồng

Chị có ấn tượng tốt về em. Em xinh xắn, dễ thương, và hoạt bát. Chị nhớ các em vẫn thường mời chị vào bàn ăn J. Chắc em không biết điều này gây xúc động với chị như thế nào, khi mới chân ướt chân ráo về bên nhà chồng,  em để ý chị đang loay hoay không biết nên đứng hay ngồi thì em lại gọi đúng tên chị và mời chị ngồi cùng. Đâu chỉ một lần, sau đó là giỗ, là Tết, là đám ma bố Tùng, em vẫn đều mời chị…

Tuy rằng anh chị không gần gũi với các em như anh em sống trong  1 nhà, nhưng mọi sự kiện lớn đều được cập nhật. Chị hay tin em sắp lấy chồng, xem hình cưới  của em, bỗng dưng… chị cũng thèm lấy chồng lần nữa. Chẳng biết lấy chồng nữa để làm chi, nhưng cứ thích cảm giác nôn nao, xúng xính thử áo, sắm đồ, thử nhẫn, chọn menu tiệc, lại còn hăm hở đi đâu trong tuần trăng mật… Chị nghĩ chắc lúc này đây em cũng có vô số cung bậc cảm xúc khi sắp lấy chồng, và khối chuyện phải làm, đắn đo, suy tính.

Cô dâu nào cũng xinh đẹp rạng ngời, chắc chắn rằng cô em chồng dễ thương của chị cũng sẽ rất xinh đẹp và rạng rỡ.  Tặng em và ông xã bài thơ Đôi dép của tác giả là người khác 😀

1303940823_00f9c82000_o

Tản mạn đầu năm

Hôm nay nhẩn nhơ vào blog, đọc entry của mọi người và ngậm ngùi vì bài viết của thím Hà. Ngẫm tình nghĩa vợ chồng thật đậm đà, sâu lắng biết bao nhiêu.

Lần đầu tiên gặp thím là lúc chú thím về Việt Nam, ngặt nghèo thay lại gặp ngay trong phòng cấp cứu, khi ấy mình trốn khỏi cty sớm 1 tiếng để mang hồ sơ bệnh án lên cho chú. Mình có thói quen quan sát những người xung quanh, nhất là những người mới tiếp xúc, và mình thấy rằng thím Hà dành mọi yêu thương nồng nàn cho chú. Từ ánh mắt, đến lời hỏi han ân cần, thím dịu dàng đỡ lấy chú, khuyên nhủ, thì thầm, tuyệt nhiên mình không thấy có một dấu hiệu nào của 1 cặp vợ chồng đã kết hôn mấy chục năm, vì người ta thường nói ở với nhau riết rồi không còn ý tứ của thưở ban đầu.

Mình thấy thím thật giản dị, ngắm mãi cũng không biết mác Việt Kiều gắn vào chỗ nào của thím nữa. Thím mặc chiếc áo sơ mi bình thường, quần tây cũng bình thường, chỉ khác là thím đeo một sợi dây chuyền hơi bị dày. Mình có nói nhỏ với thím rằng đeo những thứ này rất dễ bị giựt mất. Mất tài sản thì không sao, chứ mất mạng thì nguy to. Thím đồng ý ngay với mình.

Mình có dịp ngắm lại chú Hà, chỉ mới mấy tháng sau ngày mất của bố mà chú yếu hơn hẳn. Cũng áo thun, cũng quần jean, nhưng tóc chú gần như trọc, vết bầm do tụ máu đầy khắp tay, chân. Lâu lâu chú phải lau mũi vì máu ra nhiều. Nhưng chú vẫn nói dù giọng đã thều thào, mình biết chú vui vì đã có mặt tại Việt Nam. Trông chú lúc này mình lại thấy mình quá liều vì cách đó mấy tháng còn dám chở chú bằng xe máy từ nhà chú Trung qua nhà bố Tùng.

Đến khi chú được truyền tiểu cầu, mọi người nhẹ được một chút. Mình đảm trách chở thím về nghỉ ngơi để còn soạn đồ mang lên cho chú. Trời lất phất mưa. Thím Hà ngồi sau, mình cố gắng bắt chuyện để thím vững tâm. Gần đến nhà thì cũng là lúc thím gục trên vai mình. Thím đuối sức vì chưa ăn uống, vì lo, vì lạnh…

Mình rất quí chú Hà vì những ngày tháng chú bệnh là lúc chú online chat với mình, chú nói rất nhiều, nhiều nhất là về thức ăn. Chú thèm nhiều món lắm. Đến khi gặp thím, mình càng yêu quí thím hơn vì thím là hình mẫu người vợ hiền và rất mực thương chồng. Type đến đây mình vẫn còn nhớ như in hình ảnh thím trong video khi thím tiễn biệt chú, bàn tay thím xoa lấy đầu chú như người mẹ vẫn thường xoa đầu con trẻ, thím khóc … mình cũng phải khóc theo.

Nhớ bố Tùng,

Khi viết về chú thím Hà, mình không thể không nghĩ về bố. Xét về khía cạnh y học thì bố đã được một cái chết êm ái nhất, nhẹ nhàng nhất. Nhưng xét về tâm linh (đấy là mình tự đặt mình là bố) thì bố đâu được thanh thản. Bố còn ông bà nội đã già yếu, bố còn mấy đứa cháu suốt ngày đòi ông cõng trên lưng.

Người ta có thể nhắm mắt xuôi tay khi mọi ước nguyện đều đã đạt được – đó là những người biết kiềm chế tham lam và chọn cách sống bình lặng. Bố là vậy. Mỗi ngày trôi qua của bố nhẹ nhàng, sáng café sớm, đọc báo, nhặt rau, có khi cũng nấu nướng. Mình nhớ rất rõ bố rửa rau vô cùng sạch. Mình luôn miệng bảo chỉ ăn rau bố Tùng rửa là yên tâm nhất. Rồi bố loay hoay với ông nội. Khi rảnh bố đóng cái này, sửa cái kia. Đến khuya khuya bố xem đá banh một mình. Lâu lâu có cậu 7 sang chơi thì bố và cậu đi lai rai, lúc về mặt bố đỏ tía, bố cười, bố vui, nhưng bố cũng không quên lau nhà. Bố lau nhà sạch, sạch hơn ai hết.

Mình cũng có lần giận bố. Thấy bố có mỗi bộ pijama mặc hoài, sờn rách cả vai. Mình chọn cho bố một bộ khác, mát rượi. Vậy mà bố không chịu, bố ko thích loại vải đó. Mình giận bố, nhưng rồi cũng thôi, bố ko thích vải đó thì sao ép bố được.

Nhớ bố lúc chở nội lên thăm mình sinh Xí Muội. Bố bảo: “Đâu, cháu nội của ông đâu nào, cho ông ẵm một tí”. Bố ẵm thật khẽ, thật êm ái, tuyệt nhiên mình chẳng thấy lo lắng gì cả (ngay cả mình lúc đó còn chưa dám ẵm con). Sau vài tháng bố sang nhà đóng cho cái kệ sách, sửa cho cái cửa, chở thằng Bo, con Ti ti qua chơi với Xí Muội… Vậy mà một bữa cơm ngay tại nhà mình bố cũng chưa từng dự, vì bố không bỏ ông bà nội ăn cơm một mình được.

Nhớ mãi nhớ mãi hình ảnh bố. Nhớ mãi lúc bố xỉn, bố huých vào tay mình đau điếng, bố cười hả hê vì nhậu quá đã với ông sui. Và ba mình cũng thế, ba mình yêu quí bố, thương bố. Lúc bố mất, ba mình vuốt nhẹ khuôn mặt của bố, mình hiểu ba mình cũng thương bố Tùng như bọn mình thôi.

Tết năm nay mùng 1 gia đình mình vào chùa thăm bố. Nhìn hình bố, mình nghẹn ngào. Mình là dâu con trong nhà, chăm bố chưa được một lần, vậy mà đã bao phen bố giúp cho mình. Sự ân hận, sự nuối tiếc cứ thế mà chực trào ra… Giá mà thời gian quay lại mình sẽ chơi cờ tướng với bố, đêm đêm sẽ xuống xem đá banh với bố nhiều hơn, mình sẽ chia sẻ thức ăn thừa với bố nhiều hơn, sẽ nghe bố tâm sự nhiều hơn, sẽ đem con xí muội thăm bố nhiều hơn, tất cả những gì có thể làm được cho bố mình sẽ làm, và làm nhiều hơn. Nhưng thời gian đâu quay lại nữa…

Tết 2010, buồn và nhớ…

Cả nhà cùng đón Tết

Cứ đến Tết, các bà, các cô lại chép miệng bảo nhau: “Sao mà lắm việc thế, cứ nghĩ đến là thấy mệt quá”. Nói thế chứ Tết bây giờ sướng hơn xưa rất nhiều.

Các bạn chỉ đi chợ hai tiếng là xong một cái Tết. Đồ khô thì cất lên tủ bếp, đồ tươi thì cho vào tủ lạnh. Thế là mấy ngày Tết tha hồ ung dung, tự tại. Mà lạ cái là người ta cứ than phiền Tết mệt thế nhưng cái được mà Tết mang lại thì cứ lờ tịt đi, coi như chuyện đương nhiên, chẳng phải bàn.

 

Người ta thường nói vui như Tết, điều đó không phải bàn cãi gì nữa. Nhưng có lẽ không ít người lại cho là Tết không thể vui bằng những ngày giáp Tết. Cuộc sống hiện đại thật bận rộn và hối hả, đặc biệt là ở những gia đình cả vợ và chồng cùng phải đi làm. Tối đến nấu cơm, dọn dẹp xong các bà mẹ lại phải lao vào dạy học rồi chuẩn bị đồ ăn sáng sớm mai cho cả nhà. Cho nên có mấy ông chồng ngày nay nghĩ đến chuyện mua vé mời vợ xem phim, xem ca nhạc. Có lẽ cả nhà chỉ sum họp chớp nhoáng cuối tuần khi đưa các con đến thăm bên nội, bên ngoại.

 

Thế nhưng Tết đến lại khác. Lúc này việc cơ quan cũng đã ngơi tay, đám bạn nhậu của những đức ông chồng bỗng dưng thưa thớt hẳn. Với lại lễ ông Công ông Táo trước đó, các vị đã tranh thủ chén tạc giã từ năm cũ rồi. Xem ra mấy ngày giáp Tết cuối cùng các quí ông có vẻ thực sự toàn tâm toàn ý với gia đình.

 

Các bạn cứ để ý xem nhé. Chợ hoa ngày Tết thường là đi đôi. Vợ chồng khoác tay nhau đi ngó nghiêng miễn phí hết cây cam đường bạc triệu hay cành đào rừng khổng lồ giá ngót nghét chỉ vàng. Thế nhưng lúc về thường chỉ là cành đào hay cây quất xinh xinh. Tuy chỉ là những thứ giá cả bình dân nhưng xem ra cả vợ cả chồng cùng hớn hở ra mặt vì họ cùng nhau ngắm nghía, chọn lựa mãi. Cứ thử đi mua một mình xem, nhiều khi lượn chợ chóng cả mặt thế nhưng người ở nhà chưa chắc đã ưng đâu.

 

Hiếm có đức ông chồng nào Tết đến thoát khỏi cảnh dọn dẹp nhà cửa. Thường thì các ông chọn những việc đáng mặt nam nhi như quét mạng nhện, kê lại giường tủ bàn ghế, đốt gốc cành đào, treo mắc đèn nhấp nháy… Các bà vợ thì lau dọn tất cả những chỗ nào bụi bặm lưu cữ, sau đó cắm hoa, trang hoàng nhà cửa. Tóm lại, sau một ngày dọn dẹp, cả vợ cả chồng đều mệt rũ ra nhưng ngồi ngắm nhìn nhà cửa sạch bong với hoa trái rực rỡ thì tuy chẳng ai nói ra nhưng trong lòng rất chi là thỏa mãn.

 

Có những ông chồng quanh năm chỉ biết đến việc cơ quan thế nhưng đến ngày 30 Tết cũng chạy ra hỏi vợ: “Ơ! Thế chưa có mâm ngũ quả à?”. Vợ bảo mua rồi chưa kịp bày. Lúc sau lại chạy ra hỏi: “Thế đã dự trữ hoa quả và mứt tết mời khách chưa?”. Vợ cũng bảo mua rồi thế là yên tâm coi như chẳng còn gì phải lo nữa. Đành rằng sắm Tết là việc của người phụ nữ nhưng sự quan tâm của người đàn ông với công việc này cũng rất đáng quý. Điều đó chứng tỏ anh ta vẫn còn để tâm thực sự vào gia đình bé nhỏ của mình.

 

Tết cũng là dịp hai vợ chồng chở nhau đi biếu quà nội ngoại và những chỗ thân quen. Cả năm bận rộn việc, đến Tết hai vợ chồng mới có thời gian chở nhau đi chỗ nọ chỗ kia. Các bà vợ thường đùa với ông xã: “Đỡ khối tiền xe ôm ra đấy”. Nhiều khi đi vòng vo một hồi, hai vợ chồng đói bụng lại rủ nhau vào một hàng quà ngon lành mà ngày thường chắc chẳng bao giờ hai vợ chồng nghĩ đến chuyện kéo nhau vào đấy.

 

Bữa quà vặt ngoài kế hoạch bao giờ cũng tạo ra một cảm giác rất ngon miệng. Ăn xong chồng lại bảo chủ quán gói về cho mấy đứa nhỏ, coi như giúp vợ thoát được nấu cơm rửa bát một hôm. Thế đấy, Tết mệt nhưng rõ ràng là vui và đầy ý nghĩa.

 

Bữa cơm Tất niên cũng là một sự kiện trọng đại. Ngày thường vợ bận quá, nhiều khi cứ điệp khúc thịt kho, thịt luộc, thịt quay hoài. Thế nên bữa cơm Tất niên hẳn cũng là một dịp để vợ lấy lại uy tín với chồng và các con. Nhiều bà vợ còn cố tình nấu những món “phản truyền thống” như xa lát Nga, chả mực Quảng Ninh, xúp bí đỏ, nem cuốn tôm rau sống… để cho cả nhà có cảm giác đang ăn một cái Tết thực sự hiện đại. Vì mồng một, mồng hai về nội, ngoại chắc chắn là thịt gà luộc, bánh chưng, dưa hành muối nên bữa Tất niên ăn khác đời một chút cũng đâu có sao.

 

Cơm tất niên xong là cả nhà quây quần xem TV đợi đến giao thừa. Có những gia đình lại quyết định xuất hành trước giờ giao thừa và trở về trước giờ giao thừa. Lý do cũng đơn giản thôi. Họ cho rằng trước giao thừa đường phố vắng vẻ. Đi dạo phố lúc đó rất thích vì không khí Tết đã ở vào giờ phút đỉnh điểm. Trước nhà nào cũng một mâm cúng xôi gà. Nhà nào cũng đèn cuốc cờ hoa rực rỡ khác hẳn với ngày thường. Trên đường chỉ có những đôi nam nữ thanh niên quần áo rất diện đèo nhau đi chơi.

 

Sau giao thừa thì khác hẳn. Mọi người đổ ra đường hái lộc và đi xông đất đầu năm cộng với mùi khói đốt vàng mã nghi ngút như cháy nhà khiến không ít vị phổi yếu ho sù sụ vì sự ngột ngạt, khó thở. Với lại nếu đi chơi quá giờ giao thừa thì mâm cúng ngoài trời ai thắp hương cho. Kể ra thì cắt cử bà xã ở nhà hương khói cũng được nhưng như thế thì gia đình cứ thiếu hụt thế nào ấy. Đi chơi là phải đi cả nhà mới vui.

 

Thế đấy, Tết thì mệt thật nhưng không có Tết thì cũng gay go. Tết là dịp duy nhất cả nhà sum họp trong một thời gian tương đối dài. Có lẽ đây là dịp duy nhất cả nhà khoác những bộ áo thật đẹp cùng nhau rảo bước tung tăng trên đường phố và từng thành viên trong nhà đều thầm tự hào: “Nhà mình trông cũng oách đấy chứ. Có khi còn hoành tráng hơn ối nhà hàng xóm nữa kia”.

 

Theo An An

Hạnh phúc Gia đình

Ra đi…

Một vài ngày trước cô Dung báo tin chú Hà nhập viện, sau đó Thục dặn dò cố gắng lựa thời điểm phù hợp rồi gọi điện qua, vì lúc này mọi sự lo lắng và nguyện cầu đang dành cho chú. Vậy mà chiều nay … chú đã đi rồi.

Vẫn biết là chuyện gì đến sẽ đến, là có sinh thì sẽ có tử, là trên đời này phép mầu thì hiếm lắm… nhưng sao vẫn ngỡ ngàng, thảng thốt, bàng hoàng rồi đau xót trước cái tin chú ra đi.

Suy nghĩ vậy có người cho là tiêu cực, vì có khi chính sự ra đi đó lại khởi đầu cho một gì đó mới mẻ, tốt đẹp hơn. Nhưng… những người ở lại thì sao? Sẽ phải chấp nhận sự thật này như thế nào? Rồi từng ngày từng ngày phải tập làm quen với sự trống trải, phải tìm quên trong những bận rộn của cuộc sống, phải tìm một lẽ sống mới… Thật là quá khó khăn cho những người không thể ra đi cùng…

Tối nay cả nhà ghé qua thăm ông bà nội. Ông thì chưa biết, còn bà nội thì … chắc là buồn, buồn lắm. Còn nhớ lúc bố ra đi được vài ngày, bà nội ngồi ngay bậc thềm nhà, bà bảo: Già rồi khổ lắm cháu ơi… Phải rồi, quá khổ vì lẽ ra sự ra đi đó phải theo sắp đặt thứ tự thời gian thì nay ngược lại, người đã già mà còn phải  chứng kiến con ra đi. Vậy thì đối với ông bà nội, lẽ sống nào cho ông bà nữa đây? Ông vì bà và bà vì ông, nghĩ  đến đây thấy sợ hãi, nếu một trong 2 ông bà ra đi, người còn lại sẽ khốn khổ như thế nào nữa đây?

Phật bảo rằng “Đời là bể khổ”, chắc chẳng có khổ nào bằng chia ly với người thân.

Xin cầu mong cho bố, cho chú Hà thanh thản ở nơi suối vàng. Cầu mong cho ông bà nội, mẹ, thím Hà, và mọi người vượt qua được nỗi đau mất mác này.

Thế là từ nay nick của chú sẽ mãi mãi offline, cũng chẳng còn ai gọi: “Băng viết cái gì cho chú xem nữa đi. Chú thích cháu kể về quê nội…”…….

Phần 5: Thăm Ông Tỉnh và Bà Xuân

Buổi sáng cuối cùng của gia đình Xí Muội ở Hà Nội, cả nhà ghé Văn Miếu Quốc Tự Giám, nơi mỗi năm có hàng nghìn sĩ tử ghé thăm và vuốt đầu rùa mong đỗ đạt dẫu là thời điểm hiện nay 2009. Thế mới biết tín ngưỡng của các ông cử nhân tương lai cao ngất trời mây ! 😉

Ngay cửa vào Quốc Tự Giám
Ngay cửa vào Quốc Tự Giám

IMG_4869

Vì vậy cũng như khách thập phương có dịp viếng thăm chốn linh thiêng và để  đường học vấn không quá gập ghềnh, Xí Muội đã xoa cật lực một dãy rùa. Tranh thủ cưỡi lưng cụ rùa to nhất chắc là linh ứng nhất  không biết có phải vì vậy mà đầu của cụ rùa láng cóong nhất.  ❓   😯

Continue reading “Phần 5: Thăm Ông Tỉnh và Bà Xuân”

Phần 4 – Dùng cơm ở nhà chú Lâm

7h30 tối, sau khi đặt chân trở lại bến xe Giáp Bát – Hà Nội, cả nhà tíu tít nhảy phóc sang taxi thẳng tiến đến điểm hẹn gần nhà chú  Lâm con bà Thủy. Chú đón cả nhà ngay ngã tư  Sở cách ngõ An Sơn nhà chú khoảng 1km, sau khi mẹ Băng tranh thủ mua một ít hoa quả gọi là quà biếu gia đình chú. Một chiếc xe tay ga đèo 4 mạng 😀 .Thường thì tầm này chú thím đã ăn no, nay phải ngồi đợi 2 cháu 1 chắt đến tận giờ đó, thiệt là vô cùng cảm động, và chắc vì vậy nên bữa cơm càng ngon và thân mật hơn. Continue reading “Phần 4 – Dùng cơm ở nhà chú Lâm”

Lần đầu về thăm quê chồng – Phần 3

Tạm biệt bà Đỗ, xe quay ngược về nhà chú Hà, đi ngang mấy cánh đồng chỉ một màu xanh mướt – cái màu xanh làm dịu mát tâm hồn mà thi sĩ người ta thường tả trong sách vở, lại cộng thêm hương lúa thoang thoảng, hít lấy hít để vẫn thấy thèm thèm, mình ở SG toàn hít bụi, có biết được không khí trong lành là như thế nào đâu, xem ra còn thú vị hơn cả hít OXY nguyên chất 😀 Continue reading “Lần đầu về thăm quê chồng – Phần 3”

Lần đầu về thăm quê chồng _ Thú vị và hạnh phúc

24/8/2009: 10h PM nhận khách sạn ngay bờ Hồ Tây. Không một tí gió, nóng nực trong không khí khô khốc. Cha con xí muội thở hềnh hệch rồi lăn kềnh ra ngủ vì mỏi mệt.

25/8/2009: 2 mẹ con thức dậy đúng 6h. Đêm qua cả nhà thống nhất không du lịch Hạ Long, để dành 1 ngày về quê ở Phủ Lý. Thế là đem con xí muội hôi hám đi tắm, ăn bánh giò Hà Nội to gấp rưỡi ở SG. 2 mẹ con xem “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” trong lúc chờ  bố CH say giấc nồng. 9h: bố CH thức dậy trong cái nhìn hằn học của 2 mẹ con vì  chờ quá lâu. 9h30: cả nhà bắt taxi tham quan Hà Nội. Đầu tiên là kiếm bánh tôm Hồ Tây – 30′ taxi đến quán lèo bèo, nom chẳng ra đặc sản gì cả. Tiếp tục lên phố Hàng Đường thưởng thức Chả Cá Lã Vọng mà chỉ có Tây mới dám ăn (hix, biết trước thì đâu ăn làm gì). Món này cũng ngon, mỗi tội chém đẹp quá. 2 con cà cuống với tí hương liệu lạ lạ mà gần 100k. Hèn gì chỉ có bọn Tây là khen ngon. Đi bộ tiếp sang phố Hàng Đường, mua sấu, cốm về làm quà cho nhân viên, đồng nghiệp, bạn bè, sẵn tiện cất một hộp sấu ngâm để ăn dần cho đỡ thèm. 12h: khệ nệ về khách sạn nghỉ trưa trong lúc bố CH đi cafe Wifi chat chit.

2h PM: lệnh xuất phát hành quân về quê được ban hành cái rụp. 2 mẹ con còn ngái ngủ phải tập kết dưới bờ Hồ Tây chờ taxi đến. Nắng, nóng, khát nước, chờ đợi (Hà Lội mùa này vắng hết taxi, rõ chán).

Ái chà, sao mình còn say ke thế lày nhỉ....??
Ái chà, sao mình còn say ke thế lày nhỉ....??
Taxi đâu rồi cà? không lẽ cũng đi trốn nắng tuốt ?! Thôi tranh thủ 2 mẹ con làm một pô đầy xem lào ...
Taxi đâu rồi cà? không lẽ cũng đi trốn nắng tuốt ?! Thôi tranh thủ 2 mẹ con làm một pô đầy xem lào ...
Bố làm một phát nghiêm chỉnh xem nào !
Bố làm một phát nghiêm chỉnh xem nào !

Continue reading “Lần đầu về thăm quê chồng _ Thú vị và hạnh phúc”