Liberia, cơ hội bỏ lỡ

Nếu có ai nhắc đến tên nước này chắc nhiều người còn không rõ nó ở đâu, châu lục nào. Thật vậy, Liberia có diện tích chỉ bằng 1 phần 3 nước Việt Nam, và dân số không quá 3 triệu rưỡi, tức chỉ trên dưới một nửa dân số Sài Gòn, nằm cạnh biển phía Đông châu Phi, có cùng biên giới với Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) mà ai xem World Cup 2010 chắc cũng biết. Một nước bé nhỏ và nằm ở lục địa đen đã không tạo chú ý đối với mình mỗi lần nghe truyền thông nhắc đến tên nước này. Nhưng rồi một lần mình nghe báo đài nói nước này được thành lập bởi những người nô lệ da đen ở Mỹ sau khi họ được trả tự do hơn 1 thế kỹ rưỡi trước đã lay động óc hiếu kỳ trong mình. Cám ơn các trang bách khoa toàn thư mở trên mạng, mình có dịp tìm hiểu lịch sử nước này.

Liberia tuyên bố độc lập năm 1847 không phải vì nhu cầu lập quốc cấp bách mà vì một duyên cớ. Vùng đất này từ năm 1822 nằm dưới sự quản lý của hội American Colonizing Society (Hội Thuộc Địa Hoa Kỳ) gọi tắt là ACS, mội tổ chức dân sự chuyên gửi người từ Mỹ trên các chuyến tàu vượt trùng dương đến đây sinh sống. Để có quỹ chi tiêu cho bộ máy hành chánh ở đây, hội đánh thuế các tàu buôn của Anh qua lại nơi đây. Nhưng hội gặp khó khăn khi muốn thu thuế vì Anh quốc viện cớ chỉ có một quốc gia mới có tư  cách pháp nhân đánh thuế mậu dịch. Vì thế sau 27 năm vận chuyện người đến đây và điều hành miền đất mới, hội tuyên bố Liberia độc lập.

liberia_map
Liberia

Như vậy phải chăng 1 thế kỷ rưỡi trước đây, khi phong trào di dân đến Mỹ châu, Úc châu, Tây Bá Lợi Á đang đến cao trào thì lại có 1 cuộc di dân ngược lại, đi từ Mỹ qua Phi châu? Đúng vậy, cuộc di dân này bắt đầu từ năm 1820, khi hội ACS có chuyến tàu đầu tiên chở người Mỹ qua Phi châu lập quốc, với 88 người da đen. Đến năm 1847 khi Liberia tuyên bố độc lập, quốc gia mới này có tất cả 3000 công dân là người Mỹ di cư đến.

Vậy hội ACS là ai? Để trả lời câu hỏi này, mình phải trở ngược lại xã hội Mỹ đầu thế kỷ 19. Nước Mỹ xảy ra nội chiến năm 1861, kéo dài đến năm 1865 và là cuộc chiến thiệt hại nặng nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng lý do dẫn đến cuộc chiến huynh đệ thương tàn này đã gieo mầm từ trước thế kỷ 19. Và hoàn cảnh xã hội tiềm ẩn mối nguy cơ dẫn đến nội chiến 50 năm sau chính là bối cảnh ra đời hội ACS.

Lý do quan trọng nhất, dù chỉ là biểu hiện bên ngoài, của cuộc nội chiến Mỹ là vấn đền nô lệ da đen. Người da đen có mặt ở Mỹ từ rất sớm, trước khi nước Mỹ giành độc lập năm 1776. Họ đến Mỹ chủ yếu để làm công việc đồng áng. Không đơn giản là người da trắng đến châu Phi bắt người da đen đem lên tàu chở qua châu Mỹ mà phần lớn là do chính những bộ tộc ở Phi châu đánh nhau và kẻ chiến thắng bắt người của bộ lạc thất bại đem bán cho người da trắng. Khác với Âu châu thời bấy giờ đất chật người đông, ở Mỹ đất đai phì nhiêu và di dân mới đến còn thưa thớt, cần rất nhiều lao động để khai thác tài nguyên nông nghiệp, nhu cầu mua nô lệ từ Phi châu đem qua phát sinh.

Hoàn cảnh kinh tế Mỹ thời ấy có một biên giới vô hình chia đôi đất nước với miền Bắc phát triển công nghiệp, thương mại và miền Nam với một nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp. Miền Nam có nhiều trang trại hơn nên cần nhiều nô lệ hơn. Chỉ có một số nhỏ người da đen sống ở miền Bắc, và họ phần lớn họ là những người đã được trả tự do. Người da trắng ở miền Nam xem người da đen là một phần cơ hữu của nền kinh tế nông nghiệp của họ. Họ cho rằng người da đen không đủ sức sống tự lập, vì hoặc là họ chưa ý thức được đầy đủ tinh thần trách nhiệm hoặc họ thiếu tinh thần làm việc chăm chỉ. Họ lý luận chế độ nô lệ thật ra là một chế độ nhân bản vì trong đó người da đen được chăm lo đầy đủ bởi chủ của mình từ việc ăn học, dù là giới hạn, đến đời sống tinh thần bao gồm việc có một đức tin Kitô “văn minh” hơn thần thánh trước đây của họ… Nếu được trả tự do, có thể họ sẽ không biết phải làm gì với tự do ấy. Rất có thể những người da trắng đưa ra lập luận này từ nhu cầu sát sườn cần có lao động chân tay cày sâu cuốc bẫm ở khắp các trang trại ở miền Nam.

Người da trắng ở miền Bắc không có nhu cầu này và phong trào chống nô lệ nổi lên mạnh mẽ tại đây. Người da trắng ở miền Nam xem sự  chống đối chế độ nô lệ là nhắm vào mình, nhắm vào văn hóa tự do, nông thôn và cả nền kinh tế nông nghiệp của miền Nam từ những tay thương gia, chủ xí nghiệp và cả bộ máy công quyền luôn muốn vươn bàn tay bạch tuộc của mình đến tận mọi ngóc ngách trong đời sống người dân.

Đây chính là hoàn cảnh hội ACS ra đời. Hội quy tụ nhiều thành phần ưu tú trong xã hội thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng tất cả đều có một mục tiêu là muốn đưa người da đen trở về Phi châu. Hội bao gồm những người miền Nam muốn tìm một giải pháp cho số phận những người da đen tự do đang sống ở Mỹ bằng cách đưa họ về lại châu Phi bởi người da đen không thể sống cùng người da trắng trong một xã hội còn nhiều “kỳ thị” (chính họ tạo ra?) và vì người da đen không thể sống tự lập với đầy đủ trách nhiệm của một công dân được. Hội còn gồm cả những người da trắng miền Nam lo sợ người da đen tự do và cả nô lệ nếu đông quá có thể nổi loạn, đe dọa an ninh xã hội (của họ?). Và hội còn bao gồm cả những người da trắng ở miền Bắc không muốn thấy người da đen mãi làm nô lệ nhưng cũng không muốn sau khi được tự do người da đen tràn lên miền Bắc đe dọa cạnh tranh công việc làm của họ nên muốn thấy số người này chở về Phi châu.

Lịch sử hình thành Liberia gắn chặt với lịch sử Mỹ đầu thế kỷ 19 ở điểm này. Nói khác hơn, sự ra đời của Liberia là do người Mỹ đã không tìm được lời giải cho vấn đề nô lệ và hệ lụy kinh tế của chế độ nô lệ, một “thể chế kỳ quặc” (peculiar institution) âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ cho đến khi cộng hưởng với một nan đề khác là một tiểu bang có quyền tự ý rút lui khỏi liên bang hay không thì nó bùng nổ thành nội chiến.

Jerkins Roberts, Tổng Thống đầu tiên của Liberia
Jerkins Roberts, Tổng Thống đầu tiên của Liberia

Dải đất mà bây giờ là quốc gia Liberia thời ấy là những lãnh thổ của các bộ tộc trong vùng hợp lại, giáp cận với Sierra Leone đang chịu sự quản lý của Anh. Vì chưa có quốc gia nên được xem là đất vô chủ và hội ACS quyết định chở người da đen đến đây. Sự chống cự của các tù trưởng trong vùng dễ dàng vượt qua bằng cách mua chuộc hoặc áp lực. Trong 40 năm vận chuyển vượt Đại Tây Dương đến vùng đất mới, số người da đên “hồi hương” lến đến 12 ngàn. Một công trình khổng lồ trong hoàn cảnh thời bấy giờ nhưng khi quốc gia Liberia thành lập, số di dân mới này chỉ là một thiểu số rất nhỏ, khoảng 5% tổng số dân ở đây. Với lợi thế tài chánh và việc tiếp cận khoa học kỹ thuật ở Mỹ cùng môi liên hệ với chính quyền, thương gia Mỹ, họ trở nên thành phần ưu tú trong đất nước mới do chính họ thành lập. Họ là ai?

Họ là những người da đen tự do ở Mỹ tự nguyện tham gia chương trình “hồi hương.” Hội ACS là một tổ chức tư tuy nhận được sự ủng hộ về tài chánh, luật pháp và tinh thần từ một số chính quyền tiểu bang, nhưng hội hoạt động độc lập, và sự tham gia chỉ mang tính tự nguyện. Chỉ người da đen nào đã được trả tự do mới có thể tham gia. Những người da đen tự do hồi hương xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả thành phần lãnh đạo trong xã hội là mục sư. Họ cho rằng người da đen chỉ có cơ hội phát triển hết tiềm năng của mình khi sống tại Phi châu, “quê hương” của họ, nơi không còn “kỳ thị màu da”…

Lý tưởng cao đẹp nhưng thực tiễn đã biến nó thành hoài bão. Số người da đen “hồi hương” này đã sinh ra và lớn lên ở Mỹ, phần lớn đã ở Mỹ đến 2, 3 thế hệ nên họ không quen thuộc và cả hoàn toàn lạ lẫm với vùng đất mới này. Họ xuất thân là nô lệ, nay được tự do, gặp vô vàn chướng ngại trong xã hội kỳ thị ở Mỹ thời ấy, nhưng họ đã quen với xã hội, văn hóa Mỹ, nay “trở về” Phi châu, chính là họ đến vùng đất mới, giống như những người da trắng đã đến Mỹ một, hai thế kỷ trước. Ngay cả nước da đen mà họ nghĩ sẽ gặp ở người bản xứ  sẽ giống như họ, nền tảng xây dựng một đất nước thái hòa không còn nạn kỳ thị như lý tưởng của họ khi qua Phi châu, cũng trở nên thiển kiến. Người da đen ở Mỹ, trong thời gian còn bị nô lệ hay sau khi được tự do, đều ít nhiều có dòng máu của người da trắng (một số lớn là do chính các chủ điền da trắng cưỡng bức hoặc đối xử với nữ nô lệ da đen của mình như tỳ thiếp) nên nước da của họ ít thì đã phai nhạt bớt màu đen đặc quánh và nhiều thì đã nửa trắng nửa đen (mulatto).

Sự khác biệt giữa họ và người bản xứ trên bình diện văn hóa và màu da đã hướng lịch sử Liberia từ ngày lập quốc đến con đường định mệnh. Số người từ Mỹ qua Liberia lập quốc này từ bỏ một xã hội dày đặc kỳ thị màu da ở Mỹ thế kỷ 19 đến Liberia để thành lập một xã hội kỳ thị mới. Ở đấy không còn chế độ nô lệ vì đất Liberia nhỏ, lại chưa đạt đến nền kinh tế nông nghiệp trang trại như ở miền Nam Mỹ, không có nhu cầu cho lao động chân tay nhiều. Nhưng không có nô lệ không có nghĩa xã hội không có kỳ thị. Họ đến Liberia không phải chỉ có tay không mà họ còn mang cả văn hóa, tư tưởng họ hấp thụ từ Mỹ. Họ  xem tôn giáo mới họ được truyền thụ ở Mỹ cao cấp hơn thần thánh bản địa, khoa học kỹ thuật và văn hóa Tây phương trong con người họ văn minh hơn đời sống bộ lạc của dân bản địa. Họ tự nhận lãnh lấy trọng trách giáo hóa dân bản địa để một ngày trong tương lai những người này sẽ “văn minh” như họ và trong quá trình vô tình hay hữu ý họ đã thiết lập một xã hội giai cấp, trong đó người bản địa với màu da đen đặc hơn họ bị từ  chối nhiều quyền lợi chính trị, kinh tế, giáo dục…

cờ Liberia
cờ Liberia

Tư tưởng “Mỹ hóa” của họ thể hiện khắp mọi nơi. Liberia có nghĩa là “đất của người tự do,” thủ đô Monrovia lấy từ tên tổng thống Mỹ James Monroe đọc trại ra và đảng hợp pháp duy nhất họ thành lập ở Liberia năm 1877 có tên là True Whig Party, lấy tên và cương lĩnh từ đảng Whig ở Mỹ giữa thế kỷ 19. Cả bản Hiếp Pháp của Liberia cũng được mô phỏng từ Hiến Pháp của Mỹ. Tuy nhiên, trong khi xã hội và pháp luật Mỹ thay đổi theo thời gian đáp ứng với trình độ và văn minh của nhân loại trong việc tạo dựng một xã hội công bằng thì Liberia chỉ dựa vào bản Hiến Pháp và chế độ độc đảng dù là mô phỏng từ Mỹ mà xã hội và tư tưởng không theo kịp thời đại nên đến những năm 1930 đã bị quốc tế lên án việc buôn bán nô lệ lao động cho các công ty tư bản nước ngoài. Tình trạng bán nô lệ lao động giảm dần và cuối cùng chấm dứt sau đó nhưng hố ngăn cách giữa lớp người từ Mỹ “về” và con cháu họ với dân bản xứ vẫn còn lớn, điển hình nhất là đất nước vẫn duy trì chế độ độc đảng và các đảng viên và thành phần lãnh đạo đất nước vẫn còn giới hạn trong số người này. Không phải chỉ có ở Nam Phi mà tại Liberia, chế độ apartheid phân biệt màu da, không phải giữa đen và trắng mà là giữa đen và ít đen hơn, tồn tại cho đến năm 1980 mới chấm dứt với một cuộc đảo chánh kết thúc chế độ độc đảng và một người bản xứ lần đầu tiên lên nắm chính quyền.

Lịch sử Liberia rẽ qua một khúc ngoặt trong đó chế độ apartheid kỳ thị chia rẽ được thay thế bằng một chế độ độc tài quân phiệt cho đến năm 1990 thì nội chiến xảy ra và kéo dài cho đến năm 2003 mới tạm thời chấm dứt, để lại sau đó mấy trăm ngàn mạng người đổ xuống và gần 1 triệu người tị nạn ở các nước lân cận, trong một đất nước với dân số chỉ hơn 3 triệu. Điểm son hiếm hoi và mong là dấu hiệu của chân trời mới trong lịch sử  Liberia là ngày hôm nay đây là nước duy nhất ở Phi châu có Tổng Thống là phụ nữ, bà Ellen Johnson Sirleaf, đắc cử trong một cuộc bầu cử dân chủ năm 2005.

Lịch sử không diễn ra theo đường thẳng và chứa đựng trong nó muôn vàn sắc màu. Liberia hình thành từ những mâu thuẫn trong xã hội Mỹ xoay quanh vấn đề nô lệ và lòng nhiệt huyết của những người sáng lập ra hội ACS, nhưng nó đã không như mong đợi mà trở thành một đất nước Mỹ thu nhỏ ở Phi châu, tuy được “gieo mầm” bằng những khế ước xã hội tiến bộ thành quả của cả trăm năm thời đại Ánh Sáng qua bản Hiến Pháp mô phỏng từ Mỹ nhưng vẫn tồn tại căn bịnh kỳ thị, phân biệt trong xã hội lấy từ Mỹ đem “cấy” qua Liberia. Đấy là do việc xây dựng đất nước không phải chỉ trông cậy vào một bản Hiến Pháp nằm trên giấy mà là do chính con người trong đất nước ấy. Suy cho cùng, Hiến Pháp chỉ là sản phẩm của con người, chứ nó không tạo ra con người.

Nếu không cân nhắc và thiếu thực tế, mình có thể trở thành nạn nhân cho lý tưởng của chính mình vậy.

4 thoughts on “Liberia, cơ hội bỏ lỡ”

  1. haha, TraiLang. Ai cũng nhớ Hồ Chí Minh trích một đoạn trong Hiến Pháp Mỹ trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1945 “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” 🙂

  2. Dang va Nha nuoc ma biet thi` TraiLa`ng se bi tuoc quyen cong dan va truc xuat ra khoi nuoc mat thoi. Ma vay cung duoc nhi?, xin qua My~ ti nan chinh tri!! 😀

Leave a Reply