Ở chung – sống riêng

Theo TTC – CẢNH 1

Vào giờ cơm tối. Người giúp việc đang tất bật dọn cơm. Bà chủ nhà đã tắm xong, chạy hơi vội xuống phòng ăn, ăn một chén cơm rồi bê chén thứ hai lên phòng của mình ở lầu 1.

Bà mở tivi, hơi bực mình vì chương trình quảng cáo quá dài. Bà cảm thấy chén cơm ngon hơn khi vừa ăn vừa xem phim truyện truyền hình đang đến hồi gay cấn. Hết bộ phim, bà đi bộ với chị em hàng xóm khoảng 30 phút. Việc vận động này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn cập nhật được nhiều thông tin xảy ra trong khu phố. 9 giờ tối, bà vào phòng, tiếp tục coi phim Mỹ trên kênh HBO để khỏi quên tiếng Anh. Bộ phim bị gián đoạn vì điện thoại reo.

Mấy người bạn của bà hỏi thăm chương trình khuyến mãi tại siêu thị nào đang hấp dẫn nhất. Bà rành chuyện này hơn chuyện con gái bà đang vui hay buồn; rành hơn chuyện ông xã đang ngồi với bạn bè nào, ở đâu. Bà cảm thấy thật khỏe khi không có ai quấy rầy trong phòng riêng. Sau đó bà tự đắp mặt nạ dưa leo lên mặt, mátxa mặt mũi tay chân, chỉnh lại bộ chân mày và không quên làu bàu “không hiểu sao làn da dạo này xuống màu ghê quá!”. Trước khi ngủ, bà gọi điện thoại nội bộ xuống cho người giúp việc nhắc nhở chuyện tiết kiệm điện nước, báo trước ngày mai bà sẽ về nhà trễ…

CẢNH 2

Ông chủ nhà về lúc 23g30, ông ngáp lên ngáp xuống trong lúc chờ người giúp việc ra mở cửa như thường lệ. Ông ra hiệu “đã ăn no rồi” và đi lên phòng riêng tại lầu 2. Ông cũng mở tivi xem bóng đá, quần áo cởi ra vứt bừa trên sàn nhà. Ông ít khi về nhà sớm nên hay lười tắm vào lúc khuya, và cũng không muốn làm phiền đến bà xã vì giờ đó bà đã ngủ rồi (hoặc chưa ngủ – ông cũng không chắc lắm).

Ông mở máy tính để xem tình hình địa ốc thế nào, căn hộ cao cấp đang có giá khuyến mãi ông muốn mua để dành đó, chừng nào thuận lợi thì bán. Chuyện làm ăn của ông là điều bí mật, bà vợ không được dòm ngó vào bởi ông đã nộp cho bà các khoản theo yêu cầu rồi, cụ thể là tiền chợ, tiền học cho con ở trường quốc tế… Điện thoại báo có tin nhắn, người nhắn tin là bà xã: “Ngày mai nhớ về nhà má em, ăn đám giỗ ba vợ của anh”. Ông nhắn lại: “OK! Họp xong anh đến. Đừng chờ”.

CẢNH 3

Ngày hôm sau là sáng chủ nhật, bà chủ nhà vô phòng cô con gái 12 tuổi. Lâu lắm rồi bà mới ghé vô. Nhìn “lãnh địa” của con, bà hết hồn. Quần áo vắt vẻo lung tung, không biết đâu là sạch, bẩn. Trên giường ngổn ngang đủ thứ: băng nhạc, tập vở, truyện tranh… Bà vừa dọn giường vừa suy nghĩ không biết giờ nó đang ở đâu. Nó ít nói chuyện với mẹ, nhưng bạn bè gọi điện tới là tía lia.

Bà mẹ đang lúi húi lau dọn, cô con gái bỗng xuất hiện. Cô nhìn mẹ như vật thể lạ: “Ai bảo mẹ đụng vào đồ đạc của con? Con đâu có tự ý dọn phòng của mẹ. Ủa! Tự nhiên sao mẹ can thiệp vào cuộc sống của con”. Bà mẹ sững sờ mấy giây rồi ngậm ngùi ra khỏi phòng con gái, về phòng riêng mở máy vi tính chat với bạn bè.

Đây không phải là kịch bản của phim truyền hình mà là nội dung sinh hoạt khá thường xuyên tại nhà ông Trần Ngọc Giao, phó giám đốc của một công ty trang trí nội thất (cũng là mô hình gia đình đang phổ biến trong xã hội phát triển). Từ ngày ông phá nhà nhỏ, xây biệt thự cao tầng, căn nhà càng trở thành chốn riêng của các thành viên. Không ai cãi nhau, không ai làm phiền ai nhưng cũng không ai nhớ đến ai. Thời hiện đại, nhà xây vững chắc hơn nhưng nền tảng gia đình lại yếu đi nhiều; thức ăn nhiều hơn, mà ít cảnh gia đình cùng ăn. Niềm vui của mỗi người là ở bạn bè, công việc. Nhiều cặp vợ chồng nhân danh tự do rồi tự nhiên phân chia lãnh thổ để độc chiếm cái thế giới riêng của mình.

Cứ ngỡ là chốn riêng cần được tôn trọng, nhưng khi chốn riêng trở thành… đời riêng thì tình cảm vợ chồng cũng lên mùi… “sầu riêng”.

PHƯ CHU

Leave a Reply